Tỷ Phú Xuất Thân Từ Tướng Cướp - VnExpress Kinh Doanh
Có thể bạn quan tâm
Dũng và vợ đang hướng dẫn thợ làm tranh đá quý. Ảnh: CAND. |
Cuộc đời như huyền thoại của một tướng cướp này có thể khiến bất cứ cũng phải ngạc nhiên. 20 tuổi, thành đảng viên trẻ tuổi nhất nhì một trung đoàn bộ đội. 22 tuổi bị khai trừ Đảng vì những sai lầm trong cuộc sống. 30 tuổi, lập băng nhóm dưới chân đèo Thác Riềng, hai tay hai súng chặn ôtô cướp tài sản rồi trở thành trùm giang hồ đất Tây Bắc, thành "bưởng trưởng" trên suốt một dải vành đai vàng sa khoáng Na Rì - Bắc Kạn. 33 tuổi vươn lên thành đại ca ở đất đá đỏ Lục Yên.
3 lần vào tù, một lần trốn trại trở thành bị can bị truy nã đặc biệt toàn quốc. Ra đầu thú, bị kết án 11 năm tù về 3 tội, Dũng “K Cơ" được đặc xá tha tù trước thời hạn vào diện gần như sớm nhất ở Trại Phú Sơn 4, nhờ thành tích cải tạo xuất sắc.
7 tuổi đã có… đệ tử
Tên cúng cơm của Dũng “K Cơ” là Lê Văn Dũng, sinh năm 1960 tại xóm Bến, xã Lạc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái cũ (nay là Thái Nguyên). Thuở đó, Dũng đã biết làm đủ nghề, từ chăn trâu cắt cỏ, cấy hái cày bừa… 6 tuổi bắt đầu đi học, nhanh ý nhưng rất ham chơi nên đã sớm trở thành đầu lĩnh của đám học sinh quanh xã. 7 tuổi, sáng ra đến trường Dũng đã có người cắp cặp, xách túi, ở lớp đã có bạn làm bài hộ, nghịch ngợm vô cùng. Học lên đến lớp 8 (hệ 10 năm) được mấy tháng thì bỏ ngang xương, Dũng theo chúng bạn vào đội thủy lợi được 2 năm.
Đến năm 1978, vì chơi bời lêu lổng, Dũng bị bố mắng. Giận bố, Dũng viết đơn xin vào bộ đội mà không cho ai biết. Đến ngày tuyển quân, ông cụ mới té ngửa khi biết Dũng ra đi. Tháng 8/1978, Dũng làm một binh nhất của Tiểu đoàn 574 đóng tại xã Đào Viên, huyện Quế Võ (Hà Bắc cũ). Huấn luyện xong, Dũng được bố trí về đơn vị chiến đấu là Trung đoàn 338. Nhờ sự nhanh nhẹn, thông minh mà Dũng được lãnh đạo đơn vị cử đi học lớp tiểu đội trưởng ở cấp sư đoàn. Năm 1980, Dũng được kết nạp Đảng và trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất của trung đoàn khi đó.
Bước ngoặt đau đớn và lần "dính án" đầu tiên
Dũng thú nhận, lý do dẫn tới những bước ngoặt cuộc đời đau đớn sau này là do nhiều lần được giao phụ trách đơn vị đi độc lập làm việc, tính tự chủ, tự quyết và cả… tự phụ trong Dũng hình thành quá sớm và quá lớn. Trong chiến tranh, được giao phụ trách nổ mìn các công trình nên thường xuyên được giao nhận mìn, thuốc nổ, dần dần Dũng đã bắt đầu sa vào việc tư lợi dù không phải chỉ cho cá nhân mình. Bớt các loại vật liệu nổ để đi đánh cá, để đổi gà vịt cải thiện cho anh em trong sinh hoạt vì giai đoạn đó rất khó khăn. Cuối cùng lượng thuốc nổ hao hụt mất khoảng hơn 200 kg, đó là một chuyện hết sức nghiêm trọng. Đương nhiên, Dũng phải viết kiểm điểm, khai báo về việc này.
Vì sai phạm trên, tháng 8/1982 Dũng bị "treo giò" chuẩn bị khai trừ Đảng. Không được bố trí công tác nên Dũng đã lâm vào cảnh chán nản. Tháng 11/1982, Dũng chính thức bị khai trừ khỏi Đảng. Từ một đảng viên trẻ nhất trung đoàn, trở thành một người tai tiếng số một, ai ai cũng biết, nên Dũng đã chẳng thể vượt lên chính mình để gượng dậy.
Tháng 3/1983, Dũng ra quân. Quyết tâm phấn đấu để bươn chải với cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, Dũng đã làm đủ mọi nghề như đi chăn vịt thuê, buôn vàng, buôn bạc trắng ở tận các bản người dân tộc thiểu số, buôn quần áo vắt vai khắp các chợ vùng cao phía Bắc. Dần dần có chút vốn, Dũng bắt đầu xoay sang đi buôn trâu ở Na Rì, Bắc Kạn.
Liều lĩnh kiếm tiền, Dũng đặt in giả luôn cả con dấu quốc huy, con dấu cơ quan, tên người lãnh đạo các đơn vị cần thiết. Nhà Dũng lúc đó ở gần Viện 91, hằng ngày thấy người ra vào viện cần rất nhiều thứ giấy nên anh ta đã nảy sinh luôn ý định in giả các loại giấy tờ của Viện 91 như giấy vào viện, ra viện, giấy thanh toán, phiếu thuốc… Tất cả đều được Dũng mày mò tự… ký thay luôn.
Khi Công an quận Hai Bà Trưng phá vụ án in ấn nhãn mác giả ở Hà Nội, đã thu được các loại giấy tờ đặt in của Dũng. Hôm đó đúng ngày 14/7 âm lịch của năm 1986, Dũng đang ăn rằm ở nhà thì bị Công an quận Hai Bà Trưng lên bắt. Nằm ở nhà tạm giữ Công an quận hơn 1 tháng, chuyển sang trại Hỏa Lò nằm 2 tháng thì Dũng được chuyển giao cho bên An ninh Quân đội vì làm giả các loại giấy tờ của Quân đội. Năm 1986, Dũng bị Tòa án Quân khu I xử 18 tháng tù giam về tội làm giả giấy tờ.
“Cuộc tình trong trại” và “ông chủ xưởng tranh"
Một cuộc tình được coi là đẹp và hiếm có nhất nhì ở trại giam từ trước đến nay đã diễn ra và đó cũng chính là người vợ hiện thời của "tướng cướp": chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1966, người Phú Thọ.
Dũng vào Trại Phú Sơn 4 được khoảng hơn 1 năm thì nghe anh em kể chuyện vừa có một số phạm nhân mới nhập trại, trong đó có cả phạm nhân nữ. Họ còn bàn tán rằng, có một phạm nhân nữ đến trại hôm ấy là cô giáo "trông xinh lắm" và "rất nhân từ", người đã cho họ một số đồ ăn thức uống lúc xuống xe. Trí tò mò đã thúc đẩy Dũng dứt khoát phải tìm cách để gặp mặt xem cô này như thế nào. Các trại viên mới nói cho Dũng biết tên cô gái ấy là Oanh, nghe đâu là con một cán bộ ngành giáo dục ở tỉnh Phú Thọ.
Trước khi vào trại, Oanh là một cô giáo dạy giỏi có tiếng ở trường chuyên. Oanh bị dính án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Ngày đó ở Bắc Giang, nơi Oanh công tác, có phong trào buôn hàng từ biên giới Lạng Sơn về. Có điều kiện hơn nên Oanh đã dùng tiền của nhà trường cho một số người vay để đi buôn, nhưng họ vỡ nợ nên không trả được tiền. Chuyện vỡ lở, Oanh bị xử 8 năm tù giam và đưa vào Trại Phú Sơn 4…
Thông tin thì vậy nhưng vẫn chưa ai biết mặt ai cả. Theo nguyên tắc, trong trại phạm nhân nam và phạm nhân nữ không được gặp nhau, nhưng Dũng “K cơ” vốn ma mãnh nên đã thiết kế được một cuộc gặp rất chính đáng: Tổ chức việc trao đổi hạt giống trồng cây giữa các phân trại nên vì lý do đó, Dũng đã qua được phân trại nữ và "xem mặt" được cô gái vẫn liên lạc với mình lâu nay qua thư mà không biết mặt.
Nhìn thấy Oanh, Dũng đã bị lưỡi sét ái tình đánh trúng. Tình cảm quý mến từ đó càng tăng thêm. Họ liên tục trao đổi thư tín với nhau. Các lá thư chan chứa tình cảm yêu thương nồng nàn và lời hứa cùng nhau phấn đấu cải tạo tốt để mong ngày ra tù sẽ tổ chức đám cưới, làm lại cuộc đời.
Đi xây lại cơ đồ… với 15.000 đồng
Năm 2000, niềm vui đến với Dũng “K cơ” khi trong đợt đặc xá ra tù dịp kỷ niệm 30/4, cả Oanh và Dũng đều được tha tù trước thời hạn. Dũng bị án 11 năm nhưng được xét giảm án tới 5 năm, còn Oanh bị án 8 năm nhưng đã được xét giảm án sớm hơn 4 năm.
Ngày được về với cuộc sống tự do thật vui không tả xiết, nhưng cả Dũng và Oanh đều hiểu rằng phía trước là một cuộc sống với nhiều chông gai, thách thức đang chờ. Dũng và Oanh quyết tâm đưa nhau đi tìm nơi làm lại cuộc đời.
Lúc này, cả hai tay trắng. Nhà Dũng lại nghèo xác xơ, bố mẹ chỉ có 3 gian nhà tranh, vách đất. Vậy nên, miền đá đỏ Lục Yên là nơi đã hiện về trong tâm trí họ.
Trong túi Dũng và Oanh lúc ấy chỉ có 3 triệu đồng do một người bạn tốt bụng cho mượn. Lên đến Lục Yên, thuê một căn nhà nhỏ để ở, mua một cái giường để nằm, một cái xe đạp mini để đi lại, số tiền còn lại là… 15.000 đồng. Không sao cả, Dũng quyết định hướng dẫn cho Oanh cách đi buôn đá đỏ nhỏ kiếm cơm ngày 3 bữa, còn mình cùng anh em lên núi mua cào cuốc làm thủ công để kiếm đá.
Mọi thứ lúc này thiếu thốn, đến nước cũng phải đi xin. May có người anh em vốn nể phục Dũng từ trước thương tình cắt cho một mảnh đất nhỏ trên bãi của mình nên dần dần Dũng đã kiếm ăn được. Khi có thêm chút tiền, Dũng bắt đầu nghĩ đến chuyện liều. Dốc hết vào đi mua máy móc, mua công cụ để làm đá.
May mắn đã mỉm cười với Dũng, sau 6 tháng trở lại Lục Yên, đến cuối năm 2000, anh đã mở rộng sản xuất, lập thêm được một đội đá làm đường nữa.
Có đồng ra đồng vào, đến đầu năm 2001 Dũng quyết định lập thêm một đội công nhân nữa chuyên làm đá xây dựng. Nhờ cái liều và tầm nhìn xa, lực lượng lao động của Dũng khi đó đã rất mạnh, lên tới trên 70 người.
Ngoài lượng đá đỏ khai thác được đem bán đi, còn một lượng đá khá đẹp khác Dũng đã giữ lại vì thị trường đá quý lúc đó đã bắt đầu chững. Đó cũng chính là tiền đề cho công việc sau này của Dũng và Oanh.
Năm 2003, không hiểu sao hàng đá đỏ dù có làm được cũng không bán được nữa. Bên cạnh nguồn đá bị cạn kiệt thì công việc làm ăn cũng không còn thuận lợi, Dũng bắt đầu nghĩ đến chuyện về quê để làm ăn. Sau mấy năm ở Lục Yên, họ tổ chức đám cưới và cùng về quê sinh sống. Dũng mua mảnh đất 300 triệu đồng ở thị xã Sông Công (Thái Nguyên) và bắt đầu công việc kinh doanh trên một ngôi nhà tạm bợ.
Lại bắt đầu xoay đủ nghề, từ cho thuê xe, nhận cầm đồ đến buôn bán hàng tranh đá quý từ Lục Yên về Hà Nội, Hải Phòng. Trước khi về quê, Dũng đã nhìn ra một lượng hàng đá đỏ lớn vẫn còn trong dân do người ta găm lại chờ thời. Anh làm môi giới cho khách từ khắp nơi đến mua hàng, mỗi chuyến thành công cũng kiếm thêm được một ít.
Cuối năm 2005 đến đầu 2006, Dũng xây xong căn nhà ở thị xã Sông Công, mua sắm tiện nghi đầy đủ như một khách sạn cỡ 2-3 sao rồi quyết định lập một xưởng làm tranh đá quý. Đi nhiều nơi, Dũng đã tìm được một số thợ cả. Mang số đá mình giữ từ xưa cùng với một lượng nguyên liệu mua từ Lục Yên về bắt đầu làm tranh với khoảng 20 thợ có tay nghề. Đó là cơ sở sản xuất tranh đá quý đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
Ngày Dũng khai trương cơ sở làm tranh đá quý, rất đông cán bộ lãnh đạo các cấp Tỉnh Thái Nguyên tới dự và ai cũng mừng cho anh. Nẻo thiện gập ghềnh nhưng không phải là không thể đi và đến đích - ngay cả là với một người từng đầy tai tiếng như tướng cướp Dũng “K cơ”.
(Theo Công An Nhân Dân)
Từ khóa » Tiểu Sử Dũng K Cơ
-
Tiểu Sử Dũng K Cơ (Phần 1) - YouTube
-
“Dũng K Cơ”: Con đường Hoàn Lương Và Mối Tình đã đi Vào Tiểu Thuyết
-
Tướng Cướp Dũng “K Cơ" Lập "đặc Khu” ở Vùng Vàng
-
“Dũng K Cơ”: Con đường Hoàn Lương Và Mối Tình đã đi Vào Tiểu Thuyết
-
Tận Mục Dàn Sơ Ri Bonsai Cổ Thụ, Trĩu Quả Giá Tiền Tỷ Của "ông Trùm ...
-
Dũng Kacơ Trả Nợ đời | Báo Dân Trí
-
Tỷ Phú Xuất Thân Tướng Cướp - The - Crescent
-
Người đàn Bà đẹp Giúp Tướng Cướp Khét Tiếng Hồi Sinh
-
Thái Nguyên: Trung Tâm Dịch Vụ Và Du Lịch Dũng Tân Một điểm đến ...
-
Kpă KLơng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Năm Cam – Wikipedia Tiếng Việt