TVCN-Những điều Cần Biết Về Chụp CT Bụng Tiêm Thuốc Cản Quang

1. Chụp CT bụng tiêm thuốc cản quang là gì? – Chụp CT bụng có tiêm thuốc cản quang là quá trình thăm khám các tạng của tầng trên ổ bụng bao gồm: gan, mật, tụy, lách, dạ dày, tá tràng,… bằng hệ thống máy CT đa dãy đầu thu, có phần mềm xử lý hình ảnh, tái tạo ảnh và dựng hình mạch máu theo các kỹ thuật 3D, MIP, MPR. Ngoài việc đánh giá tình trạng nhu mô các tạng, đánh giá động học ngấm thuốc của tổn thương thì quá trình khảo sát và dựng hình mạch máu còn cho phép đánh giá hình thái bình thường, bệnh lý của các mạch cấp máu cho các tạng; các cuống mạch cấp máu và cuống mạch dẫn lưu của các tổn thương u, dị dạng mạch.

Ổ bụng là khu vực chứa nhiều cơ quan, bộ phận quan trọng của cơ thể

2. Khi nào cần chụp CT bụng tiêm thuốc cản quang? – Gan: U, viêm hoặc áp xe, chấn thương. – Đường mật, túi mật: Sỏi, u. – Tụy: Viêm tụy cấp hoặc mạn tính, u, chấn thương. – Lách: U, chấn thương. – Dạ dày và tá tràng: Xuất huyết tiêu hóa cao, chấn thương, u. – Nghi ngờ các khối u mạc treo, các ổ áp xe dưới hoành. – Đánh giá tình trạng huyết khối của hệ thống tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan trong bệnh cảnh ung thư. – Nghi ngờ huyết khối các nhánh của động mạch thân tạng, động mạch mạc treo tràng trên. – Bệnh lý mạch máu như phình mạch, giả phình, dị dạng mạch máu, bóc tách động mạch.

3. Khi nào không nên chụp CT bụng tiêm thuốc cản quang? – Bệnh nhân không hợp tác. – Dị ứng thuốc cản quang. – Bệnh nhân suy gan, suy tim mất bù. – Bệnh nhân bị suy thận độ III, IV. Nếu buộc phải tiêm thuốc, bác sĩ cần lên kế hoạch chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân ngay sau khi tiêm thuốc cản quang. – Bệnh nhân bị đa u tủy, đặc biệt là bệnh nhân thiểu niệu. Nếu cần phải chụp MSCT thì cần truyền dịch cho bệnh nhân. – Phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân cần thông báo về tình trạng sức khỏe của bản thân, khi có chỉ định chụp CT scan có cản quang

4. Các tai biến có thể xảy ra và cách xử trí? – Nhẹ: Cảm thấy nóng người, cảm giác buồn nôn, nôn, phát ban nhẹ, vã mồ hôi. – Vừa: Mệt lả, choáng váng, nôn nhiều, phát ban trên diện rộng, đau ngực, co thắt khó thở, rét run, đau bụng, đau đầu, co giật. – Nặng: Các biểu hiện của tình trạng choáng phản vệ như khó thở nặng do co thắt phế quản nặng, tím tái, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, mạch yếu không bắt được, huyết áp tụt thấp hoặc không đo được; cần phải được xử trí kịp thời theo phác đồ xử lý cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế.

5. Bệnh nhân cần lưu ý điều gì trước khi chụp CT bụng tiêm thuốc cản quang? Để có kết quả chính xác và đảm bảo an toàn cho bạn, trước khi tiến hành nhân viên y tế cần chắc chắn bạn: – Không mang thai. – Không có tiền sử dị ứng thuốc cản quang. – Bệnh nhân hoặc thân nhân ký cam kết dưới sự tư vấn của kỹ thuật viên. – Cần nhịn ăn trước chụp 4 – 6 giờ. – Tháo bỏ các vật dụng có tính cản quang ở vùng chụp. – Tiền sử bệnh sử của bệnh nhân, tiền sử dị ứng, bệnh lý tuyến giáp, thận, hen suyễn. – Xem hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm chức năng thận). – Giải thích cho bệnh nhân về cách thức chụp cho bệnh nhân an tâm. – Đường truyền: Kim 18G – 22G (tùy theo tình trạng bệnh lý cần khảo sát).

6. Bệnh nhân cần lưu ý điều gì trong khi chụp CT bụng tiêm thuốc cản quang? – Bệnh nhân phải tuyệt đối nằm im và tuân thủ theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. – Bệnh nhân hít vào, nín thở, thở ra theo hiệu lệnh của máy để đảm bảo hình ảnh thu được không bị rung do chuyển động của nhịp thở.

7. Bệnh nhân cần lưu ý điều gì sau khi chụp CT bụng tiêm thuốc cản quang? – Bệnh nhân được theo dõi, nghỉ ngơi khoảng 30 phút (theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên). – Có thể ăn nhẹ hoặc uống sữa (khoảng 100 ml). – Phụ nữ đang cho con bú cần vắt bỏ sữa trong vòng 24h.

Từ khóa » Ct Vùng Bụng