ục Tiêu Xây Dựng Và Ban Hành định Mức Kinh Tế - Kỹ Thuật

Ngày 15/11/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 47/2018/TT-BCT quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Theo Thông tư, mục tiêu xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương để làm căn cứ xác định giá dịch vụ sự nghiệp công trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu lực, tiết kiệm và hiệu quả; làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác ngành Công Thương, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương phải đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; bên cạnh đó, áp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất.

Thông tư quy định việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật được căn cứ vào các nội dung sau: (i) Tiêu chuẩn chất lượng, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ. (ii) Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động. (iii) Điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai. (iv) Số liệu thống kê hàng năm và các tài liệu có liên quan. (v) Tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc, trên cơ sở đó tính toán, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:

(i) Định mức lao động: Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (thực hiện) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ). Trong đó: Định mức lao động trực tiếp là thời gian thực hiện xong một dịch vụ sự nghiệp công; định mức lao động gián tiếp được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp.

(ii) Định mức vật tư: Xác định chủng loại vật tư; xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư); xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi; xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp để thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công.

(iii) Định mức máy móc, thiết bị: Xác định chủng loại máy móc, thiết bị; xác định thông số kỹ thuật cơ bản của máy móc, thiết bị; xác định thời gian sử dụng từng chủng loại máy móc, thiết bị: Bao gồm thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư) và máy chạy không tải (không tiêu hao vật tư); tổng hợp định mức máy móc, thiết bị.

Thông tư cũng quy định, việc ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương phải hoàn thành chậm nhất đến ngày 01/01/2020.

Thông tư số 47/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Trước đó, ngày 25/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương tại Quyết định số 573/QĐ-TTg. Trong đó, danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác gồm 13 hoạt động, cụ thể: (1) Hoạt động thuộc lĩnh vực môi trường công nghiệp. (2) Hoạt động thuộc lĩnh vực hóa chất, quản lý hóa chất. (3) Hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý cạnh tranh. (4) Hoạt động thuộc lĩnh vực khuyến công quốc gia. (5) Hoạt động thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại. (6) Hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững; hoạt động thực hiện đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. (7) Hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại điện tử. (8) Hoạt động thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. (9) Hoạt động thông tin truyền thông của ngành Công Thương. (10) Hoạt động sản xuất sạch. (11) Hoạt động tăng trưởng xanh. (12) Hoạt động thuộc lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, hiệu quả. (13) Hoạt động thuộc lĩnh vực điều tiết điện lực và thị trường điện lực.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hànhDanh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thươngtại Quyết định số 1526/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, tổng cộng có 53 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thương, bao gồm: Lĩnh vực Khuyến công có 35 dịch vụ; lĩnh vực Xúc tiến thương mại có 07 dịch vụ và lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng, hiệu quả có 11 dịch vụ. Trong đó: 30 dịch vụ được ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí thực hiện dịch vụ; 23 dịch vụ được ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần chi phí thực hiện dịch vụ chưa tính vào giá theo lộ trình tính giá./.

Việt Hùng

Từ khóa » định Mức Kinh Tế Kỹ Thuật Trong Xây Dựng