Ung Thư Nội Mạc Tử Cung - Suckhoe123

Ung thư nội mạc tử cung là gì?

Ung thư nội mạc tử cung là một loại ung thư tử cung bắt đầu phát triển ở lớp mô bao phủ bề mặt bên trong tử cung. Lớp bao phủ này được gọi là nội mạc tử cung hay niêm mạc tử cung. Tử cung là cơ quan rỗng trong vùng chậu, có hình quả lê ngược, là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và cũng là nơi mà thai nhi phát triển trong thai kỳ.

Ung thư nội mạc tử cung đôi khi còn được gọi là ung thư tử cung. Ngoài ra còn có các loại ung thư khác cũng hình thành trong tử cung như sarcoma tử cung nhưng các loại này đều ít phổ biến hơn nhiều so với ung thư nội mạc tử cung.

Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu vì gây ra hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường. Nếu ung thư nội mạc tử cung được phát hiện sớm thì chỉ cần phẫu thuật cắt tử cung là có thể chữa khỏi được.

Theo thống kê, cứ 100 phụ nữ lại có 3 người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời và hơn 80% số người bị ung thư tử cung có thể sống sót thêm từ 5 năm trở lên sau khi chẩn đoán.

Khi bị ung thư nội mạc tử cung, càng phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.

Các loại ung thư nội mạc tử cung

Hầu hết các trường hợp ung thư nội mạc tử cung là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma). Đây là loại ung thư phát triển từ mô tuyến của tử cung.

Ngoài ra còn có các dạng ung thư nội mạc tử cung ít gặp hơn như:

  • Ung thư biểu mô - sarcoma (uterine carcinosarcoma)
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma)
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ (small cell carcinoma)
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (transitional carcinoma)
  • Ung thư biểu mô thanh dịch

Các loại ung thư nội mạc tử cung được phân thành hai loại chính:

  • Loại 1: phát triển tương đối chậm và không lan nhanh sang các mô khác.
  • Loại 2: phát triển nhanh hơn và dễ lây lan (di căn) ra ngoài tử cung.

Ung thư nội mạc tử cung loại 1 thường phổ biến hơn loại 2 và cũng dễ điều trị hơn.

Nguyên nhân

Cũng như các bệnh ung thư khác, ung thư nội mạc tử cung xảy ra khi DNA của các tế bào nội mạc tử cung có sự thay đổi (đột biến).

Đột biến này khiến các tế bào bình thường, khỏe mạnh trở thành các tế bào bất thường. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và nhân lên ở tốc độ bình thường và cuối cùng sẽ chết đi ở một thời điểm đã định sẵn, được gọi là sự chết theo chu trình của tế bào. Tuy nhiên, các tế bào bất thường lại không tuân theo chu trình đã được lập trình sẵn như vậy mà phát triển và nhân lên vượt tầm kiểm soát. Các tế bào này trở thành tế bào ung thư và tích tụ lại tạo thành khối u. Dần dần, sau một thời gian, các tế bào ung thư lan sang các mô lân cận và có thể tách ra khỏi khối u ban đầu để lan đến các nơi khác trong cơ thể (di căn).

Các triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung là chảy máu âm đạo bất thường. Cụ thể là các hiện tượng như:

  • Thay đổi độ dài hoặc mức độ ra máu trong mỗi kỳ kinh nguyệt
  • Ra máu giữa các kỳ kinh
  • Ra máu sau mãn kinh

Các triệu chứng khác của ung thư nội mạc tử cung còn có:

  • Dịch tiết âm đạo lỏng như nước hoặc có lẫn máu
  • Đau vùng bụng dưới hoặc vùng chậu
  • Đau bất thường khi quan hệ

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cần đi khám ngay. Mặc dù những triệu chứng này chưa hẳn đã là dấu hiệu của ung thư nhưng nên đi khám để xác định vấn đề càng sớm càng tốt.

Ra máu bất thường ở âm đạo có thể là do mãn kinh hoặc các vấn đề không phải ung thư khác. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung hoặc các loại ung thư phụ khoa khác.

Chỉ khi đi khám thì mới có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng và có cách điều trị thích hợp, kịp thời.

Các giai đoạn của ung thư nội mạc tử cung

Theo thời gian, tế bào ung thư nội mạc tử cung sẽ lan từ tử cung đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Ung thư nội mạc tử cung được phân thành 4 giai đoạn dựa trên mức độ phát triển hay lan rộng của ung thư:

  • Giai đoạn 1: Ung thư chỉ giới hạn trong tử cung.
  • Giai đoạn 2: Ung thư lan từ tử cung sang cổ tử cung.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã phát triển ra ngoài tử cung, nhưng chưa lan đến trực tràng hay bàng quang mà mới chỉ lan đến ống dẫn trứng, buồng trứng, âm đạo và/hoặc các hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã lan từ tử cung ra ngoài các cơ quan vùng chậu, có thể đến bàng quang, trực tràng, và/hoặc các mô và cơ quan ở xa trong cơ thể.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung, giai đoạn ung thư là yếu tố quyết định phác đồ điều trị và tiên lượng của người bệnh. Ở các giai đoạn đầu thì việc điều trị ung thư nội mạc tử cung sẽ dễ dàng hơn các giai đoạn sau.

Các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung tăng theo độ tuổi. Hầu hết các trường hợp ung thư nội mạc tử cung đều được chẩn đoán ở độ tuổi từ 45 đến 74.

Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung là:

  • Thay đổi nồng độ hormone giới tính (estrogen và progesterone)
  • Một số bệnh lý và vấn đề về sức khỏe
  • Tiền sử gia đình bị ung thư

Nồng độ hormone

Estrogen và progesterone là hai loại hormone sinh dục nữ ảnh hưởng đến tình trạng của nội mạc tử cung. Bình thường, hai hormone này ở mức cân bằng nhưng khi nồng độ estrogen tăng cao thì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.

Một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone sinh dục và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung gồm có:

  • Số năm có kinh nguyệt: Số kỳ kinh nguyệt mà bạn trải qua trong đời càng nhiều thì cơ thể càng phải tiếp xúc với estrogen nhiều hơn. Có nghĩa là những người có kinh nguyệt lần đầu trước năm 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn hơn bình thường đều có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn.
  • Tiền sử mang thai: Khi mang thai, nồng độ progesterone tăng cao hơn estrogen. Do đó, những người chưa từng mang thai có khả năng bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn bình thường.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh rối loạn nội tiết tố mà trong đó, nồng độ estrogen ở mức cao và nồng độ progesterone ở mức thấp bất thường. Nếu bạn có tiền sử bị hội chứng này thì sẽ có nguy cơ cao bị ung thư nội mạc tử cung.
  • U tế bào hạt: U tế bào hạt là một loại u buồng trứng giải phóng estrogen. Việc có khối u này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc và phương pháp điều trị cũng có thể làm thay đổi sự cân bằng của estrogen và progesterone trong cơ thể như:

  • Liệu pháp estrogen (ERT): Liệu pháp thay thế estrogen hay liệu pháp estrogen là phương pháp được sử dụng để điều trị các vấn đề của thời kỳ mãn kinh như khô âm đạo hay suy giảm sức khỏe. Không giống như các liệu pháp hormone thay thế (HRT) khác kết hợp cả estrogen và progesterone (progestin), liệu pháp estrogen chỉ sử dụng estrogen nên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Tamoxifan: Thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị một số loại ung thư vú. Nó cũng có tác động giống như estrogen lên tử cung và làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Thuốc tránh thai đường uống: Uống thuốc tránh thai giúp giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Càng uống thuốc trong thời gian dài thì nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung càng thấp.

Các loại thuốc làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh khác. Ngược lại, các loại thuốc làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung lại có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhất định.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn khi dùng các loại thuốc khác nhau, bao gồm cả liệu pháp estrogen, tamoxifan hoặc thuốc tránh thai.

Tăng sản nội mạc tử cung

Tăng sản nội mạc tử cung là một tình trạng lành tính không phải ung thư mà trong đó nội mạc tử cung trở nên dày hơn bình thường. Trong một số trường hợp, vấn đề này tự biến mất, độ dày của thành tử cung trở về bình thường mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vấn đề này lại cần được điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế hoặc phẫu thuật.

Nếu không được điều trị, tăng sản nội mạc tử cung đôi khi có thể phát triển thành ung thư nội mạc tử cung.

Triệu chứng phổ biến nhất của tăng sản nội mạc tử cung là chảy máu âm đạo bất thường (ra máu giữa các kỳ kinh, sau khi mãn kinh, ra máu nặng khi đến tháng,…), kỳ kinh kéo dài hơn bình thường, đau khi quan hệ, vô kinh (không có kinh trong một thời gian nhất định).

Béo phì

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những phụ nữ thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI trong khoảng từ 25 đến 30) có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao gấp đôi so với phụ nữ không thừa cân. Trong khi đó, những người mắc bệnh béo phì (BMI> 30) có nguy cơ mắc loại ung thư này cao gấp ba lần.

Nguyên nhân của điều này là do lượng mỡ trong cơ thể có ảnh hưởng lớn đến nồng độ estrogen. Mô mỡ có thể chuyển đổi một số loại hormone khác (như androgen) thành estrogen. Điều này làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Bệnh tiểu đường

Theo cảnh báo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao gấp đôi so với những người không bị tiểu đường.

Tuy nhiên, bản chất của mối liên hệ này có thể là do bệnh tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn ở những người thừa cân hoặc béo phì mà đây lại là một yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung.

Tiền sử ung thư

Nếu có một hoặc nhiều người thân trong gia đình mắc ung thư nội mạc tử cung thì bạn cũng có nguy cơ cao bị bệnh này.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung nếu có tiền sử gia đình mắc hội chứng Lynch hay ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp. Tình trạng này xảy ra khi có sự đột biến ở một hoặc nhiều gen có nhiệm vụ sửa chữa những lỗi nhất định trong quá trình phát triển tế bào.

Nếu có các đột biến gen liên quan đến hội chứng Lynch thì bạn sẽ có nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư đại tràng và ung thư nội mạc tử cung. Theo một thống kê, 40 đến 60% phụ nữ mắc hội chứng Lynch bị ung thư nội mạc tử cung.

Nếu trước đây bạn từng bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng thì khả năng bị ung thư nội mạc tử cung cũng sẽ cao hơn bình thường. Các bệnh ung thư này có một số yếu tố nguy cơ giống nhau.

Trước đây từng xạ trị ở vùng chậu cũng làm tăng khả năng phát triển ung thư nội mạc tử cung.

Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung bằng cách nào?

Nếu gặp các biểu hiện nghi là ung thư nội mạc tử cung thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa ngay.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng và bệnh sử của cá nhân cũng như là của gia đình. Tiếp theo, bạn sẽ được kiểm tra vùng chậu. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt để quan sát bên trong và dùng tay sờ nắn những bất thường trong tử cung cũng như là các cơ quan sinh dục khác. Để phát hiện khối u hoặc các dấu hiệu bất thường khác, bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm qua âm đạo.

Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để cho thấy hình ảnh bên trong cơ thể. Siêu âm qua âm đạo là kỹ thuật siêu âm mà bác sĩ đưa đầu dò siêu âm vào bên trong âm đạo. Đầu dò này sẽ truyền hình ảnh thu được lên màn hình, giúp kiểm tra độ dày, kết cấu cũng như là những bất thường trong niêm mạc tử cung.

Nếu bác sĩ phát hiện những bất thường trong quá trình siêu âm, bạn sẽ cần làm thêm một hoặc các xét nghiệm sau đây để xác nhận:

  • Nội soi và sinh thiết nội mạc tử cung: Nội soi là phương pháp đưa ống nội soi qua cổ tử cung vào tử cung để quan sát niêm mạc tử cung và trong quá trình này có thể lấy một mẫu mô nhỏ từ niêm mạc tử cung để phân tích (sinh thiết). Quá trình này mất khoảng một vài phút. Sau đó, bạn có thể sẽ gặp hiện tượng co thắt và chảy máu âm đạo. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ tự hết và có thể giảm nhẹ bằng cách dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sinh thiết nội mạc tử cung là một cách rất chính xác để chẩn đoán ung thư tử cung. Có thể chỉ nội soi buồng tử cung nhưng kết quả sẽ không chính xác bằng sinh thiết.
  • Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C): Nếu kết quả sinh thiết vẫn đủ để đưa ra kết luận, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô niêm mạc tử cung khác bằng kỹ thuật nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C). Đây là kỹ thuật mà bác sĩ nong rộng cổ tử cung và sử dụng một dụng cụ đặc biệt để nạo mô từ niêm mạc tử cung. Bạn sẽ được gây mê để không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện. Nong và nạo tử cung thường được kết hợp cùng nội soi buồng tử cung.

Sau khi lấy được mẫu mô từ niêm mạc tử cung, bác sĩ sẽ gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm sẽ phân tích mẫu mô dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào ung thư, dấu hiệu của tăng sản nội mạc tử cung hay các vấn đề khác hay không.

Xác định giai đoạn ung thư

Khi đã xác nhận ung thư, bác sĩ sẽ tiếp tục làm thêm một số phương pháp kiểm tra khác để xác định giai đoạn (mức độ tiến triển) của ung thư. Các xét nghiệm được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư gồm có chụp X-quang lồng ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET scan) và xét nghiệm máu. Đôi khi, giai đoạn ung thư chỉ được xác định chính xác khi tiến hành phẫu thuật để điều trị ung thư.

Các giai đoạn của ung thư nội mạc tử cung được đặt tên theo các chữ số La Mã từ I đến IV, với I là giai đoạn đầu tiên, tế bào ung thư mới chỉ giới hạn bên trong tử cung. Đến giai đoạn IV, ung thư đã phát triển sang các cơ quan lân cận, chẳng hạn như bàng quang hoặc đã di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể.

Các phương pháp điều trị ung thư

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung khác nhau và phác đồ điều trị cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo từng loại và giai đoạn ung thư, cũng như là tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Phẫu thuật

Ung thư nội mạc tử cung thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung.

Thông thường trong quá trình cắt tử cung, bác sĩ sẽ cắt bỏ tử cung hoặc cũng có thể cắt cả buồng trứng và ống dẫn trứng. Một khi đã phẫu thuật cắt tử cung thì phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa. Do đó, nếu như còn có ý định mang thai trong tương lai thì người bệnh cần thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi phẫu thuật về các lựa chọn khác. Ngoài ra, một khi buồng trứng đã bị cắt bỏ thì người bệnh sẽ bắt đầu thời kỳ mãn kinh với các triệu chứng như bốc hỏa, khô âm đạo và có thể cần điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế.

Quy trình phẫu thuật cắt tử cung có thể được thực hiện qua đường rạch trên thành bụng, bằng kỹ thuật nội soi hoặc bằng robot qua một vài đường rạch nhỏ hoặc qua âm đạo. Trong các ca phẫu thuật bằng robot, robot có trang bị camera và dụng cụ phẫu thuật được đưa vào qua các đường mổ nhỏ, ngắn, có kích thước như lỗ khóa. Bác sĩ phẫu thuật chỉ đạo robot cắt tử cung, cổ tử cung và các mô xung quanh.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ còn kiểm tra vùng xung quanh tử cung để tìm dấu hiệu ung thư đã lan rộng và có thể cắt cả các hạch bạch huyết gần khối u để xác định xem ung thư đã lan ra bên ngoài tử cung hay chưa và xác định giai đoạn ung thư. Thủ thuật này có thể được thực hiện bằng kỹ thuật sinh thiết hạch gác hoặc phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết. Sinh thiết hạch gác là kỹ thuật tiêm một loại thuốc nhuộm đặc biệt vào tử cung trong quá trình cắt tử cung và loại bỏ một vài hạch bạch huyết nơi thuốc nhuộm tích tụ. Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến hơn là cắt hạch bạch huyết. Cắt hạch bạch huyết hoặc bóc hạch bạch huyết là kỹ thuật mà trong đó một nhóm các hạch bạch huyết được loại bỏ trực tiếp.

Nếu ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể thì bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật bổ sung.

Sau phẫu thuật, các hiện tượng phổ biến nhất mà người bệnh thường gặp phải là đau và mệt mỏi. Ngoài ra còn có buồn nôn và nôn do tác dụng phụ của thuốc gây mê cũng như là hiện tượng đi tiểu không hết và khó đại tiện. Trong vài ngày đầu, chỉ nên ăn đồ lỏng, sau đó mới dần dần ăn lại các loại thực phẩm rắn như bình thường.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Có hai loại xạ trị chính được sử dụng để điều trị ung thư nội mạc tử cung là:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: sử dụng thiết bị từ bên ngoài để tập trung các chùm tia bức xạ vào tử cung trong cơ thể.
  • Xạ trị bên trong: Nguồn phóng xạ được đưa trực tiếp vào bên trong cơ thể, trong âm đạo hoặc tử cung. Loại xạ trị này còn được gọi là xạ trị áp sát hay cận xạ trị.

Một người có thể chỉ cần một hoặc cần cả hai loại xạ trị sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Trong một số trường hợp, người bệnh cần xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u và giúp cho việc loại bỏ trong khi phẫu thuật được dễ dàng hơn.

Các tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào mức độ xạ trị được sử dụng nhưng thường người bệnh sẽ gặp hiện tượng mệt mỏi, phản ứng nhẹ trên da, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Hầu hết các tác dụng phụ đều biến mất ngay sau khi quá trình điều trị kết thúc nhưng đôi khi cũng tiếp diễn trong thời gian dài.

Trong các trường hợp không thể phẫu thuật do còn mắc các bệnh lý khác hoặc sức khỏe yếu thì bác sĩ có thể chỉ định xạ trị là phương pháp điều trị chính.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Có người chỉ cần dùng một loại thuốc nhưng có người lại cần dùng kết hợp các loại thuốc với nhau. Các loại thuốc hóa trị có cả dạng viên uống và dạng tiêm qua đường tĩnh mạch.

Trong những trường hợp ung thư nội mạc tử cung, hóa trị thường được tiến hành sau phẫu thuật, có thể có hoặc không kết hợp cùng xạ trị. Hóa trị cũng là phương pháp được sử dụng khi ung thư tái phát sau phác đồ điều trị ban đầu. Ngoài ra, hóa trị liệu cũng có thể được tiến hành trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u và giúp cho việc loại bỏ hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật được thuận lợi hơn.

Hóa trị có thể được chỉ định cho cả những trường hợp ung thư nội mạc tử cung giai đoạn cuối hay đã lan ra ngoài tử cung.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormon là phương pháp sử dụng hormone hoặc các loại thuốc ức chế hormone để thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Điều này có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư nội mạc tử cung.

Liệu pháp hormone thường được sử dụng cho các trường hợp ung thư nội mạc tử cung giai đoạn III hoặc IV và cũng dành cho những trường hợp ung thư tái phát sau điều trị.

Liệu pháp hormone thường được kết hợp với hóa trị.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Đây là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc nhắm đến các điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư. Bằng cách can thiệp vào những điểm yếu này, các tế bào ung thư sẽ chết đi. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được kết hợp với hóa trị liệu để điều trị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn cuối.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch cơ thể chống lại ung thư. Thông thường, khi phát hiện có tác nhân gây hại trong cơ thể, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu tấn công nhưng các tế bào ung thư có khả năng khiến cho hệ miễn dịch không thể thực hiện được điều này bằng cách tạo ra protein “làm mù” các tế bào miễn dịch, khiến chúng không thể nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc miễn dịch hoạt động với cơ chế can thiệp vào quá trình này của tế bào ung thư. Đối với ung thư nội mạc tử cung, liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng khi ung thư tiến triển đến giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.

Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung?

Một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung:

  • Kiểm soát cân nặng: Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì thì nên cố gắng giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động thể chất thường xuyên cũng là một cách để giảm thiểu nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra, tập thể dục còn có rất nhiều lợi ích về sức khỏe khác.
  • Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường: Nếu thấy có hiện tượng bất thường ví dụ như chảy máu âm đạo giữa hai kỳ kinh thì nên đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
  • Cân nhắc những điểm lợi và hại của liệu pháp hormone: Nếu bạn đang có ý định điều trị bằng liệu pháp hormone thì cần hỏi ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn khi chỉ sử dụng estrogen so với việc kết hợp estrogen và progesterone. Bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn thích hợp.
  • Cân nhắc sử dụng các biện pháp tránh thai: Thuốc tránh thai và vòng tránh thai tử cung có tác dụng giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về từng biện pháp trước khi sử dụng.
  • Đi khám nếu có tiền sử gia đình mắc hội chứng Lynch: Nếu trong gia đình bạn có người bị hội chứng Lynch thì nên đi khám và nói rõ cho bác sĩ để làm xét nghiệm di truyền. Nếu như bạn cũng mắc hội chứng Lynch thì bác sĩ thường sẽ đề nghị phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng để ngăn ngừa ung thư phát triển ở các cơ quan này.
Tìm hiểu thêm về:
  • Thông tin về bảng giá Ung Thư Nội Mạc Tử Cung
  • Hỏi đáp về Ung Thư Nội Mạc Tử Cung
  • Video Ung Thư Nội Mạc Tử Cung của các khách hàng
  • Hình ảnh trước sau Ung Thư Nội Mạc Tử Cung

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Từ khóa » Phác đồ điều Trị Ung Thư Nội Mạc Tử Cung