Ukraine Sắp Cạn Số đạn Dùng Cho HIMARS Trong Cuộc Chiến Với Nga?

Ngày 10-8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng họ đã xác định vị trí và không kích một kho đạn dược gần TP Uman (tỉnh Cherkasy, miền trung Ukraine), phá hủy được 300 tên lửa. Đây là kho chứa lựu pháo tự hành M777 cỡ nòng 155 mm, cũng như đạn dược cho các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

Đợt không kích dấy lên quan điểm rằng Nga đang cảm thấy sợ hãi các hệ thống HIMARS do tầm bắn và độ chính xác của nó.

Tuy vậy, trong bài viết trên tờ 19fortyfive, ông Steve Balestrieri - cựu Hạ sĩ quan Lực lượng Đặc nhiệm Quân đội Mỹ - nhận định đợt tấn công này cũng phơi bày một điểm khủng hoảng tiềm tàng đối với các lực lượng Ukraine, đó là lo ngại thiếu hụt đạn pháo quân sự dùng cho các hệ thống nói trên.

Với việc Ukraine hiện chủ yếu phụ thuộc vào vũ khí và đạn dược của phương Tây, ông Balestrieri đặt câu hỏi liệu Mỹ và các đồng minh phương Tây khác của Kiev có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu đạn dược cho các loại pháo nòng 155 mm và HIMARS hay không.

Dưới đây là các gói viện trợ mới nhất mà phương Tây sắp gửi cho Kiev.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. Ảnh: U.S. ARMY

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. Ảnh: U.S. ARMY

Mỹ công bố gói viện trợ khổng lồ trị giá 1 tỉ USD

Hôm 8-8, Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi cho Ukraine một gói viện trợ quân sự khổng lồ mới trị giá 1 tỉ USD, gồm đạn dược cho các hệ thống HIMARS nhưng không có thêm bất kỳ bệ phóng nào. Điều này nâng tổng số viện trợ quân sự Washington gửi cho Kiev lên gần 10 tỉ USD kể từ khi chiến sự bắt đầu.

Lầu Năm Góc cho biết gói viện trợ bao gồm 75.000 viên đạn 155 mm, 20 hệ thống súng cối nòng 120 mm, 20.000 viên đạn cối 120 mm, 1.000 viên đạn cho các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, thuốc nổ C-4, mìn sát thương Claymore, và vật tư y tế.

Mỹ đã gửi cho Ukraine 16 hệ thống HIMARS, thứ được cho là đã góp công rất lớn trong việc xoay chuyển cục diện chiến trường hiện nay. Với tầm bắn xa và độ chính xác gần như tuyệt đối, HIMARS đã giúp các lực lượng Ukraine tấn công các sở chỉ huy và kho đạn của Nga với số lượng đạn ít hơn nhiều so với trước đây.

Tuần trước, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết quân đội nước này đã sử dụng HIMARS để bắn vào 15 kho hậu cần chứa đạn dược, nhiên liệu và dầu nhờn của Moscow. Chuẩn tướng Ukraine - ông Oleksiy Gromov cho biết HIMARS và các hệ thống tên lửa bắn loạt (MLRS) do phương Tây cung cấp đã giúp các lực lượng Ukraine đánh trúng 10 hầm chỉ huy của Điện Kremlin, trong đó có 3 sở chỉ huy cấp sư đoàn, trong tuần qua.

HIMARS đã đánh giá là kẻ thay đổi cuộc chơi, giúp Ukraine kìm chân Nga ở vùng Donbass (miền đông Ukraine), cũng như khiến quân Moscow chịu nhiều tổn thất về nhân lực và khí tài.

Anh gửi thêm 3 hệ thống M-270

Hôm 10-8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết London sẽ gửi thêm 3 chiếc M-270 (MRLS) tới Ukraine, cũng như một số lượng "đáng kể" tên lửa dùng cho các hệ thống này. Đây cũng là loại tên lửa mà HIMARS sử dụng.

Theo hãng tin Ukrinform, lô M-270 đầu tiên Ukraine nhận được từ phía London là hồi giữa tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Oleksii Reznikov cho biết hệ thống này phối hợp tốt với HIMARS trên chiến trường.

M-270 được đặt trên xe bọc thép (dạng bánh xích), mang được 12 tên lửa và hiện cũng đang được một số quốc gia sử dụng. Theo trang Military.com, tuy không cơ động bằng HIMARS, nhưng M-270 lại có hỏa lực mạnh gấp đôi HIMARS, có thể bắn ra 12 tên lửa chỉ trong 40 giây. Đặc điểm này giúp nó có thể vô hiệu hóa được các mục tiêu quan trọng trong thời gian rất ngắn.

So với các hệ thống cùng loại uy lực nhất của Nga là BM-27 Uragan, BM-30 Smerch và 9K515 Tornado-S, thì M-270 và HIMARS có thời gian tác chiến nhanh hơn nhiều. Cụ thể, các hệ thống tên lửa của Nga cần tới 12 phút cho quá trình hướng dẫn và ngắm bắn và từ 20-40 phút để nạp đạn. Trong khi đó, theo trang Sundries, M-270 và HIMARS chỉ mất 1 phút để ngắm và 5 phút để nạp đạn.

Theo ông Balestrieri, rất có thể Ukraine có thể sẽ hết đạn cho M-270 và HIMARS vào tháng 9 tới. Theo đó, gói viện trợ quân sự của Mỹ và Anh hiện tại đóng vai trò rất cần thiết đối với Kiev trong giai đoạn này.

Pháo binh Nga khai hỏa. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Ukraine cần những loại khí tài nào để đối phó Nga?

DƯƠNG KHANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Cuộc Chiến Ukraine Với Nga