TUYỂN SINH LỚP 10: Thông Tin Chung Về Trường THPT Trưng Vương

PHẦN 1: TÌNH HÌNH CHUNG

1. Đặc điểm, tình hình:

  • Từ địa bàn trường, phần lớn học sinh là con trong gia đình lao động, buôn bán và công chức viên chức nhà nước.
  • Sở Giáo dục và Đào tạo quản lí hoạt động nhà trường. Chính quyền địa phương (phường Bến Nghé, Quận 1) hỗ trợ nhà trường trong công tác an ninh, an toàn trường học.
  • Trường có cải tạo, sửa chữa nhỏ hàng năm để đảm bảo môi trường sư phạm tốt nhất có thể cho hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.

2. Cơ cấu tổ chức:

Trường có 116 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% CB – GV đạt chuẩn.

  • Ban lãnh đạo: Hiệu trưởng và 2 phó Hiệu trưởng
  • Chi bộ Đảng: Chi bộ trường Trưng Vương trực thuộc Đảng bộ Quận 1, có 32 đảng viên. Cấp ủy gồm 05 đồng chí gồm Bí thư Chi bộ, phó Bí thư Chi bộ và 03 chi ủy viên.
  • Tổ chuyên môn : 11 tổ chuyên môn và 1 tổ HCQT (văn phòng).
  • Đoàn thanh niên: thuộc Quận đoàn 1 và Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT. Đoàn trường có 02 Trợ lí Thanh niên là giáo viên. Bí thư Đoàn trường là học sinh.
  • Tổ chức Công đoàn: thuộc Công đoàn ngành Giáo dục thành phố.
  • Tổ chức Ban đại diện Cha Mẹ học sinh của trường: Gắn bó, đồng hành và ủng hộ nhà trường trong các chủ trương, tổ chức dạy và học.

3. Cơ sở vật chất:

  • Trường có 45 lớp với 1941 học sinh gồm: 15 lớp 10; 15 lớp 11; 15 lớp 12.
  • Có 03 phòng thực hành thí nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học; 02 phòng học máy vi tính thực hành Tin học ; 1 thư viện ; 5 phòng nghe nhìn có trang bị bảng tương tác ; 1 hội trường ; 1 sân thể thao ; 1 nhà ăn cho học sinh bán trú.
  • Mỗi lớp 1 phòng học. Trang bị phục vụ dạy và học tại mỗi lớp: Có 45 phòng học khối 10, khối 11 và khối 12 được trang bị âm thanh và màn hình LCD phục vụ giảng dạy;
  • Thư viện: trang bị máy tính; kết nối mạng Intrnet để truy cập các thông tin;
  • Khu vệ sinh (Dãy D) được sửa chữa nâng cấp đẹp – hiện đại, bằng sự phối hợp của nhà trường và nguồn hỗ trợ của PHHS các khối lớp.
  • Toàn trường được trang bị hệ thống camera an ninh ở tất cả các khu vực.
  • Nhà trường tăng cường các bồn rửa tay ở sân trường và nước rửa tay sát khuẩn nhanh cho HS ở từng lớp học.
  • Cảnh quan sân trường giữ nét kiến trúc truyền thống và vẫn đảm bảo môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Tuy nhiên, hiện nay, trần của một số khu vực bị thấm; một số khu vực mặt tiền cũng bị thấm; nhà trường đã đề nghị được sửa chữa, tu bổ.
  • Nhà trường đang thực hiện hồ sơ xếp hạng di tích văn hóa lịch sử của Thành phố.

4. Danh hiệu đạt được:

  • Tập thể Lao động Xuất sắc cấp thành phố liên tục.
  • Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen nhiều năm liền;
  • Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
  • Huân chương Lao động hạng Ba;
  • Huân chương Lao động hạng Nhì.

5. Đánh giá:

  • Trong bối cảnh giáo dục đang chuyển mình, trong tình hình giáo dục hiện nay, nhà trường đã nỗ lực, lấy mục tiêu là sự phát triển và chất lượng thực sự làm trọng. Nhà trường có sự đầu tư phù hợp, để mang lại hiệu quả tốt nhất trong giáo dục HS.
  • Đội ngũ GV có kế thừa về chuyên môn tốt; yêu thương, quan tâm chăm lo cho HS.
  • Nhà trường quan tâm đến giáo dục kỉ luật học đường – giáo dục đạo đức tác phong cho HS trong thời kì mới, từ đó làm tiền đề để hướng đến chất lượng, hiệu quả, kết quả học tập. Nhà trường luôn cập nhật tình hình mới, có những chủ trương, tổ chức phù hợp để hướng đến kết quả tốt nhất của HS, đáp ứng về mặt tâm lí, cảm xúc và chất lượng thực sự cho HS.
  • Đa số HS có ý thức cao về thái độ học tập, rèn luyện kỷ luật; về uy tín danh dự cá nhân và ngôi trường mang tên Hai Bà Trưng.
  • Nhà trường quan tâm đến những HS có hoàn cảnh khó khăn:

- Theo chế độ của nhà nước hiện hành, miễn giảm học phí cho HS khó khăn, thực hiện theo văn bản hướng dẫn.

- Nhà trường đã xây dựng 1 nguồn quỹ Khuyến học, không kêu gọi PHHS đóng góp đại trà, mà nguồn tiền này, nhà trường tích lũy từ sự hỗ trợ tự nguyện của các cá nhân, của các đối tác… và dùng khoản tiền này để chi hỗ trợ chi phí học tập cho HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

PHẦN 2: TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRONG NHÀ TRƯỜNG

Trường được tổ chức dạy học 2 buổi. Có tổ chức bán trú cho học sinh.

I. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC:

1. Thực hiện chương trình môn học:

Nhà trường áp dụng Chương trình và Sách Giáo Khoa ban Cơ bản. Tổ chức cho học sinh đăng kí và xếp lớp theo nhóm môn của các khối thi A, A1, B, C, D, D7: tăng cường số tiết các môn theo khối giúp học sinh củng cố và nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng.

  • Khối A: tăng thêm tiết các môn TOÁN – VẬT LÝ – HÓA HỌC
  • Khối B: tăng thêm tiết các môn TOÁN – HÓA HỌC – SINH HỌC
  • Khối A1: tăng thêm tiết các môn TOÁN – VẬT LÝ – TIẾNG ANH
  • Khối D: tăng thêm tiết các môn TOÁN – NGỮ VĂN – TIẾNG ANH
  • Khối D7: tăng thêm tiết các môn TOÁN – HÓA HỌC – TIẾNG ANH
  • Khối C: tăng thêm tiết các môn NGỮ VĂN – LỊCH SỬ – ĐỊA LÝ

2. Tổ chức hoạt động dạy – học 2 buổi/ngày với nhiều hình thức:

  • Tổ chức hoạt động dạy học tăng cường một số tiết theo môn: các tiết dạy luyện tập, củng cố, nâng cao để bổ sung kiến thức, kỹ năng các bộ môn theo khối thi: khối A, A1, B, D, D7, C (các môn như phần trên)
  • Tổ chức hệ thống các chuyên đề các bộ môn cho học sinh đăng ký học vào các buổi còn trống trong TKB.
  • Các hoạt động câu lạc bộ học thuật, rèn luyện thể chất như: Câu lạc bộ Tiếng Anh; Câu lạc bộ Tiếng Nhật; Câu lạc bộ Vật lí; Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật; Câu lạc bộ Hóa học; Câu lạc bộ Báo chí – Truyền thông; Câu lạc bộ Võ thuật; Câu lạc bộ Nhiếp ảnh; Câu lạc bộ Môi trường; Câu lạc bộ Kịch; Câu lạc bộ Tranh biện.
  • Học các chuyên đề kỹ năng, hướng nghiệp do Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng giảng dạy và các báo cáo viên được mời về theo từng chuyên đề.
  • Tổ chức ngoại khoá và các buổi học tập trải nghiệm bên ngoài nhà trường và tại trường như: ngoại khoá các tổ bộ môn, ngày hội trải nghiệm các môn....
  • Tổ chức dạy phụ đạo học sinh yếu nhằm tạo điều kiện cho học sinh được củng cố, ôn tập kiến thức, rèn kỹ năng làm bài, vận dụng bài, kỹ năng cơ bản, cải thiện kết quả học tập.
  • Tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh NCKH: chú trọng bồi dưỡng và nâng cao năng lực cá nhân; các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi được các Tổ bộ môn phân công giáo viên phụ trách và thực hiện lịch bồi dưỡng, ôn luyện, tham gia các cuộc thi cấp TP: học sinh nhận thông báo từ các tổ bộ môn, GV phụ trách lớp; có một số chế độ khen thưởng, điểm số khi học sinh tham gia học, thi và đạt giải….

3. Tổ chức học ngoại ngữ:

Chương trình dạy tiếng Anh tăng cường; chương trình dạy học với giáo viên nước ngoài; chương trình tăng cường môn tiếng Nhật, tiếng Pháp, …

  • Lớp học Ngoại ngữ 1 Tiếng Nhật: học sinh đã học Tiếng Nhật ở THCS của các trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Võ Trường Toản. Thực hiện lấy điểm số trong sổ điểm và học bạ THPT.
  • Lớp tiếng Anh tăng cường: ngoài các tiết Tiếng Anh theo chương trình ở lớp, học sinh học tăng cường thêm các tiết Tiếng Anh theo giáo trình SmartTime. Có kiểm tra và thi mỗi học kì, ghi học bạ tăng cường tiếng Anh riêng.

Điều kiện đăng kí:

    • Học sinh đã học Tiếng Anh tăng cường ở THCS (làm đơn theo mẫu, khi đăng kí mang theo học bạ tăng cường tiếng Anh ở THCS).
    • Học sinh không học Tiếng Anh tăng cường ở THCS muốn đăng kí học, làm đơn theo mẫu, khi đăng kí nộp kèm các chứng chỉ ngoại ngữ: PET, FCE; TOEFL Junior
  • Lớp tiếng Nhật, tiếng Pháp cơ bản: học sinh tự nguyện đăng kí, bắt đầu học từ đầu, học thêm 1 ngoại ngữ là tiếng Nhật hoặc tiếng Pháp. Học sinh được tham gia hoạt động CLB tiếng Nhật, giao lưu với các trường và HS Nhật Bản… Không thực hiện điểm số trong sổ điểm và học bạ.
  • Tổ chức lớp học Chương trình IETLS cho HS có nhu cầu và tự nguyện đăng kí. Có hệ thống kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào và tổ chức thi lấy chứng chỉ riêng.

II. HOẠT ĐỘNG BÁN TRÚ:

1. Trường có tổ chức bán trú cho học sinh có nhu cầu ăn và ngủ buổi trưa.

  • Sau khi học xong các tiết học buổi sáng, vào lúc 11 giờ 25’, học sinh tập trung tại các khu vực ở căn-tin và gần căn-tin để ăn trưa dưới sự quản lý của thầy cô phụ trách.
  • Sau khi ăn, học sinh di chuyển lên các phòng để ngủ trưa.
  • Thời gian ngủ trưa của học sinh: từ 11 giờ 50’ đến 13 giờ 10’ theo hiệu lệnh chuông và có GV quản lý bán trú trong các khu vực ngủ đã được phân chia nam, nữ riêng.
  • Phụ huynh thực hiện đăng kí theo mẫu đơn, nộp chung khi nộp hồ sơ.

2. Học sinh không tham gia bán trú có nguyện vọng ở lại trưa trong trường:

Nhà trường có bố trí khu vực để học sinh nghỉ ngơi, học sinh làm đơn cam kết thực hiện việc giữ vệ sinh, an ninh trật tự trong giờ nghỉ và tự bảo quản vật dụng cá nhân.

Tuy nhiên trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhà trường khuyến cáo, nếu không đăng kí bán trú, phụ huynh nên đưa con về nhà nghỉ trưa để đảm bảo an toàn vệ sinh cá nhân.

III. MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NỘI QUY – KỶ LUẬT:

1. Thời gian học:

Học sinh học 2 buổi trong ngày, TKB học vào 5 buổi sáng và 3 buổi chiều; 5 buổi sáng và 4 buổi chiều (với các lớp có tăng cường tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp)

Sáng: học sinh có mặt trước 6 giờ 50’, ra về lúc 11 giờ 25’.

Chiều: học sinh có mặt trước 13 giờ 25’, ra về lúc 17 giờ 00’.

2. Thực hiện quy định chung:

  • Cặp sách: Mang cặp sách học sinh bằng da hoặc simili, không viết hay vẽ trang trí bên ngoài cặp.
  • Trang phục:

Khi làm hồ sơ nhập học, học sinh thử size các loại đồng phục, ghi size và số lượng lên phiếu, sau đó di chuyển qua phòng đăng kí mua. Chú ý tính toán số lượng đồng phục cần mua để mặc đủ trong cả năm học vì nhà trường không cung cấp trong năm.

Học sinh mặc đồng phục thể dục trong giờ Thể dục, Quốc phòng và trong những ngày tập trung theo quy định của nhà trường.

Đối với nữ sinh:

  • Sáng thứ Hai và sáng thứ Năm trong tuần mặc bộ áo dài trắng, phù hiệu may (dán) chắc chắn vào ngực áo bên trái.
  • Học sinh mặc áo dài trắng trong suốt buổi học sáng, trừ những lớp có giờ học Thể dục, Quốc phòng.
  • Quy định may áo dài trắng nữ sinh: Học sinh may áo dài theo kiểu truyền thống, kín đáo, không cách tân: áo dài có cổ, tay dài; không may quần lưng xệ; không chừa khoảng hở eo quá cao (giữa phần xẻ tà áo và lưng quần); ống quần có độ rộng từ 25cm trở lên.
  • Các buổi học khác trong tuần mặc bộ váy áo theo mẫu quy định của nhà trường, váy dài qua khỏi đầu gối, áo phải đủ độ dài để bỏ vào váy, phù hiệu may (dán) chắc chắn vào ngực áo bên trái; mang nơ theo quy định.
  • Mang giày bít hai đầu, đế bằng cao không quá 05 cm.
  • Tóc mái không che phủ mắt, không cắt model, không nhuộm màu, không xịt keo, không vuốt gel; không trang điểm, không sơn móng tay-móng chân, không đeo trang sức.

Đối với nam sinh:

  • Mặc áo sơ mi trắng, quần tây xanh dương đậm; phù hiệu may (dán) chắc chắn vào ngực áo bên trái; thắt cravat đúng quy định.
  • Học sinh mặc áo trắng, quần tây trong suốt buổi học sáng, trừ lớp có giờ học Thể dục, Quốc phòng.
  • Áo sơ mi trắng (không tự ý in vẽ các loại phù hiệu), phù hiệu may (dán) chắc chắn vào ngực áo bên trái; thắt cravat đúng quy định.
  • Quần tây xanh dương đậm (không mặc quần jean), áo bỏ vào quần, mang dây nịt, không mặc quần lưng xệ. Phải bỏ áo vào quần cho đến khi ra khỏi khu vực cổng trường.
  • Mang giày bít hai đầu.
  • Tóc cắt ngắn gọn, không cầu kì, không nhuộm màu, không xịt keo, không vuốt gel, không bấm lỗ tai, không đeo đồ trang sức.

IV. VỀ TÀI CHÍNH

  • Nhà trường thực hiện thu – chi theo văn bản quy định và hướng dẫn về tài chính của Bộ, của thành phố và của Sở GD&ĐT TP.HCM. Quy định này được triển khai hàng năm.
  • Các khoản thu theo quy định: Học phí công lập, học phí buổi 2, tổ chức bán trú…
  • Mỗi học sinh sẽ có mã định danh và sẽ được đóng học phí qua hệ thống ngân hàng online. (Có hướng dẫn riêng).

Chú ý: Phân biệt Khoản thu theo quy định và Khoản thu cá nhân (ví dụ HS có đăng kí bán trú, cơm trưa…). Phụ huynh không nhầm lẫn và cho rằng học phí cao khi có cả tiền bán trú – ăn trưa bán trú… và các khoản mua sắm vật dụng cá nhân, đồng phục đi học.

PHẦN 3: VỀ TÌNH HÌNH TUYỂN SINH LỚP 10

NĂM HỌC 2020-2021:

- Điểm trúng tuyển: NV1: 35 – NV2: 35.25 – NV3 : 35.25

- Thủ khoa tuyển sinh vào lớp 10: Em Phan Thanh Thúy Hằng - Điểm trúng tuyển: 44.25

- Số liệu thống kê kết quả tuyển sinh:

    • Số lượng học sinh: 683 HS (có 05 HS tuyển thẳng + 678 HS trúng tuyển)
    • Điểm cao nhất: 44.25
    • Điểm sàn: có 24 HS có điểm sàn là 35 điểm
    • Điểm bình quân thấp nhất của mỗi môn là 7.0 điểm
    • Tỷ lệ điểm HS từ 39 điểm trở lên: 23.2%
    • Tỷ lệ điểm HS từ 37 điểm trở lên: 60.3%

NĂM HỌC 2019-2020:

- Điểm trúng tuyển: NV1: 32 – NV2: 32.75 – NV3: 33.75

- Thủ khoa tuyển sinh vào lớp 10:

Em Phạm Hồng Diễm Quyên - Điểm trúng tuyển: 43

Em Đoàn Thị Lan Anh - Điểm trúng tuyển: 43

- Số liệu thống kê kết quả tuyển sinh:

    • Số lượng học sinh: 661 HS (4 HS tuyển thẳng + 657 HS trúng tuyển)
    • Điểm cao nhất: 43
    • Điểm sàn: có 25 HS có điểm sàn là 32 điểm
    • Tỷ lệ điểm HS từ 37 điểm trở lên: 26.8%
    • Tỷ lệ điểm HS từ 35 điểm trở lên: 51.9%

NĂM HỌC 2018-2019:

- Điểm trúng tuyển: NV1: 34.75 – NV2: 35.75 – NV3: 36.75

- Thủ khoa tuyển sinh vào lớp 10: Em Trần Đình Anh Minh - Điểm trúng tuyển: 45.75

- Số liệu thống kê kết quả tuyển sinh:

  • Số lượng học sinh: 622 HS (3 HS tuyển thẳng + 619 HS trúng tuyển)
  • Điểm cao nhất: 45.75
  • Điểm sàn: có 24 HS có điểm sàn là 34.75 điểm
  • Tỷ lệ điểm HS từ 39 điểm trở lên: 31.0%
  • Tỷ lệ điểm HS từ 37 điểm trở lên: 58.9%

Từ khóa » đặc điểm Học Sinh Lớp 10