Ứng Dụng Siêu âm Tim Trong Tầm Soát, Chẩn đoán Bệnh Tim Mạch

Siêu âm tim là chỉ định đầu tay trong phần lớn chẩn đoán bệnh lý tim mạch. Siêu âm tim có thể giúp tầm soát bệnh lý tim mạch, chẩn đoán sớm những bất thường trước khi người bệnh có biểu hiện lâm sàng.

Siêu âm tim là gì?

Siêu âm tim là phương pháp thăm dò, chẩn đoán tình trạng của tim dựa vào việc sử dụng sóng siêu âm tần số cao, giúp thu được những hình ảnh rõ nét liên quan đến cấu trúc và chức năng của tim bao gồm: Cơ tim, hệ thống van tim, màng ngoài tim, các mạch máu xuất phát từ tim, sức co bóp, khả năng hoạt động của tim.

Lợi ích của siêu âm tim trong thăm khám bệnh lý tim mạch

Siêu âm tim được xem là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tay vô cùng cần thiết khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh lý cũng như những biến chứng nguy hiểm về tim mạch.

Cụ thể, hình ảnh thu được từ quá trình siêu âm tim cho phép các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về kích thước, hình dạng, độ dày và chuyển động thành tim; sức co bóp và vận động của tim; cho biết tình trạng hoạt động của tim có bình thường không; van tim có bị hở, hẹp hoặc có khối u bất thường xung quanh hay không… Những hình ảnh này có thể giúp phát hiện kịp thời những bệnh lý tim mạch tiềm tàng còn ở giai đoạn sớm, chưa có nhiều biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng.

Siêu âm tim được xem là một trong những kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng bức xạ, do đó rất hiếm xảy ra tác dụng phụ và có thể được lặp lại nhiều lần để theo dõi tình trạng bệnh. (1)

Banner BVĐK Tâm Anh Quận 8 content

Đối tượng nào cần siêu âm tim

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật siêu âm tim đối với những bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng về tim hoặc mạch máu như: loạn nhịp tim, tăng huyết áp, khó thở, đau thắt ngực, khó thở… Bên cạnh đó, những bệnh nhân khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về tim mạch thông qua các xét nghiệm khác như: chụp x-quang phổi thấy bóng tim to, nghe thấy tiếng tim bất thường bằng ống nghe… cũng sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm tim để kiểm tra tình trạng tim mạch một cách kỹ lưỡng hơn.

Ngoài ra, nếu bạn đang gặp phải các biểu hiện nghi ngờ liên quan đến tim cũng nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thực hiện siêu âm tim kịp thời. Bao gồm:

  • Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, đau thắt vùng ngực.
  • Cảm thấy khó thở, nhịp tim không ổn định, đập loạn nhịp lúc nhanh lúc chậm. Đặc biệt khi làm việc nặng tim đập nhanh, hụt hơi, thở khó khăn, nôn ói.
  • Xuất hiện các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim như: đau cánh tay, đau vùng vai trái, đau lưng, đau cổ hay hàm.

Các kỹ thuật siêu âm tim

Hiện nay, cùng với những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y tế, siêu âm tim ngày càng được tối ưu hóa với những kỹ thuật hiện đại. Một số kỹ thuật siêu âm phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

1. Siêu âm tim qua thành ngực

Siêu âm tim qua thành ngực là kỹ thuật đầu tiên phổ biến nhất của siêu âm tim. Đây là phương pháp sử dụng đầu dò đặt dọc theo bờ trái hoặc bờ phải xương ức, mỏm tim, dưới hõm ức, trên hõm ức giúp quan sát, đánh giá cấu trúc và chức năng của tim. Kết quả thu được từ quá trình siêu âm tim qua thành ngực là những hình ảnh 2D, 3D của các cấu trúc tim, và các dòng chảy trong tim. (4)

Tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hiện đang sở hữu máy siêu âm Affiniti 70 – dòng máy siêu âm có đầy đủ tính năng ghi hình TM, 2D, 3D, doppler màu, doppler mô cơ tim, siêu âm tim đánh dấu mô cơ tim hiện đại. Dòng máy cho phép khảo sát hầu hết tất cả các bệnh lý tim mạch.

siêu âm tim phát hiện bệnh lý tim mạch
Siêu âm tim giúp phát hiện các bệnh lý tim mạch

2. Siêu âm tim qua thực quản

Siêu âm tim qua thực quản là kỹ thuật siêu âm tim thông qua đầu dò được đặt qua miệng vào thực quản của người bệnh. Nhờ vị trí đầu dò được đặt gần cấu trúc tim và không nhiều cản trở như thành ngực, nên một số hình ảnh thu được rất rõ ràng và chi tiết. (5)

So với siêu âm tim qua thành ngực, thì siêu âm tim qua thực quản có ưu điểm cung cấp hình ảnh các cấu trúc có kích thước nhỏ một cách rõ ràng hơn như: Sùi nội mạc van tim và tổ chức dưới van, đặc biệt trên nền van tim nhân tạo, các luồng thông bất thường trong tim như lỗ bầu dục, thông liên nhĩ… Theo đó, khi hình ảnh siêu âm tim qua thành ngực bị hạn chế, hoặc cần khảo sát rõ cấu trúc van hoặc những bất thường trong tim, đánh giá trước hay trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tim qua thực quản.

Siêu âm tim qua thực quản
Siêu âm tim qua thực quản có ưu điểm cung cấp hình ảnh các cấu trúc có kích thước nhỏ một cách rõ ràng hơn.

3. Siêu âm tim gắng sức

Siêu âm tim gắng sức là kỹ thuật siêu âm tim giúp xác định tình trạng của tim và huyết động trong và sau khi bệnh nhân thực hiện nghiệm pháp gắng sức thể lực hoặc sử dụng thuốc. Hình ảnh siêu âm tim thu được trong quá trình gắng sức bằng thể lực hoặc sử dụng thuốc của bệnh nhân giúp bác sĩ đánh giá tình trạng cơ tim có được cấp máu đủ trong khi người bệnh gắng sức hay không. Siêu âm tim gắng sức cũng cho biết khả năng hoạt động an toàn của người bệnh có bệnh lý tim mạch đang điều trị, cũng như đánh giá kết quả điều trị. (6)

Lưu ý: khi thực hiện siêu âm tim gắng sức, vì người bệnh có hoạt động thể lực hoặc sử dụng thuốc để tăng co bóp cơ tim, nên siêu âm tim gắng sức có thể gây một số những triệu chứng phụ.

Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, siêu âm tim gắng sức được thực hiện dưới hình thức bệnh nhân đạp xe đạp hoặc sử dụng thuốc. Phòng siêu âm được trang bị máy móc hiện đại và đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa tim mạch, luôn đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ cho bệnh nhân khi có triệu chứng phụ xảy ra.

4. Siêu âm tim ba chiều

Siêu âm tim 3 chiều (hay còn được gọi là SAT 3D) là kĩ thuật siêu âm tim mới được ứng dụng gần đây. Kỹ thuật siêu âm tim 3 chiều được đánh giá cao với những ưu điểm nổi bật như: chẩn đoán tốt các vấn đề về tim ở trẻ sơ sinh và trẻ em, thu được các hình ảnh cấu trúc phức tạp trong tim, giúp đánh giá chức năng van tim ở những người có tiền sử bị bệnh van tim, hay có những bất thường về cấu trúc tim.

5. Siêu âm tim thai

Siêu âm tim thai là giúp tầm soát những dị tật tim của thai nhi. Kỹ thuật siêu âm tim thai phổ biến nhất là siêu âm 2D và Doppler bằng đầu dò qua thành bụng. Phương pháp này thường được thực hiện khi sản phụ đang ở tuần thai thứ 18 đến 22 của thai kỳ. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mẹ bầu phát hiện dị tật lớn của cơ quan ngoài tim, có tiền sử sinh con dị tật tim bẩm sinh ở lần mang thai trước, độ mờ da gáy dày thì có thể tiến hành siêu âm tim thai sớm hơn. Mục đích nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường, hay các dị tật tim bẩm sinh nếu có. Tuy nhiên, thực hiện siêu âm tim thai trong giai đoạn sớm sẽ có nhiều hạn chế trong chẩn đoán.

kết quả siêu âm tim
Kết quả thu được từ quá trình siêu âm tim thai giúp bác sĩ có thể tầm soát và đưa ra những chẩn đoán chính xác về dị tật tim của thai nhi.

Siêu âm tim chẩn đoán bệnh gì?

Nhờ vào hình ảnh thu được từ quá trình siêu âm tim, bác sĩ có thể quan sát được tình trạng của tim, từ đó đưa ra các chẩn đoán về các vấn đề như: (3)

  • Kích thước tim: Kết quả siêu âm tim sẽ giúp bác sĩ quan sát được kích thước các buồng tim, độ dày các thành tim, kích thước của vòng van, lá van và dây chằng van tim. Thông qua những chỉ số đó, bác sĩ sẽ đánh giá được buồng tim có bị giãn hay không; thành tim có bị dày bất thường hoặc bị mỏng đi hay không; van tim có bị thiểu sản hoặc giãn vòng van hay không…
  • Các vấn đề về van tim: Siêu âm tim còn là cơ sở vững chắc giúp các bác sĩ xác định tình trạng của các van tim như: các lá van tim có bị biến dạng không; van tim có mở đủ rộng để dòng máu chảy qua một cách dễ dàng hay bị cản trở không (hẹp van tim); van tim có đóng kín để ngăn chặn dòng máu lưu thông ngược trở lại buồng tim hay không (hở van tim).
  • Sức bơm của tim: Kết quả siêu âm tim đồng thời cũng cho thấy lượng máu được bơm ra từ tâm thất đầy với mỗi nhịp tim; thể tích máu được bơm từ tim trong vòng một phút. Nếu tim không bơm đủ lượng máu để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể sẽ có nguy cơ dẫn đến các triệu chứng của bệnh suy tim.
  • Tổn thương cơ tim: Kỹ thuật siêu âm tim còn là trợ thủ đắc lực, giúp bác sĩ quan sát toàn bộ hoạt động co bóp của các thành tim, từ đó đánh giá được chức năng các thành thành tim có đang đóng góp bình thường cho hoạt động bơm máu của tim hay không. Bởi khi thiếu máu cơ tim hoặc viêm cơ tim khu trú có thể làm xuất hiện những khu vực vùng cơ tim co bóp yếu, không co bóp hay thậm chí phình thành tim. Bên cạnh đó, việc phát hiện và chẩn đoán kịp thời các bất thường trong quá trình tống máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
  • Siêu âm tim sẽ thu được hình ảnh các khối bất thường trong buồng tim như: Huyết khối, u nhầy, hay tổ chức sùi.
chẩn đoán siêu âm tim
Căn cứ vào kết quả thu được từ siêu âm tim, bác sĩ có thể quan sát được tình trạng của tim, từ đó đưa ra các chẩn đoán về các bệnh lý liên quan đến tim mạch một cách chính xác.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Siêu âm tim có thể xác định bất thường tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, dựa vào việc phát hiện các luồng thông bất thường giữa mạch máu lớn, giữa các buồng tim và sự thiếu hụt hoặc không phát triển đầy đủ của một số cấu trúc trong tim… bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán được những dị tật tim bẩm sinh thường gặp.
  • Phát hiện các bệnh lý màng ngoài tim, tràn dịch màng tim. Tùy vào từng tình trạng bệnh mà mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, tràn dịch màng tim có nguy cơ dẫn đến suy tim.
  • Ngoài ra, siêu âm tim còn cho phép các bác sĩ đánh giá về trạng thái hoạt động của hệ thống mạch lớn nối tại tim là ổn định hay có những dấu hiệu bất thường.

Quy trình siêu âm tim

1. Trước khi siêu âm (chuẩn bị)

Đối với phương pháp siêu âm tim qua thành ngực, bạn hoàn toàn có thể ăn, uống và sử dụng thuốc như bình thường. Tuy nhiên, nếu thực hiện hình thức siêu âm tim qua thực quản, bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu nhịn ăn trong tối thiểu 6 tiếng trước đó, nhằm tránh để dịch và thức ăn còn đọng lại trong dạ dày trào lên thực quản, khí quản khi tiến hành siêu âm. (2)

2. Trong khi siêu âm

  • Người bệnh cởi áo từ thắt lưng trở lên, nằm nghiêng bên trái trên bàn siêu âm chuyên dụng theo chỉ định của kỹ thuật viên/điều dưỡng/bác sĩ.
  • Kỹ thuật viên/điều dưỡng/bác sĩ tiến hành dán 3 miếng dán điện cực vào 3 vị trí trên lồng ngực của người bệnh, gắn với dây đo điện tim kết nối với máy siêu âm tim. Việc này giúp ghi lại hình ảnh điện tim đồ của người bệnh trong suốt quá trình thực hiện siêu âm tim.
  • Bác sĩ tiến hành bôi một lớp gel sạch lên đầu dò siêu âm. Điều này sẽ hỗ trợ dẫn truyền sóng siêu âm từ đầu dò siêu âm tới lồng ngực của người bệnh.
  • Bác sĩ tiến hành di chuyển đầu dò qua lại trên lồng ngực của người bệnh, nhằm ghi lại hình ảnh từ tim của người bệnh. Trong quá trình siêu âm, do sóng siêu âm ghi lại dòng máu chảy qua tim, nên người bệnh có thể sẽ nghe những âm thanh mô phỏng tiếng tim đập.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh hít thở theo nhịp, hoặc thậm chí nín thở trong khi siêu âm nhằm đánh giá sự biến đổi của hình ảnh siêu âm theo hô hấp của bạn.
  • Nếu thực hiện siêu âm tim qua thực quản: người bệnh sẽ được làm tê cổ họng bằng thuốc xịt hoặc gel. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ tiêm tĩnh mạch chậm bằng một loại thuốc an thần nếu cần thiết. Điều này có tác dụng thư giãn trong quá trình thực hiện siêu âm.
  • Bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò vào miệng xuống cổ họng, rồi đến thực quản của bạn. Tại đây, đầu dò sẽ được định vị để thu lại hình ảnh của tim.

3. Sau khi siêu âm

  • Sau khi siêu âm, các bác sĩ sẽ tiến hành phân tích hình ảnh thu được, sau đó đọc kết quả cho kỹ thuật viên/điều dưỡng ghi chép lại. Kết quả được trả cho người bệnh sau khi kết thúc siêu âm một thời gian ngắn. Người bệnh mang kết quả siêu âm về nơi bác sĩ lâm sàng chỉ định.
  • Nếu kết quả siêu âm có những dấu hiệu bất thường, bác sĩ điều trị có thể sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
  • Sau khi siêu âm tim qua thực quản, người bệnh cần lưu ý: Không ăn, uống trong ít nhất 2 giờ đồng hồ sau khi thực hiện siêu âm tim qua thực quản. Do lúc này, cổ họng của bạn vẫn còn chịu tác dụng của thuốc tê tại chỗ, nên khi ăn hoặc uống có thể gây sặc, nhất là với người lớn tuổi; sau khi siêu âm tim qua thực quản, người bệnh có thể sẽ được theo dõi trong vòng từ 1 đến 2 giờ tại bệnh viện, tùy theo tình trạng sức khỏe để đảm bảo an toàn; trong quá trình siêu âm tim qua thực quản, bạn sẽ được sử dụng các thuốc an thần nhẹ, do đó không nên tự lái xe về sau khi thực hiện siêu âm.

Ưu – nhược điểm của siêu âm tim

1. Ưu điểm

  • Siêu âm tim được xem là một khảo sát y học thường quy quan trọng. Những hình ảnh được từ quá trình siêu âm là cơ sở vững chắc, giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh lý chính xác và hiệu quả.
  • Kỹ thuật siêu âm tim ngày càng hiện đại. Nếu như siêu âm 3D (siêu âm 3 chiều) có khả năng tái tạo lại dữ liệu thu nhận được từ sóng âm thành hình ảnh 3 chiều rõ nét, chi tiết thì siêu âm 4D (siêu âm 4 chiều) có thêm khả năng ghi nhận thêm sự chuyển động. Đây là cơ sở quan trọng giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ lâm sàng trong việc điều trị.
  • Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau, không có biến chứng. Cụ thể, siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm thay vì tia phóng xạ ion hóa như chụp X-quang, nên an toàn và không gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh ngay cả khi thực hiện nhiều lần.
máy siêu âm tim
Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau, không có biến chứng.

2. Hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, kỹ thuật siêu âm tim cũng tồn tại một số hạn chế như:

  • Sau khi thực hiện siêu âm tim qua thực quản, cổ họng của bạn có thể sẽ bị đau. Tuy nhiên, hiếm trường hợp ống siêu âm gây xước cổ họng từ bên trong.
  • Trong quá trình thực hiện siêu âm cần gây mê, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số vấn đề về hô hấp do thuốc an thần hoặc lượng oxy hít thở.
  • Do gắng sức, hoặc sử dụng thuốc trong siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp tim tạm thời. Một số người xuất hiện các vấn đề về tăng hoặc giảm huyết áp.
  • Đối với trường hợp có gắn các điện cực theo dõi điện tim, người bệnh sẽ có cảm giác hơi khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ lớp băng dính gắn các điện cực trên ngực ra.

Tác dụng phụ hoặc biến chứng sau khi siêu âm tim

Siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm tim 3D hay siêu âm tim thai là những phương pháp siêu âm tim từ bên ngoài, không xâm lấn, không đau, không gây tác dụng phụ hay biến chứng nào.

Tuy nhiên, siêu âm tim qua thực quản có thể xuất hiện một vài cảm giác khó chịu. Cụ thể, việc đưa ống dò qua thực quản có thể kích thích phản xạ nuốt. Do đó, người được siêu âm sẽ có cảm giác đau họng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc gây mê toàn thân, thuốc cản âm và thuốc an thần trong quá trình thực hiện siêu âm là nguyên nhân gây ra một số phản ứng phụ như: buồn nôn, đau đầu, dị ứng, lo lắng…

Siêu âm tim ở đâu uy tín?

Theo các chuyên gia, bệnh tim mạch hiện đang được xem là căn bệnh thời đại. Số người mắc bệnh lý liên quan đến tim mạch có xu hướng ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu kiểm tra, thăm khám sức khỏe tim mạch cũng tăng lên.

Hiện tại, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang can thiệp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những cơ sở y tế uy tín hàng đầu về chẩn đoán hình ảnh nói chung và siêu âm nói riêng. Cụ thể, trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang, sở hữu hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại hàng đầu thế giới, cam kết thực hiện các bước chẩn đoán hình ảnh, can thiệp các thủ thuật và chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm sở hữu hệ thống máy siêu âm tổng quát, tim mạch cao cấp Acuson Sequoia của hãng Siemens Healthineers (Đức) sử dụng công nghệ BioAcoustic có ưu điểm giúp đảm bảo chất lượng của tín hiệu hình ảnh phù hợp cho mọi đối tượng bệnh nhân, dòng máy siêu âm Vivid của hãng GE, dòng máy siêu âm Affinity của hãng Philips.

Ngoài ra, Trung tâm còn là nơi quy tụ đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm, cùng trình độ chuyên môn hàng đầu, giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất.

Giá siêu âm tim là bao nhiêu?

Hiện nay, chi phí cho một lần siêu âm tim dao động khoảng vài trăm nghìn đồng. Mức giá này ở mỗi cơ sở y tế là khác nhau, bởi còn phụ thuộc vào điều kiện vật chất, công nghệ máy móc, trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn của bác sĩ siêu âm tại cơ sở y tế đó.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Tóm lại, siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau. Người bệnh nếu có các triệu chứng bất thường tim mạch như đau nhói tim, đau thành từng cơn, đau âm ỉ kéo dài,… hoặc muốn tầm soát bệnh lý tim mạch nên đến các cơ sở khám – chữa bệnh uy tín để thực hiện siêu âm.

Từ khóa » Phiếu Kết Quả Siêu âm Tim