UAE – Thị Trường UAE Và Quan Hệ Hợp Tác Kinh Tế, Thương Mại Với ...
Có thể bạn quan tâm
Vài nét về UAE
Abu Dhabi là Tiểu vương quốc lớn nhất, thịnh vượng nhất và đông dân nhất trong 7 Tiểu vương quốc. Abu Dhabi là thủ đô của UAE, là trung tâm chính trị, công nghiệp dầu khí, văn hóa của cả nước. Cũng giống như Dubai, Abu Dhabi được xem là một trong những thành phố giàu nhất thế giới theo đánh giá của Fortune và CNN. Đây là một điểm dừng chân hấp dẫn nhất ở Trung Đông với những đại lộ rộng, những tòa nhà chọc trời có kiến trúc độc đáo và những khu mua sắm lộng lẫy, những khách sạn quốc tế sang trọng.
Dubai là trung tâm kinh tế, thương mại và tài chính hàng đầu của UAE và của khu vực Trung Đông. Dubai có cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường kinh doanh đạt đẳng cấp quốc tế. Cơ cấu kinh tế của Dubai đa dạng hơn các Tiểu vương quốc khác, bao gồm các ngành như thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, du lịch, bất động sản và công nghiệp chế tạo. Dubai là thị trường tái xuất lớn thứ ba trên thế giới, đứng sau Hong Kong và Singapore. Đây còn là trung tâm của các ngành công nghiệp dịch vụ như công nghệ thông tin và tài chính với các khu công nghiệp, khu thương mại tự do xung quanh thành phố. Tại Dubai có tới hơn 70 trung tâm thương mại (shopping malls), trong đó có Dubai Mall là trung tâm shopping lớn nhất thế giới.
UAE có dự trữ dầu lửa đứng thứ 7 trên thế giới, dự trữ khí tự nhiên đứng thứ 7 trên thế giới, là nước có nền kinh tế đứng trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhất tại khu vực Tây Á. Nhờ có chính sách cởi mở, môi trường kinh doanh thông thoáng, UAE đang trở thành một trung tâm thương mại quốc tế quan trọng kết nối phương Đông và phương Tây. Năm 2012, GDP của UAE đạt khoảng 362 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người của UAE đạt khoảng 67.000 USD/năm và hàng năm UAE có thặng dự thương mại lớn, đạt khoảng 80 tỷ USD năm 2012. Điều này khiến cho UAE, ngoài đặc điểm là trung tâm tái xuất, còn là thị trường có sức mua lớn và khả năng thanh toán cao.
Ngành công nghiệp chủ chốt của UAE là khai thác và chế biến dầu lửa. Sản lượng dầu khai thác đạt khoảng 3,046 triệu thùng/ngày, xuất khẩu 2 triệu thùng/ngày. Một số ngành công nghiệp quan trọng khác gồm: hóa dầu, đánh bắt thủy sản, nhôm, xi măng, phân bón, sửa chữa tàu biển, vật liệu xây dựng, đóng tàu, dệt. Các ngành nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi và trồng chà là. Trồng trọt phát triển ở các ốc đảo bờ đông Liwa, Al Ain, Falaj Al Mualla. Sản phẩm nông nghiệp có chà là, rau quả, dưa hấu, gia cầm, trứng, sản phẩm sữa, cá. UAE có ngành hàng không đứng thứ 8 thế giới, ngành du lịch đứng thứ 2 trong khu vực.
Mặc dù là nước có nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt tương đối lớn, UAE đã có nhiều nỗ lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Việc thực hiện thành công chính sách đa dạng hóa đã giúp UAE giảm dần sự phụ thuộc vào ngành dầu khí, với tỷ lệ đóng góp trong GDP của ngành này đạt khoảng 25% như hiện nay. Từ khi phát hiện ra dầu mỏ tại UAE hơn 30 năm trước, UAE đã trải qua một thời kỳ chuyển đổi sâu sắc từ một đất nước nghèo với các vương quốc nhỏ nằm rải rác trở thành một nhà nước liên bang hiện đại với chất lượng sống xếp vào loại hàng đầu trên thế giới.
Chính phủ UAE hiện đang tập trung chi tiêu công vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, tạo việc làm, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. UAE chi tiêu hàng chục tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng và là thị trường dự án lớn nhất tại khu vực bán đảo Ả-rập, chiếm tới 37% tổng giá trị của các dự án trong lĩnh vực xây dựng, dầu khí, hóa dầu, điện, nước và xử lý chất thải của khu vực. Nhiều khoản đầu tư lớn được dành cho các dự án bất động sản, du lịch và giải trí, chủ yếu tại hai Tiểu vương quốc Abu Dhabi và Dubai. Abu Dhabi đang triển khai các dự án như “Thành phố Masdar (Masdar City)”, đảo “Saadiyat Island”. Dự án “Dubai World Central” với diện tích 140 km2 đang được triển khai tại địa điểm gần Khu Free Zone Jebel Ali, sẽ tạo việc làm cho khoảng 900.000 lao động, trong đó có bao gồm Sân bay quốc tế “Al Maktoum International Airport”, dự kiến sẽ là sân bay lớn nhất thế giới vào năm 2020. Tháp Burj Khalifa thuộc sở hữu của Tập đoàn “Emaar” với trị giá xây dựng khoảng 1 tỷ USD, hiện đang là tòa tháp cao nhất thế giới.
Cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi trong mấy năm qua đã không ảnh hưởng nhiều tới UAE do UAE là nền kinh tế có nội lực mạnh, có môi trường chính trị, xã hội ổn định, an toàn, môi trường kinh doanh thông thoáng, là điểm đến hấp dẫn của du lịch và đầu tư nước ngoài. Báo cáo Doing Business 2011 Report của World Bank đánh giá UAE là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới xét về khía cạnh môi trường kinh doanh tốt nhất.
UAE luôn giữ vững vị trí là quốc gia Ả-rập hàng đầu trong lĩnh vực ngoại thương, chiếm 24% tổng giá trị ngoại thương của khu vực. UAE áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung của Khối các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC Common External Tariff) kể từ ngày 01/01/2003, bao gồm 4 mức thuế ad valorem (theo giá trị): 0%; 5% (mức thuế chung đối với hầu hết các hàng hóa nhập khẩu); 50% (đồ uống có cồn) và 100% (thuốc lá). 97% số dòng thuế là thuế ad valorem. Thuế nhập khẩu được tính trên cơ sở trị giá nhập khẩu CIF. UAE không áp dụng loại thuế nào khác ngoài thuế nhập khẩu. Trên thực tế, mức thuế nhập khẩu trung bình của UAE đã giảm xuống còn 4,9% vào năm 2011. UAE là thành viên của WTO kể từ ngày 10/4/1996. UAE ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và dành quy chế MFN cho tất cả các nước thành viên của WTO, ngoại trừ I-xra-en. Biểu thuế nhập khẩu của GCC không phân biệt giữa thành viên hay không thành viên của WTO. Trên thực tế, UAE dành quy chế MFN cho tất cả các nước.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của UAE đạt khoảng 300 tỷ USD, nhập khẩu đạt khoảng 220 tỷ USD. Tổ chức Thương mại thế giới đánh giá UAE là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 20 trên thế giới trong năm 2011, vượt qua cả Australia, Brazil, Thụy Sỹ. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của UAE gồm dầu thô, khí tự nhiên, vàng, kim cương, polyethylene, nhôm chưa chế biến, tái xuất, cá khô, chà là. Với đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất nông nghiệp, UAE phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu để áp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Các nhóm mặt hàng nhập khẩu chính của UAE gồm máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hóa chất, nông sản (gạo, chè, cà phê, gia vị, rau quả, hạt điều, v.v…), thực phẩm, thủy sản, dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, v.v…
Quan hệ hợp tác Việt Nam - UAE
Quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Ngày 01/8/1993, Việt Nam và UAE lập quan hệ ngoại giao. Tháng 10/1997, Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Dubai; tháng 02/2008 nâng cấp lên thành Đại sứ quán tại Abu Dhabi. Tháng 11/2008, UAE mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Hai nước cũng đã tiến hành trao đổi đoàn cấp cao. Tháng 9/2007, Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE và là người đứng đầu Tiểu vương quốc Dubai, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum thăm chính thức Việt Nam. Tháng 02/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm UAE. Hai nước cũng đã trao đổi một số đoàn cấp Bộ, ngành. Ngoài ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam, các Hiệp hội: Thủy sản, Lương thực, Hồ tiêu, Da giầy, Dệt may… cũng liên tục tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang khảo sát thị trường và tham dự hội chợ, triển lãm tại Dubai. Tháng 11/2010, Bộ trưởng Kinh tế UAE sang Việt Nam dự Kỳ họp lần thứ nhất Uỷ ban liên Chính phủ giữa hai nước. Việc triển khai kết quả của Kỳ họp đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí, phát triển hạ tầng, bất động sản, du lịch, cung ứng nhân lực.
Tính đến nay, hai nước đã ký một số hiệp định và văn kiện hợp tác quan trọng như Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Khoa học Kỹ thuật và Thương mại (10/1999), Hiệp định về vận chuyển hàng không (5/2001), Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển công nghiệp (9/2007); Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai (9/2007); Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban chứng khoán và hàng hóa Emirates về hỗ trợ và hợp tác song phương (9/2007); Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường Việt Nam và Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường UAE (9/2007), Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (02/2009), Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (2/2009), Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ/ hộ chiếu đặc biệt (10/2010).
Hiện nay, UAE đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 17 của Việt Nam. UAE là thị trường tiêu thụ quan trọng và có nhiều tiềm năng đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là điện thoại di động, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, gia vị, thực phẩm, vật liệu xây dựng, rau quả nhiệt đới.
Trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh từ 550 triệu USD năm 2008 lên tới 2,38 tỷ USD năm 2012, tăng 82% so với năm 2011. Năm 2012, lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE vượt mức 2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ UAE đạt 303 triệu USD. 7 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 2,29 tỷ USD, nhập khẩu từ UAE đạt 204 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, vải, ngọc trai, đá quý, hạt điều, gạo, chè, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất, giấy, trái cây, rau, thuốc lá. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường UAE gồm nguyên liệu nhựa, khí hóa lỏng LPG, chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất, sản phẩm hóa chất.
Trong thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn lớn, có uy tín từ UAE như DP World, Mubadala Petroleum, Dubai Holdings, Limitless, Tamouh, Global Sphere… tỏ quan tâm và tìm kiếm các cơ hội đầ tư tại Việt Nam. Gần đây, Tập đoàn Hoàng Gia Việt Nam và Công ty Global Shere của UAE đang xem xét khả năng ký Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Trung tâm Tài chính Hà Nội (Phố Wall Hà Nội) với tổng vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD.
Tháng 10/2009, Tập đoàn DP World đã tham gia liên doanh với Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận để xây dựng cảng nước sâu với tên gọi Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) bên trong Khu Công nghiệp Hiệp Phước, trên sông Soài Rạp, với tổng số vốn đầu tư khoảng 360 triệu USD, diện tích 39,13 ha, công suất khai thác dự kiến khoảng 1,5 triệu TEUs/năm.
Trong khi đó, tại Dubai, qua các chuyến khảo sát, tham dự hội chợ triển lãm, một số doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai kế hoạch mở một Tổng kho hàng xuất khẩu Việt Nam, dự kiến khai trương tháng 5/2013, làm nơi tập kết và trung chuyển hàng hóa vào thị trường Dubai và sang các nước xung quanh.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí cũng có một số bước phát triển đáng khích lệ. Nhân chuyến chăm chính thức UAE tháng 02/2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Công ty Khí (PVGas) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký thỏa thuận với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), theo đó PVGas sẽ mua khí LPG của ADNOC trên cơ sở lâu dài. Hiện nay các Bên đang tiếp tục triển khai thỏa thuận.
Tháng 10/2010 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty MDC Oil & Gas Holding Company LLC (thuộc Tập đoàn Mubadala - một Tập đoàn kinh tế lớn của UAE) đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Hiện nay Mubadala Petroleum, thành viên của Tập đoàn Mubadala, đang tham gia một số hợp đồng dầu khí tại một số lô ngoài khơi Việt Nam.
Về hợp tác lao động, tính tới nay, Việt Nam có khoảng gần 70 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác xuất khẩu lao động sang UAE làm việc và số lượng lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng khoảng 7.200 người (tập trung vào các ngành nghề chủ yếu như xây dựng, cơ khí xây dựng, đóng tàu, dịch vụ khách sạn, điện lạnh, thủy sản, nhựa, may mặc, vệ sỹ, v.v…). Trong lĩnh vực vận tải, Hãng hàng không Emirates Airlines đã mở đường bay trực tiếp giữa Dubai và Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng 6/2012) và hiện đang xúc tiến việc mở tuyến bay vận tải hàng hóa Dubai-Thành phố Hồ Chí Minh. Việc Emirates mở đường bay trực tiếp tới Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động du lịch và thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để thương nhân và khách du lịch đi lại.
Là nước có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác một cách hiệu quả với UAE trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam hiện đang giữ vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, hạt điều, hạt tiêu và giữ vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp cho thị trường UAE các sản phẩm như gạo, cá, thịt, cà phê, trà, là các loại thực phẩm và đồ uống truyền thống và được ưa chuộng tại UAE. Ngoài ra, UAE cũng có thể giữ vai trò là cửa ngõ quan trọng để hàng Việt Nam vào các thị trường khác như các nước GCC, Trung Đông và Bắc Phi.
Từ khóa » Thị Trường Uae
-
[PDF] Hồ Sơ Thị Trường Uae - VCCI
-
Việt Nam Là Một Trong Những Thị Trường Tiềm Năng ... - Báo Chính Phủ
-
Kinh Doanh Tại Thị Trường UAE: Cần Hiểu đúng Về Tôn Giáo, Ngôn ...
-
Thị Trường Xuất Khẩu UAE Vẫn Có Cửa?
-
Khối Thị Trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)
-
Kinh Doanh Tại UAE - Thị Trường Xuất Siêu Tỷ đô Của Việt Nam
-
Thị Trường UAE Tăng Nhập Hàng Hóa Từ Việt Nam | MBS
-
Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Xúc Tiến Thương Mại Trực Tiếp Tại Thị Trường UAE
-
UAE Là Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Của Việt Nam - Bao Kiem Toan
-
2
-
Việt Nam Là Một Trong Những Thị Trường Tiềm Năng Của UAE
-
Cơ Hội Xuất Khẩu Sản Phẩm Dứa đến Thị Trường UAE - VIETGO
-
UAE đầu Tư 10 Tỷ USD Vào Thị Trường Ai Cập
-
Việt Nam - UAE: Tăng Cường Cung Cấp Thông Tin Về Thị Trường Của ...