Ðức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh Những Bất đồng Giữa Công Giáo Và ...
Có thể bạn quan tâm
1.Các giáo phụ và những nhà Cải Cách của Tin lành
đã nói gì về Ðức Mẹ
- Câu chuyện về Đức Mẹ Đồng Trinh
- Tin Lành hiểu thế nào về Đức Mẹ Đồng trinh ?
- Công Giáo Và Tin Lành Lập Luận Mẹ Maria Đồng Trinh
- Thử tìm hiểu ý nghĩa của câu: “Ông không biết đến
bà cho tới khi bà sinh một con trai”
- Mẹ Maria sinh con vẫn là một Trinh nữ
- Bằng chứng Mẹ Maria trọn đời đồng trinh
Các giáo phụ và những nhà Cải Cách của Tin lành đã nói gì về Ðức Mẹ
- Các giáo phụ và những nhà Cải Cách của Tin lành đã nói gì về Ðức Mẹ Ðồng Trinh:
- Các Giáo Phụ đã bảo vệ Ðức Ðồng Trinh trọn đời của Ðức Mẹ:
- Thánh Athanasiô:Ngài dẫn đầu cuộc chiến chống lại bè rối Ariô, Ngài rất được giáo phái Tin lành kính trọng. Trong cuốn những bài chống lạc thuyết Ariô, Ngài đã minh nhiên xưng tụng Ðức Mẹ trọn đời đồng trinh. Ngài lưu ý tước hiệu này là do tuyệt đại bộ phận các Kitô hữu dâng tặng cho Ðức Mẹ, đó không phải là sự việc mới lạ và chẳng cần biện hộ. Chúng ta có thể trích dẫn câu nói bất hủ trong tác phẩm của Thánh Athanasiô: “Những ai phủ nhận Chúa Con, vốn bản tính bởi Chúa Cha và đích thực mang bản thể Chúa Cha, thì người ấy cũng phủ nhận Chúa Con mang xác phàm nhục thể từ nơi Ðức Maria, vốn trọn đời đồng trinh.” (Discourses against the Arians 2, 70).
- Vào cuối thế kỷ thứ bốn:khi Helvidius đưa ra các chất vấn về Ðức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ, các Giáo phụ đã phản ứng cực kỳ gắt gao. Thánh Giêrônimô đã mạnh mẽ trước tác để bênh vực với tác phẩm: “Ðức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ chống lại Helvidius, lên án những lời giảng dạy theo trào lưu mới và khuynh hướng ủng hộ dị giáo của ông ta”. Cả hai thánh Augustinô và Ambrôsiô cực lực bảo vệ đức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ. Thánh Augustinô gọi Ðức Mẹ là: Trinh nữ thụ thai, Trinh nữ cưu mang, Trinh nữ chứa con trong dạ, Trinh nữ sinh con, Trinh nữ vĩnh viễn đồng trinh trọn đời!
Như vậy các giáo phụ đã minh nhiên khẳng định: Ðức Mẹ đồng trinh trước khi sinh con, đang khi sinh con và sau khi sinh con vẫn hằng mãi mãi đồng trinh.
- Các nhà Cải cách của Tin lành bênh vực tước hiệu trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ:
Chúng ta có thể nói ngay rằng Giáo phái Tin lành, kể cả các người sáng lập cũng đã mạnh mẽ ủng hộ học thuyết này:
Luther: “Chủ đề của niềm tin rằng Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, vẫn còn đồng trinh… chúng tôi tin Ðức Kitô sinh bởi cung lòng còn vẹn tuyền không tỳ ố. (Works of Luther, vol. 11, pages 319-320; vol. 6, pages 510)
Calvin: ” Có một số người nào đó đã muốn đề cập đến đoạn Tin mừng của Thánh Matthêu (Matthêu 1,25) rằng đức Nữ Trinh Maria, ngoài Ðức Giêsu Con Thiên Chúa, còn có những người con khác, và rằng Thánh Giuse sau đó đã ăn ở với bà, nhưng thật là ngu muội! Vì tác giả Phúc âm chẳng muốn ghi lại điều gì xảy ra sau đó. Tác giả chỉ đơn thuần muốn xác minh đức vâng lời của Thánh Giuse, và chỉ cho ta thấyThánh Giuse rất tỉnh táo, và để xác thực rằng chính Chúa đã sai sứ thần của Người đến với Ðức Maria. Vì thế, Thánh Giuse chẳng khi nào ăn ở với bà, và cũng chẳng chung sống cùng bà… Ngoài điều này ra, Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta được gọi là con đầu lòng. Ðó chẳng phải vì còn đứa con thứ hai, thứ ba; đó chẳng qua vì tác giả Tin mừng chú trọng đến quyền ưu tiên. Do Thánh kinh chỉ đếm xỉa đứa con đầu lòng, bất luận đứa thứ hai có hay không cũng chẳng hỏi tới.” (Calvin: Sermon on Matthew 1: 22-25, published in 1562).
Zwingli: “Tôi vững tin rằng Ðức Maria, theo lời Phúc âm, với tư cách một trinh nữ, đã sinh hạ cho chúng ta người Con Của Thiên Chúa, và trong khi sinh con, sau khi sinh con vẫn còn đồng trinh không vương tì ố đến muôn đời.” (Zwingli Opera, vol. 1, page 424).
Ðể kết luận, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ðồng Trinh, xin Mẹ cho chúng ta mỗi ngày thâm cảm sâu xa hơn khi nhận biết tình yêu vô biên của Thiên Chúatrong chương trình cứu độ. Chính vì loài nguời mà Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Ðức Mẹ. ” Ôi! Mẹ Chúa Giêsu, cũng là Mẹ của con, Ðấng trọn đời Ðồng Trinh vinh hiển! Xin hãy nhớ đến con bây giờ và trong giờ sau hết. Amen”.
- Cầu xin với Ðức Mẹ hay là xin Ðức Mẹ cầu bầu:
Chúng ta cần giải toả cho nhau một vấn nạn trước, nhiên hậu mới có thể chia sẻ cảm thông dễ dàng được. Vấn nạn “tại sao người công giáo cầu xin với Ðức Mẹ trong khi Thánh kinh nói Chúa Giêsu là Ðấng “trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (Timotê 2: 5)?” Xin thưa: mọi lời cầu nguyện đều có một đối tượng để nhắm tới là Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện với Ðức Mẹ, thực sự là chúng ta cầu cùng Chúa qua Ðức Mẹ. Chúng ta xin Ðức Mẹ cầu thay nguyện giúp và trình bày những thỉnh nguyện của chúng ta lên Chúa. Chúng ta hãy nhớ vua Salomon đã hứa chẳng từ chối bất cứ yêu cầu nào của hoàng thái hậu Bethshêba, mẹ của vua. Cũng vậy, vua các vua chẳng từ chối bất cứ điều gì mà Ðức Maria, bà Chúa quyền thế tuyệt trần, Mẹ của Ngài thỉnh cầu, ngay cả trong tình huống khó khăn tế nhị nhất như tại tiệc cưới Cana. Như vậy, cầu nguyện với Ðức Mẹ thực ra là xin Ðức Mẹ chuyển cầu, điều này hoàn toàn chính đáng dựa vào những lý do sau đây:
- Dựa vào ý nghĩa:
Lời chuyển cầu của Ðức Mẹ hoàn toàn phụ thuộc và tùy vào trung gian chuyển cầu của Chúa Giêsu. Chúng ta nên biết Thánh Phaolô, trong thư gửi cho Timothê (Tim 2: 1-8) lệnh cho các Kitô hữu cầu thay nguyện giúp cho nhau. Ðiều này không có nghĩa là chạy vòng ngoài nhưng là xuyên qua sự trung gian của Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu là trung gian giữa đất với trời, thì chúng ta, những phần tử của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta cũng đủ năng lực liên kết với Ngài như là những trung gian cộng sự. Nhưng tại sao chúng ta lại đặt trọng tâm vào sự chuyển cầu của Ðức Mẹ? Vì chúng ta biết lời bầu cử của Ðấng thánh có trọng lượng thế giá vô song (Giacôbê 5:16). Ðức Mẹ là Ðấng Thánh siêu phàm nhất của Thiên Chúa: Mẹ là Ðấng đầy ân sủng, Mẹ giữ vị trí giữa Thiên Chúa và các thụ sinh của Ngài; Mẹ là Ðấng Ðồng công với Chúa Giêsu trong việc giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại; nhờ Mẹ, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ là Chúa Giêsu. Mẹ nắm giữ kho tàng ấy, nên Mẹ là Ðấng phân phát những ân sủng của Thiên Chúa ban xuống con cái của Ngài. Tất nhiên khi nói đến kho tàng ân sủng hay là máng thông ơn Thiên Chúa, chúng ta không hiểu “kho” hay “máng” theo nghĩa đen, vì Mẹ là Từ mẫu của chúng ta trên bình diện siêu nhiên. Mẹ biết rõ những nhu cầu và ước vọng của chúng ta, nên khi cầu xin, chúng ta không cần phải minh nhiên phân trần: “con cầu xin Mẹ đây là con có ý xin Mẹ bầu cử”. Bởi vì, dù chúng ta có phân biệt như thế hay không, thì bất cứ ơn gì chúng ta nhận được cũng đều qua Mẹ, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
- Dựa vào huấn quyền của Giáo Hội:
Ðáng kể nhất là lời tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng Leô XIII: “Có thể xác quyết một cách chân thực rằng, do Thánh ý Thiên Chúa, tuyệt đối không một phần nào trong kho tàng ân sủng mà Chúa Giêsu đã sắm, được ban cho chúng ta mà không qua Ðức Maria. (Tông thư Octobri mense ngày 22-9-1891). Tất cả các Ðức Giáo hoàng kế vị đều nhắc lại điệp khúc ấy bằng cách này hay cách khác. Trong công đồng Vaticanô II, vai trò trung gian của Ðức Mẹ đã trở thành một đề tài được thảo luận sôi nổi. Nhiều Giám Mục ủng hộ việc tuyên bố giáo lý này thành một tín điều đức tin. Ngược lại, một số vị không đồng ý. Các vị này trích dẫn lời Thánh Phaolô: “Chỉ có một Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là Ðức Giêsu Kitô”. Nhưng các vị đã quên rằng cũng chính thánh Phaolô, trong một nơi khác đã gọi Môsê cũng là một người trung gian. (Gl 3:19). Cuối cùng, để dung hoà giữa phe bênh và phe chống, công đồng đã đưa ra những lời này: “Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị bảo trợ, Ðấng phù hộ, và Ðấng Trung gian. (LG 62). Công đồng nhấn mạnh rằng: “Phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng trung gian duy nhất.” Liền sau đó, chúng ta lại có lời tuyên bố rất ý nghĩa này: “Sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tuỳ thuộc vào nguồn mạch duy nhất.” (LG 62). Thực sự, các thiên thần, các thánh và các tư tế thời Tân ước được coi như những vị trung gian theo ý nghĩa xác thực nhưng mang tính cách tuỳ tòng.
Kết luận:
Mỗi khi chạy đến cầu nguyện nấp bóng Ðức Mẹ, chúng ta có quyền hy vọng, cậy trông, vì Mẹ là Ðấng trung gian mọi ơn. Hơn nữa, Mẹ là Mẹ hay thương xót, chắc chắn Mẹ chẳng bỏ lời cầu xin của chúng ta. Thực ra, Mẹ chỉ thi hành nhiệm vụ của Mẹ, nói cho cụ thể, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho ta. Vì Mẹ là người bầu chủ hay là người đứng nhận trách nhiệm can thiệp, tức là bảo lãnh xin dùm. Vậy lạy Mẹ: “đến sau cõi đầy, xin Mẹ cho con được thấy Ðức Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Ôi nhân thay! khoan thay! dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen”.
- Phải hiểu cho đúng việc tôn sùng Ðức Mẹ và việc tạc vẽ ảnh tượng của người Công giáo như thế nào?
Một số đông anh em Tin Lành không hiểu rõ ý nghĩa việc người Công giáo tôn kính Ðức Mẹ Maria một cách đặc biệt, nên có một số người đã quá găy gắt bình phẩm rằng người Công giáo qùy xụp lạy trước tượng Ðức Mẹ có khác nào như thể đang thờ ngẫu tượng! Và họ còn lên án rằng người Công giáo không biết phân biệt giữa Thiên Chúa tối cao và ảnh tượng gỗ đá do con người tạo ra, vậy sự kiện này có thực sự đúng không?
Thưa không. Bởi vì, chẳng hạn người Tin lành cũng từng ôm hôn cây Thánh giá hoặc cuốn Kinh thánh, nhưng có ai dám nói họ đang hôn gỗ, hôn giấy không? Ðiều quan trọng chúng ta phải ghi nhớ là Sách thánh hay Thánh giá được ôm hôn kia là để tưởng niệm Ðức Giêsu và công trình cứu độ của Ngài. Cũng vậy, những hình ảnh của các vị thánh hiển vinh của Thiên Chúa được sùng kính là để nhắc nhớ chúng ta về gương mẫu của các vị thánh đã tận hiến đời mình để đáng được công nghiệp cứu chuộc của Ðức Giêsu.
1- Quỳ trước tượng Ðức Mẹ không phải là thờ lạy:
Người Công giáo không nghĩ rằng họ đang “thờ lạy” Ðức Mẹ khi họ quỳ trước các ảnh tượng của Ðức Mẹ. Họ chỉ tôn kính Ðức Mẹ và qua Ðức Mẹ, họ thờ phượng Thiên Chúa, và Chúa Giêsu. Ðể cứu rỗi nhân loại, Thiên Chúa đã muốn cho Con của Ngài sinh bởi Ðức Mẹ đồng trinh, vì thế, người công giáo biệt tôn Ðức Mẹ trên hết các thần thánh, nhưng không vì thế mà biến việc tôn kính thành tôn thờ. Có người hỏi: “Thế nhưng tại sao người công giáo lại mộ mến Ðức Mẹ một cách say sưa như thể Ðức Mẹ là ngôi vị “thứ tư” trong ba ngôi Thiên Chúa? Xin thưa: người Công giáo, nhất là công giáo Việt nam say sưa yêu mến Ðức Mẹ một cách rất đặc biệt. Thiên Chúa chọn Ðức Mẹ và ban cho Ðức Mẹ vinh dự vô cùng lớn lao được làm Mẹ Thiên Chúa; vì Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Ðức Mẹ còn là Mẹ nhân loại. Chính Chúa Giêsu yêu kính Mẹ của Ngài một cách hoàn hảo. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm khi thực thi giới răn thứ bốn là: “Các ngươi phải thảo kính cha mẹ”. Lòng thảo kính đặc biệt ấy không phải là sự tâng bốc muốn đưa Ðức Mẹ lên ngang hàng với ngôi vị Thiên Chúa. Lòng thảo kính ấy đã được chính Chúa Giêsu cổ võ.
2- Phải hiểu cho đúng ý nghĩa việc tạc vẽ ảnh tượng:
Có người trưng đoạn sách Xuất hành (Xh 20:4-5) nói rằng Thiên Chúa đã cấm tạc tượng, vẽ hình, thế mà người công giáo còn tạc tượng Ðức Mẹ, như vậy là vi phạm luật Chúa?
Thưa: – Thiên Chúa cấm làm hình tượng với mục đích thờ lạy hình tượng thay vì thờ lạy Thiên Chúa. Vì dân chúng dưới thời Môsê thích tạc ngẫu tượng để thờ, nên Chúa đã truyền lệnh cấm ấy. Thế mà sau đó, chúng đã đúc bò vàng để thờ thay vì thờ Chúa khiến Chúa nổi giận (Xuất hành 32: 7-10). Nhưng Chúa đâu có cấm tạc vẽ ảnh tượng nói chung. Trong sách Xuất hành (Xh 25: 18-19). Chúa truyền cho Môsê làm các tượng thần Chêrubim. Trong sách Dân số, Chúa nói với Môsê đúc con rắn đồng. Người Do thái tạc rất nhiều hình tượng trong đền thờ của họ gồm thiên thần, bò lừa, sư tử, các cây cọ, chà là, hoa lá (Sách các Vua, quyển 1, đoạn 6 và 7). Có lẽ ở nhà, chúng ta để hình ảnh của người thân trong phòng khách; lúc đi đường còn mang theo trong ví, trong bóp, hình ảnh những người yêu dấu ấy. Ðấy là những hình tượng do con người làm nên. Có phải chúng ta thờ phượng các ảnh tượng đó khi chúng được dùng như biểu tượng nhắc nhở mối liên hệ thâm sâu giữa ta với người trong ảnh tượng? Không! Thế thì cũng một nguyên tắc ấy được ứng dụng trong việc tôn kính trước các ảnh tượng. Hình tượng Ðức Mẹ được trang trọng đặt trên bệ, trên đài là vì lòng mộ mến, tôn kính Ðức Mẹ một cách rất đặc biệt của người công giáo. Qua hình tượng Ðức Mẹ, người công giáo lúc nào cũng quy hướng tâm hồn về Thiên Chúa tối cao để thần phục, tôn thờ. Người công giáo chỉ dùng những hình tượng Ðức Mẹ, các Thánh và các Thiên thần của Thiên Chúa để nhắc nhở cho mình những nhân đức và hành vi thánh thiện của thánh nhân đáng tôn kính mà các ảnh tượng kia biểu hiện.
Lạy Mẹ Maria, con của Mẹ còn nơi dương gian, giữa chốn ba đào hiểm nguy, xin Ðức Mẹ thương con và cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho con. Amen!
- Thắc mắc về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa trong các anh em Tin lành:
Lịch sử giáo Hội cho thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria vẫn được mọi người chấp nhận. Tới năm 429, Giám mục Nestoriô dấy lên lạc thuyết nói rằng Chúa Giêsu có hai ngôi vị riêng biệt, và Ðức Maria chỉ là Mẹ của ngôi vị loài người mà thôi. Năm 431, lạc thuyết này bị công đồng Ephêsô lên án và không còn thấy tái hiện trong Kitô giáo cho tới sau thời kỳ giáo phái Tin Lành ra đời. Sự kiện có những anh em Tin lành không nhìn nhận Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa là một sự xa rời căn bản của Kinh thánh và các Giáo phụ. Bởi vì điều ấy hàm ý rằng Chúa Giêsu chẳng phải là Thiên Chúa hoặc là nơi Ngài có hai ngôi vị riêng biệt.
1- Sự cần thiết nêu lên những lý chứng:
Anh em Tin lành viện lẽ rằng Ðức Maria chẳng có thể tạo ra Thiên tính của Chúa Giêsu, vậy Ðức Mẹ không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Ðây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất (Công đồng Ephêsô, x Denziger-Schonmetzer 250). Chúng ta nói một kẻ được sinh ra, mà không nói bản tính được sinh, hay thân xác được sinh. Chẳng hạn, cha mẹ không sinh ra linh hồn chúng ta, vì chúng ta lãnh nhận linh hồn trực tiếp từ Thiên Chúa, cha mẹ chỉ sinh chúng ta phần xác. Thế nhưng người ta không nói “mẹ tôi chỉ sinh ra thân xác tôi”, mà nói “mẹ tôi sinh ra tôi”.
2- Cần nêu chứng từ của Kinh thánh:
Có rất nhiều đoạn cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Chúa. Phúc âm Matthew (Mat 1: 23) ( nhắc lời tiên tri Isaia) nói danh hiệu Ðấng Cứu thế là Emmanuel, nghĩa là “Chúa ở với chúng tôi”. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata: “Ðến thời gian viên mãn, Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới chế độ lề luật” (Gal 4,4). Luca cũng cho biết: “Con trẻ được sinh ra, sẽ được gọi là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa( Lc 1: 35). Bà Isave cũng nói: “Mẹ của Chúa tôi”. Chữ “Chúa tôi” đối với dân Do thái chỉ để quy về Thiên Chúa (Luc 1: 43).
3- Anh em Tin lành đồng ý Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu:
Mặc dù anh em Tin lành không nhìn nhận Ðưc Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng họ đồng ý Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu: Chúng ta biết, Con Thiên Chúa nhập thể không có nghĩa một phần là Thiên Chúa, một phần là người. Nếu hiểu như vậy thì hoá ra một nửa Chúa Giêsu là Chúa, một nửa kia là người pha trộn với nhau. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải là sự pha trộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. (Sách GLCG số 464 a). Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật trong một ngôi duy nhất là ngôi thứ hai. Trong suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết, nhất là lạc thuyết Nestoriô, Hội Thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin này: “Thiên Chúa làm người, đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa” (Sách GLCG 464b và 468).
4- Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ:
Ðức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại không thể tách rời nhau, như công đồng Êphêsô đã tuyên xưng: “Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động. Nhân tính của Chúa Giêsu không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Ðấng từ lúc tượng thai đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình… vì thế chúng ta nói: “Ngôi Lời đã sinh ra làm người”. (Denzinger-Sconmetzer: Tuyển tập các tín biểu, các Ðịnh tín, Sách GLCG số 466 trích dẫn). Cuối cùng, công đồng Ephêsô năm 431 công bố rằng: “Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ”
5- Học hỏi trong tương lai:
Chúng ta sẽ có dịp đề cập tới các Giáo phụ và các nhà Sáng lập của Tin lành đã xác lập quả quyết rằng: Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa. Như vậy hy vọng chúng ta và anh em Tin lành càng có nhiều lý chứng rất đáng thuyết phục.
Ôi Mẹ Thiên Chúa, “Ðấng đầy ơn sủng, Ðức Chúa ở cùng Bà”(Lc 1: 28). Xin cho con được chia sẻ một phần phúc lộc của Mẹ, để con đáng được Chúa Giêsu thương đến! Amen.
- Tin Lành Toàn Thống và sự khác biệt về Giáo lý liên quan đến Ðức Mẹ như thế nào?
Giáo lý đích thực đã được thánh Công đồng Vaticanô II đề cập trong Hiến chế Giáo Hội, (GH 67), những khác biệt về giáo lý với các anh em ly khai Tây Phương (Sắc lệnh HN 20), trong đó vấn đề tranh luận liên quan đến Ðức Maria ảnh hưởng sâu sắc đến phương diện tình cảm, là lý do của mối lo âu đại kết (Philibert Zobel, Dictionary of Mary, bản Việt ngữ của Ngọc Ðính C.M.C p140). Trươc hết, chúng ta cùng tìm hiểu một trong các điểm khác biệt quan trọng về Giáo lý giữa anh em Tin lành Toàn Thống (Fundamentalis) và Giáo Hội Công giáo:
– Phía anh em Tin lành:
Bắt đầu thời Cải cách, anh em Tin lành đã đưa ra lý thuyết duy Kinh thánh ” Sola Scriptura” (Lat: by Scripture alone). Mỉa mai thay, định đề này lại chẳng có trong Kinh thánh. Ðể cho định đề duy Kinh thánh đứng vững, chúng ta đưa ra ví dụ nói rằng: “Ðức tin chỉ căn cứ vào Kinh thánh là đầy đủ”, không cần dựa vào Huấn quyền của Giáo hội và không cần Thánh truyền. Thế nhưng thuyết Duy Kinh thánh đã không chứng minh được tìm thấy trong Kinh thánh. Kinh thánh không khẳng định chỉ Duy Kinh thánh là quy luật đầy đủ cho Ðức tin của các Kitô hữu. (Patrick Madrid: Where is that in the Bible: authority of the Church, page 39, Our Sunday Visitor Publishing)
– Phía Giáo Hội công giáo:
Ðưa ra những chứng cứ qủa quyết sự quan trọng gồm phẩm trật Giáo Hội, Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo Hội: Matthêu 16: 18-19: “Trên đá này Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày… Thày sẽ trao cho con chìa khoá nước Trời, sự gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc, sự gì con cởi mở dưới đất, trên Trời cũng cởi mở.” Matthêu: 18: 17-18: “Nếu nó chẳng nghe lời Hội Thánh, hãy kể nó như một người ngoại và một người thu thuế, thật, Thày nói thật cho anh em, dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên Trời cũng tháo cởi như vậy”. Luca: 10: 16: “Ai nghe anh em là nghe Thày, mà ai khước từ anh em là khước từ Thày, mà ai khước từ Thày là khước từ Ðấng đã sai Thày”. Trong Cựu ước, chúng ta còn tìm thấy lời cảnh cáo cho những ai khước từ thẩm quyền giảng dạy của các tư tế là những người Chúa trao thẩm quyền cắt nghĩa lề luật và truyền đạt lời Chúa một cách chính thức. (x Lêvi 20: 1-27, 25: 1-55). Trong sách Ðệ nhị luật: 17: 11-13: “Căn cứ vào lời các tư tế chỉ giáo cho anh em, và vào bản án họ công bố cho anh em, anh em sẽ hành động đúng như lời họ thông báo cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. Người nào cả gan không nghe vị tư tế chầu chực ở đó để phụng sự Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hay không nghe vị Thẩm phán, thì sẽ phải chết.”
Qua những đoạn Kinh thánh kể ra trên đây, Thiên Chúa thiết lập Huấn quyền của Giáo hội với thẩm quyền dạy dỗ (x Matt. 28: 20), cắt nghĩa Kinh thánh (x TDCV 2:14-36) cầm buộc và tháo cởi (Matt. 18; 18; TDCV 15: 28-29).
– Thuyết Duy Kinh thánh và những Tín điều về Ðức Maria:
Lập trường của hai phía Tin lành và Công Giáo trong Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên trời và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội khác biệt nhau: Anh em Tin lành chủ trương chỉ có những gì trong Thánh kinh mới trở thành niềm tin cho các Kitô hữu. Ðó là điểm gây bất đồng giữa anh em Tin lành và Giáo hội Công giáo. Anh em Tin lành nói hai Tín điều nêu trên không được mạc khải trong Kinh thánh, vì vậy không thể chấp nhận được. Nhưng Giáo hội Công giáo nại vào Thánh truyền như nguồn phù trợ cho Thánh kinh. Chỉ có Thánh kinh mà thôi thì chưa đủ (Vat. II, hiến chế MK 98). Thánh kinh và Thánh truyền do các Thánh Tông đồ được Giáo hội Công giáo coi như quy luật tối cao hướng dẫn đức tin (MK 21).
Sự khác biệt về Giáo lý kể trên đã làm nảy sinh các vấn nạn khác của anh em Tin lành về Ðức Maria. Những vấn nạn ấy sẽ được lần lượt đề cập trong những bài sau. Vì lòng yêu mến Ðức Mẹ, người Công giáo cố gắng tìm hiểu và học hỏi những giáo lý liên quan đến Mẹ, để củng cố niềm tin nơi Mẹ, như Hiến chế Giáo Hội dạy: “Công đồng muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và nhiệm vụ của nhân loại đối với Mẹ mình là Ðức Trinh Nữ Maria” (GH 54). Cũng trong Hiến chế ấy, Công đồng kêu gọi các nhà thần học tiếp tục tìm tòi để làm sáng tỏ các vấn đề thần học còn đang được nghiên cứu…
- Làm thế nào để trình bày Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho các anh em ly khai?
Chúng ta biết rằng thông thường người ta đặt thắc mắc: (1) Tín điều này phạm đến tính cách thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa và công trình cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài. (2) Giáo Hội khi giảng dạy đã không căn cứ vào nguồn Kinh thánh. (3) Tín điều nào không có trong Kinh thánh, thì không thể là niềm tin cho các Kitô hữu.
Chúng ta đã có lần đề cập thuyết Duy Kinh thánh của anh em Tin lành Toàn thống, thuyết này chủ trương chỉ có Kinh thánh mới là quy luật cho Ðức tin. Trong bài trước, chúng tôi có nói tới những sai lầm của thuyết này. Một trong những lý do khiến anh em ly khai khó chấp nhận một số Tín điều về Ðức Mẹ là vì các anh em ấy không hiểu vai trò của Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo hội dựa theo Thánh kinh.
Giáo hội Công giáo đã được Chúa Kitô uỷ nhiệm rao giảng Tin mừng cho mọi dân tộc và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội được ơn rao giảng không sai lầm: “Nhưng Ðấng Bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em” (Ga:14, 26) “Khi nào Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn… Người sẽ loan báo cho anh em biết tất cả những điều sẽ xảy đến” (Ga16: 13).
Bên cạnh những chứng cứ Kinh thánh về quyền giảng dạy của Giáo hội, còn có nhiều đoạn Kinh thánh có thể được viện dẫn. Trong sánh Sáng thế ký 3:15, Chúa nói rằng có mối thù giữa người phụ nữ và con rắn, và mối thù này lan sang miêu duệ người phụ nữ và miêu duệ con rắn. Miêu duệ của người Nữ là Ðấng Cứu thế, đối thủ của dòng dõi ma quỷ. Mẹ của Ðấng Cứu Thế cùng chung cuộc đối đầu với rắn, tức bè lũ Satan. Nếu Ðức Maria, người Nữ mang tì vết tội lỗi, thì Bà không thể đối đầu cách toàn diện với ma qủy được. Có kẻ nói rằng, người Nữ nêu trên là chính Evà. Nhưng ý nghĩa ấy không phù hợp với văn mạch đoạn này, bởi vì Evà cùng hợp tác chung với con rắn, chứ không phải là kẻ đối địch với rắn. Chỉ duy nhất có Ðức Maria, Evà mới, là người phụ nữ duy nhất phù hợp với đoạn mô tả trong Sáng thế ký 3:15 trên đây.
Mở Luca 1:28, chúng ta tìm thấy trong lời của sứ thần Gabriel chào kính Ðức Mẹ: “Kính chào Maria đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng Bà”. Câu “đầy ơn phúc” dịch bởi tiếng Hy lạp kecharitomene, ở thể qúa khứ hoàn toàn, có nghĩa đã được trọn vẹn tràn đầy ân phúc, hơn nữa, sứ thần Gabriel xưng hô tên Maria của Ðức Mẹ, điều đó nói lên tư cách đặc thù của Ðức Mẹ trong tình trạng hoàn toàn nhất, cả về phẩm lẫn lượng. Như vậy sự “đầy ân phúc” của Ðức Maria không phải là kết quả tiệm tiến theo thời gian, nhưng là sự tràn tràn đầy ơn thánh sủng ngay lúc bắt đầu từ khi Mẹ hiện hữu.
Qua các thế kỷ, các Giáo phụ và các Tiến sĩ của Giáo Hội đều đồng ý tán thành đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ. Tín Ðiều thật phù hợp khi người ta khảo sát Hòm bia thánh đã được vinh danh tột bực. Trong Sách Xuất Hành 25:11-21, Chúa truyền dạy các chi tiết thật tỉ mỉ cho công trình thiết kế. Ðể cho trang trọng và được lâu bền, Hòm bia phải làm bằng gỗ bá hương, trong ngoài phải dát vàng ròng, và phải đựơc giữ tinh tuyền không chút bợn nhơ và không được coi thường bất kính. Trong sách 2 Samuel 6:6-7, Chúa phạt Uzzah chết tươi vì dám cả gan đụng tới Hòm bia thánh.
Từ những thế kỷ đầu, Kitô hữu khắp nơi đã nhìn nhận Hòm bia thánh trong Cựu ước là điển hình (typology) của Ðức Maria. Sự so sánh thật là ăn khớp. Hòm bia thánh chứa đựng Lời Thiên Chúa, Ðức Maria chứa đựng ngôi Lời hằng sống. Ðức Maria là hòm bia sống động chứa Lời hằng sống. Nếu Hòm bia thánh mang phiến đá khắc ghi Lời của Thiên Chúa mà ý quyết của Chúa truyền dạy phải long trọng đến thế, thì Ðức Maria chứa đựng chính Chúa còn phải tô điểm lộng lẫy trang trọng biết bao! Ðức Maria quả thật là Hòm bia của Thiên Chúa bởi vì Mẹ chứa đựng Ngôi Lời của Thiên Chúa, thân thể Ðức Giêsu, là nguyên uỷ ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.
Một số người còn luận bàn rằng Hòm bia thánh không phải là Ðức Maria, nhưng là Thân mình Chúa Giêsu. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể trưng dẫn một câu trong Sử biên niên để đáp lời. Trong Sử biên niên (Chronicles) có ghi rằng những người khiêng Hòm bia thánh phải thanh tẩy: “Vậy các tư tế và các thầy Lêvi thanh tẩy mình để kiệu Hòm bia của Ðức Chúa, Thiên Chúa It-ra-en” (1 Sb 15:14). Nếu người khiêng Hòm bia thánh mà còn phải thanh tẩy, thì Mẹ Maria, Ðấng mang chính Ðấng Thánh trong cung lòng, lại càng phải được thanh tẩy. Thật là vô nghĩa nếu nói rằng Ðức Mẹ không cần thánh hoá hoặc Mẹ đã không được gìn giữ tinh tuyền khỏi tội nhơ! Ðể hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đọc: “Xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Ðức Khôn Ngoan không cư ngụ” (Kn 1: 4b).
Ôi Maria Trinh Vương, Mẹ Vô Nhiêm Nguyên Tội! Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho thuyền đời con khỏi đắm chìm giữa đại dương nguy khốn. Amen!
LM Giuse Trần Xuân Lãm
Câu chuyện về Đức Mẹ Đồng Trinh
Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria,
Có một nhà Thần học Công Giáo ẩn danh, rất nổi tiếng thông thái, biết nhiều lẽ cao siêu huyền bí, thế mà đã không thể hiểu nổi về việc Đức Mẹ Maria đã chịu thai, đã sinh con, mà Giáo Hội Công Giáo tin là vẫn đồng trinh toàn vẹn? Nhà Thần học cho là việc phi lý, không thể có, và ông hoàn toàn nghi nan về việc đó. Mặc dầu đã cố gắng xua đuổi tư tưởng hắc ám đó, nhưng không sao bỏ được, nó hằng ám ảnh đầu óc ông suốt ngày đêm.
Anh chị em thấy việc có kỳ lạ không? Một nhà Thần học nổi tiếng thông thái, lại đến nhờ một thầy dòng tu rừng bình dân, ít học, giải đáp các thắc mắc về Tín lý Thần học.
Anh chị em có biết thầy dòng dùng gậy làm gì không? Không phải dùng gậy để quật cho nhà Thần học đang thắc mắc bậy bạ, vớ vẩn đâu!
– Hỡi bạn, Đức Mẹ Maria Đồng Trinh trước khi sinh Con.
Nhà Thần học còn đang ngỡ ngàng trước sự việc lạ lùng đó, thì thầy Egiđiô lại giơ cao gậy đập xuống đất lần thứ hai mà nói:
Tức thì một bông Huệ trắng tinh khác lại mọc lên.
– Hỡi bạn, Đức Mẹ Maria Đồng Trinh sau khi đã sinh Con.
Thi hành xong sứ mệnh, thầy ẩn sĩ Egiđiô cầm gậy im lặng trở về rừng rậm. Còn nhà Thần học đầu óc đã được giải tỏa, hết còn thắc mắc vớ vẩn như trước nữa.
Kính thưa toàn thể anh chị em,
Vậy hai chữ Đồng Trinh có ý nghĩa gì?
Có hai loại đồng trinh:
- Đồng Trinh luân lý (Moral Virginity): là kiêng lánh mọi ước muốn chủ tâm về tính dục.
Khi một người giữ toàn vẹn được cả thân xác không làm điều dâm ô và trí lòng không hề ưng thuận, chiều theo ước muốn tình dục: đó là Đồng Trinh toàn vẹn.
Anh chị em có biết Đức Maria, Mẹ yêu dấu của chúng ta đã Đồng Trinh như thế nào không?
Xin anh chị em nhớ lại việc chúng ta đã tuyên xưng Đức Mẹ Đồng Trinh trong 2 kinh Tin Kính chúng ta thường đọc.
- Trong kinh Tin Kính giáo dân thường đọc ngoài thánh lễ, có câu tương tự như trên: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi BÀ MARIA ĐỒNG TRINH.”
Nhưng rõ ràng hơn hết là câu chúng ta đọc trong kinh Cáo Mình: “Tôi cáo mình cùng Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng và RẤT THÁNH ĐỨC BÀ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH.”
Nói theo danh từ bình dân thì: Đức Mẹ Đồng Trinh rất mực, Đồng Trinh hết cỡ! Đồng Trinh quá xá!
Anh chị em nên nhớ kỹ:
Vấn đề đó đã được đề cập đến trong các Công đồng sau đây:
– Đặc biệt tại Công đồng Latêranô do Đức Giáo Hoàng Martino I triệu tập năm 649, đã tuyên bố: ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH, khi chịu thai, cũng như khi sinh con và suốt cuộc sống.
– Trong bản định tín về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Denz 2803) và về Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời (Denz 3903), Giáo Hội cũng tuyên xưng “ĐỨC MẸ TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH”.
Chúng ta nên nhớ rằng: Không phải giáo dân thuộc các thế kỷ gần đây, sau khi nghe Giáo Hội tuyên bố về Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và đồng trinh toàn vẹn mới tin theo, mà chính các tín hữu thuộc các thế kỷ đầu, theo lời quả quyết của các Giáo Phụ, họ đã tin tưởng rằng: Đức Mẹ Maria trước hết đã là Mẹ Đồng Trinh, và sẽ mãi mãi là Mẹ trọn đời Đồng Trinh.
* Đồng Trinh trước khi sinh Con (Ante partum).
* Đồng Trinh trong khi sinh Con (In partu).
* Đồng Trinh sau khi sinh Con (Post partum).
- ĐỒNG TRINH TRƯỚC KHI SINH CON
Câu nói: “đồng trinh trước khi sinh con”, theo nguyên thường, theo ý nghĩ của anh chị em, cũng như theo quan niệm người đời, thì chẳng có gì lạ cả.
– Thiếu gì thanh thiếu nữ thuộc các quốc gia, nhất là Việt Nam ta, vẫn giữ mình trinh trắng cho đến khi lấy chồng và có con.
Hơn nữa, nếu nói đến việc thiếu nữ thụ thai mà không hề có khí huyết của nam nhân tham dự vào, thụ thai mà vẫn còn đồng trinh, thì chúng ta sẽ quả quyết mà không sợ sai lầm rằng: Chẳng hề có một thiếu nữ ở bất cứ nước nào, thuộc bất cứ dân tộc nào trên thế giới đã được đặc ân hi hữu ấy, trừ Đức Trinh Nữ MARIA.
VỀ CỰU ƯỚC: Tiên tri Isaia đã loan báo hơn 700 năm trước Thiên Chúa giáng sinh: “Này đây, một Trinh Nữ sẽ thụ thai rồi sinh hạ một người Con, được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Is 7:14).
Đây, chúng ta hãy nghe lời Thiên Thần đến giải thích cho Thánh Giuse vì ông thắc mắc tại sao Đức Trinh Nữ Maria có thai:
Chắc có người trong anh chị em lại thắc mắc nữa:
– Chúa Kitô có thể sinh ra từ một người cha và một người mẹ tự nhiên như bao nhiêu người khác được không?
– Lý do trước hết là tại chính bản tính nhân loại, quen gọi là nhân tính, của Con Người cao quý siêu việt này. Theo lý tự nhiên ai cũng phải nghĩ rằng: Một Thiên Chúa mặc xác loài người phải được sinh ra một cách khác hẳn với một con người tự nhiên chứ.
Nhưng, trong thực tế, nếu không có nguồn gốc người Mẹ Đồng Trinh, thì bản tính Thiên Chúa, quen gọi là Thiên tính, của Chúa Giêsu sẽ gặp nguy cơ không được người ta nhìn nhận.
Lý do cuối cùng về việc Đức Mẹ Đồng Trinh trước khi sinh con để nói lên rằng: Đức Kitô là một Người Mới, một tạo vật mới, một Ađam mới, vì thế cách Người ra đời cũng phải mới. Cũng như Ađam xưa tuy là người, nhưng lại không được sinh ra bởi một người nữ. Còn Chúa Giêsu được sinh ra bởi một Trinh Nữ thụ thai mà không cần khí lực của người nam. Vì thế, Chúa Kitô nhờ Đức Mẹ sinh ra để trở thành con người như chúng ta, nhưng nguồn gốc của Ngài lại khác hẳn nguồn gốc của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Thế nhưng, cái điều đối với loài người là không có thể, thì đối với Thiên Chúa là điều có thể, và đã xảy ra đấy.
Quả thế, Đức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu Kitô cách trong sạch, thì Người cũng sinh hạ Chúa một cách trinh trong như vậy vì hai lý do sau đây:
- Vì Đức Mẹ Maria đã chịu thai Chúa Cứu Thế không tình dục, thì Mẹ cũng được sinh hạ Con không phải đau đớn, vì Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra bởi Đức Maria đã không phá hủy ấn đồng trinh của Mẹ, mà trái lại còn thánh hiến sự trinh trong của Mẹ, và làm cho Đấng không hề bị xâm phạm đã trở thành bất khả xâm phạm.
Niềm tin này dựa vào thế giá Thánh Kinh đấy.
“Cửa này sẽ đóng, không hề mở cho ai được vào qua đó, vì Thiên Chúa Israel đã qua cửa ấy mà vào rồi sẽ đóng lại” (Ez 44:1-2).
“Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh Con” (Is 7:14).
Giáo huấn của Giáo Hội về
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu giáo lý của Giáo hội về việc Đức Mẹ Đồng Trinh trong khi sinh Con.
– “Nếu có ai không tin lời giảng giải của các linh mục, thì hãy dạy cho họ tin vào lời rất có thế giá của Chúa Kitô, nhất là lời Sứ thần Thiên Chúa đã nói: “Đối với Thiên Chúa, không gì là không có thể.” Hãy nhắc cho họ kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ đã dạy rằng: Rất Thánh Nữ Maria đã cưu mang và sinh Con cách trinh khiết…”
“Nếu ai không hợp nhất với Giáo hội mà tuyên xưng rằng: Đức Maria luôn luôn Đồng Trinh và Vô Nhiễm Tội… đã chịu thai Ngôi Lời Thiên Chúa không bởi tinh dịch người nam, mà bởi Chúa Thánh Linh, khi sinh Con vẫn còn trinh khiết vẹn toàn… thì người đó sẽ bị vạ tuyệt thông” (Denz 256) (Trích Mẹ Maria trong Tín lý của cha Neubert).
“Nếu việc thụ thai Chúa Cứu Thế đã vượt trên mọi luật tự nhiên, thì việc sinh ra Ngài cũng không kém, vì là việc của Thiên Chúa. Và điều tuyệt đối lạ lùng vượt trên mọi tư tưởng và lời nói loài người, đó là việc Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Mẹ Maria mà không làm hại Đức Đồng Trinh của Mẹ chút nào. Cũng như về sau khi Ngài sống lại, Ngài đã ra khỏi mồ mà không phá hủy niêm ấn của cửa mồ. Cũng như khi cửa vẫn đóng kín mà Chúa đã vào phòng họp các Tông Đồ. Lại cũng như ánh sáng mặt trời chiếu thấu qua thủy tinh mà không làm vỡ hay gây hại cho thủy tinh, thì cũng thế, mà còn kỳ diệu hơn nhiều, vì Chúa Kitô ra khỏi lòng Mẹ Ngài mà không làm tổn thương đến Đức Đồng Trinh của người Mẹ.”
Anh chị em đã thấy rõ ba việc đã xảy ra mà Công đồng Tridentinô đem áp dụng vào việc Đức Mẹ sinh Con mà không mất trinh.
- Khi nhà các Tông Đồ đóng cửa kỹ lưỡng, Chúa vào nhà, mà cửa vẫn còn nguyên vẹn đóng kín.
Đó là ba lý chứng mạnh mẽ để làm chứng cho việc Đức Mẹ Maria sinh con mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Chúng ta có thể dùng để trả lời cho những ai chống đối việc Đức Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh.
Xin anh chị em nhớ lại việc Giáo hội dạy về việc Đức Mẹ vẫn Đồng Trinh sau khi sinh Con như sau đây:
Chúng ta cũng biết chắc chắn rằng, nhiều người trong số các tín hữu thời Giáo hội sơ khai đã biết Đức Maria Đồng Trinh Toàn Vẹn và Trọn Đời. Đối với các Tông đồ và Môn đệ Chúa Kitô, việc này không khó khăn mấy, vì các ngài ở gần bên Đức Mẹ, đã biết rõ gốc gác, lai lịch và bà con của Đức Mẹ. Các ngài biết rõ Đức Mẹ chỉ có một Người Con duy nhất là Chúa Kitô. Còn các tín hữu ở ngoài xứ Palestina, thì đã được các Tông đồ và Môn đệ Chúa đến truyền đạo cho họ, đồng thời cũng cho họ biết về điểm này.
NHỮNG THẮC MẮC
Chúng ta phải cho họ biết: theo từ ngữ Thánh Kinh thì con đầu lòng ám chỉ đứa con được sinh ra trước hết. Đàng khác, nếu Đức Mẹ Maria có các con khác, tại sao trước khi chết, Chúa Kitô không trối Người Mẹ yêu quí cho các em của Chúa nuôi dưỡng săn sóc, mà lại trối cho Môn đệ Gioan đưa Người về nhà mình?
Chúng ta nên lưu ý họ rằng: Các danh từ dùng riêng cho từng cấp bậc họ hàng thân quyến không có đủ trong tiếng Hy Bá thời xưa, nên danh từ anh chị em ở đây không phải là anh chị em ruột, mà chính là anh chị em họ.
Chúng ta giải thích cho họ biết: Ở đây Thánh Kinh chỉ đề cập đến việc xảy ra trước việc sinh hạ Chúa Kitô. Còn việc sẽ xảy ra sau khi sinh hạ thì Thánh Kinh không hề đề cập đến. Cũng như khi ta nói: Từ ngày mang thai cho đến khi chết, Đức Maria không hề phạm một tội nào, thì không thể hiểu ngậm rằng: Sau khi chết, Đức Maria sẽ phạm tội lỗi…
Anh chị em rất thân mến,
Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh là gương mẫu đặc biệt cho chúng ta, những người đi tu cũng như giáo dân. Mẹ muốn chúng ta bắt chước Mẹ để sống trong sạch trong chức vụ và địa vị của mình, nhất là trong thế kỷ văn minh tiến bộ này. Ngày nay người ta coi thường luân lý, coi nhẹ về tinh thần mà đề cao vật chất và thú tính. Càng ngày con người càng sống gần như con vật.
Thử hỏi ngày nay, được mấy phụ nữ, Mỹ cũng như Việt, quí chuộng và cương quyết bảo toàn tiết trinh, mà từ ngàn xưa dân tộc Việt Nam thường gọi: “Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng”? Theo thống kê mới nhất của Nguyệt San Woman Today (Phụ Nữ Ngày Nay) của Hoa Kỳ thì trên đất Hoa Kỳ văn minh tiến bộ nhất thế giới này đã có 19 phần trăm thiếu nữ mất trinh vào tuổi 14,15. Và có hơn 50 phần trăm thiếu nữ mất trinh tiết vào tuổi 16-18. Ghê sợ chưa anh chị em! Liệu con cái anh chị em có thể giữ mình trong trắng được khi sống giữa xã hội xô bồ này không?
THÀ CHẾT CÒN HƠN MẤT TRINH
Có một thiếu nữ 18 tuổi, tên là Maria, là người Công giáo tốt lành đạo đức, chưa kịp chạy đi trốn thì bị binh sĩ nước Áo đang tiến đến, định bắt cóc để hãm hiếp. Cha của cô Maria chạy ra cổng ngăn cản, liền bị tụi lính đâm chết ngay tại chỗ.
“Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh, xin cứu con.”
“Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh, xin cứu thoát con”, rồi dùng hết can đảm, cô nhảy từ đồi cao xuống vực thẳm.
Nhưng khi đứng trên đỉnh đồi cao nhìn xuống vực thẳm, thấy cô Maria đang bình tĩnh quì gối, chấp tay cầu nguyện, thì chúng bỡ ngỡ, lạ lùng hết sức, và tâm hồn bị xúc động mạnh. Được một tia sáng thần linh soi dẫn, chúng đã thống hối ăn năn, xin Chúa thứ tha tội lỗi, rồi trở về làng kể lại phép lạ chính mắt chúng đã xem cho anh em đồng đội biết. Nhờ phép lạ này, quân lính lê dương nước Áo không còn dám đi phá hại trinh tiết của phụ nữ nữa.
Lạy rất thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Mẹ giúp chúng con tránh xa mọi dâm ô tội lỗi, để chúng con luôn sống xứng đáng là đứa con cưng của Mẹ.
Lm. An Bình, CMC
Tin Lành hiểu thế nào về
Đức Mẹ Đồng trinh ?
Câu hỏi:
Bà Mari có đồng trinh trọn đời không?
Trả lời:
Thứ nhất, chúng tôi xin nói rằng thật ra đối với các giáo hội Tin Lành, việc bà Mari có đồng trinh trọn đời hay không là không quan trọng. Chúng tôi cũng không hiểu xuất phát từ đâu mà khi nói đến sự khác biệt giữa Tin Lành và Thiên Chúa Giáo thì mọi người hay cho rằng “Tin Lành không tin đức mẹ đồng trinh”. Thật ra theo Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng bà Mari hoài thai Chúa Giêxu trong sự đồng trinh của bà, “Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên.” (Êsai 7:14), “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Mathiơ 1:23). Chúng tôi tin rằng bà Mari đồng trinh cho đến khi sanh Chúa Giêxu ra nhưng sau đó thì bà cũng sống như những người phụ nữ có chồng khác tuy nhiên chúng tôi không cho rằng đây là điểm khác nhau cơ bản và quan trọng nhất giữa Tin Lành và Công Giáo. Để tham khảo thêm về đề tài sự khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành theo cái nhìn của Tin Lành, xin bạn vui lòng tham khảo câu hỏi “Tin Lành và Thiên Chúa Giáo: Điểm khác biệt – Lịch Sử Giáo hội” trong phần “Bạn Đọc Hỏi Đáp” của chúng tôi. Về lý do vì sao chúng tôi không tin bà Mari đồng trinh trọn đời chúng tôi sẽ giải đáp ở phần sau này.
Thứ hai, vấn đề quan trọng đối với Tin Lành liên quan đến bà Mari là vấn đề có tôn thờ bà Mari hay không. Khác với Thiên Chúa Giáo, dù Tin Lành rất kính trọng bà Mari, nhìn nhận rằng bà Mari là một người nữ tin kính và đầu phục Đức Chúa Trời trọn vẹn đến nỗi bà chấp nhận chương trình của Đức Chúa Trời cho Chúa Giêxu hoài thai trong lòng bà khi bà đã hứa hôn, chưa chính thức lập gia đình. Điều đó là một thử thách đức tin quá lớn đối với một người nữ. Thêm nữa theo luật pháp của Cựu ước, vì lúc bà sống vẫn còn trong giai đoạn Cựu ước, thì bà phải bị ném đá chết. Thế nhưng bà Mari đã nói: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Luca 1:38). Khi bà nhận lãnh công tác hoài thai và sanh Chúa Giêxu ra thì bà cũng đã chấp nhận cái chết đến với bà tuy nhiên vì đức tin của bà nơi Chúa bà kể sự ấy là một phước lớn. Kinh Thánh cũng cho biết bà Mari là người “được ơn trước mặt Đức Chúa Trời” (Luca 1:30) và trong lời nói của bà cũng cho chúng ta thấy rằng bà là một người khiêm nhường, “Ma-ri bèn nói rằng: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là có phước; Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh, Và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia” (Luca 1:46-50). Chúng ta để ý ở đây việc Chúa dùng bà sanh ra Chúa Giêxu là một ân huệ đối với bà vì Chúa đã đoái đến bà và làm các việc lớn cho bà. Xin đừng hiểu lầm rằng chúng tôi không tôn trọng bà Mari. Tuy nhiên, chúng tôi tôn kính bà Mari trong phạm vi của một con người mà không phải là thánh thần hay một người mẹ của Chúa và có quyền như Chúa vì bà chỉ là một công cụ Chúa dùng để sanh ra Chúa Giêxu mà thôi. Đó là điểm khác biệt với Thiên Chúa Giáo. Niềm tin Tin Lành dựa trên cơ sở lời Kinh Thánh rằng: “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không” (Rôma 3:10). Vì thế, dù là bà Mari, hay các sứ đồ thời xưa đã từng thấy Chúa, đã chết vì Chúa, hay thậm chí nhà cải chánh Martin Luther là người thành lập giáo hội Cải Chánh, cũng đều là con người. Mà đã là con người thì Kinh Thánh cho biết đều đã phạm tội, đều có những lỗi lầm riêng của mình. Chúng ta không thể nhờ bất kỳ một con người nào dù thiện hảo nhất để tìm kiếm sự cứu rỗi của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công vụ 4:12), nghĩa là ngoài Chúa Giêxu không có con người nào ban cho chúng ta sự cứu rỗi được. Vì thế, giả sử bà Mari có thật sự đồng trinh trọn đời, nghĩa là bà không hề gần gũi người nam nào trọn đời mình, thì vai trò của bà trong niềm tin Tin Lành vẫn không thay đổi. Sự hoài thai ra Chúa Giêxu trong sự đồng trinh là công việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời chớ không phải của chính bà Mari (Luca 1:35) dù như chúng tôi có trình bày ở trên, bà nêu một gương sáng cho chúng ta về sự thuận phục và tin cậy Đức Chúa Trời.
Thứ ba, vấn đề bà Mari có đồng trinh trọn đời hay không. Như bạn có đề cập với chúng tôi, Mathiơ 12:46 chép: “Khi Đức Chúa Jêsus còn phán cùng dân chúng, thì mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài, muốn nói cùng Ngài.” Chúng tôi có xem phần trình bày của bạn về vấn đề người thời đó hay đặt tên theo dòng họ và có thể đây là bà Mari khác. Tuy nhiên, nếu Kinh Thánh ở đây chép rằng “… thì bà Mari và các con bà đến đứng ngoài…” thì có thể lý giải theo cách của bạn được, đàng này Kinh Thánh ghi rất rõ “mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài”. Tại đây không đề cập đến tên Mari nào mà chỉ nói rằng mẹ và anh em Ngài. Những câu tiếp theo đó cũng nói đến mẹ và anh chị em Chúa nữa. Vâng, đối với người cùng làng cùng thời lúc đó thì bà Mari và các con khác của bà là mẹ và anh em của Chúa Giêxu nhưng Chúa Giêxu muốn dùng cơ hội nầy để nói cho họ biết rằng việc quan hệ ruột thịt đó không có gì là quan trọng. Ngài chỉ tạm thời sanh ra và lớn lên trong gia đình đó qua chương trình của Đức Chúa Trời chớ thật ra Ngài là Con của Đức Chúa Trời vì vậy những người nào tin Chúa thật và được cứu thì có sự quan hệ ruột thịt với Ngài. Chúng tôi xin lỗi nếu chúng tôi chưa hiểu rõ ý bạn muốn nói, nếu vậy, xin bạn vui lòng trình bày lại cho chúng tôi. Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy một bằng chứng nữa về việc bà Mari còn có con nữa sau khi sanh Chúa Giêxu. Galati 1:19 chép: “Nhưng tôi không thấy một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là anh em của Chúa.” Như vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giêxu có một người em (vì Chúa Giêxu là con đầu lòng của bà Mari) tên là Giacơ. Chúng tôi xác nhận sự thật là bà Mari đồng trinh cho đến khi sanh Chúa Giêxu: “Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus.” (Mathiơ 1:24-25). Chúng ta chú ý đến mấy chữ đặc biệt ở đây: “cho đến khi” (trong nguyên văn chỉ là một chữ). Khi đọc câu nầy thì chúng ta hiểu như thế nào? Chữ “cho đến khi” giải thích cho chúng ta vấn đề nầy. Chữ nầy cho chúng ta hiểu rằng một việc không xảy ra cho tới một thời điểm nào đó rồi xảy ra. Khi chữ “cho đến khi” được dùng trong một câu thì thường không cần có vế thứ hai, “Họ đến kiếm các thầy tế lễ cả và các trưởng lão mà rằng: Chúng tôi đã thề với nhau rằng chẳng ăn chi hết cho đến lúc giết được Phao-lô” (Công vụ 23:14), khi đọc câu nầy chúng ta hiểu ngay là những người nầy không ăn chi hết cho đến lúc giết được Phao-lô, dù trong câu đó không nói rằng họ sẽ ăn lại nhưng chúng ta hiểu rằng họ sẽ ăn lại vì nếu không họ sẽ chết đói hết. Theo ý nghĩa đó, ông Giôsép và bà Mari không có quan hệ vợ chồng “cho đến khi” sanh Chúa Giêxu ra, rồi sau khi đó thì ông bà cũng là vợ chồng như bao nhiêu vợ chồng khác vì ông bà vẫn sống chung với nhau cho đến khi Chúa Giêxu lớn lên. Chúng ta đọc thấy câu chuyện họ đi lên đền thờ lúc Chúa Giêxu mười hai tuổi. Chữ “cho đến khi” hay “cho đến” nầy được dùng nhiều lần trong Tân ước để chỉ về một việc gì đó không xảy ra cho đến một thời điểm nào đó rồi xảy ra. Một câu Kinh Thánh nữa mà chúng ta cần chú ý, “Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.” (Luca 2:7). Nếu bà Mari đồng trinh trọn đời không có con nữa thì chắc câu nầy nên chép là: “Người sanh con trai một của mình…” nhưng câu nầy nói rất rõ “con trai đầu lòng” có nghĩa là bà còn có con nữa và Chúa Giêxu là con đầu lòng của bà. Chúng ta biết rằng sách Luca chép một thời gian lâu sau khi Chúa Giêxu về trời cho nên không có sự nhầm lẫn vì không biết trước ở đây. Chúng tôi tin rằng sau khi sanh Chúa Giêxu, bà tiếp tục sống với chồng và sanh thêm những con cái khác như mọi người phụ nữ khác.
Công Giáo Và Tin Lành
Lập Luận Mẹ Maria Đồng Trinh
Mình leo lên xe. Băng hai còn trống. Mình ngồi cô đơn. Xe sắp sửa lăn bánh, thì một chàng thanh niên phóng lên. Dòm mình một cái rồi nhẹ nhàng ghé mông vào đầu băng, cố tình để một khoảng cách giữa hai người.
Vài phút sau anh chàng lại dòm mình một cái, dòm ngay trân cái cổ côn trắng của mình, rồi hỏi nhỏ nhẹ:
– Bên Công giáo còn giữ luật độc thân không nhỉ?
– Còn chứ, vì Thánh Phalô nói rằng: “Người có vợ, có chồng, thì lo cho vợ cho chồng; người không vợ không chồng thì lo cho Chúa “.
– Đúng thế thật –Mục sư bên Tin Lành chúng tôi có gia đình, nên bê trễ việc nhà Chúa nhiều lắm.
– Cậu ở bên Tin Lành hả?
– Dạ.
– Tin lành và Công giáo là chị em của nhau. Hiểu nhau thì thương nhau như chị em gái, không hiểu nhau thì cãi nhau như chị em dâu; đôi khi nổi cơn điên, thì đánh nhau vỡ đầu như anh em rể.
– Linh mục nói chuyện vui quá, ví von đúng quá. Cho con kêu linh mục là cha nha.
– Chúng mình là thế nào với nhau thì cũng được. Đừng là anh em rể thì êm thôi.
– Theo cha nghĩ thì Công giáo và Tin lành khác nhau thế nào?
– Công giáo và Tin lành là hai chị em. Nhưng dù là chị em nhưng cũng có một cái khác nhaụ Đó là cái mụt ruồi. Chỉ tiếc một điều là cái mụt ruồi hơi lớn, mọc ngay ở chớp mũi.Thế là hai chị em cứ coi nhau như người dưng nước lã, cãi vã nhau y như không phải làruột thịt. Thậm chí có lần đâm chém nhau y như Pôn Pốt diệt chủng. Lịch sử gọi cái đêm đẫm máu là: Đêm lể Thánh Batôlômêô”.
– Thiệt sao? Con chưa biết chuyện ấy. Nhưng cãi nhau thì bọn trẻ tụi con mần hoài.
– Cãi nhau về chuyện gì?
– Tụi con cãi nhau về nhiều vấn đề lắm. Công giáo thì tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Tin lành thì tin Đức Mẹ chỉ đồng trinh khi sanh Đấng Cứu Thế. Sau đó thì Bà ăn ở với ông Giôsép và sanh thêm bốn trai và một số con gái nữa.
– Muốn tranh cãi thì phải dựa vào Kinh Thánh.
– Thì Máccô nói ở chương sáu câu ba rằng: “Ông ta không phải là bác thợ mộc saỏ Không phải con của bà Maria và là anh của các ông Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simon đó sao?
– Bộ con là Tin lành mà cũng phát âm tên các thánh giống như công giáo hả?
– Con phát âm giống Công giáo để cha dể hiểu.
– Đồng ý với con rằng bốn ông Giacôbê, Giôsê, Giuđa, và Simon là anh em của Chúa,nhưng là anh em ruột hay là anh em bà con? Chính Máccô 15,40 cho biết rằng Giacôbê và Giôsê là con của bà Maria. Bà Maria này theo trình thuật của Gioan chương mười chín, câu hai mươi năm thì là chị của Đức Mẹ. Gioan kể: “Đứng gần Thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Maria vợ của ông Clôpát và bà Maria Mácđala. Như vậy thì rõ ràng là dưới chân Thập giá của Chúa có ba bà Maria: Maria mẹ của Chúa, Maria Mácđala và bà Maria vợ của ông Clôpát, cũng là mẹ của Giacôbê và Giôsê. Nhưvậy thì ít nhất là hai ông Giacôbê và Giôsê trong Máccô chương sáu câu ba là anh em bạn dì của Chúa, chứ không phải là em ruột.
– Con đồng ý với cha rằng Máccô 6,3 chưa đủ bằng chứng để kết luận Đức Maria không trọn đời đồng trinh. Nhưng Máccô 15,40 cũng chưa đủ bằng chứng để khẳng định rằng Đức Maria trọn đời đồng trinh. Đây là vần đề còn có thể tranh luận.
– Thì cứ việc tranh luận. Nhưng phải yêu thương nhau, yêu thương mới là môn đệ của Thầy Giêsu. Nếu Công giáo và Tin lành cứ yêu thương nhau, cứ loan báo Đức Giêsu, thì Tin Mừng Cứu Độ chẳng mấy chốc sẽ làm cho cả thúng bột dậy men.
Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề Đức Maria có trọn đời đồng trinh hay không. Chúng ta cùng tranh luận trong tình yêu thương. Đây là ý kiến của tôi:
Máccô 6,3 nói đến bốn người em trai của Chúa. Nhưng chẳng biết đó là em ruột hay em bà con. Máccô 15,40 cho biết hai trong bốn người em là em bạn dì chứ không phải là em ruột. Nhưng vẫn chưa khẳng định là Đức Maria chỉ có một người con duy nhất là Đức Giêsu.
Do đó ta phải dựa trên hai tài liệu nữa.
Luca 2,41-50 kể chuyện Đức Giêsu 12 tuổi cùng đi dự lễ Vượt Qua với cha và mẹ. Chỉ đọc thoáng một cái, tôi thấy ngay gia đình này chỉ có một người con trai duy nhất là Giêsu. Nếu Maria có nhiều con nữa với Giuse thì ta cứ nhẩm:
Giêsu 12 tuổi Giacôbê 10 tuổi Giôsê 8 tuổi Giuđa 6 tuổi Simon 4 tuổi Một em gái 2 tuổi Một em gái nữa mới tượng hình.
Một người đàn bà có một bầy con như thế, thì không thể bỏ nhà đi lễ xa tới mức độ phải đi tới bốn ngày, dự lễ tám ngày rồi về bốn ngày nữa, vị chi là mười sáu ngày. Mà luật thì không buộc đàn bà đi lễ như thế.
Gioan 19,26-27 kể: “Khi thấy Mẹ và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsunói với Mẹ: “Thưa Mẹ đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh!”. Kể từ ngày đó người môn đệ rước bà về nhà mình”.
Xét về mặt tâm lý xã hội và luật lệ gia đình, thì trình thuật này cho ta kết luận rằng Đức Giêsu không có người em nào hết, nên mới trối Mẹ cho đệ tử chăm sóc, phụng dưỡng. Nếu Chúa có em mà đem Mẹ trao cho đệ tử, thì các em nó chống đối tới số luôn. Nguyện vọng sống trọn đời đồng trinh còn được minh chứng bởi trình luật của Luca chương một câu hai mươi bốn. Khi sứ thần Gabriel báo tin Maria sẽ thụ thai Đấng CứuThế, thì Maria không vui mừng đón nhận theo lẽ thông thường. Người đàn bà Do Thái nào cũng muốn sanh con. Sanh nhiều con. Và người đàn bà Do Thái nào cũng mơ ước xa xôilàm Mẹ Đấng Cứu Thế, vì Mẹ Đấng Cứu Thế là người đàn bà vĩ đại nhất của lịch sử. Vậy Maria tỏ vẻ ngỡ ngàng thưa với sứ thần rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng”. Nguyện vọng sống đồng trinh của Maria thật rõ ràng và thật cương quyết như thế, không lẽ Maria lại đổi ý sanh thêm một bầy con cho Giuse gồm bốn trai va nhiều gái.
Đó là niềm tin của người Công giáo. Nếu anh em Tin lành chưa tin được, thì cứ tìm hiểu nhau trong tinh thần cởi mở và yêu thương. Nhưng điều quan trọng vẫn là cả hai bên đềucó một niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và cả hai bên cùng nhau tha thiết loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Hai chị em có quyền nghĩ khác nhau. Nghĩ khác nhau nhưng vẫn yêu nhau như chị em. Cứthế và cứ mãi mãi như thế. Chúa Thánh Thần sẽ đến sửa chữa những gì còn sai sót. Ngài là Đấng “sửa lại mọi sự, trong ngoài chúng tôi”.
Tới Bắc Mỹ Thuận “bên Tin lành” và “bên Công giáo” bắt tay giã từ nhau. Bốn mằt nhìn nhau trìu mến.
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu
Thử tìm hiểu ý nghĩa của câu: “Ông không biết đến bà cho tới khi bà sinh một con trai” (Mat. 1,25)
I- Lời dẫn nhập
Trong việc chứng minh Mẹ Maria đồng trinh trọn đời, sự tương đồng giữa hai thánh nhân ”Matthêô và Luca” giúp người đọc hiểu rõ QUYỀN NĂNG của Thiên Chúa thể hiện nơi Trinh Nữ Maria TUYÊN KHẤN TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH.
Do đó, nhắm tôn vinh Trinh Nữ (có biệt hiệu ”Ơn Đầy: Gratia Plena”, tức ”được-Chúa-ở-cùng” vì sẽ là MẸ-THIÊN-CHÚA-CỨU-CHUỘC) đã TRUNG THÀNH giữ lời HỨA: ”VÌ Tôi KHÔNG biết đến đàn ông NÀO HẾT! FOR I know NO man!” (Luca 1,34), tôi mạo muội giải thích văn phạm trong Matthêô 1,24-25 để tỏ lòng cám ơn thánh nhân đã cho tôi càng THÊM sáng mắt, sáng lòng.
II- Văn phong nơi Matthêô 1,24
Tiểu đoạn (verse) Mat. 1,25 liên quan ”mật thiết” với Mat. 1,24: ”THẾ LÀ, khi tỉnh giấc, Giuse làm Y (như) lệnh mà sứ thần của Chúa đã truyền cho ông VÀ ông rước vợ về nhà.”
A- Trạng từ ”THẾ LÀ”
1- Trạng từ này được dịch từ chữ Latinh ”autem” đồng nghĩa với ”item” là: như vậy; theo cách ấy. Xin nêu thêm chữ tiếng Anh, Đức, Pháp để tùy người đọc có thể đối chiếu: ”likewise; also, and so – ebenso; auf gleiche Weise; auch – pareillement; de même; aussi.”
2- Các trạng từ hay liên từ (vừa nêu) chứng minh rằng Thánh Giuse là người CÔNG CHÍNH, hiểu THẤU ĐÁO những lời thiên sứ đã giải bày: Thai Nhi nơi Nàng là BỞI Quyền Năng của Thánh Thần! VÌ THẾ, ông PHẢI đặt tên cho Ngài là Giêsu, tức Thiên-Chúa-Cứu-Chuộc!
3- Ngoài ra, dùng trạng từ ”THẾ LÀ”, thánh Matthêô cũng muốn làm nổi bật XÁC TÍN của mình: ”Mọi sự xảy ra là ĐỂ ứng nghiệm lời Chúa ĐÃ PHÁN qua ngôn sứ: ”Này, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh MỘT con trai VÀ người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
B- Trạng từ hay liên từ ”Y NHƯ”
1- Từ này được dịch từ chữ Latinh ”sicut”. Xin nêu thêm chữ tiếng Anh, Đức, Pháp: ”just as; as; so as – sowie; gleichwie; wie – comme; de même que.”
C- Liên từ ”VÀ”
Thánh Matthêô dùng liên từ VÀ để chứng minh việc ”rước vợ về nhà” là HẬU QUẢ của ”lệnh mà sứ thần của Chúa đã truyền” cho ông! Bởi vậy, chữ ”et, und” được dịch như sau: ”Giuse làm Y (như) lệnh mà sứ thần của Chúa đã truyền cho ông VÀ (: cho nên; do đó; vì thế) ông rước vợ về nhà.” (Tôi dịch cách này: ”Ông BÈN rước vợ về nhà.”, rồi nói cho con mình cười và dễ nhớ: Giuse là ông ”Thánh BÈN” vì Ngài luôn vâng Lời Chúa.
III- Chìa khóa chứng minh Mẹ Maria đồng trinh trọn đời: Matthêô 1,25
Đối chiếu với nhiều bản dịch, tôi thấy bản thống nhất của Công Giáo-Tin Lành (ở các nước nói tiếng Đức) là chính xác với bản Hy-La. Xin dịch như sau:
”NHƯNG ông KHÔNG biết đến bà CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai, VÀ ông đặt tên cho con trai ấy là Giêsu.” (Er erkannte sie ABER NICHT, BIS sie ihren Sohn gebar. UND er gab ihm den Namen Jesus.)
A- Liên từ ”VÀ” (thứ nhất) kết hợp với động từ ở THỂ PHỦ ĐỊNH
Một số người dịch sót các chữ ”καὶ οὐκ; et non” trong bản Hy-La. Tuy nhiên, ngoài bản thống nhất bằng tiếng Đức, các bản dịch dưới đây thì có dịch các chữ vừa nêu, chẳng hạn:
1- Lm Nguyễn Thế Thuấn: ”VÀ giữa ông và bà KHÔNG có việc giao tri vợ chồng cả đến lúc bà sinh con, VÀ ông đã đặt tên cho là Yêsu.” (Thiếu chữ ”Ngài”.)
2- Bản của Tin Lành: ”SONG KHÔNG HỀ ăn ở với cho đến khi người sanh MỘT trai, THÌ đặt tên là Jêsus.” (Thiếu ”chủ từ” trong mệnh đề chính và phụ, không nói rõ ”với ai”; chữ ”người” không rõ nghĩa; chữ ”thì” không hay bằng chữ ”VÀ” có nghĩa: vì thế, cho nên…; thiếu chữ: cho Ngài.)
3- Bản tiếng Anh của King James: ”AND knew her NOT till she had brought forth her firstborn son: AND he called his name JESUS.” (Không có từ nào mang nghĩa ”her firstborn” trong bản Hy-La!)
4- Bản tiếng Pháp (Louis Segond): ”MAIS il NE la connut POINT jusqu’à ce qu’elle eût enfanté un fils, auquel il donna le nom de Jésus.” (Chữ ”auquel” làm mất ý nghĩa của chữ VÀ: καὶ; et!!!)
B- Phân tích câu
”NHƯNG ông KHÔNG biết đến bà CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai.”
1- ”NHƯNG ông KHÔNG biết đến bà” là mệnh đề CHÍNH có liên từ NHƯNG dùng để làm SÁNG TỎ việc ”KHÔNG BIẾT ĐẾN BÀ” là điều TRÁI NGƯỢC với việc ”RƯỚC VỢ VỀ NHÀ” như bao nhiêu người chồng khác.
2- ”CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai.” là mệnh đề PHỤ chỉ THỜI GIAN của việc xảy ra trong mệnh đề CHÍNH.
C- Văn phạm CHO PHÉP viết cách như sau để thấy rõ hơn ý của Matthêô 1,25:
1- Đưa mệnh đề PHỤ ra TRƯỚC: ”Nhưng CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai, ông KHÔNG biết đến bà.” (Theo cách này, tôi PHẢI hiểu: ”Ông VẪN KHÔNG biết đến bà” NHƯ bản của Tin Lành cũng ghi: SONG KHÔNG HỀ ăn ở với!!!)
2- Nếu ”chi li” như người Pháp thì ghi ”dấu phẩy” sau chữ NHƯNG: ”Nhưng, CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai, ông KHÔNG biết đến bà.” vì chữ NHƯNG thuộc về mệnh đề CHÍNH: ”MAIS, jusqu’à ce qu’elle enfantât un fils, il ne la connut pas.)
3- Người Anh không cần dấu phẩy sau chữ BUT khi đưa mệnh đề PHỤ ra TRƯỚC: ”BUT UNTIL she (had) bor(n)e a son, he did not know her.”
4- Theo bản Hy-La, động từ SINH (ἔτεκεν; peperit) không ở thì ”tiền quá khứ” (pluperfect; plus-que-parfait) như King James, Louis Segond và nhiều dịch giả khác nghĩ, mà là ”passé simple: quá khứ đơn giản” bởi vì Bà Maria sinh con, tức là sinh rồi: until she BORE a son; bis sie einen Sohn GEBAR. Bản ”GOOD NEWS – The New Testament in Today’s English Version của ”Philippine Bible Society” Manila, Philippines dịch sai ý của động từ ”ἐγίνωσκεν” (knew: biết) như sau: ”But he had no SEXUAL RELATIONS with her BEFORE she gave birth to her son. And Joseph named him Jesus.” (Bản dịch dùng chữ ”before: trước khi” cũng KHÔNG thể khẳng định được rằng, SAU ĐÓ, Giuse có ”biết đến” Trinh Nữ. Phần D bên dưới có giải thích chữ VÀ trong câu: ”VÀ ông đặt tên cho con trai ấy là Giêsu.”)
4- Trong bản tiếng Hylạp, thánh Matthêô muốn dùng thì ”quá khứ đơn giản” cho cả hai động từ. NẾU NHƯ ngài viết với ”tiền quá khứ” là ”had not known”, ví dụ: ”BUT he HAD not KNOWN her until she bore a son.” (NHƯNG ông ĐÃ không biết đến bà CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai.) thì có thể ai đó KHÔNG tin Mẹ Maria đồng trinh trọn đời! Còn tôi thì vẫn tin Mẹ suốt đời đồng trinh. (x. ví dụ số 2, i ở dưới D.)
D- Khám phá nhất điểm: khai thông toàn diện!!!
1- Đó là câu: ”VÀ ông đặt tên cho con trai ấy là Giêsu.”
Mệnh đề ấy ”độc lập” về hình thức, nhưng ”NÓ” bắt đầu với chữ VÀ mà thánh Matthêô dùng để chỉ việc ĐẶT TÊN GIÊSU là HẬU QUẢ của LÝ DO Mẹ sinh ra CHÚA-CỨU-THẾ mà thiên sứ Đà giải thích cho Thánh Giuse và Trinh Nữ Maria.
Như vậy, cả Mẹ Maria (Luca 1,31-33) và Thánh Giuse (Mat. 1, 20-21) đều được Thiên Chúa truyền lệnh ĐẶT TÊN cho ”Con Trẻ” là Giêsu.
2- Ba mệnh đề được LIÊN KẾT với nhau và với Thánh Ý Chúa!
Xin ghi lại để dễ phân tích: ”NHƯNG ông KHÔNG biết đến bà CHO TỚI KHI bà sinh MỘT con trai, VÀ ông đặt tên cho con trai ấy là Giêsu.”
a- Chữ NHƯNG đưa tôi trở về đọc lại GIA PHẢ của Chúa Cứu Thế là BẰNG CHỨNG THÁNH GIUSE KHÔNG CÓ CON RUỘT NÀO CẢ: ”Giacob sinh Giuda VÀ CÁC EM của ông… Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, DO NÀNG MÀ ĐƯỢC SINH RA GIÊSU cũng gọi là Kitô.” (Mat. 1,2 và 16)
Như vậy, trong Gia Phả, có Giuda và các EM CỦA ÔNG! Nhưng KHÔNG thấy Thánh Matthêô ghi chữ ”EM của Chúa Giêsu”, mà chỉ mình Ngài KHÔNG phải là CON RUỘT của Thánh Giuse! Nếu có thì tại sao ”các em trai” ấy không được Thánh Matthêô liệt kê ra? Chẳng lẽ các em ấy bị nhốt ở nhà hay trôi sông, lạc chợ để chỉ có Mẹ và Thánh Giuse đi tìm Chúa? (”Này, CHA CON và MẸ phải đau đớn tìm con!”)
b- Chữ NHƯNG khiến tôi nghĩ đến Thánh Ý Chúa KHÁC người đời là: Thành sự tại Thiên!
c- Mệnh đề ”VÀ ông đặt TÊN cho con trai ấy là GIÊSU.” có liên từ VÀ (CHO NÊN; VÌ THẾ) rất quan trọng, nhất là Thánh Danh GIÊSU: hai từ ”cốt lõi” ấy liên kết khăn khít với ý ”KHÔNG BIẾT; SINH CON”, khai thông toàn diện việc Mẹ ĐỒNG TRINH MÃI MÃI: Perpetual Virginity!
d- Có câu chuyện thế này: Cô nàng… rất xinh, đã đính hôn với anh chàng nọ và đã được Cha Sở rao tới ba lần trong nhà thờ. Nhưng Thánh Ý Chúa thì thật mầu nhiệm: Bằng ”biến cố xem ra rất bình thường”, cũng vì đức ”tin, cậy, mến”, cô ”Xinh” được Chúa gọi đi tu làm ”ma soeur” và chỉ có cô mới nhận ra LÝ DO Chúa và Mẹ muốn cô ấy giữ mình đồng trinh. Thân Sinh và đại gia đình của cô vẫn muốn cô lấy chồng vì, trong gia tộc, đã có vài Linh mục, Nữ tu, nhà trai, nhất là nhà gái đã chuẩn bị tất cả cho ngày cưới của cô là gái út, và vì như thế, như kia. NHƯNG, hiện nay, cô ấy là ”ma soeur” giấu kín học vị Tiến Sỹ của mình có lẽ là vì noi gương khiêm nhượng của Mẹ.
e- Vậy, tôi xin viết gọn (về cô, theo văn phạm của thánh Matthêô) để mong Kitô hữu suy gẫm:
– NHƯNG anh chàng kia KHÔNG biết đến cô cho tới khi Thân Sinh cô qua đời.
– Nhưng cho tới khi Thân Sinh cô qua đời, anh chàng kia (vẫn) KHÔNG biết đến cô ta.
h- Nếu tôi KHÔNG ”tiết lộ” trước rằng cô ấy là Nữ tu Đà dâng mình CHO CHÚA, mà chỉ viết: ”NHƯNG anh chàng kia Đà KHÔNG biết đến cô CHO TỚI KHI Thân Sinh cô qua đời.” thì ai đó có thể nghĩ rằng cô ấy ”được chàng biết đến” sau khi Thân Sinh cô qua đời.
i- Nếu viết: ”NHƯNG anh chàng ĐÃ KHÔNG biết đến cô CHO TỚI KHI cô làm Nữ tu.” thì cũng KHÔNG có nghĩa là anh ta ”biết đến” cô sau đó! Thánh Giuse cũng vậy vì Mẹ HƠN mọi người nữ!
j- Như vậy, Mẹ luôn đồng trinh vì:
– Ngài đã KHẲNG ĐỊNH là KHÔNG BIẾT đến đàn ông nào cả!
– Ngài và Thánh Giuse HIỂU ý nghĩa của Thánh Danh Giêsu khi đặt Thánh Danh ấy cho Chúa.
– Ngài và Thánh Giuse là GƯƠNG MẪU cho Linh Mục, Nữ tu trong việc dâng mình cho Chúa.
IV- Lời kết
Trong thư Philip 2,9-11, có đoạn: ”Khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong hỏa ngục phải quỳ gối, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.”
Trong Thánh Gia Thất, có Chúa Giêsu. Cho nên, Mẹ càng tôn kính NƠI Chúa ngự, nhất là NƠI mà Chúa Giêsu chọn để Mẹ cưu mang Ngài. Thánh Giuse biết rõ Mẹ KHÔNG như Nhà Tạm Năm xưa, MÀ là NƠI để TRÁI của Lòng Dạ Mẹ CŨNG được hưởng nhờ như các Cụ dịch đoạn cuối kinh Kính Mầng: ”Bà có phước lạ HƠN mọi người nữ VÀ (nên) Giêsu Con Lòng Bà GỒM phước lạ.”
Do đó, Bà CHẲNG ”mơ” CÓ SÁU ”trái” khác (bốn trai, hai gái) trong Lòng Bà!!!
Lạy Mẹ, con yêu mến Thánh Gia Thất.
Đức Quốc, 09.01.2014
Đaminh Phan Văn Phước
MẸ MARIA SINH CON VẪN LÀ MỘT TRINH NỮ : KHUÔN MẪU CỦA HỘI THÁNH.
Ta biết truyền thống Do Thái thời Cựu Ước không mong Đấng Cứu Thế sinh ra bởi một trinh nữ. Đối với họ, “trinh” là một sự tủi nhục, như con gái ông Giéptê than khóc suốt hai tháng vì cô còn trinh, không xứng đáng để cha sát tế làm hiến vật tạ ơn Thiên Chúa đã giúp cha cô thắng quân thù ! (x Tp 11, 29-40).
Thực ra, lời ngôn sứ Isaia (7,14) theo nguyên bản bằng tiếng Hipri chỉ nói người nữ ấy là “Almah” có nghĩa là cô vợ trẻ hay một thiếu nữ (không xác định là còn hay mất trinh) ; nhưng Bản 70, viết bằng tiếng Hy Lạp lại xác định người nữ ấy là “Parthenos” (trinh nữ). Đức Giêsu và các Tông Đồ dùng bản văn này để giảng dạy, và sau này thánh Giêrônimô dịch bản văn này sang tiếng La Tinh, gọi là bản văn Vulgata (bản Phổ Thông), ông cũng xác định là Trinh Nữ như bản 70, bản này được Hội Thánh dùng trong Phụng Vụ.
Vậy đức đồng trinh của Mẹ Maria báo trước về Hội Thánh là Trinh Nữ, Hiền Thê của Chúa Kitô (x Mt 25,1t ; 2 Cr 11,2).
Tới đây, người Công Giáo có dịp đối thoại với anh em Tin Lành, khi họ dựa vào ba chứng từ trong Thánh Kinh để phủ nhận việc Đức Maria sau khi sinh Con không còn đồng trinh. Điều này nghịch với Giáo Lý Công Giáo, chúng ta phải trả lời thế nào?
C “Đức Giêsu đang giảng dạy, Mẹ Ngài và ANH EM đến tìm” (Lc 8,20). Anh em Tin Lành hiểu đó là anh em ruột của Đức Giêsu.
Giáo Lý Công giáo trả lời : Từ “ANH EM” trong tiếng Hipri (Do Thái) là Ăch hoặc trong tiếng Hy Lạp là Adelphoi, vừa có nghĩa là anh em ruột, cũng có nghĩa là anh em họ, giống như tiếng Việt Nam, con chú gọi là em, con bác thì gọi là anh. Ông Lót là cháu của ông Abraham, và Abraham là chú của Lót, thế mà ông Abraham gọi cháu Lót bằng từ Adelphoi (x St 13,8 ; 14,12 ; 29,10).
Nếu Đức Giêsu còn những người anh em khác, thì không lẽ trước giờ chết Ngài không để cho anh em ruột đưa Mẹ về nhà mình, mà Ngài lại phải nhờ ông Gioan? (x Ga 19,25-27).
Về mặt Tín Lý, Đức Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh, là hình ảnh Hội Thánh vẹn toàn thời cánh chung, mà Hội Thánh được Đức Giêsu ví như những cô trinh nữ đi đón chàng rể vào dự tiệc cưới (x Mt 25,1-13). Do đó, Hội Thánh tin Đức Maria là hiện thân những cô trinh nữ khôn ngoan theo chàng rể vào dự tiệc cưới. Hội Thánh được gọi là Trinh Nữ giống Đức Maria, có nghĩa là Đức Maria sinh Đức Giêsu là Đầu của Hội Thánh, Mẹ không liên hệ tới một người khác phái, thì Hội Thánh sinh các Kitô hữu là chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh : Cả Đức Maria, cả Hội Thánh đều sinh Chúa Giêsu Phục Sinh cách mầu nhiệm, mà không liên hệ với một người trần thế nào.
C Anh em Tin Lành lại vịn vào câu : “Bà Maria đã sinh CON ĐẦU LÒNG” (Lc 2,7), mà đã sinh con đầu lòng thì có nghĩa là còn sinh những người con khác !
Giáo Lý Công Giáo trả lời : Ông Luca ghi người con đầu lòng của Đức Maria là có ý nhấn mạnh : Gia đình Nadareth rất cẩn thủ giữ Lề Luật Chúa (x Lc 2,22-40). Do đó nói đến con đầu lòng chỉ có ý nhấn mạnh: Maria dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa theo Luật Do Thái quy định (x Xh 13).
C Anh em Tin Lành lại dựa vào câu: “Giuse và Maria không ăn ở với nhau CHO ĐẾN KHI bà sinh con” (Mt 1,25). Có nghĩa là anh em Tin Lành vẫn tin Đức Giêsu được sinh ra là do quyền năng Chúa Thánh Thần, lúc ấy Đức Maria vẫn còn là một trinh nữ. Nhưng sau đó lại ăn ở với ông Giuse và sinh nhiều người con khác !
Giáo Lý Công Giáo trả lời: Thành ngữ “CHO ĐẾN KHI” trong Thánh Kinh sử dụng có ý công bố một điều đã có, đang có và không bao giờ mất, như Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), thì không có nghĩa là Chúa chỉ ở với Hội Thánh cho đến ngày tận thế là thôi ! Mà phải hiểu rằng Chúa đã ở với Hội Thánh,đang ở với Hội Thánh và ở với Hội Thánh mãi mãi ! Do đó, “Giuse và Maria không ăn ở với nhau cho đến khi bà sinh con” thì phải hiểu theo nghĩa này.
Tôi có nói chuyện với mấy người Tin lành, họ theo Kinh thánh sát lắm, nhưng đức tin họ khác với mình. Tôi thắc mắc không biết Kinh thánh của mình giống hay khác với họ vậy bà con?
Sự khác biệt giữa Kinh Thánh Công Giáo và Tin Lành[1]
Quy điển là tên gọi của danh sách các sách chính thức có trong Kinh Thánh. Quy điển có nghĩa là quy tắc của niềm tin. Đối với Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành, danh sách các sách Tân Ước đều như nhau. Vấn đề chỉ phát sinh ra đối với Kinh Thánh Cựu Ước. Quy điển Kinh Thánh Giáo Hội Công Giáo dài hơn Kinh Thánh Tin Lành vì có bảy sách mà Kinh Thánh Tin Lành không có. Bảy sách đó là: Tô-bi-a, Giu-đi- tha, Khôn ngoan, Huấn ca, Ba-rúc, 1,2 Ma-ca-bê. Ngoài ra, một số phần trong các sách Ét-te, Đa-ni-en cũng không có trong Kinh Thánh Tin Lành. Những người Tin Lành gọi bảy quyển sách này là Ngụy Thư, nghĩa là bị che dấu. Giáo Hội Công Giáo có nhiều lúc gọi các sách này là Bán Quy Điển hoặc Thứ Quy Điển (Deuterocanonical) vì các sách này được chấp nhận là Kinh Thánh sau giai đoạn các sách Chính Quy Điển (Protocanonical books).
Lý do có sự khác biệt này là Kinh Thánh Công Giáo đặt nền tảng trên các sách Cựu Ước vốn được viết bằng cả tiếng Hy Lạp lẫn Do Thái (bản bảy mươi). Bản bảy mươi này có 46 quyển sách Cựu ước và đây cũng là Kinh Thánh được những Ki-tô hữu tiên khởi sử dụng. Do đó, những sách này đã tạo nên nền tảng vững chắc trong truyền thống Ki-tô giáo. Kinh Thánh Tin Lành được xác lập vào thế kỷ XVI bởi Martin Luther, chỉ bao gồm 39 quyển sách được viết bằng tiếng Do Thái. Do đó, Martin Luther đã loại 7 sách Cựu ước đã kể trên.
Nhìn chung, không có quá nhiều khác biệt giữa Kinh Thánh Tin Lành và Công Giáo. Tin Lành nhận biết tầm quan trọng của những sách mà Công Giáo thêm vào nhưng họ không xem những sách thêm vào là sách chính thức của Kinh Thánh. Giáo hội Công Giáo sử dụng những quyển sách thêm vào này cho mục đích giáo huấn chỉ trong một vài khía cạnh. Chẳng hạn, giáo huấn của Giáo Hội về Luyện Ngục thường đề cập đến những lời kinh cho người chết như đã tìm thấy trong 2 Ma-ca-bê (đây là lời kinh thánh thiện và tốt lành dành để cầu nguyện cho người đã khuất). Sách Khôn Ngoan và Ma-ca-bê là những sách có niềm tin mạnh mẽ vào đời sau mà ta không thể tìm thấy hoặc chỉ tìm thấy không rõ ràng trong những sách Cựu Ước khác.
Điều cần ghi nhớ rằng những người Công Giáo và Tin Lành đồng ý với nhau trên 90 % về Kinh Thánh và hầu như hoàn toàn đồng ý về tất cả những sách trong Tân Ước. Chúng ta có nhiều điểm chung trong Lời Chúa và đây cũng là nguồn hy vọng lớn lao cho việc hợp nhất đại kết, cho việc hợp nhất giữa những người Ki-tô hữu thuộc những nhóm khác nhau.
(Công Tùng S.J. dịch)
http://dongten.net/noidung/11236
BẰNG CHỨNG MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH
Vài hàng “phi lộ”: Theo đề nghị của một số phụ huynh ở hải ngoại là để cho con cái (rành tiếng bản xứ và cổ ngữ) tìm hiểu về Kinh Thánh, tôi đưa vào bài viết các câu tiếng Anh, Pháp, Đức và Latinh.
***
Sau khi Adam-Eva phạm tội “muốn bằng Chúa”, dù sắp sửa ra hình phạt cho hai người, Ngài vẫn chạnh lòng thương họ, mà hứa ban Ơn Cứu Rỗi qua cách Ngài nói với con rắn (Satan) như thế này: “Ta sẽ tạo mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống bà ấy; dòng giống ấy sẽ đạp đầu ngươi, và ngươi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
Như vậy, Lời Chúa hứa vừa nêu là TIN MỪNG NGUYÊN THUỶ cho biết sẽ có Chương Trình Tân Sáng Thế. Cho nên, Do Thái là Dân được Chúa biệt chọn để cho Lời Ngài hứa có ngày thành sự nơi Dân Tộc này như nỗi lòng của Tổ Phụ trong Cựu Ước: “Hồn con khao khát Thiên Chúa, Chúa Trời hằng sống. BAO GIỜ con được đến mà thấy Tôn Nhan?” (Tv 42,3). “Đêm đêm, hồn con khao khát Chúa, nơi đáy lòng, sinh khí con khắc khoải tìm Ngài. Khi Chúa thực thi phán định của Ngài trên cõi đất, thiên hạ học biết sự công chính” (Isaia 26,9).
Nhắm thực hiện một công ích nào đó, thiên hạ còn biết lựa người, “chọn mặt, gửi vàng”, huống chi là Thiên Chúa! Ngài tiền định “Thọ Tạo Maria” trong Miêu Duệ của bà Eva như Ngài đã phán với Satan ở Vườn Địa Đàng. Khi “Định Kỳ” đã đến, Ngài cho CON MỘT “nhập thể” trong lòng Trinh Nữ. Ngài còn “âm thầm chọn” Thánh Giuse là người công chính để Thánh Nhân làm Dưỡng Phụ Chúa Cứu Thế và “tôn trọng quyết định” của Trinh Nữ là“giữ mình đồng trinh trọn đời”. “Thánh Ân Đặc Biệt” này nơi Mẹ của Chúa Cứu Thế có bằng chứng trong Kinh Thánh như sau:
- TIN MỪNG theo Thánh Luca
- Câu tối quan trọng
“Ðiều ấy (sẽ) xảy ra làm sao được vì tôi không biết đến đàn ông nào cả? How shall this be since I know no man? Comment cela se fera-t-il puisqueje ne connais point d’homme? Wie soll das geschehen, weil ich keinenMann erkenne?”
- Từ chìa khoá(mot-clé)
Là hai chữ “không biết” ở THÌ HIỆN TẠI, CÁCH KHẲNG ĐỊNH (Present Tense, Indicative Mood).
- Ý nghĩa Thì Hiện Tại của hai chữ “không biết”
Có giá trị thực sự trong mọi thời: vrai en tout temps. Ví dụ khác: Trái đất quay quanh mặt trời (La terre tourne autour du soleil.) Thì Hiện Tại này có nghĩa là: Hôm qua, quả đất quay quanh mặt trời; hôm nay, nó cũng quaynhư vậy; và, ngày mai hay trong tương lai, nó cũng quay như thế!!!
- Túc từ (object) của “không biết”
Là chữ “đàn ông”! Trinh Nữ không nói: “Tôi không biết đến Giuse”, mà khẳng định chắc nịch: “Tôi không biết đến đàn ông nào cả!!!” Cho nên, trong tiếng Pháp, Anh, phải dịch là: “Je ne connais point d’homme. I knowno man” với ý khẳng định rõ hơn: “Je ne connais pas d’homme. I don’t know any man”.
- Sự kiện lạc mất Chúa chứng minh ý trong phần d ở trên
Đọc Luca 2,1-51 có vài sự kiện về ba Đấng, tôi tin chắc rằng, khi được họ hàng thân thích và người quen thuộc hỏi hai Ngài lạc mất đứa con nào, có mấy đứa tất cả, những đứa kia đang ở đâu…, để chứng minh gián tiếp Trẻ Giêsu là ai, Mẹ Chúa cũng lặp lại câu có túc từ trực tiếp: “Tôi không biết đến đàn ông nào cả!” Bằng chứng là Thánh Giuse và Trinh Nữ Maria không có người con nào khác ngoài Chúa Giêsu ĐÃ mười hai tuổi khi Ngài theo Cha-Mẹ đến Đền Thờ Giêrusalem!!!
- Không thể dùng động từ “biết” ở Thì Quá Khứ trong trường hợp như sau
Giả như có ai đương thời với Mẹ hỏi Ngài sao chỉ có một mình con trai là Chúa Giêsu, Mẹ “phải” trả lời với Thì Hiện Tại như đã trình bày trong phầnb: “Vì tôi không biết đến đàn ông nào cả!”
Ngoài ra, ở tuổi ba mươi, trong Thời Kỳ Rao Giảng, Chúa về thăm Mẹ và cùng Ngài đi dự tiệc cưới Cana (Gioan 2,1-11), chẳng có ai là anh-em của Ngài (cùng Mẹ, khác Cha) đi theo hai Mẹ-Con Ngài cả! Rồi, vào Giờ Trọng Đại trên Đồi Canvê, chẳng “thấy” ANH-EM-RUỘT nào của Ngài cả! Nếu có, Chúa nỡ lòng nào mà để họ “trôi sông, lạc chợ”? Nếu có, lẽ nào Mẹ không biết dạy họ như đã từng dạy người trong tiệc cưới: “Ngài bảo gì thì hãy làm theo lời Ngài”? Nếu có, tại sao ba người em kia không hè nhau, tranh nhau góp “gạo” để nuôi Mẹ đơn chiếc? Nếu có, tại sao họ bị “xoá tên trong Gia Đình” khi Thánh Giuse không còn tại thế để rồi Chúa liền trối: “Thưa BÀ, này là con BÀ! Con ơi, này là MẸ con!”??? Nếu có, việc Thánh Gioan “rước MẸ về nhà mình” coi có được với ba người “ấy” không??? Xin trả lời: “Mẹ chỉ có một mình Chúa Giêsu mà thôi. Người đời cũng không muốn có “anh em cùng mẹ, khác cha”, huống chi “Thiên Chúa Cứu Chuộc” là Ý NGHĨA của Thánh Danh GIÊSU càng không để cho MẸ vừa là Mẹ Thiên Chúa, vừa là Mẹ của ông A, ông B, ông C!!! Vả lại, Thiên Sứ đã nói với Mẹ: “Chẳng có sự gì mà Thiên Chúa không làm được”, huống chi là việc giữ gìn Trinh Khiết cho Mẹ của Chúa Cứu Thế!!!
- Ý nghĩa khác của hai chữ “không biết”
Là lời xác tín “khuôn vàng, thước ngọc” mà Trinh Nữ “thoả thuận” với Thánh Giuse. Có thoả thuận thì Mẹ mới “cam đoan” nói với Thiên sứ như thế. Mẹ lặp lại LỜI THỀ ấy là để hỏi Thiên Sứ về “Cái như thế nào – The How, Le Comment, Das Wie” để biết cụ thể Thánh Ý và Hành Động của Thiên Chúa. Chứ Mẹ không hoài nghi hay không tin mà cười như bà Sara trong Cựu Ước, như ông Diacaria trong Đền Thánh vào Giờ Dâng Hương để rồi bị Chúa phạt cho câm tạm thời.
Nhân đây, tôi xin viết lại cách khác lời Mẹ “hỏi và tái khẳng định” với Thiên Sứ như sau: “Ðiều ấy (sẽ) xảy ra làm sao được? Bởi chưng tôi không biết đến đàn ông nào cả! - Comment cela se fera-t-il? Car je ne connais point d’homme! – How shall this be? For I know no man! Wie soll das geschehen? Da ich erkenne keinen Mann!” (Dấu hỏi đưa sang mệnh đề thứ nhất; còn dấu cảm / than thì sang mệnh đề thứ hai. Không còn mệnh đề chính và phụ vì cả hai độc lập về hình thức, nhưng được khăng khít với nhau bằng liên từ phối hợp: conjonction de coordination. Tôi phải viết như thế vì đã có người nghĩ rằng mệnh đề “vì tôi không biết đến đàn ông nào cả?” cũng là câu hỏi)
- Bà Êlisabet Isave
“Được đầy Thánh Thần, Bà Êlisabet thốt lên tiếng kêu lớn và nói: “Chínhem là người có phúc trong nữ giới, VÀ trái của lòng dạ em cũng có phúc. Và bởi đâu chị được Mẹ Chúa của chị đến với chị? Này, tiếng em chào vừa đến tai chị thì hài nhi trong dạ chị nhảy mừng. Phúc cho người nữ đã tin rằng lời Chúa phán cho người ấy sẽ thành sự. Benedicta tu inter mulieres, ET benedictus fructus ventris tui. Et unde hoc mihi, ut veniat Mater Dominimei ad me? Ecce enim ut facta est vox salutationis tuae in auribus meis,exsultavit in gaudio infans in utero meo. Et beata, quae credidit, quoniam perficientur ea, quae dicta sunt ei a Domino.” (Luca 1,41-45).
– Chữ VÀ là liên từ chỉ hậu quả vốn là “Trái” của lòng dạ Trinh Nữ. Người Việt mình cũng nói: “Mẹ ăn gì, con ăn nấy”, huống chi là Thánh Mẫu và Con yêu dấu của Ngài! Xin viết câu của chứng nhân Êlisabet theo cách khác: “Em có phúc, CHO NÊN trái của lòng dạ em có phúc.” Thi sĩ Lamartine cũng dùng chữ “và” như thế: “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé.” (Vắng chỉ một người, mà / cho nên tất cả là vô cư dân.) Các Cụ ngày trước đã dùng chữ “và”, lại còn thêm chữ GỒM rất hay: “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, VÀ Giêsu con lòng Bà GỒM phước lạ.” Đúng vậy, “gồm” là “bao gồm, có tất cả” những gì từ nơi BÀ như lời chào và ngợi khen của Thiên Sứ: “Hãy vui lên, Ân Phúc Đầy: Chúa ở cùng Cô… Cô đã được đắc sủng nơi Thiên Chúa.”
– Chữ “được đầy Thánh Thần; Mẹ Chúa”!
Rõ ràng không phải Bà Êlisabét “xuất khẩu thành Thi Thiên”, mà Chúa Thánh Linh, Tác Giả của Thai Nhi trong Lòng Trinh Nữ, đã hành động nơi “Phát Ngôn Viên Êlisabet”! Ngôn ngữ loài người bị giới hạn bởi “thời và không gian” (ở đây và bây giờ: hic et nunc); nhưng Lời Chúa thì vĩnh hằng. Cho nên, nói qua Bà Êlisabét hôm xưa là Thánh Thần còn nói hôm nay, nóingày mai, nói trong tương lai, nói khi mà Vũ Trụ này qua đi và nói trênThiên Đàng rằng Trinh Nữ là MẸ CHÚA mà thôi, chứ không có chuyện Ngài còn là mẹ của “ông Xoài, ông Bưởi, ông Mít” nào cả!!!
– Chữ “đến với chị”
Được mang Chúa đến, bà Êlisabét và thai nhi Gioan Tẩy Giả mừng quýnh, huống chi là Người Mẹ đang có Thiên Chúa ngự trong Lòng mình! Như vậy, Trinh Nữ là bằng chứng việc ứng nghiệm lời Tiên Tri về Tân Thiếu Nữ Sion: “Ðức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Thiên Chúa… Ngài là Vị Cứu Tinh, là Ðấng Oai Hùng.”
- Mục đồng, ba “Vua” và Tông Đồ
Mục đồng và ba Vua “được đến ngắm Tôn Nhan Chúa” sau Trinh Nữ và Thánh Giuse. Còn Thánh Gioan thì viết về Con của Mẹ như sau: “Và Lời đã thành xác phàm, và lưu trú giữa chúng tôi, và chúng tôi được ngắm vinh quang của Ngài, của Con Một từ Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật.”
Tông Đồ chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa thì thử hỏi Dưỡng Phụ Giuse cũng chiêm ngưỡng Chúa, rồi ngắm “điều gì” nơi Mẹ là Đền Thờ của Chúa Cứu Thế? Người đời làm chuyện “vắt chanh, bỏ vỏ”; nhưng Chúa thì không vì đó là Mẹ của Ngài. Đây là bằng chứng Trinh Nữ sẽ thụ Thai bởi Phép của Thánh Thần, bởi quyền năng của Cha và Con trong Cha: “Thánh Thần sẽ đến trên cô, và quyền năng Ðấng Tối Cao phủ bóng trên cô; vì thế, trẻ sinh ra sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa!” Đã biết thế, chẳng lẽ Người Công Chính Giuse không thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và chẳng tôn kính Mẹ là Đền Thánh cho Chúa Cứu Thế ngự vào?
Khi nhắc đến Nơi Chúa đã ngự trong Cựu Ước, Thánh Phaolô vẫn còn gọi là “Nơi Cực Thánh” (Do Thái hay Hipri 9,3). Vậy, khi Mẹ sinh Chúa rồi, chẳng lẽ Cung Lòng và Thân Xác của Ngài không còn là “Nơi Cực Thánh hữu hình, sống động, nên thơ…” của Chúa nữa sao?
- TIN MỪNG theo Thánh Mathêô
- Đoạn tối quan trọng
“Tỉnh giấc, Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền cho ông, và ông rước vợ về nhà; nhưng ông không hề biết đến nàng cho tới khi nàng sinh con, và ông đặt tên cho hài nhi là Giêsu.” (S’étant réveillé, Joseph fit ce que l’ange du Seigneur lui avait ordonné, et il prit sa femme avec lui. Maisil ne la connut point jusqu’à ce qu’elle enfantât un fils, auquel il donna le nom de Jésus. Joseph woke from sleep, did as the angel of the Lord had commanded him; he took his wife, but he did not know her until she bore a son; and he called his name Jesus. Als Josef erwachte, tat er, was der Engel des Herrn ihm befohlen hatte, und nahm seine Frau zu sich. Er erkannte sie aber nicht, bis sie ihren Sohn gebar. Und er gab ihm den Namen Jesus.” (1)
- Phân tích câu
“Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền” là câu chứng tỏ Dưỡng Phụ là người công chính vốn trông chờ Đấng Messia là Cứu Chúa của Dân Ngài để được nên trọn điều Chúa đã phán qua Tiên Tri rằng “người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, tức là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Đã “tri Thiên Mệnh” như thế, được chứng kiến tỏ tường Lời Chúa trong Cựu Ước đã thành sự, là người “đi đứng ngay thẳng trước Nhan Giavê”, Thánh Giuse làm sao dám “lấy nạn chống Trời”, làm sao cả gan biến “Đền Thánh Giêrusalem Mới là Trinh Nữ” thành nơi “tri hoan xác thịt”!!! Cho nên, Thánh Sử Gia Mathêô mới tường thuật: “Và ông rước vợ về nhà;nhưng ông không hề biết đến nàng cho tới khi nàng sinh con.”
- Phân tích văn phạm
– Chữ “nhưng”
Liên từ “nhưng” dùng để chỉ sự trái ngược (opposition): rước vợ về nhà,mà không “biết đến nàng”! Việc “không biết đến nàng” chẳng phải là giai đoạn tạm thời, mà là mãi mãi về sau.
– Chữ “cho đến khi” và chữ “sinh con”
“Cho đến khi” là liên từ chỉ thời gian; còn chữ “sinh” là động từ chỉ việc đã xong, tức là “Mẹ tròn, Con vuông”! Nếu như Thánh Mathêô viết “cho tới khi nàng chuyển bụng / cho tới khi nàng mới sinh xong” thì chúng ta được phép nghĩ rằng có thể Mẹ Maria không đồng trinh trọn đời.
– Theo văn phạm, mệnh đề phụ có thể đưa ra trước mệnh đề chính như sau mà ý vẫn không thay đổi: “Và ông rước vợ về nhà; nhưng cho tới khi nàng sinh con, ông không hề biết đến nàng.”(2) Xin nhắc lại: Mệnh đề phụ chỉ thời gian, tức là khi “nàng ĐÃ sinh con RỒI!!! Mệnh đề này thêm ý (modifier of) cho việc “không hề biết đến nàng”!!!
- LỜI KẾT
Nếu Mẹ có thêm con thì rõ ràng Mẹ đã thất tín với Sứ Thần. Đã nói láo thì làm sao Mẹ xứng là “người mà muôn đời khen là có phúc, được Đấng Toàn Năng làm cho những điều trọng đại”? Thánh Giuse biết cách “đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria – Ad Jesum per Mariam” thì Ngài tôn kính Trinh Nữ. Ai không tôn kính Mẹ là Đền Thánh của Chúa Giêsu, người ấy đã vô tình phạm thượng. Suốt cả đời, “ông” Luther tin rằng Mẹ Thiên Chúa (Gottes Mutter) trọn đời đồng trinh!!!
—————————
- Bản Anh, Pháp, Việt không giống nhau lắm. Tôi viết lại cho phù hợp với Bản tiếng Đức và đưa động từ “enfanter, bear – sinh” từ Thì Tiền Quá Khứ (Pluperfect) sang Thì Quá Khứ (Simple Past).
- Có thể thêm dấu phẩy sau chữ “nhưng”. Động từ “enfanter, bear” phải ở Simple Past.
Đức quốc, ngày 3-7-2011
Đaminh Phan Văn Phước
Chia sẻ:
- In
- Tumblr
Từ khóa » đức Mẹ đồng Trinh Là Gì
-
Sự đồng Trinh Của Maria – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Đồng Trinh Là Gì, Ý Nghĩa Sâu Xa Của Tượng Đức ...
-
Đức Mẹ đồng Trinh Trọn đời
-
Nghĩa Của Từ Đồng Trinh Là Gì, Ý Nghĩa Sâu Xa Của Tượng Đức Mẹ ...
-
Đồng Trinh Nghĩa Là Gì - Thả Rông
-
Đức Mẹ đồng Trinh Trọn đời - Công Giáo - Văn Hóa Tâm Linh
-
Đức Mẹ Đồng Trinh Là Gì - Công Lý & Pháp Luật
-
Đức Mẹ Có đồng Trinh Không? Đức Mẹ Có đồng Trinh Trọn đời Không?
-
Đồng Trinh Có Nghĩa Là Gì
-
Đức Mẹ Đồng Trinh Là Gì - Top Game Bài
-
Làm Thế Nào Sau Khi Sinh Con, Đức Trinh Nữ Vẫn Còn đồng Trinh được?
-
Đồng Trinh Là Cái Gì
-
Gái Đồng Trinh Là Gì, Nghĩa Của Từ Đồng Trinh, Đồng Trinh Là Gì
-
Mẹ Maria Có đồng Trinh Trọn đời?