U Xơ Tử Cung Là Gì? Nỗi ám ảnh Của Chị Em Phụ Nữ Tuổi Sinh Sản

Nội dung bài viết / Table of Contents

Toggle
  • U xơ tử cung là gì?
  • Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u xơ tử cung – nhân xơ tử cung là gì?
    • Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
  • Nguyên nhân gây ra bệnh nhân xơ tử cung là gì?
  • Nguy cơ mắc bệnh
    • Những ai thường mắc bệnh u xơ tử cung?
    • Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?
  • Điều trị hiệu quả
    • Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?
    • Những phương pháp nào dùng để điều trị u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?
  • Chế độ sinh hoạt phù hợp
    • Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?

This post is also available in: English

U xơ tử cung là bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tùy theo vị trí và kích thước u mà bệnh biểu hiện với những triệu chứng khác nhau. Nếu u xơ nhỏ và không gây rối loạn kinh nguyệt cũng như không cản trở thụ thai thì bạn chỉ cần theo dõi và không cần điều trị.

Ngược lại, nếu u xơ tử cung lớn, gây rong kinh, đau bụng kinh hoặc vô sinh, sảy thai thì lúc này bạn cần được điều trị. Tùy theo loại u và tình hình sức khỏe của người phụ nữ mà có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, việc lựa chọn cách điều trị phụ thuộc vào sự lựa chọn của người bệnh cùng với tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phụ sản.

u xơ tử cung là gì

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung hay còn gọi là nhân xơ tử cung. U xơ hoặc u cơ trơn, là các khối u lành tính phổ biến, thường xảy ra ở trên hoặc trong thành cơ tử cung. U xơ được hình thành khi một tế bào cơ trơn phân chia nhiều lần và phát triển thành một khối vững chắc, đàn hồi, tách khỏi phần còn lại của thành tử cung. Chúng có thể phát triển thành một khối hoặc nhiều khối với các kích cỡ dao động từ 1mm đến 20mm. Có bốn loại như sau:

  • U xơ dưới thanh mạc: phát triển từ tử cung và hướng ra phía ngoài
  • U xơ trong vách: loại u này phát triển từ trong thành tử cung và có thể làm cho tử cung to lên
  • U xơ dưới niêm mạc: đây là loại u phát triển trong nội mạc tử cung và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn, do đó dẫn đến vô sinh và sảy thai
  • U xơ tử cung có cuốn: loại u này tách ra khỏi tử cung nhưng vẫn còn dính bởi 1 cuống nhỏ.

Khối u nhỏ sẽ không gây ra triệu chứng nhưng khối u lớn có thể gây mất máu và làm người bệnh chảy máu nhiều hơn trong kỳ kinh nguyệt. Khối u lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang và làm cho bụng người bệnh to ra như đang mang thai.

u xơ tử cung là gì

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u xơ tử cung – nhân xơ tử cung là gì?

Khoảng 30 đến 50% trường hợp bị u xơ không gây ra triệu chứng rõ rệt. Nếu có, các triệu chứng thường liên quan đến kích cỡ và vị trí u xơ. Các triệu chứng phổ biến của u xơ tử cung là:

  • Rong kinh (kỳ kinh kéo dài) và cường kinh (ra nhiều máu)
  • Đau hay cảm giác tức ở vùng chậu
  • Đau khi giao hợp
  • Đi tiểu thường xuyên do áp lực của u xơ tử cung lên bàng quang
  • Táo bón hoặc đầy hơi
  • Bụng to.

Trường hợp có u xơ trong lúc mang thai có thể sẽ gây ra một số biến chứng trong quá trình mang thai. Các khối u sẽ làm bong nhau thai sớm làm cho bào thai thiếu máu nuôi. Các khối u sẽ làm dịch chuyển vị trí của bào thai, làm cho người mẹ khó sinh tự nhiên mà phải nhờ vào sinh mổ. Hầu hết các trường hợp u xơ khi mang thai vẫn có quá trình phát triển thai bình thường. Tuy nhiên, các khối u sẽ lớn nhanh hơn trong lúc mang thai.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Tuy u xơ là khối u lành tính, nhưng nó có thể gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày và trong trường hợp xấu có thể gây xuất huyết. Nên gặp bác sĩ nếu bạn:

  • Đau vùng chậu không giảm
  • Rong kinh hoặc thống kinh
  • Rỉ máu hoặc chảy máu ngoài kỳ kinh
  • Đau khi quan hệ
  • Tử cung và bụng lớn lên
  • Tiểu khó.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

u xơ tử cung là gì

Nguyên nhân gây ra bệnh nhân xơ tử cung là gì?

Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác. Bác sĩ không bao giờ tìm thấy u xơ tử cung ở phụ nữ trước tuổi sinh sản và bệnh thường gặp hơn ở phụ nữ mang thai. Sau khi mãn kinh, có rất ít trường hợp phụ nữ mắc bệnh u xơ tử cung.

Tuy nhiên, vài yếu tố có thể kết hợp với nhau để gây ra bệnh:

  • Thay đổi di truyền: nhiều u xơ mang sự thay đổi gen khác với tế bào cơ tử cung bình thường. Có bằng chứng cho thấy rằng u xơ có xu hướng xảy ra theo gia đình và trẻ sinh đôi cùng trứng có khả năng cùng bị u xơ cao hơn trẻ sinh đôi khác trứng.
  • Estrogen và progesterone, hai hormone kích thích sự phát triển của nội mạc tử cung trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị cho sự mang thai, dường như đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của u xơ. U xơ có nhiều thụ thể estrogen và progesterone hơn các tế bào cơ tử cung bình thường và có xu hướng teo lại sau mãn kinh do sự suy giảm hormone.
  • Các yếu tố tăng trưởng khác. Các yếu tố giúp cơ thể duy trì nội môi, chẳng hạn như yếu tố tăng trưởng giống insulin, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ.

Nguy cơ mắc bệnh

Những ai thường mắc bệnh u xơ tử cung?

Khoảng 60% phụ nữ trên 50 tuổi mắc phải u xơ tử cung. U xơ phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung, chẳng hạn như:

  • Bạn đang ở độ tuổi sinh sản
  • Mức estrogen của bạn bất thường do bệnh hoặc sử dụng ma túy
  • Tiền sử gia đình có người mắc u xơ tử cung
  • Phụ nữ da đen có nhiều khả năng bị u xơ tử cung, bệnh xuất hiện lúc trẻ hơn, có nhiều u xơ hoặc u lớn hơn
  • Có kinh sớm
  • Chế độ ăn giàu thịt đỏ và ít rau xanh, trái cây và sữa
  • Uống rượu, bia.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?

Bác sĩ sẽ khám vùng chậu. Nếu có triệu chứng của u xơ, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

  • Siêu âm: nếu cần chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm. Phương pháp này sử dụng sóng âm để ghi hình tử cung nhằm xác định chẩn đoán và định vị cũng như đo kích thước u xơ. Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên di chuyển đầu dò siêu âm trên bụng (ngả bụng) hoặc đặt nó vào trong âm đạo (ngả âm đạo) để tiến hành lấy hình ảnh tử cung.
  • Xét nghiệm máu: nếu bạn bị xuất huyết âm đạo bất thường, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để khảo sát những nguyên nhân có thể. Chúng bao gồm công thức máu (CBC) để xem bạn thiếu máu do mất máu mạn hay không và các xét nghiệm máu khác để loại trừ rối loạn đông máu hoặc bệnh lý tuyến giáp.

Nếu siêu âm truyền thống không thể cung cấp đủ thông tin, bác sĩ có thể đề nghị các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như:

  • Cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này có thể cho thấy kích thước, vị trí của u xơ, nhận ra các loại u khác nhau và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
  • Siêu âm tử cung, còn được gọi là siêu âm bơm nước muối, sử dụng nước muối vô trùng để làm rộng buồng tử cung ra, giúp việc ghi hình buồng tử cung và nội mạc tử cung dễ dàng hơn. Xét nghiệm này có thể hữu ích trong trường hợp bạn bị rong kinh nặng nhưng lại có kết quả bình thường trên siêu âm truyền thống.
  • Chụp tử cung vòi trứng: sử dụng chất cản quang để làm nổi buồng tử cung và vòi trứng trên phim X-quang. Bác sĩ có thể không làm thủ thuật này nếu bạn lo ngại về vấn đề vô sinh. Ngoài việc phát hiện u xơ, nó còn giúp bác sĩ xem vòi trứng có bị tắc hay không.
  • Soi buồng tử cung: với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống soi nhỏ có gắn đèn đi qua cổ tử cung để vào tử cung. Sau đó bác sĩ sẽ tiêm nước muối sinh lý vào để làm rộng lòng tử cung, cho phép quan sát thành tử cung và lỗ mở của vòi trứng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?

Phần lớn u xơ không cần điều trị, chỉ cần đi khám định kỳ để đảm bảo u xơ không phát triển quá lớn hoặc gây ra các vấn đề khác.

Các loại thuốc có thể dùng là các thuốc kháng nội tiết tố. Nếu các triệu chứng tiếp tục xảy ra, có thể lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc loại bỏ u xơ nếu bệnh nhân vẫn muốn có con.

Phương pháp mới khác là làm thuyên tắc động mạch tử cung để cắt đứt nguồn máu nuôi u xơ. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng biện pháp ly giải cơ (dùng dòng điện để hủy u xơ và làm teo các mạch máu nuôi u xơ); và ly giải cơ bằng đông lạnh (dùng nitrogen lỏng thay cho dòng điện).

Bác sĩ sẽ phẫu thuật để cắt bỏ u xơ tử cung. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong khoa học, một số phương pháp điều trị không cần xâm nhập vào cơ thể bạn. Một phương pháp điều trị phổ biến là MRgFUS (cắt u xơ tử cung bằng sóng siêu âm). Phương pháp điều trị này sử dụng sóng siêu âm để tiêu diệt các u xơ mà không gây ra tổn thương cho các mô khác.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u xơ tử cung (nhân xơ tử cung)?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Duy trì cân nặng bằng cách tập thể dục và chế độ ăn uống đúng cách
  • Kiểm tra sức khỏe hàng năm để bác sĩ có thể theo dõi diễn tiến của khối u và can thiệp khi khối u quá lớn
  • Uống thuốc theo toa của bác sĩ
  • Báo cho bác sĩ biết về những lo ngại của bạn và mô tả các triệu chứng.

Chị em phụ nữ thường lo lắng khi được chẩn đoán bị u xơ tử cung. Tuy nhiên, may mắn là nhiều trường hợp u xơ tử cung chỉ cần theo dõi định kỳ, chưa cần can thiệp phẫu thuật.

Bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên cùng với kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện bệnh sớm và có kế hoạch theo dõi cũng như điều trị kịp thời.

Với những triệu chứng bất thường mới xuất hiện như rong kinh, rong huyết, bụng to lên… bạn đừng ngần ngại đi khám bác sĩ phụ khoa. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ bạn có thêm kiến thức phòng ngừa và tầm soát bệnh. Những hiểu biết trên có thể góp phần giúp bạn đỡ lo lắng hơn khi bản thân hoặc người nhà mắc bệnh u xơ tử cung.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa. Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình mình ngay hôm nay.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng.

Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

Nguồn tham khảo

  • Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor.
  • Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về.
  • Uterine Fibroids – Treatment Overview.
  • http://www.webmd.com/women/uterine-fibroids/uterine-fibroids-treatment-overview.
  • Ngày truy cập 10/06/2019
  • Uterine fibroids.
  • http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/uterine-fibroids/home/ovc-20212509.
  • Ngày truy cập 10/06/2019
  • Uterine (Myoma) Fibroids.
  • http://www.myoma.co.uk/about-uterine-myoma.html.
  • Ngày truy cập 10/06/2019
  • Myoma.
  • http://www.uterine-fibroids.org/myoma-treatment.html.
  • Ngày truy cập 10/06/2019
  • What Causes Myoma.
  • http://www.uterine-fibroids.org/what_causes_myoma.html.
  • Ngày truy cập 10/06/2019

Từ khóa » Tử Cung Có Nhân Xơ