Ung Thư Buồng Trứng - Parkway Cancer Centre

Nguyên nhân gây bệnh ung thư buồng trứng?

Ung thư buồng trứng hình thành khi các tế bào trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng bị biến đổi (đột biến) ở DNA khiến các tế bào buồng trứng phát triển bất thường và sinh ra khối u. Nguyên nhân chính xác gây ra đột biến vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Nguy cơ gây ra ung thư buồng trứng

Nguyên nhân chính xác gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được nghiên cứu, các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng bao gồm1,2,6:

  • Đối tượng cao tuổi: Ung thư buồng trứng thường hiếm gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Hầu hết các loại bệnh ung thư buồng trứng thường phát triển sau thời kỳ mãn kinh 7, với nguy cơ cao nhất ở những người từ 75-79 tuổi 6. Bệnh nhân cao tuổi khi được chẩn đoán thường sẽ có tiên lượng điều trị kém hơn.

  • Đột biến gen di truyền: Một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5-15% 6) ung thư buồng trứng là do đột biến gen (biến đổi gen) được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    • Đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 chiếm phần lớn các loại ung thư buồng trứng di truyền7. Nữ giới có đột biến này sẽ có khoảng 70% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng7. Những gen đột biến này cũng làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác như ung thư vú, tử cung (dạ con), tuyến tụy và tuyến tiền liệt.

    • Các tình trạng di truyền hiếm gặp khác như ung thư đại tràng không polyp di truyền (HNPCC, còn được gọi là hội chứng Lynch), hội chứng Peutz-Jeghers do đột biến các gen khác và có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều loại ung thư bao gồm cả ung thư buồng trứng.

  • Tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng: Nữ giới có quan hệ cấp một (mẹ, chị gái hoặc con gái ruột) được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng sẽ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao gấp khoảng ba lần so với người không có tiền sử gia đình6.

  • Chưa từng mang thai hoặc đã từng mang thai: Sinh con làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và càng sinh nhiều con thì nguy cơ ung thư càng thấp. Cho con bú cũng góp phần làm giảm nguy cơ vì quá trình mang thai và cho con bú không làm rụng trứng (quá trình giải phóng trứng khỏi buồng trứng). Số lần rụng trứng càng ít thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng thấp6. Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với những phụ nữ mang thai khi còn trẻ 7.

  • Độ tuổi bắt đầu và mãn kinh: Có kinh sớm, mãn kinh muộn hoặc cả hai đều làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng do làm tăng số chu kỳ kinh nguyệt (gây rụng trứng) trong suốt cuộc đời của nữ giới.

  • Liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh: Sử dụng liệu pháp thay thế hormone để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, đặc biệt nếu sử dụng trong thời gian hơn 5 năm2.

  • Tiền sử ung thư vú: Những người sống sót sau ung thư vú, đặc biệt là những người được chẩn đoán khi còn trẻ tuổi hoặc có thành viên gia đình cũng bị ung thư vú thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn (6). Những loại ung thư này có các yếu tố nguy cơ liên quan đến nội tiết tố và sinh sản.

  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô lót bên trong tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung. Bệnh làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng tế bào sáng và lạc nội mạc tử cung.

  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư buồng trứng như ung thư buồng trứng thể nhầy.

  • Thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa, đặc biệt là ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng2.

Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư buồng trứng. Nhiều người có yếu tố nguy cơ không bao giờ bị ung thư buồng trứng, trong khi một số người không có yếu tố nguy cơ lại bị.

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng?

Loại bệnh ung thư này có ít/hoặc không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện bệnh sớm trở nên khó khăn. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng bao gồm1:

  • Chướng bụng hoặc khó chịu.
  • Đại tiện bất thường, chẳng hạn như táo bón.
  • Thường xuyên phải đi tiểu.
  • Chán ăn và nhanh no.
  • Đau vùng chậu.
  • Đau khi quan hệ.
  • Đau lưng.
  • Sụt cân bất thường.
  • Mệt mỏi dai dẳng không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Hầu hết các triệu chứng này có nhiều khả năng là do các bệnh lý thông thường gây ra như nhiễm khuẩn hoặc các vấn đề đường ruột. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Chẩn đoán Ung Thư Buồng Trứng Là Gì