Tuyến đường Dầu Giây - Cầu Sập: Nỗi ám ảnh Của Tài Xế Trên QL1A

Quá tải quốc lộ 1A

Mỗi ngày hai chuyến đi về, anh Linh chở củi từ các huyện vùng xa của tỉnh Đồng Nai cung cấp chất đốt cho lò hơi ở huyện Củ Chi (TPHCM), cho biết: “Trên đoạn đường này các xe khách Bắc - Nam, xe từ Lâm Đồng về, xe container từ các khu công nghiệp, xe máy của công nhân đều phải tập trung qua đây, xe ngày càng nhiều, nhưng mỗi chiều chỉ có 1 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp. Xe không có đường chạy, tai nạn thì xảy ra thường xuyên vì ô tô, xe máy chạy chung một làn đường”.

Phải đi qua QL1 đoạn từ ngã tư Dầu Giây đến TP Biên Hòa, mới thấy hết nổi ám ảnh của tài xế. Vào giờ cao điểm hàng đoàn xe buýt chở công nhân vào, ra các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bom, TP Biên Hòa. Tài xế Nguyễn Văn Tuấn lái xe đưa rước học sinh cho hay: “Giao lộ đường Điểu Xiễn với QL1 thường xuyên kẹt xe, bất cứ giờ nào, hễ có xe container ra vào ngã ba là tắc nghẽn giao thông”.

32 km, 40 vụ TNGT, 34 người chết/năm

Các tài xế phải lái xe trên tuyến quốc lộ 1A từ TP Biên Hòa về hướng TX Long Khánh đều ngán ngẩm vì đoạn đường này xe đông, mất an toàn do xe máy, ô tô chạy chung một làn đường. Ông Nguyễn Văn Hòa, tài xế xe tải chuyên chở hạt điều từ tỉnh Bình Phước đi về Đồng Nai cho biết, lái xe trên quốc lộ 1 từ TP Biên Hòa đến thị xã Long Khánh rất áp lực, đường quá chật lại đông xe, xe máy đi chung làn đường với xe ô tô nên dễ xảy ra tai nạn.

Nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ GTVT là cần mở rộng tuyến đường này. Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, QL 1A qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 102,5km đã được Bộ GTVT cải tạo nền mặt đường nhưng mặt cắt ngang không được mở rộng, mỗi chiều đường chỉ có 1 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn cho xe 2- 3 bánh lưu thông, trong khi lưu lượng hoạt động của các phương tiện giao thông ngày càng tăng nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là đoạn từ ngã tư Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất đến cầu Sập thuộc TP Biên Hòa. Năm 2016 trên đoạn đường 32 km này xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông làm chết 34 người, 22 người bị thương. Bình quân 1km đường xảy ra 1,25 vụ tai nạn giao thông, 1,06 người tử vong.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn từ Dầu Giây - cầu Sập vào khoảng 55 ngàn lượt ô tô/ngày đêm; gần 120 ngàn lượt mô tô/ngày đêm, trong khi đó mặt đường quốc lộ lại rất hẹp. “Đường hẹp không thể làm dải phân cách cho xe 2 bánh đi riêng nên người chạy xe máy thường xuyên đi vào làn của xe ô tô. Tai nạn giao thông trên đoạn đường này phần lớn là xe máy đi vào phần đường của xe ô tô xảy ra va chạm” - ông Liêm nói.

Trước kiến nghị của tỉnh Đồng Nai về việc mở rộng đoạn 32km QL1A, mới đây trong buổi làm việc của Bộ GTVT với tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư - Bộ GTVT cho rằng, kiến nghị của Đồng Nai về việc mở rộng tuyến quốc lộ 1 đoạn từ Dầu Giây đến chợ Sặt không được thực hiện do Bộ đang chuẩn bị xây dựng tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và khi hoàn thành sẽ nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, lúc đó sẽ giảm tải được lượng xe trên tuyến quốc lộ 1.

Lý do này theo ông Liêm là chưa hợp lý, bởi hiện tại tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào sử dụng mấy năm qua nhưng lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn này vẫn rất đông và thường xuyên kẹt xe. “Có thể các cơ quan chuyên môn của Bộ đánh giá lưu lượng xe chưa xem xét kỹ đến vấn đề phát triển công nghiệp của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành lân cận. Kể cả khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành thì nhiều xe vẫn tập trung đi trên quốc lộ 1 đoạn này” - ông Liêm lý giải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng các cơ quan chuyên môn của Bộ cần phải tiếp thu kiến nghị của Đồng Nai và xem xét phương án mở rộng tuyến quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây -cầu Sập. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Vụ Kế hoạch - Đầu tư cần xem xét kỹ kiến nghị này, bởi đây là vùng kinh tế phát triển lưu lượng xe rất đông. Việc mở rộng đường để phục vụ phát triển kinh tế là rất cần thiết”.

Mạnh Thắng

Từ khóa » Cầu Sập đồng Nai