Ứng Dụng Công Nghệ Semi-Biofloc Và đèn UV Trong Nuôi Tôm Thẻ ...

Giới thiệu Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là đối tượng thủy sản có giá trị thương phẩm cao và cũng là đối tượng nuôi quan trọng của một số nước đang phát triển ở Châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Việt Nam... và Nam Mỹ (Ecuador). Nghề nuôi tôm không chỉ góp phần lớn làm tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho các nước nêu trên mà còn có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho người nuôi thủy sản.

Mô hình đèn UV ao nhỏ (A) và ao lớn (B).

Hiện nay, nghề nuôi tôm siêu thâm canh ở nước ta phát triển rất mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, quá trình thâm canh hóa tôm nuôi càng tăng thì càng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường do vật chất hữu cơ gây ra. Với ưu điểm tái tạo thức ăn thừa làm thức ăn cho tôm nuôi, ít thay nước và hạn chế lây lan mầm bệnh vào hệ thống nuôi, công nghệ biofloc đang được ứng dụng nhiều trong các hệ thống nuôi tôm. Biofloc đã cho thấy hiệu quả của nó rất cao trong giai đoạn gièo tôm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nuôi thương phẩm việc vận hành quy trình biofloc gặp rất nhiều khó khăn như việc duy trì mật độ floc, floc tàn do môi trường thay đổi, cần cung cấp nhiều oxy hơn cho hệ thống nuôi. Do đó, điện cũng là vấn đề lớn trong việc vận hành công nghệ này. Mặc khác, trong quá trình nuôi tôm mật độ tảo thường xuyên xuất hiện với mật độ cao đã dẫn đến biến động thường xuyên các yếu tố môi trường như: pH, CO2, O2, TAN…làm tôm thường xuyên trong tình trạng bị stress. Việc khống chế sự phát triển của tảo trong mô hình nuôi tôm cũng gặp khó khăn. Để khống chế sự phát triển của tảo, hiện nay người nuôi sử dụng một số biện pháp như: Dùng chất ức chế quá trình trao đổi chất (CuSO4, Simazine...), chất oxy hóa mạnh (Chlorine, BKC, KMnO4...), chất nhuộm màu... Tuy nhiên, việc dùng hóa chất để diệt tảo có thể tạo nên nguy cơ ô nhiễm môi trường (kim loại nặng – Cu, Mn...) và các hóa chất độc tồn lưu trong tôm (BKC, Simazine...) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Biện pháp được xem là có hiệu quả làm giảm chất thải và duy trì màu nước đó là thường xuyên thay nước trong ao nuôi. Tuy nhiên, việc thay nước thường xuyên dễ dẫn đến việc lây lan mầm bệnh như virus đốm trắng (WSSV), bệnh virus Taura, bệnh đầu vàng (YHV), bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng…vào hệ thống nuôi, do đó cần có biện pháp khắc phục tình trạng lây lan mầm bênh này. Với ưu điểm tiêu diệt nhanh mầm bệnh (99,9%), tiêu diệt tảo, không gây biến đổi chất lượng nước, tiện lợi và an toàn công nghệ đèn UV đã được ứng dụng nhiều trong các ngành công nghiệp nước uống, trại sản xuất giống thủy sản…. và gần đây công nghệ này đã được ứng dụng trên các hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh và đã chứng minh được hiệu quả thiết thực mà nó mang lại cho người nuôi. Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, cải thiện quy trình nuôi thân thiện với môi trường và tăng thêm thu nhập cho người nuôi. Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao Tân Hưng đã ứng dụng công nghệ biofloc cho giai đoạn gièo tôm trên ao ương và sử dụng công nghệ đèn UV thay thế chlorine và thuốc tím cho quá trình thay nước giai đoạn tôm nuôi thương phẩm. Phương thức thực hiện Mô hình được triển khai trên các xã viên của hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao Tân Hưng và được được thực hiện trên diện tích ao nhỏ (dưới 600 m2) và quy mô ao trung bình (600 – 1000 m2) và quy mô ao lớn. Trong lần nuôi đầu tiên tôm được thả với mật độ như nhau 300 con/m2, trong lần nuôi thứ 2 tôm được thả với các mật độ 600 - 700 con/m2 cho ao nhỏ, 400 – 500 con/m2 cho ao trung bình và dưới 400 con/m2 cho ao lớn. Các thông số môi trường được theo dõi định kỳ 2 lần/ngày như pH, nhiệt độ, DO; 3 ngày/lần đối với TAN, NO2; mật độ tảo , vi khuẩn tổng và vi khuẩn vibrio sp được xác định mỗi tuần/lần. Tôm thẻ được chọn ở công ty uy tính và được thả nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn gièo ứng dụng công nghệ biofloc và ứng dụng công nghệ UV cho giai đoạn nuôi thương phẩm. Giai đoạn 1: Nuôi theo quy trình biofloc Sau khi lắp đặt hệ thống thổi khí cho các bể, sục khí liên tục 24/24h, nước được bơm vào ao ương với mức nước 1m. Tiến hành bón vôi Dolomite, đường mật và thức ăn (bột đậu tương hoặc cám ủ) để tạo tỷ lệ Carbon (C) và Nitơ (N) thích hợp. Giai đoạn 3 ngày đầu trước khi thả giống cần bổ sung 10g/m3 mật rỉ đường, 5 g/m3 thức ăn số 0 và 20 g/m3 vôi Dolomite. Sau khi quan sát thấy xuất hiện Biofloc trong nước thì có thể tiến hành thả giống vào ương. Sau khi thả giống hàng ngày bổ sung bột mì được ủ với vi sinh trong 12h, liều lượng bột mì bằng 70% lượng thức ăn cho tôm trong một ngày hoặc sử dụng mật đường 10g/m3 ủ với men vi sinh trong 24h và bón xuống ao. Trong suốt quá trình nuôi tôm được cho ăn 5 lần/ngày, đáy ao được xiphon sau 10 ngày thả giống. Giai đoạn 2: Nuôi theo quy trình chảy tràn ứng dụng công nghệ UV Sau khi tôm gièo được 21 – 25 ngày (1000 – 1200 con/kg) thì chuyển tôm xuống ao nuôi thương phẩm. Trong giai đoạn này tôm được cho ăn bằng máy cho ăn tự động đến 7h đêm. Đáy ao được xiphon định kỳ 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối. Nước trong ao nuôi được thay liên tục 24/24h với hình thức chảy tràn. Nước từ ao lắng hoặc từ vuông nuôi quảng canh (có độ trong 30 cm) được bơm trực tiếp vào ao nuôi thông qua hệ thống khử trùng bằng đèn UV có công suất 40 – 60 m3/h, nước trong ao nuôi sẽ thoát ra bên ngoài thông qua hệ thống ống chảy tràn hoặc bằng máy bơm, sau cho công suất đầu bơm vào bằng với công suất nước được bơm ra. Trong suốt thời gian nuôi thương phẩm, ao nuôi được diệt khuẩn định kỳ bằng iodine, vikon… Kết quả đạt được Sau hai lần nuôi cho thấy, chất lượng các yếu tố môi trường có xu hướng biến động về cuối vụ nuôi, tuy nhiên chúng vẫn nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm. Kết quả nuôi đã cho thấy rằng các yếu tố môi trường ở ao nuôi nhỏ và ao nuôi trung bình tốt hơn trong ao lớn, do lượng nước trong ao được thay tốt hơn 200%/ngày đêm, trong khi đó các ao lớn chỉ thay khoảng 70 – 100% lượng nước/ngày đêm. Kết quả tương tự cũng cho thấy ở ao nhỏ có mật độ vi khuẩn và mật độ tảo luôn thấp trong suốt vụ nuôi, vì vậy cũng giảm chi phí xử lý thuốc diệt khuẩn. Trong khi đó mật độ tảo và vi khuẩn luôn có xu hướng tăng theo thời gian nuôi. Kết quả tăng trưởng cho thấy, tôm nuôi bằng công nghệ biofloc trong giai đoạn gièo có kích cở đồng đều hơn so với quy trình chỉ cho ăn đơn thức ăn công nghiệp. Tôm sau 21 ngày nuôi thường đạt 1.000 – 1.200 con/kg. Kết quả nuôi thương phẩm cho thấy, sau 70 ngày ở giai đoạn tiếp theo tôm đạt 40 – 50 con/kg. Kết quả cho thấy trong 30 ngày đầu chuyển giai đoạn xuống ao nuôi thương phẩm tôm có tốc độ tăng trưởng tương đối đồng đều giữa các diện tích ao nuôi và mật độ nuôi. Tuy nhiên, sau 30 ngày nuôi thì sự gia tăng về các yếu tố khí độc và biến động môi trường lớn đối với các ao có diện tích lớn, đã làm tôm chậm lớn do phải tốn một phần năng lượng trong cơ thể để chống lại các biến động ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sinh lý của tôm. Mặt khác, nuôi tôm trong ao lớn cho thấy tôm dễ bị rủi ro do không tạo vỏ khi lột xác hoặc tôm bỏ ăn khi khí độc lên cao, do những vấn đề trên mà ao lớn trở nên hạn chế khi nâng mật độ nuôi trong lần nuôi thứ 2. Ao lớn chỉ nuôi mật độ tối đa 400 con/m2 trong khi đó ao nhỏ có thể nuôi lên mật độ 600 – 700 con/m2. Kết quả nuôi cho thấy tỷ lệ sống tôm nuôi dao động 80 – 95%, năng suất tôm nuôi đạt 7 – 10,5 kg/m2, năng suất tôm nuôi có xu hướng gia tăng khi diện tích ao nuôi giảm. Về tỷ suất lợi nhuận cho thấy mô hình nuôi có tỷ suất lợi nhuận 0,5 – 0,7 cao hơn so với CP (0,4). Qua đó, cho thấy giá thành tạo ra 1kg tôm thương phẩm 55.000 – 63.000 đồng, thấp hơn so với quy trình CP (70.000 – 75.000 đồng). Giá thành tạo ra 1kg sản phẩm thấp hơn so với quy trình CP là do trong quá trình nuôi không sử dụng Chlorine, thuốc tím. Mặt khác, do thay nước thường xuyên nên chi phí xử lý vi sinh, bổ sung khoáng chất cho ao nuôi cũng thấp hơn so với CP. Ngoài ra, xét về hiệu quả sử dụng đất quy trình cho thấy tiết kiệm được 50% diện tích cho ao lắng và các hạng mục phụ trợ so với quy trình CP. Bởi vì quy trình chỉ cần 1 ao lắng hoặc vuông quảng canh trong khi đó quy trình CP cần 3 ao lắng. Kết luận Qua kết quả quá trình thực hiện cho thấy, nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng quy trình biofloc cho giai đoạn gièo và quy trình chảy tràn theo công nghệ đèn UV cho giai đoạn nuôi thương phẩm đã giúp giảm chi phí vụ nuôi, tăng năng suất và lợi nhuận của vụ nuôi, tiết kiệm diện tích đất, quy trình vận hành đơn giản và tiết kiệm được điện, đặc biệt là trên các ao nuôi có diện tích nhỏ nên quy trình nuôi rất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nguyễn Việt Bắc, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau và Huỳnh Xuân Diện, Hợp tác xã nuôi tôm Công nghệ cao Tân Hưng

Từ khóa » Thức ăn Uv