U70 Vẫn Bay Lượn Trên Trời - Tuổi Trẻ Online
Bay trên đỉnh Khau Phạ (Yên Bái) tại sự kiện Bay lên mùa vàng 2016 - Ảnh: NVCC
Thuở nhỏ, tôi từng nhìn lên bầu trời và ước muốn được bay tự do như những cánh chim ngắm nhìn quê hương Việt Nam mình từ trên cao. Khi đã được cùng người hướng dẫn bay lên rồi, tôi lại muốn một ngày có thể tự tay lái cánh dù bay một mình trên bầu trời.
Ông Nguyễn Hữu Nam
Từ đai, dù, dây, mũ, bộ đàm... mọi thứ được ông kiểm tra lần lượt tỉ mỉ bằng mắt, bằng tay và cả cảm nhận của người lâu năm trong nghề bay dù lượn.
Khi dây dù đã được trải thẳng thớm, bên vai phải bộ đàm báo "sẵn sàng xuất phát", người đàn ông dáng hình cao lớn bước lên, giật cho cánh dù căng lên không trung. Trong một giây, ông chậm lại cảm nhận hướng gió, hai cánh tay liên tục căn chỉnh cánh dù. Khi gió đã tốt, ông vào đà chạy nhanh rồi giậm nhảy nhẹ nhàng vút lên bầu trời xanh trong tiếng hò reo, cổ vũ của người xem.
Tập bay cùng con trai
Nếu không chơi môn dù lượn, không tiếp xúc, ít ai biết người vừa rời đường băng là một phi công "lão thành" năm nay đã hơn 70 tuổi. Cái tuổi mà nhiều người chọn an viên tuổi già, nuôi cá, chăm cây nhưng đối với ông, tuổi già chỉ đến khi tay không còn ôm nổi cánh gió...
"Bác Nam già" là tên thường gọi của ông Nguyễn Hữu Nam (CLB dù lượn Vietwing Hà Nội). Nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, những phi công dù lượn biết bác Nam đều gọi bác với cái tên như vậy để phân biệt ông với các thanh niên tên Nam khác.
Tiếp xúc với dù lượn từ năm 2007, thời điểm bộ môn này chưa phát triển rộng khắp, các phi công theo đuổi tập luyện vô cùng khó khăn, thế nhưng "bác Nam già" đến nay đã đam mê theo đuổi môn dù lượn được hơn 15 năm.
Khi mới bắt đầu tập dù lượn, ông Nam đã 55 tuổi, chỉ còn vài năm nữa là về hưu. Thấy con trai đăng ký theo học bộ môn nghe rất lạ, sẵn tính đam mê thể thao ông cũng đăng ký cùng tập, vừa để thỏa mãn ước muốn bay lượn thuở nhỏ, vừa để khích lệ tinh thần con trai.
Buổi tập bay đầu tiên của ông cùng con trai là trên đỉnh núi Viên Nam (Thạch Thất, Hà Nội). Hai cha con cùng đoàn lên tập bay cùng một phi công người Nhật Bản. Dù tuổi đã trung niên, đồ đạc lỉnh kỉnh, leo đỉnh núi cao, đoàn lại phần lớn là thanh niên trai tráng nhưng ông Nam vẫn theo được đoàn lên núi.
Trên đỉnh Viên Nam, tình yêu với dù lượn bắt đầu hình thành với những đường bay của phi công lão luyện người Nhật. Trực tiếp chứng kiến rồi được bay cùng phi công, ông Nam khi ấy không giấu nổi niềm hạnh phúc. "Thuở nhỏ tôi từng nhìn lên bầu trời và ước muốn được bay tự do như những cánh chim ngắm nhìn quê hương Việt Nam mình từ trên cao. Khi đã được bay lên rồi tôi lại muốn một ngày có thể tự tay lái cánh dù bay một mình trên bầu trời", ông tâm sự.
Ít lâu sau buổi học bay đầu tiên, cậu con trai từ bỏ việc học bay. Mất đi một người đồng hành nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê, "con trai tôi không chơi thì tôi chơi". Kể từ đó, ông rong ruổi theo các đoàn bay đi đến khắp các điểm bay trên cả nước. Leo núi, băng rừng, lội suối, phát bãi, ngủ đêm... không gì là ông Nam không kham được và không hề kém cạnh đám trai tráng.
Khoảng một năm sau, các kỹ năng điều khiển đã nhuần nhuyễn, ông đi bay ngày càng nhiều hơn, gặp gỡ nhiều phi công trên cả nước hơn. Sau mỗi chuyến đi, ông thấy mình trẻ ra, tinh thần phấn chấn, sức khỏe ngày càng dẻo dai.
Trước kia, khi chưa có xe cơ giới, những lần leo núi cả đoàn không kể già trẻ đều phải vận tải đồ như nhau. Đặc biệt ở các vùng núi phía Bắc, núi cao và dốc, chỉ riêng việc đứng từ chân núi nhìn lên đã chóng mặt, chưa nói đến việc leo qua nhiều chặng để lên đến đỉnh. Ấy vậy mà ở tuổi quá ngũ thập, người phi công đặc biệt này vẫn mải mê vượt qua hết đồi núi này đến sông suối khác để lên đến đỉnh tận hưởng cảm giác bay.
Kỹ năng điều khiển cánh dù của ông Nam đã nhuần nhuyễn sau hơn 15 năm chơi dù lượn - Ảnh: NVCC
Ước mơ được bay trên đất thép Quảng Trị
Giờ đây, khi đã ở độ tuổi U70 sức khỏe không thể còn như 15 năm trước nhưng gần như mọi cuộc thi đấu, biểu diễn dù lượn ở hơn 20 điểm bay trên cả nước, không điểm nào vắng mặt "bác Nam già".
"Hà Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Nông, Đà Lạt, Đồng Nai... chỗ nào tôi cũng đi. Giờ tuổi cao, tôi tham gia với tư cách trọng tài, ban tổ chức giải đấu là chủ yếu chứ ít thi đấu. Tổ chức xong thì tôi bay, vẫn bay cho thỏa", ông Nam cười vui chia sẻ.
Đi nhiều, bay nhiều nhưng còn một tâm nguyện ông Nam già khao khát thực hiện trước khi "dừng bay" là tổ chức được một giải bay trên đất thép Quảng Trị, nơi cách đây hơn 50 năm ông từng cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ thành cổ. Cuộc chiến đẫm máu và ác liệt khiến nhiều đồng đội của ông nằm lại.
Ông khi ấy đang là sinh viên năm 2 khoa toán, là một trong những sinh viên ưu tú cũng bỏ lại việc học và cả tình yêu mới chớm nở để phục vụ Tổ quốc. Phải mãi đến mùa đông năm 1975, ông mới được cùng đồng đội trở về tiếp tục việc học.
"Bạn bè vào chiến trường nhiều nhưng rất ít được may mắn trở về. Tôi là một trong những người may mắn. Tôi được trở về như bây giờ cũng một phần là nhờ những đồng đội của tôi đã nằm xuống. Vì thế tôi tự dặn lòng phải sống thật tích cực để sống tiếp những năm tháng tuổi trẻ. Nếu sắp tới tổ chức được một giải bay và được bay trên những nơi mình năm xưa chiến đấu thì quá tuyệt với tôi. Tôi ước mơ điều này đã từ rất lâu", ông Nam trải lòng ước nguyện.
Bay trên bầu trời là ước mở thuở bé của ông Nguyễn Hữu Nam - Ảnh: NVCC
Cất cánh trong một cuộc thi dù lượn tại hồ Tà Đùng (Đắk Nông) - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Ông Nam trong một chuyến bay năm 2012 - Ảnh: NVCC
Cất cánh trên đỉnh núi Viên Nam - Ảnh: NVCC
"Trong cuộc đời, tôi đã có một tâm nguyện thực hiện được là bay trên bầu trời Hà Giang, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Được ngắm nhìn những núi đá, nương rẫy từ trên cao, tôi tự hào lắm. Tôi nhớ năm tháng tuổi thơ nhìn lên trời mơ ước được bay, được làm chú phi công. Tôi muốn môn dù lượn góp phần làm tươi đẹp quê hương, giúp du lịch phát triển, bớt phần nhọc nhằn cho người dân quê tôi", người cựu binh 70 tuổi vẫn bay lượn trên bầu trời trải lòng.
Hơn 100 vận động viên tham gia bay dù lượn trên hồ Tà Đùng
TTO - Giải dù lượn hạ cánh chính xác, tranh cúp Phú Cường - Tà Đùng - Đắk Nông năm 2022 được tổ chức lần đầu ở hồ Tà Đùng với hơn 100 vận động viên đến từ 12 câu lạc bộ trong cả nước.
Từ khóa » Khăn Bay Trên Trời
-
Chiếc Khăn Lạ Bay Trên Bầu Trời Có Phải Là Hiện Tượng Trời Giúp đất ...
-
Chiếc Khăn Trắng Của Phật Bà Quan âm Bay Lơ Lửng Trên Bầu Trời ...
-
Cáo Bay Trên Bầu Trời Cashmere Nữ Khăn Giữ Ấm Mùa Đông ...
-
Dân Tình đổ Xô Xem Hiện Tượng Lạ Trên Bầu Trời Sài Gòn Chiều Nay Và ...
-
Vật Thể Lạ Trên Bầu Trời Sài Gòn Hôm Qua đã Bay Tới Tận Cần Thơ ...
-
Bay Trên Trời / 天上飞 - Nhị Cẩu Tử Saddoggy - NhacCuaTui
-
Người Phụ Nữ Cầm Một Chiếc Khăn Trắng Bay Trên Bầu Trời - IStock
-
Tốc Độ Máy Bay Chở Khách Dân Dụng Bao Nhiêu Km/h?
-
Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân - Quang Dũng