Ứng Dụng Công Nghệ Quản Lý, Theo Dõi F0 điều Trị Tại Nhà - Báo Thái ...

Nếu như trước kia, sau khi tiếp nhận khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của người bệnh, nhân viên Trạm Y tế phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) sẽ tiến hành làm thủ công, lưu thông tin bệnh nhân bằng file excel, word hoặc viết giấy, mất nhiều thời gian. Thế nhưng từ ngày ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe F0 tại nhà, cán bộ, nhân viên y tế trạm có thể nắm được tình trạng bệnh nhân Covid-19 (F0 đã khai báo sức khỏe trên trang https://chamsocf0tainha.thaibinh.gov.vn). Việc tra cứu, làm các giấy tờ liên quan đến người bệnh cũng được nhanh chóng, thuận lợi hơn do dễ tìm kiếm thông tin bệnh nhân.

Bác sĩ Đào Xuân Cảnh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hoàng Diệu cho biết: Số ca mắc Covid-19 tăng khiến công việc của cán bộ, nhân viên y tế trạm cũng tăng lên. Do đó, khi phần mềm được triển khai đã giúp trạm có thể kịp thời xử lý, chuyển tầng các trường hợp nguy cơ cao; giảm thời gian tra cứu thông tin về người bệnh... Cụ thể, khi F0 khai báo thông tin phần mềm sẽ tự tính điểm và đưa ra 4 mức cảnh báo nguy cơ thể hiện bằng 4 mã màu (đỏ - nguy cơ cao, cam - nguy cơ trung bình, vàng - nguy cơ thấp và xanh là bình thường). Dựa trên việc cảnh báo nguy cơ của F0, cán bộ y tế sẽ tiếp cận với các trường hợp có nguy cơ cao, nguy cơ trung bình để xử trí cấp cứu người bệnh, chuyển tầng, chuyển tuyến kịp thời, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh. Với những trường hợp ít nguy cơ hoặc bình thường, cán bộ, nhân viên y tế sẽ liên hệ xác nhận lại, hướng dẫn người dân theo dõi, điều trị tại nhà và cập nhật sức khỏe thường xuyên lên phần mềm để được quản lý, giám sát. Thông qua phần mềm, chúng tôi cũng biết được tình trạng sức khỏe của F0 trên địa bàn, bệnh nhân nào đang điều trị tại nhà, bệnh nhân nào đã chuyển tầng. Để người mắc Covid-19 biết, thực hiện đăng ký thông tin trên trang https://chamsocf0tainha.thaibinh.gov.vn, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phát tờ rơi, dán áp phích, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cán bộ trạm cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện khai báo sức khỏe trên phần mềm hàng ngày. Tính đến nay, tỷ lệ F0 khai báo trên phần mềm đạt khoảng 60 - 70% trên tổng số F0 trên địa bàn.

Không chỉ ưu việt với cơ sở y tế, phần mềm cũng mang lại nhiều tiện ích cho người dân, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và chính quyền địa phương. Cụ thể, với người dân, sau khi test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 được y tế xác nhận, người dân có thể chủ động khai báo thông tin mắc Covid-19 và cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày lên phần mềm bằng điện thoại thông minh; được hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Bên cạnh đó, người dân có thể khai báo cho những người trong gia đình đã mắc Covid-19. Với địa phương, nhờ ứng dụng phần mềm, địa phương nắm bắt, tổng hợp được số liệu F0 kịp thời và chủ động sắp xếp kế hoạch, phương án nhân lực để thực hiện các hoạt động tiếp cận, hướng dẫn, quản lý F0 theo từng địa bàn một cách khoa học, hiệu quả.

Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe F0 tại nhà được Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm từ ngày 14/2/2022. Với rất nhiều tiện ích tích hợp, phần mềm là công cụ để tổ chức quản lý, điều trị F0 khoa học, hiệu quả, giúp nhận định sớm các trường hợp có biểu hiện lâm sàng tăng nặng để định hướng, xử trí, can thiệp kịp thời. Đây cũng là cầu nối trực tiếp giữa người mắc Covid-19 với cơ sở y tế nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt diễn biến bệnh cũng như việc thực hiện cách ly, hay như chăm sóc, hỗ trợ F0 khi có nhu cầu một cách sớm nhất. Thông qua phần mềm, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, ngành y tế và các địa phương sẽ nắm bắt được số lượng F0, tình hình điều trị ở tầng 1, tầng 2, tầng 3 để chỉ đạo kịp thời; đồng thời dựa trên số liệu F0 do phần mềm cung cấp để tổng hợp số lượng ca mắc trên địa bàn làm căn cứ đánh giá cấp độ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, chưa bố trí nhân lực hỗ trợ cùng với y tế khai thác, sử dụng phần mềm hiệu quả. Việc sử dụng phần mềm chủ yếu do cán bộ y tế cơ sở thực hiện nên càng tạo thêm áp lực cho y tế cơ sở. Bên cạnh đó, một số người dân khi khai báo y tế trên phần mềm không đúng, tích nhầm, gây mất thời gian kiểm tra, xác minh lại thông tin. Nhiều người mắc Covid-19 là người cao tuổi, học sinh không có điện thoại thông minh nên không sử dụng được phần mềm... Hiện Sở Y tế cũng đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của phần mềm.

Những ưu việt, hiệu quả bước đầu của phần mềm theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà đã được khẳng định sau một thời gian triển khai. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối ưu các tính năng của phần mềm cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện hiệu quả công tác điều trị, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển nặng, tử vong và tránh các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người mắc Covid-19, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng. Do đó, cần tạo điều kiện để y tế cơ sở được tập trung thời gian và nguồn lực cho công tác chuyên môn là chăm sóc sức khỏe của F0 điều trị tại nhà, xử trí cấp cứu kịp thời, chuyển tầng, chuyển tuyến điều trị đúng, giảm thiểu gánh nặng cho y tế tuyến trên và các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, bố trí nhân lực hỗ trợ y tế cơ sở trong sử dụng, quản lý phần mềm; người mắc Covid-19 cần đăng ký sử dụng phần mềm, thực hiện khai báo sức khỏe hàng ngày. Việc ứng dụng công nghệ từ sớm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị cho người bệnh.

Hoàng Lanh

Từ khóa » Phần Mềm Quản Lý F0 Tại Nhà Thái Bình