Ung Thư Dạ Dày | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

ĐẠI CƯƠNG

Ung thư dạ dày là loại ung thư hay gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hoá .Trên thế giới hàng năm có khoảng 600.000 đến 700.000 trường hợp ung thư dạ dày mới được phát hiện (Parkin 1988). Một số nước ở châu Á như Nhật bản, ở Nam Mỹ và Tây âu có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn các loaị ung thư khác và là nguyên nhân chết hàng đầu với 25.000 đến 35.000 người mỗi năm .

Tại Việt nam, theo Đoàn Hữu Nghị tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày ở Nam giới là 19,3/ 100.000 người và ở Nữ là 9,1/ 100.000 người. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 40 - 60, nam gấp 2 lần nữ, chẩn đoán sớm ung thư dạ dày đã được cải thiện nhờ kỹ thuật nội soi ống mềm có sinh thiết.

Phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả là phẫu thuật, kết quả sau mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố chẩn đoán sớm là quan trọng nhất . Nếu được chẩn đoán sớm khi tổn thương chưa xâm lấn qua lớp cơ của thành dạ dày thì thời gian sống thêm sau mổ (survie) trên 5 năm là 80 - 90 % , còn nếu chẩn đoán muộn khi tổn thương đã vượt qua lớp cơ ra tận thanh mạc thì thời gian sống thêm sau mổ trên 5 năm chỉ vào khoảng 10 - 15 %.

BỆNH NGUYÊN VÀ BỆNH SINH

Về căn nguyên của bệnh ung thư dạ dày cho đến nay vẫn chưa có một sự hiểu biết rõ ràng, đã có nhiều công trình nghiên cứu về dịch tễ học ung thư dạ dày như : Carver (1932 ); Karn (1933 ); Herbert và Bruske

(1936); Stocks (1950) và gần đây nhất có các công trình nghiên cứu của Nomura (1982 ); Byers và Graham (1984 ); Frentzel - Beyme (1988 ) …

Các tác giả đều cho rằng, yếu tố ăn uống đóng vai trò quan trọng trong nguyên nhân sinh bệnh. Đặc biệt vai trò của các sản phẩm có chứa hợp chất Nitơrat. Correa (1988 ) đưa ra sơ đồ giả thuyết nguyên nhân gây ung thư dạ dày như sau:

Ngoài ra ung thư dạ dày thường phát hiện ở những người bị bệnh thiếu máu ác tính, viêm dạ dày thể teo đét (bệnh Menetrier ), polype, loét ung thư hoá …, nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, những người hút nhiều thuốc lá và ở những người có nhóm máu A.

GIẢI PHẪU BỆNH

Đại thể:

Ung thư dạ dày chia làm 3 thể:

Thể u: U sùi phát triển vào trong lòng dạ dày, thông thường có loét và hoại tử ở giữa.

Thể loét: Thường là những ổ loét to nhỏ không đều, đáy gồ ghề bờ cứng dễ chảy.

Thể thâm nhiễm: ít gặp hơn 2 thể trên, tổn thương cứng một vùng dạ dày, niêm mạc dạ dày vùng này có thể bình thường hoặc viêm. Ngoài ra có một hình thái tổn thương đặc biệt, thâm nhiễm cứng toàn bộ dạ dày, dạ dày thành hình ống. Tiên lượng thể này rất nặng.

Vi thể:

Có 2 loại tổn thương cơ bản.

Ung thư tế bào biệt hoá:

Ung thư tuyến (Adenocarcinom ) gồm nhiều ống tuyến nối với nhau hoặc xếp lộn xộn, ống giãn. Còn có tên là ung thư tế bào sáng, đây là loại chiếm tỷ lệ cao nhất trong ung thư dạ dày.

Kiểu bè (Carcinotrabeculaire), tế bào xếp thành bè dài.

Kiểu nang nhỏ (Carcinoacineux).

Kiểu ống - bè, tế bào xếp thành bè xen lẫn hình ống.

Ung thư tế bào không biệt hoá: gồm 3 loại:

Loại chế nhầy.

Loại không chế nhầy.

Ung thư loại teo đét dạ dày.

Hạch bạch huyết:

Ung thư dạ dày di căn hạch bạch huyết tương đối sớm, tùy thuộc vào vị trí của ung thư dạ dày:

Tới chuỗi hạch quanh động mạch vành vị đối với ung thư bờ cong nhỏ, ung thư phần đứng .

Tới chuỗi hạch vị mạc nối phải và cuống gan đối với ung thư vùng hang vị, môn vị.

Tới chuỗi hạch vị mạc nối trái và động mạch lách đối với ung thư phần đứng, bờ cong lớn.

Trong mổ việc nạo vét hạch và xác định hạch có ung thư xâm lấn hay không là yếu tố rất quan trọng trong tiên lượng kết quả điều trị. Theo Pissas thì trong phần mỏng của mạc nối nhỏ có các Shunt nối các hạch ở bò cong nhỏ với các hạch của thân tạng, trong phần dày của mạc nối nhỏ cũng có các Shunt tương tự nối từ tâm vị tới thẳng mặt dưới gan hoặc dây chằng rốn, điều này cắt nghĩa sự di căn của ung thư tâm vị khi mà các hạch ở xung quanh chuỗi vành vị chưa thấy bị xâm lấn mà đã thấy di căn ở gan. Mặt khác Pissas cũng đã chứng minh được rằng chuỗi hạch bạch huyết động mạch gan có vị trí định khu không thay đổi : trên tá tràng , sau tá tràng và dưới tá tràng và bạch huyết của dạ dày riêng biệt không liên hệ với tá tràng nên ung thư dạ dày không bao giờ xâm lấn tá tràng. Hội nghiên cứu ung thư dạ dày Nhật Bản đã đưa ra một sơ đồ về các nhóm hạch áp dụng trong phẫu thuật, được nhiều nước công nhận, đó là:

Trong đó:

Nhóm 1 : Các hạch bạch huyết bên phải tâm vị.

Nhóm 2 : Các hạch bạch huyết bên trái tâm vị.

Nhóm 3 : Các hạch dọc theo bờ cong nhỏ.

Nhóm 4 : Các hạch dọc theo bờ cong.

Nhóm 5 : Các hạch bờ trên môn vị.

Nhóm 6 : Các hạch bờ dưới môn vị.

Nhóm 7 : Hạch liềm động mạch vành vị.

Nhóm 8 : Hạch dọc động mạch gan chung.

Nhóm 9 : Hạch quanh động mạch thân tạng.

Nhóm 10 : Hạch rốn lách.

Nhóm 11 : Hạch dọc động mạch lách.

Nhóm 12 : Hạch cuống gan.

Nhóm 13 : Hạch sau tá tràng, đầu tuỵ.

Nhóm 14 : Hạch động mạch đại tràng giữa.

Nhóm 15 : Hạch gốc mạc treo ruột.

Nhóm 16 : Hạch cạnh động mạch chủ.

Theo quy ước :

Mổ nạo vét hạch R1 là loại bỏ hoàn toàn nhóm N1.

Mổ nạo vét hạch R2 là loại bỏ hoàn toàn nhóm N1 , N2.

Mổ nạo vét hạch R3 là loại bỏ hoàn toàn nhóm N1, N2,N3.

PHÂN LOẠI UNG THƯ DẠ DÀY

Có nhiều cách phân loại ung thư dạ dày.

Phân loại theo giải phẫu bệnh, ung thư dạ dày có các loại:

Ung thư biểu mô hay còn gọi là ung thư tuyến (Adenocarcinoma) loại này chiềm tỷ lệ từ 85 - 90 %.

Ung thư tổ chức liên kết (Sarcoma) loại này chiếm tỷ lệ từ 5 - 10 %.

Các loại ung thư khác như: Carcinoides khoảng 3%, Limphoma chiếm từ 2 – 5%, Epithelioid leiomyosarcomas chiếm từ 0,5 - 1%.

Phân loại theo tổn thương, hay còn gọi là phân loại theo Nakamura (1960), chia ung thư dạ dày thành 2 loại:

Ung thư dạ dày sớm, (Early Gastric Cancer), là những ung thư mà mức độ tổn thương mới chỉ khu trú ở lớp niêm mạc hoặc hạ niêm mạc có thể có hoặc không có di căn hạch lim phô. Ung thư dạ dày sớm được điều trị triệt để có tiên lượng rất tốt. Tỷ lệ sống thêm sau mổ 5 năm rất cao từ 50 -100%.

Ung thư dạ dày tiến triển,(Advanced Gastric Cancer), là những ung thư đã có tổn thương sâu xuống lớp cơ của dạ dày và tuyệt đại đa số có di căn vào hạch lim pho, ở Việt Nam ung thư dạ dày chủ yếu phát hiện ở giai đoạn ung thư dạ dày tiến triển.

Phân loại của P. Lauren (1965) dùng để tiên lượng, do phần lớn ung thư dạ dày là ung thư tuyến nên P. Lauren đã phân loại ung thư tuyến dạ dày thành 3loại, hay còn gọi là hệ thống D.I.O bao gồm:

Ung thư biểu mô típ lan toả (diffuse).

Ung thư biểu mô típ ruột (intertinal).

Ung thư biểu mô các típ còn lại (other).

Phân loại ung thư dạ dày theo giai đoạn.

Năm 1960 Kennedy đã phân loại ung thư dạ dày theo giai đoạn tiến triển, áp dụng cho loại ung thư biểu mô tuyến , hệ thống T.M.N.

Năm 1963 Hiệp hội chống ung thư quốc tế (UICC) họp tại Geneve cũng đưa ra cách phân loại ung thư theo T.N.M . Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (AJCC) cũng đưa ra cách phân loại ung thư theo T.N.M như sau:

T : U nguyên phát ( primary tumor ):

Tx: Khối u nguyên phát không thể đánh giá.

To: Khôí u nguyên phát không chứng minh được.

Tis: Ung thư tại chỗ hay ung thư bề mặt, khối u trong biểu mô chưa xâm lấn lớp niêm mạc (lamina propria).

T1: Khối u xâm lấn lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc.

T2: Khối u xâm lấn lớp cơ hoặc lớp dưới thanh mạc.

T3: Khối u xâm lấn vào lớp thanh mạc nhưng chưa xâm lấn vào tổ chức xung quanh.

T4: Khối u xâm lấn ra tổ chức xung quanh.

N: Hạch bạch huyết vùng (regional lymph nodes)

Nx: Các hạch vùng không xác định được tổn thương.

No: Không có di căn vào hạch vùng.

N1: Có di căn vào 1 đến 6 hạch vùng.

N2: Có di căn vào 7 đến 15 hạch vùng.

N3: Có di căn vào trên 15 hạch vùng.

M : Di căn xa (distal metastasis)

Mx: Di căn xa không thể xác định được.

Mo: Không có di căn xa.

M1: Có di căn xa.

Phân nhóm theo giai đoạn của AJCC như sau:

Giai đoạn 0 : Tis,No,Mo.

Giai đoạn IA : T1,No,Mo.

Giai đoạn IB : T1,N1,Mo.

Giai đoạn II : T1,N2,Mo.

T2,N1,Mo.

T3,No,Mo.

Giai đoạn IIIA : T2,N2,Mo.

T3,N1,Mo.

T4,No,Mo.

Giai đoạn IIIB : T3,N2,Mo.

Giai đoạn IV : T4,N1,Mo.

T1,N3,Mo.

T2,N3,Mo.

T3,N3,Mo.

T4,N2,Mo.

T4, N3, Mo.

Mọi T, Mọi N, M1.

TRIỆU CHỨNG:

Triệu chứng lâm sàng

Ung thư dạ dày khó phát hiện được ở giai đoạn sớm. Thường thì không có triệu chứng gì đặc hiệu, khi ung thư đã đựơc phát hiện trên lâm sàng thì đã ở giai đoạn muộn, do vậy ung thư dạ dày có các triệu chứng lâm sàng khác nhau tuỳ theo giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn sớm:

Ăn uống kém, chán ăn: Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, tuy vậy nó không đặc hiệu, xuất hiện từ từ làm cho bệnh nhân không để ý đến, bệnh nhân thường phàn nàn ăn uống không ngon miệng.

Khó chịu hoặc đau ở bụng: Cảm giác đau ậm ạch vùng thượng vị, đau không rõ ràng, không đau nhiều như trong bệnh loét dạ dày.

Chướng hơi dạ dày sau khi ăn: Bệnh nhân có cảm giác sau bữa ăn đầy bụng, khó tiêu, chính điều này làm cho cảm giác chán ăn tăng lên.

Buồn nôn, hoặc nôn: ít xuất hiện ở giai đoạn sớm, tuy vậy bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn khan.

Toàn thân người mệt mỏi, giảm khả năng lao động, da xanh niêm mạc nhợt biểu hiện của sự mất máu rỉ rả từ tổ chức ung thư, người gầy sút cân nhanh.

Giai đoạn muộn:

Đau bụng: Đây là triệu chứng làm cho bệnh nhân khó chịu nhất với tính chất đau không có chu kỳ, không liên quan đến ăn uống, thường đau liên tục trong quá trình của bệnh.

Nôn và buồn nôn: Đây là triệu chứng do khối u phát triển làm chít hẹp môn vị thức ăn không qua được môn vị.

Khối u ở bụng: Phần lớn bệnh nhân tự sờ thấy khối u ở vùng thượng vị, tuy vậy có trường hợp u nhỏ sờ kỹ mới thấy. Đặc điểm khối u thường di động dễ dàng, không đau khi sờ nắn, có khi gặp các khối u to chiếm phần lớn vùng thượng vị, ít di động.

Dịch cổ chướng: Gặp ở các trường hợp giai đoạn quá muộn, ổ bụng đầy dịch cổ chướng.

Di căn hạch limphô: Là biểu hiện di căn xa của ung thư dạ dày, thường gặp ở 2 nơi:

Hạch hố thượng đòn bên trái (hạch Troisier), ung thư dạ dày thường di căn vào hạch này sớm nhất, với đặc điểm là hạch to sờ thấy, không đau, cứng, di động.

Khối u buồng trứng, gặp ở phụ nữ ung thư dạ dày di căn xuống buồng trứng (còn gọi là khối u Krukenberg).

Triệu chứng X. quang:

Hình ảnh X.quang của ung thư dạ dày là dấu hiệu chẩn đoán chắc chắn nhất , đặc biệt ở giai đoạn muộn. Có 3 loại dấu hiệu X quang tương ứng với 3 thể tổn thương giải phẫu bệnh:

Hình ảnh thể loét:

Có thể thấy hình ảnh loét ở bờ cong nhỏ, hoặc bờ cong lớn, đôi khi bỏ sót tổn thương ung thư dạ dày thể loét ở 2 mặt của dạ dày, điển hình nhất là hình loét thấu kính, ngoài ra còn có hình loét có chân lõm rộng, loét hình mâm (khi soi dạ dày có hình ảnh tấm ván nổi) và hình loét thường (rất dễ nhầm với ổ loét lành tính).

Hình ảnh thể u sùi:

Trên phim X quang dạ dày cho hình khuyết, do khối u phát triển lồi vào trong lòng dạ dày choán một chỗ trong lòng dạ dày tạo nên hình khuyết, nếu khối u choán hết vùng hang môn vị, thì sẽ có hình hẹp môn vị hoặc hình cắt cụt.

Hình ảnh thể thâm nhiễm:

Hình cứng thẳng cố định trên một đoạn bờ cong nhỏ, hình cứng cầu vồng, hình chóp nón, hình cứng ở góc bờ cong nhỏ làm cho góc này luôn luôn mở.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán ung thư dạ dày chủ yếu dựa vào lâm sàng, X quang và nội soi có sinh thiết. Các triệu chứng lâm sàng rất quan trọng có tính chất gợi ý nghĩ đến ung thư dạ dày như:

Người trên 40 tuổi.

Mệt mỏi gầy, sút cân nhanh.

Chán ăn, ăn không ngon miệng.

Đau ậm ạch vùng thượng vị.

Nuốt nghẹn, hoặc nôn và buồn nôn.

Để chẩn đoán xác định cần phải chụp X quang hoặc nội soi sinh thiết. Chụp X quang dạ dày là biện pháp thông thường và mang tính chất quan trọng nhất có khả năng khẳng định có hay không có ung thư dạ dày, 90% các trường hợp ung thư dạ dày được phát hiện bằng phương pháp này, các trường hợp còn lại hoặc nghi nghờ chuyển sang nội soi có sinh thiết. Thành công nhất của các nhà khoa học trong Hội ung thư dạ dày Nhật bản là có khả năng phát hiện ra ung thư dạ dày sớm tới 40%, nhờ chương trình sàng lọc trên quần thể người có nguy cơ cao (Mass screening program).

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Tiến triển:

Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư có tiên lượng rất xấu, trên thực tế ít khi chẩn đoán được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, chủ yếu gặp ở giai đoạn muộn, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật, nếu không được điều trị thì bệnh nhân sẽ chết trong vòng 1 - 2 năm với tình trạng di căn và suy kiệt hoặc trong tình trạng biến chứng của bệnh.

Biến chứng:

Các biến chứng của ung thư dạ dày thường gặp theo thứ tự là:

Hẹp môn vị, thường xảy ra khi ung thư ở vùng hang môn vị

Hẹp tâm vị, xảy ra khi ung thư ở vùng tâm vị

Chảy máu cấp tính, xảy ra ở mọi vị trí ung thư của dạ dày, do tổ chức ung thư xâm lấn và làm tổn thương động, tĩnh mạch.

Thủng dạ dày, lỗ thủng trên nền tổ chức ung thư, nên khi mổ khó có thể khâu như trong thủng ổ loét lành tính.

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ DẠ DÀY

Điều trị ung thư dạ dày, tuyệt đối phải điều trị ngoại khoa, nó không nhạy cảm với quang tuyến trị liệu và chưa có bằng chứng về tác dụng của một loại hoá chất nào làm trị liệu .

Nguyên tắc phẫu thuật ung thư dạ dày:

Theo nguyên tắc chung của phẫu thuật ung thư là cắt bỏ rộng rãi, cụ thể trong ung thư dạ dày là:

Cắt xa phần bị tổn thương

Ở phía trên phải cắt xa giới hạn thương tổn trên 6 cm.

Ở phía dưới phải cắt dưới cơ vòng môn vị 2cm (trừ các loại ung thư cực trên dạ dày).

Lấy bỏ mạc nối lớn: Phải lấy hết mạc nối lớn , lấy cả dây chằng vị đại tràng bắt đầu từ góc trái của đại tràng ngang đi sát thành đại tràng đi dần về phía phải, làm như vậy để lấy đi toàn bộ hạch của chuỗi vị mạc nối phải và vị mạc nối trái là những chuỗi hạch trong ung thư dạ dày thường có di căn sớm nhất .

Lấy bỏ hết hạch bạch huyết: Đây là thì phẫu thuật quan trọng và khó khăn nhất trong mổ ung thư dạ dày vì các nhóm hạch ở sâu, đi theo các mạch máu lớn, nhiều hạch mắt thường không thấy được. GS Đỗ Đức Vân đã dùng hình tượng ví các hạch di căn trong ung thư dạ dày như là ((các hạt cơm)) trên một chiếc chiếu việc lấy bỏ nó không phải là đi nhặt từng ((hạt cơ )) mà phải lấy cả chiếc chiếu để bỏ đi. Vì vậy các phẫu thuật viên cần phải kiên trì và cố gắng phẫu tích lấy bỏ hết các hạch theo từng nhóm đã được quy định.

Cắt bỏ các tạng bị xâm lấn hoặc di căn: Theo nguyên tắc đuổi theo ung thư, các tạng bị ung thư xâm lấn hoặc di căn như gan, đại tràng, lách, tuỵ... đều phải được cắt bỏ cùng với ung thư dạ dày thành một khối .

Các loại phẫu thuật ung thư dạ dày:

Phẫu thuật triệt để.

Phẫu thuật tạm thời.

Phẫu thuật triệt để (Radical operation):

Hội những người nghiên cứu ung thư dạ dày Nhật bản cho rằng tất cả các ung thư dạ dày, tổn thương đến lớp cơ là có sự xâm lấn tới hạch chặng N1 và đưa ra định nghĩa về phẫu thuật triệt để như sau:

Không có di căn xa.

Không còn tế bào ung thư trên đường cắt.

Không có sự xâm lấn vào cơ quan bên cạnh, nếu có việc cắt bỏ được thực hiện.

Khi Rn lớn hơn Nn thì việc cắt bỏ là hoàn toàn triệt để.

Trong phẫu thuật ung thư dạ dày việc nạo vét hạch là nguyên tắc bắt buộc, được ký hiệu là R.

Nạo vét hạch R1 là loại bỏ hoàn toàn nhóm N1.

Nạo vét hạch nhóm R2 là loại bỏ hoàn toàn nhóm N, N2.

Nạo vét hạch nhóm R3 là loại bỏ hoàn toàn nhóm N1, N2, N3.

Có 3 loại phẫu thuật triệt để tùy theo kích thước và vị trí của khối u:

Cắt bán phần cực dưới: (Distal Gastrectomy) áp dụng cho các tổn thương ở vùng hang môn vị, lấy bỏ đi 2/3, 3/4, 4/5 hoặc nhiều hơn nữa cực dưới của dạ dày cùng với khối u và môn vị, tạo miệng nối dạ dày ruột theo kiểu Billroth II Khi cắt dưới tâm vị chú ý không gây tổn thương tới các nhánh động mạch dạ dày sau dễ bị hoại tử mỏm cắt dạ dày.

Cắt bán phần cực trên: (Proximal Gastrectomy) áp dụng cho các tổn thương ở vùng tâm vị, lấy bỏ đi 1/3, hoặc 1/3 phần trên dạ dày và phần cuối thực quản bụng, tạo lập sự lưu thông bằng miệng nối thực quản - dạ dày (phẫu thuật Sweet).

Cắt toàn bộ dạ dày: Là cắt lấy bỏ hết toàn bộ dạ dày, có đường cắt trên ở thực quản và đường cắt dưới ở hành tá tràng. Phẫu thuật này được thực hiện thành công đầu tiên bởi Schlattes - phẫu thuật viên người Thụy sỹ vào năm 1897. Chỉ định cắt toàn bộ dạ dày có 2 loại:

Cắt dạ dày toàn bộ theo yêu cầu: khi tổn thương của ung thư chiếm gần mhết dạ dày, giới hạn đường cắt dưới xuống đến hành tá tràng và giới hạn đường cắt trên lên tới thực quản.

Cắt dạ dày toàn bộ theo nguyên tắc: khi tổn thương ung thư ở bất kỳ vị trí nào, không tính đến kích thước đều cắt toàn bộ dạ dày .

Cho đến nay vẫn đang có nhiều tranh luận về 2 loại chỉ định này, mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm riêng của nó so với cắt bán phần dạ dày.

Cắt dạ dày toàn bộ theo nguyên tắc, về mặt ung thư học thì mang tính triệt để hơn, tuy vậy những biến chứng và di chứng sau mổ nặng nề hơn phẫu thuật cắt bán phần dạ dày.

Cắt dạ dày toàn bộ theo yêu cầu, đây là chỉ định bắt buộc phải cắt toàn bộ dạ dày do tổn thương không còn chỉ định cắt bán phần dạ dày, và những biến chứng và di chứng sau mổ của cắt toàn bộ dạ dày vẫn thường xảy ra có nguy cơ cao hơn.

Sau cắt dạ dày toàn bộ có nhiều kiểu nối thực quản ruột non.

Phẫu thuật tạm thời: (Palliative operation)

Là những trường hợp mổ không lấy được hoặc không thể lấy hết được tổn thương ung thư, chỉ nhằm giải quyết tạm thời các biến chứng do ung thư gây nên như hẹp môn vị, chảy máu, đau, thủng ... có các loại phẫu thuật sau:

Cắt bán phần dạ dày tạm thời: chỉ định trong các trường hợp, khối u to gây hẹp môn vị, chảy máu hoặc thủng mà điều kiện không cho phép cắt toàn bộ dạ dày và không tiến hành nạo vét hạch theo quy chuẩn được .

Nối vị tràng: chỉ định trong các trường hợp hẹp môn vị mà không còn khả năng cắt đoạn dạ dày bán phần hay toàn bộ.

Mở thông dạ dày: Chỉ định trong các trường hợp ung thư tâm vị lan lên thực quản mà không còn khả năng cắt bán phần cực trên hay cắt toàn bộ dạ dày.

Phẫu thuật Newman: Chỉ định trong các trường hợp cấp cứu thủng do ung thư dạ dày mà không còn khả năng cắt bỏ.

So sánh các loại phẫu thuật tạm thời đã nêu ở trên, thì cắt dạ dày bán phần tạm thời có ưu điểm hơn cả:

Sau mổ cắt bán phần dạ dày tạm thời tình trạng ăn uống của bệnh nhân dễ chịu hơn, chất lượng sống được cải thiện đáng kể do khối u đã được cắt bỏ và các biến chứng của nó đã được khắc phục.

Thời gian sống thêm 1 năm sau mổ nối vị tràng (8%) thấp hơn so với cắt bán phần dạ dày tạm thời (24%).

KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ

Kết quả điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những yếu tố do tự bản thân bệnh gây ra như típ tế bào ung thư, mức độ biệt hoá của tế bào ... típ tế bào ung thư thể lan toả, tế bào kém biệt hoá là những yếu tố có tiên lượng xấu

Có những yếu tố con người có thể tác động được nhằm cải thiện thơìgian sống thêm, đó là phải chẩn đoán được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, khái niệm chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm ở đây có nghĩa là phát hiện được ung thư dạ dày ở giai đoạn tổn thương mới chỉ khu trú ở phần niêm mạc và dưới niêm mạc. Thời gian sống thêm 5 năm sau mổ đối với ung thư dạ dày sớm rất cao từ 70 - 90 %, trong khi đó ở ung thư dạ dày tiến triển (giai đoạn muộn) chỉ chiếm từ 12 -18%.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Dấu Hiệu Ung Thư Dạ Dày Di Căn Xương