Ung Thư Việt Nam Tăng 9 Bậc Sau 2 Năm, Vì Sao? - Báo Tuổi Trẻ

Ung thư Việt Nam tăng 9 bậc sau 2 năm, vì sao? - Ảnh 1.

Chữa trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Người dân chú ý đến việc ăn uống điều độ, đầy đủ các thành phần như đạm, chất xơ, đường, mỡ, vitamim, giảm stress... Lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, tránh các thực phẩm ngâm với hóa chất vì khi sử dụng lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư nhất, tiếp đến là rượu, bia.

Bác sĩ ĐỖ VĂN LIÊM

Mới đây, tại Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 đã báo cáo về số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, theo đó tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.

Theo các chuyên gia y tế, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào tình trạng nặng hơn do các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, phong tỏa, sụt giảm về kinh tế... Dự đoán trong những năm tới, các loại ung thư sẽ có sự thay đổi.

Ung thư gan chiếm tỉ lệ cao

Theo Globocan, có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020 bao gồm: ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).

TS Trần Tuấn Thành - đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan B cao. Ước tính những năm gần đây Việt Nam có 12 - 16% dân số nhiễm HBV (virus viêm gan B), tỉ lệ nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM khoảng 10 - 14%, một số vùng nông thôn có tỉ lệ nhiễm cao lên đến 18 - 20%.

Dự đoán đến năm 2025, Việt Nam có 60.000 bệnh nhân xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và 40.000 trường hợp tử vong.

TS Phạm Hùng Vân - chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM - cho biết sở dĩ ung thư gan chiếm tỉ lệ cao do yếu tố di truyền từ thế hệ những năm 1960 trở về trước, lúc này tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh về gan rất cao và đến nay các thế hệ sau đã lớn tuổi nhiều người phát triển thành ung thư gan. Trong vài chục năm nữa, tỉ lệ người mắc bệnh gan sẽ giảm.

Ngoài ra, một số các yếu tố tác động đến việc gia tăng bệnh nhân ung thư như: Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, tuổi càng cao thời gian tiếp xúc với các yếu tố càng dài làm tăng tỉ lệ mắc ung thư; dân số tăng dẫn đến số người mắc và tử vong do ung thư tăng; rượu, bia, thuốc lá, ăn uống không hợp lý, nhận thức của người dân đã tốt hơn trong việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư...

Theo dự báo của TS Vân, trong những năm tới ung thư gan sẽ giảm do người dân đã có nhận thức và tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa HBV đầy đủ, viêm gan C đã có thuốc điều trị hẳn. Ung thư phổi, ung thư vú là nhóm có nguy cơ tăng cao do vấn đề về vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, rượu, bia, thuốc lá...

Dịch COVID-19 gián đoạn khả năng điều trị

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 là năm mà cả thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã có 10 triệu người đã tử vong. Đại dịch COVID-19 lại càng tác động xấu hơn đối với việc chăm sóc bệnh nhân ung thư. Dự báo những con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới.

WHO đã tiến hành khảo sát trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...

Tại TP.HCM, theo ghi nhận tại các bệnh viện như Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM..., sau các đợt giãn cách xã hội, các nơi này đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư đến khám trong tình trạng nặng; nhiều bệnh nhân có khối u phát triển đã xâm lấn nội tạng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy khi dịch bùng phát tình trạng bệnh nhân ngại đi khám bệnh, một số bệnh viện lớn bị phong tỏa do dịch bệnh, các thuốc đặc trị nhất là các thuốc nhập khẩu đôi khi bị thiếu hụt, hàng loạt cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động... đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng điều trị và tuân thủ của bệnh nhân.

Cách giải quyết tốt nhất là tạo mạng lưới y tế đồng đều tại tất cả các tỉnh thành, tránh tập trung quá đông bệnh nhân tại các thành phố lớn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có thêm nhiều chọn lựa, hạn chế tối đa việc đứt gãy việc điều trị như các đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua.

Bác sĩ Đỗ Văn Liêm - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết đối với người có sức khỏe bình thường, nếu không có gì bất thường nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần.

Để hạn chế được căn bệnh ung thư, chúng ta phải xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, các thực phẩm hun khói, duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả xanh, xây dựng thói quen khám sức khỏe tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.

Tầm soát sức khỏe đúng nơi

TS Trần Quốc Việt, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết đến nay ngành y tế Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tầm soát sức khỏe hoặc khuyến cáo rõ ràng về độ tuổi, giai đoạn tầm soát.

Chi phí để tầm soát sức khỏe định kỳ phần lớn tại các cơ sở y tế tối thiểu là 1 triệu đồng, mức chi phí khoảng 2 - 3 triệu đồng là người dân có thể tầm soát phát hiện sớm những loại bệnh cơ bản. Sau đó tùy theo kết quả khám tầm soát và điều kiện mà người bệnh sẽ được tầm soát theo yêu cầu khám kỹ hơn để tìm ra các bệnh lý, điều trị kịp thời.

"Nhiều đơn vị hiện nay lạm dụng kiểm tra sức khỏe định kỳ, tư vấn để bệnh nhân làm các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, vượt quá khả năng kinh tế của người đến khám. Nhiều bệnh nhân bị "vẽ" bệnh dẫn đến tiền mất tật mang, do đó người dân cần chú ý đến việc lựa chọn các cơ sở uy tín đề tầm soát", bác sĩ Việt cho biết.

Cứ 100 người Việt có khoảng 3 người mang đột biến ung thư di truyền Cứ 100 người Việt có khoảng 3 người mang đột biến ung thư di truyền

TTO - Kết quả nghiên cứu trên 1.165 người Việt của Viện Di truyền y học (TP.HCM) cho thấy ở nhóm người không có tiền căn ung thư, tỉ lệ mang đột biến ung thư di truyền là 2,6%, tức cứ 100 người sẽ có khoảng 3 người mang đột biến ung thư di truyền.

Từ khóa » Thống Kê Bệnh Ung Thư Tại Việt Nam 2021