Ứng Dụng Ngôn Ngữ Học Tính Toán để Nâng Cao Chất Lượng đào Tạo

NTTU – Ngày 19/04/2021, tại cơ sở 300A Quận 4, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có buổi làm việc với PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM về nội dung tận dụng kho dữ liệu ngôn ngữ để phát triển tối đa hiệu quả việc giảng dạy ngoại ngữ và công tác nghiên cứu nghiên cứu khoa học mảng xã hội. Tham dự buổi chia sẻ có PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu Trưởng kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội liên ngành, TS. Phan Bùi Gia Thủy – Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội liên ngành, TS. Lê Thị Kiều Vân – Trưởng khoa Ngoại Ngữ, TS. Nguyễn Kim Quốc – Phó Khoa Công nghệ thông tin

Tại buổi làm việc, PGS.TS Đinh Điền đã giới thiệu về ngành Ngôn ngữ học Tính toán (Computational Linguistics). Đây là sự kết hợp liên ngành của hai bộ môn Ngôn ngữ học (Linguistics) và Tin học (Computer) nhằm áp dụng công nghệ để xây dựng nên các kho ngữ liệu đa dạng ở nhiều ngôn ngữ khác nhau để phục vụ cho việc tra cứu từ vựng, ngữ âm và ngữ pháp của từng ngôn ngữ và thậm chí so sánh, đối chiếu các yếu tố đó trong hai ngôn ngữ khác nhau như Anh- Việt, Việt – Hàn, Nhật – Hàn.

PGS.TS Đinh Điền chia sẻ tại buổi gặp gỡ

Về quy trình hoạt động, đầu tiên, chuyên ngành Ngôn ngữ học Ngữ liệu (Corpus Linguistics) sẽ thực hiện việc thu thập các dữ liệu cần thiết liên quan đến ngôn ngữ mục tiêu. Sau đó, Ngôn ngữ học Máy tính sẽ sử dụng các mô hình tính toán thông minh của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và công cụ “học máy” (machine learning, deep learning) để phân tích và xây dựng các kho ngữ liệu. Sau khi kết thúc, kết quả nhận được như sau: Ở đơn vị từ đơn, phần mềm cho phép người dùng biết được tần suất sử dụng, ý nghĩa, ngữ cảnh sử dung và các cụm từ đi kèm. Phần mềm còn phân tích được các cấu trúc ngữ pháp của một câu bất kỳ và thể hiện dưới dạng sơ đồ hình cây. Từ đó, người học có thể so sánh, đối chiếu các điểm tương đồng/dị biệt giữa các ngôn ngữ và nhìn nhận các yếu tố ngôn ngữ dưới một góc nhìn khái quát và trực quan hơn. Trong khi đó, các nhà biên soạn chương trình học có thể xây dựng một giáo trình vừa có độ khó phù hợp vừa tiết kiệm thời gian cho người học ngoại ngữ. Cuối cùng, nhờ khả năng dịch thuật tiên tiến, Liên ngành Ngôn ngữ học Máy tính được ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, như: kinh tế, y tế, xã hội, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng….

PGS.TS Trần Thị Hồng trao đổi cùng PGS.TS Đinh Điền để đưa ra các đường hướng phát triển sắp tới

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện KHXH Liên ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc bằng việc đưa ra các đường hướng phát triển cho việc ứng dụng ngành Ngôn ngữ học tính toán để nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Cụ thể, Viện Khoa học Xã hội liên ngành đã cùng PGS. TS Đinh Điền thảo luận và đưa ra các đề tài nghiên cứu về vai trò, lợi ích cũng như tầm ảnh hưởng của Ngôn ngữ học tính toán đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và hoạt động nghiên cứu của trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đặc biệt là đối với ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học và khoa Dược.

Bên cạnh đó, Khoa Ngoại Ngữ và Công nghệ thông tin cũng tích cực lên kế hoạch tổ chức các buổi thảo luận, training các giảng viên sử dụng phần mềm Parathon và ứng dụng vào việc giảng dạy các môn học như Cú pháp học (Syntax), Ngữ nghĩa học (Semantics) và Ngôn ngữ học Đối chiếu (Contrast Linguistics)…. Cuối cùng, các khoa cũng sẽ hướng tới việc mở ngành Ngôn ngữ học Máy tính để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.

PGS.TS Đinh Điền trao tặng quyển OALD ấn bảng song ngữ Anh-Việt đến trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Viện Khoa học xã hội liên ngành

Từ khóa » Thư Viện Viện Ngôn Ngữ Học