Tuyển Tập Bài Viết Của Bửu Đình

Nhân Trắc Học Trang chủ Diễn đàn > HỘI THẢO & TRAO ĐỔI KIẾN THỨC KHOA HỌC - DỊCH HỌC - MINH TRIẾT - PHẬT PHÁP > TRAO ĐỔI KIẾN THỨC VỀ DỊCH HỌC ĐÔNG PHƯƠNG > Trao đổi kiến thức về Tử Vi > Tuyển tập bài viết của Bửu Đình

Thảo luận trong 'Trao đổi kiến thức về Tử Vi' bắt đầu bởi cauberacroi, 21 Tháng tư 2009.

  1. cauberacroi

    cauberacroi New Member

    Tham gia ngày: 21 Tháng bảy 2008 Bài viết: 36 Điểm thành tích: 0
    THIÊN PHỦ là gì? vNHÀ TO LỚN, KHO TÀNG * THIÊN PHỦ là đại diện cho các từ như dinh, thự, viện, đền, đài, toà, nhà thờ, chùa, doanh trại, phủ đệ… Nói chung ngôi nhà lớn. Nói THIÊN PHỦ là nhà to lớn là quá dễ nhưng từ THIÊN PHỦ đoán được đó là ngôi chùa, nhà thờ tộc, là cái chợ, là thư viện, là đồn bót… mới khó. * THIÊN PHỦ còn chủ cái kho như Ngân khố quốc gia, Tổng kho đến nhỏ bé như cái rương, cái tủ, cái túi, cái ví thậm chí chẳng có tiền. Tuỳ thuộc Hung, Cát tinh, và nhóm sao tầm quan trọng. * Người có sao THIÊN PHỦ thủ MỆNH, ĐIỀN mà thấy nhà chẳng ra phủ, ra phòng, không có gì để làm kho. Là bị phá cách bởi Tam Không. Vì vậy THIÊN PHỦ cần gặp LỘC TỒN (kho tài lôc) mới hay, dĩ nhiên cần gặp VŨ KHÚC chủ tài lộc, để chỉ đây là cái kho chứa tiền của. Nếu thấy MỆNH ĐIỀN HẠN có sao nầy mà nhà cửa chẳng ra dinh thự thì đừng nghi oan cho ông ấy (tức THIÊN PHỦ xem tiểu mục người già ở dưới) chẳng qua là bị phá cách hoặc bị phản tác dụng mà thôi. vPHỦ DỤ, BẢO BAN, VỖ VỀ, AN ỦI, VUỐT VE...: * Hiệu triệu, phủ dụ, báo ban...Nói chung dùng lời nói của kẻ trên để trấn an, bảo ban đến an ủi, vỗ về kẻ dưới có tính tương trợ là THIÊN PHỦ. So sánh với CỰ MÔN chủ phản đối, THIÊN CƠ chủ cật vấn thì THIÊN PHỦ hay hơn nhiều. Một THIÊN PHỦ tốt là ấm áp trong vòng tay, kẻ ôm qua người khoát lại (trông thấy phát ghen tị) hai mắt cùng thấy, hai lòng cùng ưa. Nhưng khi mất tác dụng, phản tác dụng mang ý phũ phàng như “Ai cần mày an ủi?”. Hoặc bị phụ rẫy. Cũng là phủ thôi nhưng chuyển từ dấu hỏi sang dấu ngã, hoặc sang dấu nặng. Từ vỗ về biến thành trái đấm, từ vuốt ve chuyển thành cào cấu, từ êm ái biến thành dọa dẫm… Cũng THIÊN PHỦ thôi, bị phản tác dụng mất rồi. Những lời hiệu triệu không còn giá trị nữa. Những lời phủ dụ không còn phỉnh phờ ai được nữa. vQUẢN LÝ TIỀN CỦA, TÀI SẢN * Có năng lực quản lý tài sản hoặc thiếu, hoặc yếu năng lực, hoặc chẳng có năng lực quản lý cũng là đây, tùy thuộc các Hung, Cát, Trợ tinh tụ tập để luận đoán. Vì sao THIÊN PHỦ phải quản lý tài sản vì dễ thất thoát (chạy ra ngoài do sao THẤT SÁT nó dòm ngó, chôm được là chôm liền) do kẻ bên trong, hoặc bên ngoài gây ra. Như vậy THIÊN PHỦ kẻ quản lý trong phạm vi hẹp gia đình là kẻ giữ tiền. Đến đây tôi biết rất rõ có kẻ than rằng: Oan cho tui quá Bửu Đình ơi!. Trường hợp của bạn bị phản tác dụng bị người khác quản lý tiền. Coi chừng nhé không đủ tiền xăng dầu để đi chơi xa, lấy đâu đủ tiền đền bánh tráng (bánh đa). Đúng chưa nào. * Khi nhìn một vấn đề, thì trước mắt cần sự hỗ trợ. Ta đang bàn đến vấn đề 'quản lý' của THIÊN PHỦ tốt là cần sự hỗ tương như có LIÊM TRINH mới hay. Nếu không được hỗ tương còn bị mất tác dụng tức là yếu kém. Còn bị phản tác dụng, tức tác dụng ngược (ngoài ý muốn của người có dễ đâm ra hoang mang TỬ VI sai, đúng chưa?) tức là "bị quản lý" bởi tài sản. Chưa kể phản tác dụng còn là nguy hại vì can tội để thất thoát tài sản (quốc gia, tập thể, công ty, gia đình) nguy cơ đứng trước tòa rất rõ. Ví dụ nhỏ là "Nhịn ăn, nhin mặc mua máy vi tính cho mầy học. Tại sao đem bán tiêu sài?". Ví dụ to đọc trên báo chí thiếu chi. Vấn đề muốn biết làm thế nào để biết mất tác dụng, khi nào bị phản tác dụng. Đúng chưa? Đọc đi rồi sẽ hiểu… còn dài mà. vBẢO TRỢ, CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG Bộ PHỦ TƯỚNG là bộ sao chủ bảo trợ, bảo vệ chăm sóc, nuôi dưỡng… Lợi cho sự nuôi trồng, con nuôi, vật nuôi… Dĩ nhiên là phải xét đến mất tác dụng và phản tác dụng. Cho nên nuôi con gà chết theo H5N1, nuôi con tôm chết theo dịch, nuôi con gái… vẫy, vẫy phải Công An. Công An vẫy vẫy chỉ vào trong khám. THẤT SÁT còn là cái khám đấy. * Tốt là nuôi dưỡng (vật nuôi, cây trồng, người…) thành công, hiếu thảo, chăm sóc phụng dưỡng người già, người thân. Gieo trồng ân tình, ân nghĩa là thực dân tốt. (nói đến thực dân, có người nghĩ đến thực dân Pháp, đâm ra ngao ngán, thực dân mà tốt chi). Đó là ta "bị" thực dân còn đây ta đang bàn ta "được thực dân", ta nên gieo trồng ân đức, gieo niềm tin, gieo trồng người. Dĩ nhiên có người gieo trồng việc ác, việc xấu… * Xấu là ta bị thực dân, ta bị ai đó gieo vào lòng ta những tư tưởng tay sai, bao che cho ta làm điều xấu xa, trợ giúp ta làm điều bại hoại, ta sống dưới ô dù kẻ xấu, ta núp dưới cái bóng của kẻ ác, ta tiếp tay, ta tương trợ, ta là kẻ giấu mặt làm điều xấu xa, kẻ bịt mặt gây tội ác. Xấu nữa là gì? Chính bạn là kẻ bao che, còn nặng tội hơn là kẻ được bao che làm việc xấu, việc ác… Mà dù THIÊN PHỦ núp kín ở đâu cũng dễ bị lộ, che kín mít cũng dễ bị loài đuôi, sơ hở vấn đề thời gian mà thôi. * Phức tạp là dễ nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Dễ gặp là chẳng phụng dưỡng người thân cho tròn chữ hiếu. Một vấn đề rất dễ nhưng khó thực hiện. Vậy thì nuôi gì được nấy kể cả nuôi chí căm thù, trồng gì gặt nấy như quan niệm xưa nay. Có đúng thế không? Không đâu, xin nhớ cho là nuôi, trồng chắc chi có kết quả. Có kết quả chắc chi đã gặt được. Điều quan trọng nên nuôi trồng cái gì mình thích, vô hại với người khác còn gặt hái không nên bận tâm. vMÁI ẤM TÌNH THƯƠNG: Mái ấm là THIÊN PHỦ chủ nhà lớn che chở. Tình thương là THIÊN TƯỚNG chủ trợ giúp, thương yêu. Cả 2 sao còn chủ sự vuốt ve, vỗ về an ủi, trợ giúp lẫn nhau. Cho nên có câu: “PHỦ TƯỚNG triều viên thiên chung thực lộc”. Tức là có ngàn chung thóc để ăn, thật ra có thể đúng với người nầy và sai với nhiều người khác, đó là lối nói thậm xưng. Nói chung là không lo đói có của để ăn, đa phần là nhờ sự trợ giúp của ai đó. Cá biệt bị phá cách mái chẳng ấm, tình chẳng ai thương. Bị bỏ rơi, bị ghen ghét chẳng ai tương trợ. vKẺ CHỤP MŨ và bị chụp mũ. * Tốt là chụp mũ người, xấu là bị người chụp mũ. Phức tạp là hôm nay chụp mũ người ngày mai bị chụp lại y như thế, hay là hôm nay bị chụp mũ ngày mai được chụp lại. Nghiên cứu về cách chụp mũ thì nhiều vô số kể. Những cái mũ khó thừa nhận là phản quốc, hại dân, hại nước… Thế nên cuộc đời có lắm vui buồn. Có khi bị gọi là giặc, có thời kỳ lại là gian hùng, có thời là anh hùng, loay hoay lại bị gọi là giặc. Vì THIÊN PHỦ dễ gặp sao Lịch sử đó là VŨ KHÚC và bộ sao nầy hình thành đa dạng, đâu phải đứng yên tại Tý Ngọ để mà có nhận xét nhất quán. vKẺ BỊT MẶT: * Do THIÊN PHỦ là sao chủ che đậy và luôn luôn kết hợp với THIÊN TƯỚNG là sao chủ trợ giúp, trong trợ giúp có lúc không muốn ra mặt phải che đậy, phải dấu tên, phải bịt mặt… Tốt là hiệp sỹ Zorro, Long Hình Quái Khách, kẻ dấu tên… Giúp người không cần trả ơn. Xấu là Nịna, kẻ nặc danh, kẻ ném đá dấu tay, kẻ đội lốt, bọn 3 chữ K (bên Mỹ)… Gây hại để che tội, làm điều xằng bậy để không ai biết mình. vPHÁN XÉT, NHÂN , CÔNG NHẬN, NHẬN XÉT, NHẬN ĐỊNH, NHẬN THỨC… đến PHỦ NHẬN Các từ kể trên đương nhiên mỗi từ có một ý nghĩa khác nhau nhưng có chung một nguồn từ ngôi sao THIÊN PHỦ mà ra, nó biến hóa ư? Không phải đâu. Chẳng qua chịu sự tác động vào của Chính tinh, bàng tinh trở thành khi thì được phán xét, khi bị phán xét, khi OK khi NO. Phiền nhất chỗ OK và NO không đúng nơi, đúng chỗ. Từ chỗ được thừa nhận, mặc nhiên thừa nhận biến thành phủ nhận. Cho nên THIÊN PHỦ là ngôi sao có tính thị phi, ồn ào vì chữ nhận và không nhận. Chính xác chỉ 1 từ thôi, đó là từ "nhận" nhưng lại thêm vào trước từ nhận một số từ (tiếp đầu ngữ) như công trong công nhận, không công nhận… xác như xác nhận. Chán thêm ở đầu thì thêm đuôi (tiếp ngữ vỹ) như xét, trong nhận xét. Định trong nhận định. Thức trong nhận thức… Ví dụ . Và cuối cùng cụ THIÊN PHỦ ừ, nhận thức vấn đề như vậy công nhận là đúng. Một câu văn có 3 từ ừ, nhận thức, công nhận đều là sao THIÊN PHỦ * Chủ nhận, là tiếng 'ừ', thừa nhận, công nhận là OK… Nói chung THIÊN PHỦ chủ nhận xét vừa ý thì công nhận, thừa nhận. Nhưng không vừa ý là phủ nhận, và từ chỗ là 'nhận nhau' chuyển thành 'giận nhau'. (Chú thích thêm, ví dụ nhận nhau là bạn, nhận nhau là vợ chồng, giận nhau thành nợ nần. Cách chơi chữ của người viết) * Nhận định, nhận thức là khi có thêm TỬ VI cao hơn nhận xét (vì ông TỬ VI suy nghĩ đã). Điều muốn nói THIÊN PHỦ hàm chứa sự thị phi bên trong, vì vậy đi với nhóm sao ngôn ngữ, nhóm thị phi tinh tất có chuyện. (Đảm bảo, khi cãi nhau có chữ 'nhận' làm chủ. 2 bên tiếp đầu ngữ cho chữ nhận, và tiếp vĩ ngữ cho chữ nhận.) vCHE ĐẬY, CHE DẤU, CHE CHỞ: * THIÊN PHỦ là sao khéo che đậy từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ hành động đến lời nói. Vì thế THIÊN PHỦ kị gặp TRIỆT là dấu đầu lòi đuôi, gặp THIÊN KHÔNG là không thể che đậy được. Cho nên sao này được mô tả là cẩn thận như con giao long qua vực. Phú viết: “Nam THIÊN PHỦ giao long vãn uyên.” sao này luôn có THẤT SÁT đang quan sát, nhòm ngó. Vì vậy THIÊN PHỦ phải che, sợ e THẤT SÁT thấy hoặc đoạt. Khi THIÊN PHỦ giương cái gì ra đôi khi lại nhằm che đậy một cái khác. Đây là thủ đoạn thường thấy trong chính trị. Ví dụ: Mỹ tuyên bố khủng bố sắp sửa tấn công. Đôi khi cũng chỉ là láo lếu nhằm che đậy sự kiện khác. Từ vị trí sao THIÊN PHỦ nhị hợp luôn luôn có THÁI DƯƠNG nó chủ công khai, cái cần giương ra. Vậy cái mà THIÊN PHỦ cần che nằm ở đâu? Tại vị trí sao THÁI ÂM. Sao này luôn luôn đằng trước sao THIÊN PHỦ. Do tính chất được che chở, che dấu mà sao THIÊN PHỦ đóng tại cung MỆNH, PHÚC, TẬT rất hay. THIÊN PHỦ ví như được ô dù che chở. Do yếu tố đó mà THIÊN PHỦ cần gặp TỬ VI (chủ bao) tạo thành bộ bao che. Đi với KỴ HÌNH là can tội che dấu. vNGƯỜI GIÀ: Chủ người già, bậc cha ông cho nên sao này tại Thân Mệnh còn chủ thọ. Hay nhất là có TẢ PHÙ lại gia thêm KHÔI VIỆT. Vì đã là người già bao giờ cũng cần người giúp đỡ, không phù hợp mấy với HỮU BẬT thiên về tay chân, võ biền. Nhưng nếu có ai đó có THIÊN PHỦ mà không may dạo chơi miền cực lạc, không chịu lên chức ông nội, ông ngoại… chết khi tuổi còn xuân. Tại vì THIÊN PHỦ mất tác dụng. Ngộ THIÊN KHÔNG có nghĩa chẳng phải ông già đâu? vLỤC PHỦ trong cơ thể: THIÊN PHỦ chủ về các cơ quan gọi là lục phủ. Là dạ dày, mật, ruột già, ruột non, bong bóng, ba mạng mỡ. Phủ vì vậy không thể lộ càng kỵ TRIỆT. Vì gặp TRIỆT tức là thấy được ruột gan mình (nói cho có vần). Thấy được bao tử, ruột có chăng ông Bác sĩ thấy còn ta đau ốm cũng nặng lắm rồi. Nhiều người cùng thấy ruột gan ta tức ta chết vậy (đổ ra một đống). May ra hạn THIÊN PHỦ ngộ TRIỆT không chết vì cách TRIỆT lộ. Thì chết vì cái điều ta dày công che đậy biết bao nhiêu năm bây giờ phơi bày ra hết. Thế là chết nhưng không chết người mà chết danh giá, chết vì quy chụp bao tội lỗi trên đầu. Nếu là người trọng danh dự thà chết còn sướng hơn. Đến đây bạn mới thấy người xưa tài tình làm sao, giỏi làm sao, đáng phục làm sao. Chỉ 1 câu ngắn gọn. “THIÊN PHỦ tối kỵ KHÔNG VONG ngộ THANH LONG phản vi cát tường” Tức là khi bị lộ cụ THIÊN PHỦ còn cơ ăn nói, giải thích. Nếu không có THANH LONG hết đường ăn nói. Có nghĩa THANH LONG là tiếng nói. THIÊN PHỦ là lời nói, lời nói mà không có tiếng nói cũng như ta nói thầm…. trong bụng, biết mà nói không được. vKHI TỐT: Là che lấp như ví dụ: Thế lực sức mạnh THIÊN PHỦ bao trùm toàn cầu, toàn quốc gia lân bang khiếp sợ. Ví dụ như hãng Microsolf công nghiệp của họ che lấp các công ty khác. Lời nói trấn an cả hằng triệu con người. Được sự ủng hộ nhiều người. Nhà cửa nhiều vô số kể, không ai có thể chiếm đoạt. Được sự che chở của nhiều người đồng thời che chở cho nhiều người khác. Khi tốt THIÊN PHỦ xem THẤT SÁT là con mắt (camera) là tên lính canh gác nhà cho THIÊN PHỦ vKHI XẤU: Là kẻ không nhà, ăn nhờ ở đậu. Bị che, bị lấp, bị vùi, bị phủ lên. Phũ phàng không được thương yêu vỗ về an ủi. Là phủ phục chịu tội. Là chẳng ai ủng hộ mình. Khi xấu là bị THẤT SÁT đoạt, là bị soi mói, nhòm ngó trước con mắt canh gác của sao nầy. Đây là bài viết của tác giả bửu đinh, người Huế. Đây là blog của tác giả, bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài viết ở đây: http://vn.myblog.yahoo.com/buudinh49@ymail.com
    Last edited by a moderator: 21 Tháng tư 2009 cauberacroi, 21 Tháng tư 2009 #1
  2. cauberacroi

    cauberacroi New Member

    Tham gia ngày: 21 Tháng bảy 2008 Bài viết: 36 Điểm thành tích: 0
    Ðề: Tuyển tập bài viết của Bửu Đình Tuần và Triệt TUẦN và TRIỆT mỗi sao chiếm 2 cung, xung chiếu và hợp chiếu lên 6 cung khác. Uy lực lên 8 cung, rất nhiều lá số TUẦN và TRIỆT bàng bạc ảnh hưởng khắp nơi. Ví dụ bản đồ sao tuổi Kỷ Sửu (ưu tiên tuổi nầy) cả 12 cung số chịu ảnh hưởng của TUẦN và TRIỆT, vì chúng ta đang đứng trước thềm năm Kỷ Sửu. Đây là bộ sao cực kỳ quan trọng, an theo chiều nghịch. Hết một chu kỳ của TUẦN mất 60 năm, một chu kỳ của TRIỆT 5 năm. Đặc biệt TRIỆT không án ngữ tại 2 cung Tuất và Hợi. Tên đầy đủ của TUẦN là TUẦN TRUNG KHÔNG VONG và TRIỆT là TRIỆT LỘ KHÔNG VONG. Viết tắt là TUẦN và TRIỆT. Không hiểu biết đặc tính 2 sao nầy có thể đưa đến luận đoán sai 100%. Khi tìm hiểu 2 sao nầy không thể tách rời ra, phải nói chung mới thấy hết cái hay của nó. Ta bàn đến cái hay cùng lúc bàn đến cái dở. Tại đây TUẦN và TRIỆT khác nhau mọt trời một vưc. Đây là bài viết dài hơi và tùy hứng. Vì có những đề tài cần viết và những đề tài chưa cần viết. Người viết còn chỉ cho bạn thấy, bạn có thể sờ được sao TUẦN, chụp ảnh được cả sao TRIỆT, mân mê nó trên bàn tay. Như thế là TUẦN ư, như thế là TRIỆT ư?. Rất lạ kỳ mà không có gì huyền bí hết [​IMG] 1. ĐIỂM DỊ BIỆT của TUẦN và TRIỆT . A. TUẦN chủ bên trong, TRIỆT chủ bên ngoài. Trong bài ‘Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’ người viết đã bóng gió là TUẦN chủ bên trong TRIỆT chỉ bên ngoài, bạn tinh ý sẽ thấy. Trong và ngoài. Như ‘Người trong cuộc’ và ‘Kẻ ngoài cuộc’. TUẦN là kẻ trong cuộc và TRIỆT là kẻ ngoài cuộc. Như vậy là ta đã khẳng định vị trí rồi. Từ vị trí sao TUẦN tức ngộ, kiến TUẦN tức thấy TUẦN. Cần tìm hiểu cuộc gì? Có 8 cuộc ta phải bước chân vào. Cuộc đời chúng ta chẳng khác gì từ vòng tròn nầy bước chân qua vòng tròn khác. Bạn không tin ư? Buổi sáng thức dậy ta đang ở trong vòng tròn gia đình. Với vai trò làm cha, làm mẹ, làm anh… làm con. Bạn đã làm gì? Tiếp là ra đường để đi học, đi làm… tức là ta đang bước vào vòng tròn cuả luật pháp tất cả đều là công dân, phải tôn trọng luật giao thông (ai không tôn trọng đi nơi khác chơi). Sau đó đến trường (đến cơ quan…) ta ở trong cuộc đó. Nếu là giáo viên, công nhân, sinh viên, học sinh… ta đóng trọn vai trò, thế là ta bước vào 3 cuộc rồi đấy. Chiều về, sau cơm tối xong có nhiều cuộc tức nhiều vòng tròn đang đợi chờ ta, Vòng tròn thăm bạn bè, người thân. Vòng tròn cùng người thân trong gia đình vui chơi đâu đó… Trong đó đáng kể vòng tròn tự nguyện internet. Vào đây qua các vòng tròn dịch vụ, rồi Yahoo mail, rồi Yahoo plus, nhìn quanh quanh thấy bố láo, Bửu Đình bài viết không, người ưa thích không, bình luận không, làm như mình không biết viết chăng. Nếu bạn chui sâu vào đây vô tình lọt vào vòng TỬ VI rồi, do tui kiểm soát. Đúng chưa? Nghe bàn tiếp. Có những vòng tròn chung quanh ta, khi thì ta xưng ta là con, khi là bác, khi là anh, khi là em… Có những vòng tròn không muốn bước chân vào nhưng bị ép buộc vào. Lại có những vòng tròn ta vào họ nói vô phận sự miễn vào. Lại có những vòng tròn không muốn mà gặp như vòng tròn tang tóc, cái khăn quấn trên đầu tròn vo, khóc lóc thương tiếc… Có người táo bạo can đảm có, anh hùng cũng có, bước chân vào vòng tròn lao lý, để chứng minh rằng cái vòng tròn ấy là cái còng số 8. Lại có người không muốn hoặc tự nguyện vào đia ngục… bệnh viện. Để thấm thía 2 chữ Y…. ĐỨT, phát hiện ra rằng: Thiên Đường đâu có xa, bên kia hàng rào bệnh viện. Cũng có người cho rằng gia đình là tai họa, là địa ngục trần gian cũng không sai. Chỉ có người trong cuộc biết. Hãy lấy can chi (chứ không phải Canh chi nghe) Kỷ Sửu nam làm ví dụ. Hàng vạn Kỷ Sửu nam (1949) đóng tại đó ( thần chiến tranh rủ đi cũng khá nhiều), người thì MỆNH đóng tại LỘC TỒN, người thì MỆNH đóng tại ĐÀ, người thì KÌNH DƯƠNG Mã triều lai, người ưa con BẠCH HỔ, kẻ chọn TANG MÔN, chen chúc tại THÁI TUẾ … tha hồ tranh giành (thật ra ông trời sắp đặt). Vòng tròn TUẦN LỘC TỒN, vòng tròn nầy ngon, ‘Của để dành’ tên gọi thật của LỘC TỒN với điều kiện ắt có và đủ (y chang như làm toán) không có KHÔNG KIẾP , PHÁ QUÂN xung chiếu hay tọa thủ và KỴ HÌNH, trừ THAM LANG còn CỰ MÔN tốt xấu lẫn lộn, đa phần MỆNH đóng tại đây, Đại Hạn đóng tại đây đều có của để dành, có nhẫn, có đồng hồ, dây chuyền đeo chơi. TUẦN đồ vật, vật dụng là những vòng khép kín. Bất cứ vòng nào khép kín cho dù hình vuông, hình tam giác đều là TUẦN. TUẦN là con đường bạn đi loanh quanh mà lại về chốn cũ. TRIỆT là con đường một chiều, là con ngõ hẻm cụt không thông. Là vật dụng có hình dáng thẳng, ngắn bị giới han bởi 2 đầu. TRIỆT là dấu gạch chéo, nhìn lên thấy phía trên bên phải, nhấn xuống là TRIỆT (close) đấy có ngay trước mắt bạn. Hai hình vuông (restore) là Tuần. Ra đường thấy ký hiệu giao thông, đường 1 chiều- gạch ngang 1 cái- Ngon đi thử thì biết cảnh sát giao thông giải thích TRIỆT là gì? Bây giờ an tâm nhé. Tha hồ sờ mó sao TRIỆT và TUẦN, tôi biết có người hồi hộp ngày mai sẽ rõ. Bây giờ bạn đã rõ. TUẦN cũng có thể tốt, cũng có thể rất xấu tùy thuộc nội dung bên trong nó ghi cái gì, và chính tinh có thích hợp không, nói theo dân vi tính là tương thích… Bây giờ nên qua một ý khác. B. TUẦN chủ trọn vẹn. TRIỆT chủ nửa chừng. Trọn vẹn là trọn đời đeo đuổi mục đích ấy, lời thề ấy, đi theo con người ấy, không bỏ cuộc… tức TUẦN chủ sự trung thành, tận trung, chung thủy. Trái lại TRIỆT là lời hứa chưa tròn, tròn rồi cũng ly dị. Trung thành mà chi, tận trung làm gì khi phục vụ cho loài ác quỷ, kẻ xấu. Vậy thì TUẦN chưa hẵn đã hay, TRIỆT chưa chắc đã dở. Chắc gì? Là câu tôi thường hay nói. Chắc gì TUẦN đã trung, trọn ven, trọn tình vì TUẦN cũng có phá cách, trợ cách của nó, nếu có THIÊN KHÔNG có nghĩa là không trọn vẹn đâu, không đi suốt con đường ấy đâu. Không khác gì một ngôi sao TRIỆT, nhưng TRIỆT đi với THIÊN KHÔNG là anh không bỏ em giữa chừng đâu, còn ngon hơn sao TUẦN đấy. Đó là bàn đến lý tưởng, nhưng bàn đến thân phận, xác thân thì TRIỆT không hay. Nhất là TRIỆT tại cung an THÂN lại không hay, nó mang ý: “Nửa chừng xuân thoắt gảy cành thiên hương”… Như nhân vật Đạm Tiên trong Thúy Kiều, may ra, chắc gì đã may làm thương binh, phế nhân thấy lòng buồn làm sao. Cho nên TRIỆT hay TUẦN cần nằm đúng vị trí cái gì nên TRIỆT thì TRIỆT. Các chính tinh sau đây rất kỵ TRIỆT là TỬ VI, THIÊN PHỦ, THIÊN TƯỚNG và ngay cả THẤT SÁT đòi làm vua, chỉ TRIỆT một cái làm dân cũng run. 2 sao rất cần TRIỆT mới hay là PHÁ QUÂN và THAM LANG, các chính tinh còn lại hay dở phức tạp được cái nầy mất cái khác. Chúng ta có nhiều nhiều để bàn đến vì sao các chính tinh kia sợ TRIỆT, có như thế mới hay, gọi là thông suốt vấn đề. Bạn chú ý, bài viết tạm TRIỆT (TỬ VI ứng dụng là như vậy đấy) tại đây. Ngày mai cũng viết tiếp tại đây. Người viết không muốn mở thêm đầu đề mới, gây khó khăn tìm chủ đề. Tiếp ngày 17/01/2009. A. Tuần chủ vào. TRIỆT chủ ra. Hằng ngày chúng ta đi ra rồi đi vào. Chúng ta thở ra rồi hít vào. Buôn bán thì cần có đồng vào, đồng ra. Sản xuất cần có đầu ra, đầu vào… Như vậy TUẦN còn là chủ nhập vào, đi vào, thu nhận, thâu vào… TRIỆT còn là đi ra, xuất ra, chi ra, đuổi ra (như ở trên TRIỆT là kẻ bên lề)…. Để đoán các yếu tố vừa kể không dễ đâu… Điều đáng nói là. Vào và ra 2 yếu tố cần kết hợp với nhau mới tốt, nếu chỉ có 1 yếu tố thôi không hoàn chỉnh. Ví dụ. Vào bệnh viện mà không ra viện, vào tù mà không ra tù, đi vào mà không đi ra, mua vào mà chẳng bán ra… tất cả các ví dụ vừa kể coi bộ xấu quá. Nếu chỉ có tiêu ra, chi ra, bán ra… Xem ra cũng quá xấu. Như vậy có cả TUẦN và TRIỆT coi bộ hay hơn. Ví dụ trên bản đồ tuổi Kỷ Sửu các cung sau đây có TUẦN và TRIỆT là:Tý, Sửu, Dần, Mão. Các cung sau đây thiên về TUẦN Tuất, Hợi, Ngọ, Mùi. Các cung sau đây thiên về TRIỆT Thìn Tị Thân Dậu Các cung có TUẦN và TRIỆT nếu hay có nghĩa là biết cái gì nên vào (như xem, coi, học, hỏi) biết cái gì nên ra càng sớm càng tốt, loại trừ nó ra. Nếu dở là vào nơi xấu, lánh xa nơi tốt, vào chỗ dữ lánh xa chỗ hiền. Vào tù ra tội mà thôi. Quan trọng là có dung nạp được 2 sao nầy không mà thôi. Dĩ nhiên một người ABC TỬ VI khó hiểu sao nào cần sao nào không? Không khéo bắt tôi phải chứng minh. Phú TỬ VI nào, sách TỬ VI nào. Làm gì có sách TỬ VI nào in trước năm 2009 nói các điều kể trên, có chăng sau 2009 có nói thì cũng Copy từ đây mà ra thôi. Nếu nói những điều các sách TỬ VI, các trang TỬ VI đã nói, chẳng khác chi loài nhai lại, ta copy dán vô cho sướng mắc chi suy nghĩ cho khổ. Yêu cầu bạn biết thêm TUẦN vào, TRIỆT ra. Còn vào đâu, ra đâu? Nên hay không, tốt hay xấu, thành hay bại, bị ép vào hay bị đuổi, được mời vào, hay âu yếm anh đừng đi ra. Thời gian sẽ biết. B. TUẦN chủ phòng. TRIỆT chủ trừ, trị. Ta thường nghe: Phòng cháy hơn chữa cháy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng dịch, trị bệnh, phòng trừ sâu bệnh…. Bạn có thể tìm kiếm thêm ví dụ. Đôi khi người ta còn dùng từ như phòng tránh như phòng tránh tai nạn giao thông. Từ tránh có vẻ như là trừ phải không, nhưng TỬ VI không nên lạm dụng từ ngữ. Vì sao? Chữ “tránh” của chàng VŨ KHÚC (tiết lộ mới). Ví dụ bộ VŨ KHÚC TUẦN được hưởng 2 chữ phòng tránh. Nhưng ta đang nói phòng trừ, mai đây đẹp trời, người viết còn nói đến “phòng chống” nữa. Trong TỬ VI còn có một sao nữa, cũng có giá trị là phòng chưa đề cập đến. Nếu có cả 2 sao như vậy ta gọi là “đề phòng”. Còn với TUẦN ta chỉ gọi là phòng thôi. Ví dụ cụ thể là Phòng cháy là TUẦN HỎA, chữa cháy là TRIỆT HỎA. Phòng bệnh là TUẦN BỆNH PHÙ và có TRIỆT ta gọi là trị bệnh. Vậy là ta biết thêm 2 yếu tố nữa của TUẦN và TRIỆT. Hai yếu tố nầy hay phải không? Nhưng chắc gì? Sử dụng tốt. Tôi tin ai đó có bộ TUẦN TRIỆT tại MỆNH hay tại Đại hạn đâm ra an tâm, phát hiện ra mình là người có tài khả năng phòng trừ cao, dao đâm không thủng, đạn bắn không lủng, lửa đốt không cháy…. Thì xin hãy xem Đại hạn của Hiler . Có thể trình độ bạn chưa hiểu kịp, giải thích để khỏi suy đoán đâm ra mất ngủ, ông ta tuổi Kỷ Sửu như trên có nói cung Hợi thiên về TUẦN, tức là phòng tốt nhưng mà phòng chi nổi khi THIÊN KHÔNG lắc đầu bảo rằng KHÔNG, mà tên thật của THIÊN KHÔNG là THIÊN KHÔNG KHÔNG VONG cùng đuôi chấm com với TUẦN TRUNG KHÔNG VONG cho nên phải Vong thôi nhất là có KÌNH HÌNH biểu tượng vũ khí (xem PHI VIỆT HỎA LINH HÌNH) HỎA TINH từ cung Mão chiếu về nhé. Chừng đó thôi hãy chết đi nhé. TUẦN nó có chi tiết dở là sẵn sàng tiếp nhận vào, thu vào… cho nên đem cả tai họa vào. Nếu không có THIÊN KHÔNG còn có thể được, Ví dụ rằng không có THIÊN KHÔNG nhưng với KÌNH HÌNH HỎA ông ta cũng đủ dính đạn. Vì cách TUẦN HÌNH giá trị như vòng ngắm của cây súng, vòng nhắm của súng bắn tỉa. Ông ta không tự nhắm bắn người khác cũng ngắm bắn mà thôi., Các tuổi Kỷ Sửu (60t các tuổi Kỷ Sửu sắp nở không buồn nói đến) dễ dính đạn khi Đại hạn đóng tại Hợi Mão Mùi, nhất là có THIÊN HÌNH, nhất là tại 3 cung nầy lại an cung THÂN càng dễ dính nữa, nếu có KHÔNG KIẾP không có cơ hội nghiệm chứng bài viết nầy (tức là rơi vào trường hợp như Hitler vậy). Ngang đây dừng khi khác viết tiếp, bài nầy còn dài. Khả năng bài kế tiếp là Bí mật ngôi sao TỬ VI TIẾP NGÀY 18.01.2009 * TUẦN chủ Trọng, xem làm trọng… TRIỆT chủ Khinh, coi nhẹ, xem làm nhẹ… Trọng với nghĩa như trọng nam khinh nữ, trọng nghĩa khinh tài… Cụ thể cách TUẦN DƯƠNG TRIỆT ÂM là trọng nam khinh nữ, nhưng bạn có TUẦN ÂM TRIỆT DƯƠNG là trọng nữ khinh nam. Nếu có TUẦN TƯỚNG TRIỆT VŨ là trọng nghĩa khinh tài (trọng tình nghĩa coi nhẹ tiền bạc). Từ đó ta vận dụng để đoán trọng bạn hơn cha, cũng từ đó đoán được vong ân bội nghĩa, uy vũ bất khuất…. Xem làm trọng là TUẦN. Tức là xem việc ấy là quan trọng, là nơi quan tâm đến. Ví dụ TUẦN tại Tử Tức có nghĩa là tôi quan tâm đến con cái, để mắt đến con cái. Như một câu người ta hay nói: Hy sinh đời bố cũng cố đời con. Cho nên có người xem nhà đất là quan trọng, xem nghề nghiệp là quan trọng, xem tiền bạc là quan trọng, đạo đức là quan trọng, thanh danh là quan trọng, được ăn, được nói, được chơi, được phô bày, được kề cận kẻ quyền quý…. Là quan trọng. Cao hơn quan tâm, quan trọng là cụm từ “nặng lòng với…” Như nặng lòng với nước cho nên đau lòng vì non. Nặng lòng vì mẹ, vì cha…. Cho nên không làm gì đó…. Nặng lòng vì vợ, vì con cho nên cúi đầu nhẫn nhục. Như đã lý giải TUẦN là TUẦN TRUNG, một vòng tròn khép kín một chữ trung trọn vẹn. Ai là người nặng lòng với nước, ai là kẻ bán nước cầu vinh… Lá số mình đó, đọc đi, tốt khoe xấu bịa ra dễ òm, không bịa được tui bịa dùm cho, thuê tui đánh bóng cho. Nhưng đáng tiếc tôi cũng có sao TUẦN tại THÂN MỆNH nhưng đánh giá là TRUNG THỰC mà thôi. Đại hạn là “kẻ đứng bên lề”, đành chấp nhận làm kẻ thất phu, kẻ bán nước… ngọt thì quá đúng. TRIỆT coi nhẹ, xem thường… cho nên một số vấn đề TRIỆT bỏ ngoài tai. TUẦN: chủ ngoan, chủ tuân theo, dễ dạy bảo, dạy dỗ.. TRIỆT bỏ ngoài tai…. Ôi! đứa bé ngoan làm sao, bảo sao làm vậy. TUẦN tốt là vậy là kẻ dễ tiếp thu cái hay kể cả cái dở, cái tốt cái xấu như đã nói ở trên nó chủ nhận vào, thu vào, nhập vào… Đồng thời TUẦN cũng đem kiến thức của mình dạy laị cho kẻ khác, Với các bài học như sau: “Con ơi! Học lấy nghề cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm” Học không, không thì học bài khác, nhiều bài lắm kìa. “Nghề chơi cũng lắm công phu. Làng chơi ta cũng biết cho đủ điều Nàng rằng mưa gió dập dìu Liều thân thì cũng phải liều thế thôi…”… Bài nầy dành cho giới nữ. Bài nầy dành cả cho Anh thư, Anh hùng “Có trung hiếu đứng trong trời đất Không công danh thà nát với cỏ cây” Cái nầy là tôi học ngày xưa đó. Nguyễn Công Trứ đó. Học như vậy mới là học, dạy như vậy mới là dạy. Đừng bắn đại bác vào 2 chữ trung hiếu, để hôm nay bát nháo quá đi thôi. TUẦN như câu thành ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. TUẦN là ngôi sao của bộ GIÁO DỤC. Nào các vị GD lật TỬ VI của mình ra xem thử có đúng vậy không? Đa phần các thầy cô đều có, nhưng có người không. Tại sao? Dễ òm. vì còn có ngôi sao chủ ĐÀO TẠO và còn có ngôi sao chủ HƯỚNG DẪN nữa. Cho nên bộ GD còn thòng thêm cái đuôi ĐÀO TẠO. Đến đây tôi biết có người hồi hộp chờ nghe lý giải trong trường hợp nếu ta có cả TUẦN lẫn TRIỆT thì sao? Nghe nè: Có nghĩa tốt là: Biết phân biệt đâu là cái nên học, đâu là cái nên bỏ ngoài tai. An tâm chưa, sung sướng chưa. Như Hitler đấy từ MỆNH THÂN chỉ thấy TRIỆT cho nên bỏ ngoài tai, nhất là VŨ KHÚC quá quả quyết, lại thêm QUẢ TÚ xung coi mình cao chót vót. Đó là cách độc tài, mở quá nhiều mặt trận cùng một lúc là chết thôi, đánh những mặt trận quá xa… Ta không bàn sâu về chiến lược kẻo lạc đề. TUẦN chủ hít vào TRIỆT chủ thở ra. Chính vì vậy mà tôi phải viết bài TỬ VI song hành với bài TUẦN TRIỆT. Vì TỬ VI chủ hoạt động là sự sinh hoạt của cơ thể, là ngôi sao coi sự sống chết. TỬ VI ngộ Tam Không thế là chết. Tam không là những sao nào. Là TUẦN, TRIỆT, THIÊN KHÔNG ba sao nầy đều có đuôi là KHÔNG VONG. TỬ VI ngộ Tam Không có nghĩa là không hít vào, không thở ra, không biết chi hết. Ông Bác sỹ thử phản ứng không thấy chi hết, kết luận chết. Cho nên hạn ngộ TỬ VI mà thấy Tam KHÔNG hội họp coi như đã chết. Không chết mới là lạ. Đôi khi cũng có người không chết, nhưng sống dưới dạng “thực vật”, hoặc không sống dưới dạng thực vật nhưng chết địa vị, chết danh giá, chết tài sản thì có sống cũng như chết mà thôi. Thành ngữ “Thân bại danh liệt”, chết còn sướng hơn. Hôm nay, ngang đây dừng mai tiếp, 22h viết tiếp bên bài Bí mật ngôi sao TỬ VI, nếu như không vướng vào những việc đại sự. Như dọn dẹp nhà cửa, tẩy uế thân thể… chứ ngồi đó blog dễ sinh tai họa từ bên trong mà ra. Vì TUẦN chủ bên trong, TRIỆT chủ bên ngoài. To đùng bên trong là quốc nội, là nội bộ cơ quan xuống thấp là trong gia đình, là trong thân thể. Trong và ngoài là từ đầu môi chót lưỡi. Những gì ta nói đều có trên TỬ VI NGÀY 19.01.2009 TUẦN là dấu cộng TRIỆT là dấu trừ. Tuần chủ thu vào, nhận vào… như đã biết ở trên tức là dấu cộng (+). Ví dụ như hôm any ta nhận người nầy là bạn, mai nhận tiếp người kia là bạn và cứ thế ta có rất nhiều bạn bè, từ tiểu học đến đại học, từ đồng hương đến đồng nghiệp…. Hôm nay, tháng nay dành dụm được x đồng, tháng trước đã có y đồng. Vậy ta có x+ y đồng. Tháng trước nhận vào làm một nô tỳ. Hỏi tháng nầy nhận thêm một nô tỳ nữa, có bao nhiêu nô tỳ? Sau một hồi tính toán phức tạp hồi hộp… đáp án có 2 nô tỳ. Như vậy TUẦN là dấu cộng không thể chối cãi. Mà cộng những cái giống nhau là tính gì nhỉ, tính nhân (x). Mới AB C tì tính cộng còn sai, tính nhân làm gì cho khổ. TRIỆT án cung nào ít nhất cung ấy bị trừ đi một. Các sách TỬ VI đều công nhận TRIỆT đóng tại Huynh đệ cung dễ mất anh em. Tại PHỤ MẪU cung cũng vậy (nhẹ nhất là không ở gần cha mẹ, nếu không cũng mất một người), Tại ĐIỀN TRẠCH cung cũng phải bán nhà bán cửa một lần (vì TRIỆT xem nhẹ coi thường có lưu luyến gì đâu) tại Phu Thê là tan vỡ mối duyên đầu. TRIỆT tại cung Phu Thê khi đã nhắm mắt xuôi tay mới biết đây là mối tình cuối. TRIỆT tại Quan Lộc cung ít nhất bỏ nghề, bỏ địa vị một lần. Thế mà Vua Bảo Đại từ nhiệm 2 lần. Vua bảo: “Trẫm có bộ TUẦN TRIỆT đồng cung có nghĩa là cộng 2 lần trừ”. “Thì Ngài nói phức 2 lần trừ đi”. “Ngôn ngữ TỬ VI là thế đấy”. Và nhiều lần trừ giống nhau là gi? Là tính chia ạ!. Để chứng minh trong cái mà người ta cho rằng ‘Mê tín dị đoan’ là bài toán học hóc búa, với cộng, trừ, nhân, chia đều có cả. Cả những con số nữa. Số 7 với THẤT SÁT Số 3 với TAM THAI Số 8 với BÁT TỌA Số 0 với THIÊN KHÔNG là con số không. Với TUẦN TRUNG KHÔNG VONG bên trong không có gì. Với TRIỆT bên ngoài không có chi. Trên TỬ VI còn có những con số bí mật nữa nhưng tạm thời che đậy lại, dù bạn bậc thầy TỬ VI cũng chưa phát hiện ra đâu. Sở dĩ không tiết lộ có người lanh trí hiểu nhầm rằng: Vận dụng để đánh bài bạc, cá độ, tỷ số. Người viết quan niệm rằng: đánh bài chẳng qua là hợp thức hóa tiền của túi tôi, chuyển qua túi anh. Cái mà người viết bận tâm là: Những con số bí mật trên lá số dùng để đoán anh có bao nhiệu vợ, ốm đau bao lâu khỏi, tù tội bao giờ ra… Vinh quang bao nhiêu năm, bần cùng bao nhiêu tháng… Vẫn còn đầy bí mật đang dành cho bạn. Nếu bạn ham mê những con số. Thì đây là điều bạn cần biết trước tiên. Nếu thấy trên lá số TỬ VI của mình có sao THIÊN CƠ đi với (tức nhìn thấy) sao KHÔNG KIẾP là tai họa vì những con số. Chết vì những con số. Ví dụ để minh họa bức tranh con số, gần có một chiếc xe hơi mang số 8888 của tỉnh nào đó trong Nam bị truy lùng thâu hồi biển số. Chẳng qua ai đó tung ra quan niệm số 8 là bát trong từ Hán nghe âm âm với (tức là đồng âm với) phát. Đúng là lãng tai, mê tín dị đoan bát và phát. Quan trọng là phát cái gì? Phát may hay phát rủi, phát xấu hay phát tốt, phát công danh hay phát tai ương. Đau ốm cũng gọi là phát… bệnh. Phá giá cũng gọi là lạm…phát. Dám quả quyết rằng áo tù cũng có số, trong đó có con số 68 lộc phát. Ai muốn mặc vào không? Số hên mà. Nói đến 68 người Huế không thể quên được Mậu Thân 68. Năm, Sáu ngàn người chết chư mấy, khoảng chừng 12, 13 người bạn tôi chết chư mấy… 68 lộc phát. Hỏi những linh hồn đã chết. Phát pháo giao thừa hay phát… súng.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng tư 2009 cauberacroi, 21 Tháng tư 2009 #2
  3. cauberacroi

    cauberacroi New Member

    Tham gia ngày: 21 Tháng bảy 2008 Bài viết: 36 Điểm thành tích: 0
    Ðề: Tuyển tập bài viết của Bửu Đình Ông Vua Thứ Ba ngôi sao CỰ MÔN Nhớ lại ngày nào trên Khoa Học Huyền Bí viết bài “Ngôi Sao Nào Được Làm Vua?”. Đọc xong với kết luận mập mờ, coi như bài viết vẫn đang còn bỏ ngỏ. Một câu hỏi mãi đến trên 30 năm mới có trả lời. Người viết e rằng, người hỏi đã chết. Nhưng chắc chắn những người đã từng đọc bài viết ấy vẫn vương vấn trong lòng ‘Ngôi sao nào được làm Vua’. Qua các bài viết trước đã chứng minh rằng, TỬ VI và PHÁ QUÂN là 2 ông Vua hôm nay giới thiệu ông Vua thứ 3 là CỰ MÔN và cũng nói ngay đó là vị Vua cuối cùng. Ông Vua nầy hơi khó bàn đến nhưng không thể tránh né vào đâu được. Đại diện cho nhóm TỬ PHỦ VŨ LIÊM TƯỚNG ta có TỬ VI. Nhà lãnh đạo. Đại diện cho nhóm SÁT PHÁ THAM ta có PHÁ QUÂN. Vị Quân Vương. Đại diện cho nhóm CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG và CỰ NH ẬT ta có CỰ MÔN. Nếu gọi CỰ MÔN là người cầm đầu sợ e PHÁ QUÂN ngài giận, vì chữ cầm, nắm, bắt… là của Ngài. Nhưng gọi CỰ MÔN là người đứng đầu sợ e THIÊN KHÔI giận vì THIÊN KHÔI chủ đứng đầu, nếu gọi là người đứng trước thì KÌNH DƯƠNG nó gọi là khêu khích (KÌNH chủ trước, xem bài Chống Ai Theo Ai). Bạn thấy đó đi tìm một chính danh cho một ngôi sao cũng rắc rối tơ vò. Chứ không phải tung hô vạn tuế cho CỰ MÔN để tìm kiếm bổng lộc. Triết tự chữ Môn cho thấy. Môn là bè đảng, phe phái và CỰ là to lớn. CỰ MÔN là người đứng đầu một đảng, phe, phái, nhóm… đến một tổ chức. Vậy thì CỰ MÔN là người lãnh tụ, ngang hàng với nhà Lãnh Đạo TỬ VI, ngang vai với vị Quân Vương PHÁ QUÂN. Không ai phủ nhận điều đó. CỰ MÔN một ngôi sao hay cãi cũng hài lòng với mỹ từ đã chọn. Vậy chúng ta có tới 3 Vua. Cũng như trong Phật giáo có 3 vị Phật hiện tại, tương lai và quá khứ. Thiên Chúa giáo cũng có 3 Vua, 3 thể Cha, Con và Thánh Thần. Khi ra đời chúng ta cũng có 3 Vua cai trị nhưng trong lúc vội vàng bạn không nhìn thấy đâu. Đây nè! Trong nhà Cha Mẹ ta là Vua và Hoàng Hậu. Đến trường thầy cô là Vua, là Chúa chơi cho ta một con số THIÊN KHÔNG là không thấy cơ hội viết blog tán gẫu, có chăng là ra đường tán gái cũng chẳng mấy ai thương. Đúng quá phải không? Còn vị Vua thứ 3 thì xã hội nào mà chẳng có, tùy chế độ có cách gọi khác nhau. Chúng ta ‘kính nhi viễn chi’. Có điều đáng nói có một số nước lại có Tổng Thống cha truyền con nối, đích thị là Vua rồi, không thể chối cãi. Gọi phức là King đi, cách tân gọi là King đực vợ là King cái, mắc chi hiếp dâm danh từ Tổng Thống vô duyên quá. Nếu thấy MỆNH, TÀI, QUAN có 3 ngôi sao kể trên đều có khả năng làm Vua. Một ông Vua chắc chắn phải làm là làm cha, làm mẹ làm chủ một gia đình. Trước Tề Gia sau Trị Quốc tiếp chơi luôn Bình Thiên Hạ. Đúng chưa? Nếu đúng tức là đi theo đường lối của Khổng Tử đấy. Nhưng trước hết là Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ. Đáng tiếc cho người viết tu thân 60 năm cuộc đời đến nay vẫn chưa xong. Những vẫn cầu mong cho người đại chí Bình Thiên Hạ để Việt Nam hãnh diện trước 5 châu, hiện giờ có vẻ như là có sao ĐÀ LA ám, nhịp đời không biết kéo dài bao lâu. Ngoài 3 sao trên. Nhóm CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG bị phê như sau: “CƠ NGUYỆT ĐỒNG LƯƠNG tác lại nhân”. Tác lại nhân. Tức người làm quan lại nhỏ. Quan là quan lớn, lại là quan nhỏ. Tốt là làm quan lớn, xấu là làm quan nhỏ. Đó là quan niệm ngày xưa, cách đây hơn 2500 về trước. Thực tế đó là những nhà khoa học không ưa dính dáng đến chính trị, thừa hưởng cuộc sống an nhàn thích nghiên cứu trong sách vở… Nhưng cũng bộ sao trên thấy CỰ MÔN hội họp lại khác. Đó là những lý do giải thích ta có Lê Lợi vô chính diệu có CỰ MÔN xung với ‘Hội Thề Lũng Nhai’. Lê Uy Mục với CỰ MÔN tại MỆNH. Ông Nguyễn Cao Kỳ có thể kể như Phó Vương, CỰ MÔN tại Quan với đám đàn em Không Quân. Nhất Linh có CỰ MÔN cư TÀI lãnh đạo một nhóm Q.D.Đ CỰ MÔN: chủ CAN GIÁN, CAN NGĂN, PHẢN ĐỐI, PHẢN, PHẢN BỘI, PHẢN ĐỘNG: CỰ MÔN chủ phản đối là sao đứng hàng đầu thị phi chi diệu. Nói đến CỰ MÔN là nói đến bất mãn, chê bai, chỉ trích, cự cải. Tùy trường hợp có khi là can gián, can ngăn... tùy thuộc vào hung, cát, quyền tinh được quyền can gián. Ngày xưa các ông vua có đầu óc dân chủ rất coi trọng chức vị nầy, dĩ nhiên ông vua độc tài chức vụ nầy dễ bị dẹp bỏ, nếu có cũng là cho có mà thôi. Từ can gián phản đối đến phản bội đôi khi là một bước rất ngắn. Tuy nhiên chúng ta cần biết phản bội là gì? Phản bội nghĩa đen là xoay lưng lại. Ngày trước nó xoay mặt vào mình nghe nói chuyện, hôm nay xoay lưng bỏ đi theo người khác (vì vậy các bề tôi của Vua thường đi lui vài bước mới dám xoay lưng lại). Từ phản bội theo người khác đến phản động đem quân chống lại không mấy xa. Xem truyện Tàu những chuyện như vậy là thường. Chỉ cần chạy từ phòng tuyến nầy qua phòng tuyến kia biến thù thành bạn, lấy bạn làm thù. Chơi chán chạy về cũng lấy thù làm bạn lần nữa… vì vậy sao nầy có tính phản trắc rất cao, sớm đầu tối đánh… Như con vợ theo trai chán chê, lủi thủi về lại mái tranh nghèo bên cạnh ông chồng tội vì nghèo. Như người con trai mê đắm bùa mê thuốc lú tỉnh ra: Ta về tắm lại ao ta, dù trong dù đục ao nhà sạch hơn. CỰ MÔN chủ: CỬA CHÍNH, CỬA TRƯỚC, CỬA LỚN Trong nhà cửa CỰ MÔN chỉ cửa chính, lớn, trước. TANG MÔN chỉ cửa sau, cửa phụ. CỰ MÔN gặp TANG MÔN là cách LƯỠNG MÔN. “Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu. Một lầu vàng 8 lầu xanh. 3 cửa thẳng, 2 cửa quanh. Thân em phận gái giữ chốn kinh thành làm chi?” Ngày xưa cửa một cánh là hộ, cửa 2 cánh là môn. Là sao CỰ MÔN chủ cửa trước, cửa chính. TANG MÔN chủ cửa sau, cửa hông, cửa phụ. Cửa nầy dùng cho kẻ địa vị thấp và đôi khi được ai đó sử dụng vào mục đích bất chính. Có câu: “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. Đây là một đề tài hấp dẫn nhưng tạm dừng ở đây. Từ cái cửa ta đoán ra cái nhà phải không bạn? Với Ngọ môn, Thiên An môn đằng sau đó là cung cấm.Cửa ngỏ đôi khi rất đơn sơ, có khi lại không có, vì có gì đâu để mất. Có dịp nhàn du bạn hãy quan tâm cái cửa của nhà bạn trước, sau đó bạn chú ý đến cửa của thiên hạ, chắc chắn sau cuộc nhàn du ấy bạn sẽ ngạc nhiên vì có 1 số người rất quan trọng hóa cái cửa và đôi khi chúng ta bị uy hiếp vì cái cửa. Có cách lưỡng Môn chưa chắc đã là hay vì đó là dấu hiệu của bất chính, của chia rẽ. Không có dấu hiệu trên mới thật tuyệt. Tại Huế nhìn cái cổng ta có thể biết quan chức của một người. Dĩ nhiên CỰ MÔN còn nhiều đề tài nữa, nhưng cho phép tôi dừng tại đây. Dưới là một số câu phú liên quan đến CỰ MÔN MỘT SỐ CÂU PHÚ LIÊN QUAN: "CỰ MÔN định chủ thị phi" “CỰ CƠ chính hướng hạnh ngộ Song HAO uy quyền quán thế” “CỰ phùng TỒN tú. Cát xứ tàng hung” “CỰ MÔN tứ Sát hãm nhi hung.” “CỰ, HOẢ, KÌNH DƯƠNG chung thân ải tử” “CỰ, HOẢ, KÌNH DƯƠNG, ĐÀ LA phùng ác diệu tử ư ngoại đạo” “CỰ MÔN ngộ ĐÀ LA tất sinh dị chí” “THIÊN ĐỒNG, CỰ MÔN, HOẢ TINH tất sinh dị chí” “CỰ MÔN DƯƠNG ĐÀ ư Thân Mệnh loa hoàng khốn nhược đạo nhi phá đãng” (Loa hoàng khốn nhược câu nầy có ý tuỏi nhỏ ưa nặng chứ không ưa nhẹ. Loa tức là la, con la, la hoàng tức con la còn bé) “CỰ tú, THIÊN CƠ nhi phá đãng” “KỊ HAO chi ngộ CỰ MÔN tất hoại tổ tông chi nghiệp.” “CỰ MÔN HOÁ KỊ giai bất cát. Mệnh Thân Vận Hạn kị tương phùng” “THIÊN ĐỒNG ngộ KIẾP KHÔNG bất cát. CỰ MÔN phùng ĐÀ KỊ tối hung” “CỰ KỊ nên tránh đò sông. PHỤC BINH HÌNH VIỆT mắc vòng binh đao” “TUẾ ĐÀ, CỰ KỊ phận nghèo. Một thân lên thác xuống đèo không yên” “KÌNH ĐÀ LINH HOẢ cùng ngồi, Với sao CỰ tú trọn đời tai ương.” “CỰ gặp HỔ TUẾ HÌNH Viên hội. Ấy là nghề thầy kiện quan toà.” “CỰ MÔN thủ Mệnh ngộ KÌNH DƯƠNG. LINH HOẢ phùng chi sự bất tường. Vi nhân tính cấp đa điên đảo...” “CỰ gặp HỔ TUẾ HÌNH Viên hội. Ấy là nghề thầy kiện quan toà.” “PHỤ CÁO hoan ngộ TƯỚNG ẤN ố kị CỰ ĐỒNG, nhược ngộ KHÔI XƯƠNG cử khoa ngao đầu tất chiếm” “DƯƠNG CỰ HAO thật không lành. Chồng con phối hợp bất thành hôn nghi” “KIẾP PHÙ KHỐC KHÁCH mạc ngộ CỰ NHẬT chung thân đa lệ phối duyên”
    cauberacroi, 21 Tháng tư 2009 #3
(Bạn phải Đăng nhập hoặc Đăng ký để trả lời bài viết.) Show Ignored Content

Chia sẻ trang này

Nulled by xFTEAM Tên tài khoản hoặc địa chỉ Email: Mật khẩu: Bạn đã quên mật khẩu? Duy trì đăng nhập Nhân Trắc Học Trang chủ Diễn đàn > HỘI THẢO & TRAO ĐỔI KIẾN THỨC KHOA HỌC - DỊCH HỌC - MINH TRIẾT - PHẬT PHÁP > TRAO ĐỔI KIẾN THỨC VỀ DỊCH HỌC ĐÔNG PHƯƠNG > Trao đổi kiến thức về Tử Vi >

Từ khóa » Thiên Phủ Bửu đình