Tùy Bút – Thể Loại Tự Sự Trữ Tình - Http: //.vn

Tùy bút – Thể loại tự sự trữ tình Ngày xuất bản: 05/01/2022 12:00:00 SA Lượt đọc: 19548

Mỗi năm Tết đến, Xuân về, báo Tết và các chương trình PT - TH của mỗi cơ quan báo chí đều rất cần những thiên tùy bút lay động lòng người để bạn đọc và khán thính giả thả hồn theo những suy tư mà chiêm nghiệm, thư giãn sau chặng đường một năm đầy gian nan thử thách. Đây là lúc mọi người nghỉ ngơi là chính nên báo Tết, báo Xuân cần nhiều bài tổng kết những điều sâu sắc, ý nghĩa, ít mang tính thời sự tức thì, bởi thế có thể ra trước Tết hoặc để sau Tết giở ra đọc vẫn bổ ích, không lạc hậu. Báo Tết là món quà mừng xuân nên chất trữ tình là không thể thiếu để trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn đối với người đọc, người nghe. Tùy bút rất phù hợp với nhu cầu đó.

Ở tỉnh ta, những năm gần đây có phần thưa vắng tùy bút trên báo, đài số Tết và chương trình Tết, có phải vì đó là thể loại khó viết hay chưa được các cây bút trẻ quan tâm? Cũng phải nói thêm rằng, muốn viết tùy bút phải có tâm hồn bay bổng và sâu lắng, giàu cảm xúc trữ tình cùng quá trình trải nghiệm, tích lũy cả một đời cầm bút, cần rất nhiều thời gian để cân nhắc, lựa chọn từng từ, chắt lọc từng ý, với vốn sống phong phú, sự hiểu biết tương đối rộng mới có cái để mà liên tưởng suy ngẫm. Phải có lòng yêu nghề thật sự, giành nhiều thời gian tâm huyết mới ra được một bài tùy bút. Đó là một loại hình nghệ thuật mà các nghệ sĩ biểu hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ, mà đã là nghệ thuật thì cần có sự đam mê, dấn thân đau đớn đến mức: "Năm cung rỏ máu trên đầu ngón tay" như nghệ sĩ chơi đàn mới mong làm mê đắm lòng người; còn như "ăn xổi ở thì" làm báo theo kiểu "mì ăn liền" sẽ khó có được bài tùy bút đúng với tên gọi của nó.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội Báo xuân

Tùy bút là một thể loại khó nhưng không phải quá khó nếu dành cho nó một tấm lòng. Tuy nhiên cũng cần có hiểu biết nhất định về tùy bút. Thực ra tùy bút là một thể loại ký dùng để ghi chép những gì mà người viết quan sát và suy ngẫm về cuộc sống và con người quanh ta trong một khoảnh khắc hay một khoảng thời gian nào đó. Tùy bút, bút ký, ký, nhật ký, ký sự đều được hiểu là loại văn xuôi tự sự giàu chất trữ tình của dòng cảm xúc. Sự việc được kể qua cách nhìn của chủ thể thẩm mỹ phải chân thực có thể có một phần hư cấu nhưng vẫn phải là sự thật. Ví dụ khi viết: Có một người bạn nói với tôi rằng: "Sau 10 năm trở lại quê hương, tôi thật sự ngỡ ngàng và lạc giữa dòng người, dòng xe cùng nhiều con đường mới, phố xá sầm uất, đâu rồi những con đường đá cấp phối lổn nhổn lầy lội năm xưa?"… Thì không cần nói rõ tên tuổi, địa chỉ người bạn đó là ai như trong tin tức và phóng sự, nhưng ý sau miêu tả là phải có thật. Hồi ký, nhật ký, ký sự đòi hỏi người viết chịu trách nhiệm về tính chân thực chính xác của những sự việc, con người trong tác phẩm phải là người thực, việc thực. Tùy bút cũng cần sự chân thực nhưng không bắt buộc quá rành mạch và tỷ lệ thực là bao nhiêu. Đôi khi từ một chi tiết, từ một hiện thực, tác giả làm sửng sốt, gieo vào lòng người đọc làm cho họ từ ngạc nhiên đến vỡ òa hạnh phúc khi hiểu được điều bình dị qua ngòi bút và sự hiểu biết của tác giả đem đến cho họ. Ví dụ khi nhìn hạt ngọc trai lấp lánh trên ngực áo thiếu nữ, người viết liên tưởng đến cả quá trình phiêu lưu của hạt cát vô tình lạc vào miệng con trai, lớn lên cùng năm tháng với biết bao lớp xà cừ bồi đắp để rồi qua bàn tay nghệ nhân biến thành hạt ngọc trên cổ giai nhân làm mê đắm biết bao người. Tùy bút còn làm nổi bật hình ảnh con người trong chính những điều bình dị, lẽ thường, qua đó chủ nghĩa anh hùng không chỉ thể hiện ở chiến trường, trước sự sống và cái chết mà còn hiển hiện khắp nơi trong đời thường, đơn giản như con người có còn là con người không khi có trong tay quyền lực, trước cám dỗ của tiền tài, danh lợi? Sự liên tưởng, thả hồn khi viết cho thấy tùy bút là thể loại viết tùy theo ý thích của tác giả, không cần cốt truyện mà chỉ miêu tả cảm xúc của tác giả về thế sự, con người và những sự việc diễn ra trong đời thực đọng lại những nỗi niềm và day dứt trong lòng mình muốn giãi bày, sẻ chia để nhiều người cùng chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đó là thể ký ghi lại một cách tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết trước hiện thực khách quan một bài tùy bút đăng trên số báo Tết của một địa phương hay ngành nào đó thì phải phản ánh về con người, sự việc ở địa phương ấy trong năm đó. Tùy bút vừa có chất văn học, vừa có tính báo chí. Chất văn thể hiện ở những cảm xúc, suy tư sâu lắng, đa nghĩa, lãng mạn, bay bổng, sự chọn lọc, trau chuốt từ ngữ, câu văn kỹ lưỡng, tinh tế. Chất báo chí thể hiện tính cập nhật, thời sự, phản ánh nhanh tức thì sự việc và con người thực tại. Mạch xuyên suốt bài tùy bút là tư tưởng, cảm xúc của người viết trước một hiện thực, con người, sự việc làm cho người viết xúc động để qua đó mà lay động, chạm tới trái tim người đọc, người nghe. Trong tùy bút, cảm xúc và tri thức của người viết được coi trọng hơn cả. Người viết theo mạch suy nghĩ mà suy tưởng, trần thuật, thả hồn theo dòng liên tưởng mà tưởng tượng, phóng bút theo cảm xúc mà tả người, kể việc một cách sâu sắc bằng những ngôn từ tinh tế, giàu chất thơ. Đọc bài tùy bút, ta không chỉ có được cảm giác đang triền miên giữa dòng cảm xúc đằm thắm, dịu nhẹ, thanh tao mà còn hiểu thêm, ngộ ra biết bao điều mới mẻ, vẻ đẹp ẩn trong cuộc sống quanh ta rất đỗi gần gũi mà không phải ai cũng nhận ra điều bình dị ấy, từ đó gieo vào lòng người đọc khát vọng về hạnh phúc và tương lai. Tùy bút lấy cảm hứng lãng mạn làm chủ đạo, câu chuyện dù hay nhưng kể khô khan, thiếu lãng mạn không thể thành tùy bút. Người không có tâm hồn lãng mạn, đa tình, đa cảm cũng khó viết tùy bút. Tùy bút đòi hỏi phải quan sát, cảm nhận và chắt lọc những điều đang diễn ra rồi bằng tri thức, nhiệt huyết và sáng tạo liên tưởng, tưởng tượng, dự báo… làm sống dậy một cảnh đời, sự việc nào đó. Ví dụ khi ngồi viết bài Tết đang là cuối đông, chưa có hoa đào, mưa xuân, nhưng bằng kinh nghiệm từng trải, người viết phải tưởng tượng ra cảnh vật đó mà miêu tả. Từ tâm hồn và trái tim người viết thổi hồn cho áng văn để rồi truyền cho người đọc cảm hứng mãnh liệt, tin yêu, sôi nổi và hy vọng, có khi là cảm hứng thế sự, đời tư, bi kịch sâu lắng, buồn vui hoặc mang hơi thở sử thi, anh hùng ca gắn với đề tài bài tùy bút. Sự lôi cuốn của tùy bút là bởi sự từng trải, chiêm nghiệm và day dứt của tác giả được hòa đồng với cảm xúc người đọc. Tùy bút vừa tươi mới, vừa trải lòng bằng ngôn từ biểu cảm giàu hình ảnh, nhạc điệu và phóng khoáng, kết hợp suy nghĩ, hồi tưởng và cảm xúc trước một hiện thực bằng trữ tình riêng tư hòa quyện hết liên tưởng này đến liên tưởng khác. Sự việc được kể theo cảm nhận và hiện tượng chủ quan, giãi bày của tác giả. Yếu tố tự sự và trữ tình luôn đan xen hài hòa. Tùy bút có thể viết về đề tài lịch sử, văn hóa, phong tục, thế sự, đời tư, ngoại cảnh hay tâm cảnh, từ quá khứ, hiện tại và tương lai đều là đối tượng phản ánh của tùy bút. Tùy bút khác truyện và ký ở cách kể chuyện êm ái, lắng đọng, linh hoạt, hòa quyện chất thơ và văn xuôi, là văn xuôi nhưng lai láng chất thơ tạo nên vẻ đẹp riêng của tùy bút. Ngôn từ trong tùy bút vừa giàu nhạc tính, giàu hình ảnh, khác xa và có phần đối lập với ngôn từ thể loại chính luận. Giọng văn tùy bút luôn chậm rãi như tâm tình. Cũng kể về những số phận cuộc đời con người trong hiện thực nhưng tùy bút không chú trọng vào diễn biến, trình tự, cốt truyện mà chỉ chú trọng làm nổi bật hình ảnh con người trong một khoảnh khắc, một phút lóe sáng, chỉ là một lát cắt trong chuỗi hành trình của con người, trong đó đan xen những suy tư, bình phẩm hay ca ngợi để làm nổi bật con người. Trong tùy bút, tác giả luôn thể hiện cái tôi suy ngẫm của nhân vật trữ tình. Tùy bút thường tái hiện cảm xúc nội tâm của con người đan xen nhiều cung bậc cảm xúc. Có khi là cảm xúc trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ hoặc trước những con người nhân hậu, bình dị mà phi thường trước một thử thách ngặt nghèo, trước một thành tựu tưởng như không thể mà lại có thể làm nức lòng xao xuyến cả triệu trái tim cũng có khi là cảm xúc phức tạp bởi nỗi ám ảnh qua một trận thiên tai, đại dịch…

Tùy bút là thể loại tự sự viết về người thực, việc thực, những điều mắt thấy tai nghe đọng lại trong lòng tác giả cùng với vốn sống, sự hiểu biết tường tận, sâu xa được rung lên bởi một trái tim trữ tình giàu cảm xúc, qua đó hiện thực và con người tuôn chảy qua ngòi bút dạt dào thấm đẫm chất thơ và nhạc điệu.

Đọc tùy bút, ta dễ bị cuốn hút vào những thứ đôi khi lộn xộn, loằng ngoằng của tri thức mới mẻ, của câu chữ phóng khoáng mới lạ. Đọc thấy hay và cuốn hút nhưng xong rồi lại chẳng thể nhớ được là bao bởi nó không có cốt truyện để ta nhớ, không thắt nút, mở nút, không có cao trào xung đột như truyện. Nội dung sự vật, sự việc càng sâu sắc, nhiều thông tin hiếm và mới, cùng với nghệ thuật dùng từ, viết câu văn hay và đẹp làm nên cái chất riêng có của tùy bút. Để viết được tùy bút cần yêu nghề, đọc nhiều biết nhiều, hiểu rộng, kiến thức uyên thâm, vốn ngôn từ phong phú, nghiêm túc với bạn đọc và nâng niu chắt lọc từng từ mới mong có được thiên tùy bút như ý, sống mãi với thời gian và trong lòng bạn đọc.

Ngân Hà

CÁC TIN KHÁC

  • Quyền riêng tư: Nhà báo phải cân nhắc
  • Công nghệ số: “Lời giải” mới để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí
  • Để tạo 'tường phí' cần một cỗ máy sáng tạo nội dung chất lượng cao
  • Báo chí cần hướng đi riêng trong sản xuất video tin tức
  • Báo chí nâng cao năng lực đấu tranh, phản biện; làm tốt sứ mệnh là “vũ khí sắc bén” của Đảng, của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới
  • Để chuyển đổi số lĩnh vực phát thanh được thực chất, toàn diện và bền vững
  • Phát triển nội dung số của cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay
  • Đội ngũ “nhà báo số”: Sự cấp thiết của thời cuộc
  • Báo chí với nhiệm vụ truyền lửa truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ
  • Câu chuyện lựa chọn, sử dụng chi tiết
  • 1-10 of 176

    Từ khóa » Em Hiểu Thế Nào Là Thể Loại Tùy Bút