Tương Tác Giữa Chính Sách “thắt Chặt” Và “chặt Chẽ”

Lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Vai trò của Nhà nước đối với hai chính sách trên có khác nhau. Chính sách tài khóa trực tiếp xuất phát từ nhà nước, do nhà nước trực tiếp điều hành. Khi lạm phát tăng cao, trước hết nhà nước phải thực hiện ngay việc thắt chặt chi tiêu của mình bằng việc cắt giảm đầu tư công, cắt giảm chi thường xuyên của ngân sách, giảm bội chi ngân sách. Chính sách tiền tệ cũng do nhà nước điều hành, nhưng chỉ trực tiếp một phần, còn lại phải thông qua thị trường và sự phản ứng của thị trường để tác động tới mục tiêu cần đạt đến.

Mức độ và liều lượng các giải pháp của hai chính sách cũng có sự khác nhau. Đối với chính sách tài khóa, Nhà nước trên cơ sở tính toán kỹ để quyết định cắt giảm bao nhiêu phần trăm số vốn đầu tư từ khu vực này, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cắt giảm bao nhiêu phần trăm chi thường xuyên. Đối với chính sách tiền tệ, Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp bằng việc xác định khung tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán; tỷ giá liên ngân hàng và biên độ giao dịch…; còn tốc độ tăng tín dụng, lãi suất trên thị trường, Nhà nước chỉ định hướng thông qua các loại lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ (thông qua đấu thầu)…

Về tác động của hai chính sách cũng có sự khác nhau. Chính sách tài khóa, nếu nới lỏng bản thân nó không trực tiếp gây ra lạm phát, nhưng là nguyên nhân sâu xa và yếu tố tiềm ẩn của lạm phát, lạm phát sẽ phát tác khi chính sách tiền tệ cũng phải đi theo để cung ứng tín dụng. Chính sách tiền tệ tác động trực tiếp đối với lạm phát, nếu nới lỏng thì lạm phát sẽ tăng, nhưng tăng trưởng kinh tế cũng sẽ cao hơn; nếu thắt chặt thì lạm phát sẽ chậm lại, nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại theo.

Tinh thần của Nghị quyết 11 đối với chính sách tài khóa thì thắt chặt, đối với chính sách tiền tệ thì chặt chẽ, thận trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiệu quan điểm và nhận thức không đúng, đó là về tài khóa thì đâu đó chưa thật thắt chặt, còn về tiền tệ thì lại quá chặt chẽ đến mức thắt chặt.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, việc thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong 7 tháng so với kế hoạch cả năm của một số địa phương khá cao. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lại quá mức chặt chẽ. Cụ thể, một là, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao, đã kéo dài trong nhiều tháng, gây ra hiệu ứng phụ là việc tiếp cận vốn khó khăn, chi phí vay vốn cao, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, tốc độ tăng tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán sau 7 tháng đầu năm rất thấp so với tốc độ tăng theo định hướng cho cả năm (tương ứng là 20% và 14- 15%). Nếu thực hiện đúng tốc độ tăng theo định hướng cả năm, thì những tháng cuối năm lại tăng khá cao, dễ lặp lại tình trạng đầu năm thì thắt quá chặt, cuối năm lại nới lỏng. Vấn đề là phải chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt theo tiến độ từng tháng, quý để bảo đảm mục tiêu cả năm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất đối với toàn hệ thống là chặt chẽ, nhưng nếu tất cả các tổ chức tín dụng đều phải thực hiện cùng với tốc độ và tỷ trọng đó, thì có thể đã ở mức thắt chặt. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại việc chỉ đạo cụ thể này.

Cần chú ý tới vòng tròn lạm phát cao- kiềm chế lạm phát- giảm phát (suy giảm tăng trưởng, đình trệ, thậm chí tăng trưởng âm)- thiểu phát (giá cả sụt giảm)- kích cầu, nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ- lạm phát, đề điều hành chính sách một cách phù hợp.

Minh Ngọc

Từ khóa » Thắt Chặt Hay Thắt Chặt