Ứng Dụng Giải Pháp Công Nghệ để Học Và Thi Trực Tuyến - Báo Đà Nẵng

Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc triển khai dạy học trực tuyến được đẩy mạnh, đồng thời công tác kiểm tra, đánh giá trực tuyến được các cơ sở giáo dục áp dụng. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần tăng cường giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng các công tác này cũng như bảo đảm tính khách quan, công bằng.

Do ảnh hưởng Covid-19 nên các trường THCS trên địa bàn thành phố tiến hành kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến.  TRONG ẢNH: Giáo viên Trường THCS Trưng Vương theo dõi học sinh làm kiểm tra trực tuyến. Ảnh: HÀ THU
Do ảnh hưởng Covid-19 nên các trường THCS trên địa bàn thành phố tiến hành kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến. TRONG ẢNH: Giáo viên Trường THCS Trưng Vương theo dõi học sinh làm kiểm tra trực tuyến. Ảnh: HÀ THU

Trừ khối lớp 9 và 12, các khối lớp còn lại của bậc THCS, THPT của thành phố đã kiểm tra cuối học kỳ 2 với 8 môn học theo hình thức trực tuyến. Theo khảo sát sơ bộ, kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ 2 có nhỉnh hơn so với mọi năm. Năm học 2020-2021 này, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi của Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) là 99, 09% (con số này của năm học 2019-2020 là 93,05%). Tương tự, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi năm học này của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) là 45,6%, tăng 0,53% so với năm học trước.

Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho rằng, sự chênh lệch này không đáng kể. Hơn nữa điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 không phải là quyết định quan trọng nhất trong đánh giá học lực của học sinh mà cũng chỉ là điểm thành phần.

Thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, kết quả kiểm tra học kỳ 2 của trường không có bài kiểm tra nào có kết quả bất thường nếu so sánh với quá trình học tập của học sinh.

“Độ lệch điểm là có, chỉ từ 0,5 đến 1 điểm. Nhưng độ lệch điểm này chấp nhận được nếu xét ở góc độ tổ chức kỳ kiểm tra trực tuyến trong điều kiện tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp”, thầy Trần Đạt nói.

Theo nhiều ý kiến, việc kiểm tra , đánh giá trực tuyến thời gian qua là giải pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống Covid-19 trong điều kiện học sinh tạm dừng đến trường, bảo đảm kết thúc năm học đúng tiến độ. Tuy nhiên, thách thức của hình thức này là tính xác thực, nghĩa là xác nhận đúng người đang thực hiện bài kiểm tra để loại bỏ yếu tố gian lận. Để làm được điều này, cần đến giải pháp công nghệ.

Từ kinh nghiệm của Đại học (ĐH) Đà Nẵng, PGS.TS Đinh Thành Việt, Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng chia sẻ, trong thời gian qua, nhằm bảo đảm kế hoạch năm học và ứng phó Covid-19, các trường đại học thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Đà Nẵng tích cực chủ động triển khai các phương thức đào tạo trực tuyến.

Ngày 1-9-2020, ĐH Đà Nẵng đã có công văn về vấn đề này, trong đó yêu cầu các đơn vị trong trường hợp có tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến, cần kiểm tra các điều kiện kỹ thuật, các công cụ, phần mềm phục vụ kiểm tra, đánh giá trực tuyến; khả năng đầu tư các công cụ hỗ trợ cho kiểm tra, đánh giá trực tuyến như phần mềm giám thị trực tuyến (online proctoring), phần mềm kiểm tra và phát hiện đạo văn, phần mềm xáo trộn đề thi và đáp án...

Đồng thời, lưu ý các đơn vị tính toán cách thức thiết kế đề thi cùng phương thức tổ chức đánh giá tổng kết trực tuyến hợp lý để bảo đảm công bằng, chống gian lận trong thi cử. Ngoài ra, xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm bảo đảm sự trung thực trong quá trình làm bài thi cũng như trong các hoạt động kiểm tra, đánh giá trực tuyến, như: thiết lập mật khẩu vào phòng thi, nên chỉ hiển thị một câu hỏi tại mỗi thời điểm thay vì tất cả các câu hỏi được hiển thị cùng một lúc, hệ thống không cho phép người học quay trở lại trả lời câu hỏi mà họ đã trả lời, xáo trộn thứ tự các câu hỏi trắc nghiệm, thiết lập giới hạn thời gian hoàn thành cho mỗi câu hỏi…

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Thành Việt cho rằng việc dạy học, kiểm tra, đánh giá trực tiếp vẫn là mong muốn chung của cả thầy và trò trong bối cảnh việc ứng dụng công nghệ giáo dục còn hạn chế, đặc biệt đối với học sinh ở các bậc học thấp, khả năng sử dụng công nghệ chưa hoàn toàn thành thạo. Song, đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục nhìn nhận lại việc dạy học online và tích hợp một cách khoa học vào hoạt động dạy học trực tiếp, không phải chỉ nhằm ứng phó với Covid-19 mà còn cho cả nền giáo dục trong thời gian tới.

Trong tương lai, ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu xây dựng các mô hình chuyển đổi số và ban hành các chính sách phù hợp. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng và phát triển giải pháp công nghệ hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu dạy học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến.

HÀ THU

Từ khóa » Phần Mềm Chống Gian Lận Thi Online đà Nẵng