Ung Thư Vòm Họng Có Chữa được Không? 5 Cách điều Trị Phổ Biến

Điều trị ung thư vòm họng như thế nào? Ung thư vòm họng có chữa được không? Những băn khoăn của người bệnh và gia đình sẽ được bác sĩ ung bướu giải đáp trong bài viết này.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, phương pháp điều trị ung thư vòm họng chủ yếu bằng xạ trị, hóa trị và hiếm khi phẫu thuật. Chẩn đoán xác định dựa trên thăm khám lâm sàng và sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học. Chụp CT, MRI, SPECT hoặc PET-CT để đánh giá giai đoạn bệnh.

Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả thanh thiếu niên và thường gặp nhất ở người gốc Trung Quốc và Đông Nam Á. Chế độ ăn uống có chứa nitrit và cá muối, môi trường nhiễm virus Epstein-Barr và yếu tố di truyền được cho là các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh.

cách điều trị ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng thể mô bệnh học phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào không biệt hóa, ngoài ra còn một số loại khác như: Ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tuyến, u lympho. Các triệu chứng muộn như ngạt tắc mũi, giảm thính lực, ù tai, sưng và tê bì mặt.

banner tâm anh quận 7 content

Ung thư vòm họng có chữa được không?

Ung thư vòm họng chữa được không? Theo bác sĩ Khiêm, việc điều trị bệnh ung thư vòm họng được tính chung là tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của người bệnh. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như người bệnh được chẩn đoán ung thư vào giai đoạn nào, khối u đã di căn hay chưa và di căn tới vị trí nào trong cơ thể; thể trạng của người bệnh có đáp ứng với phương pháp điều trị hay không; người bệnh có đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi liệu trình điều trị hay không?

Nhưng nhìn chung, người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường đáp ứng điều trị tốt. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm khoảng 60-75%. Điều này có nghĩa là khả năng chữa ung thư vòm họng thành công, giúp người bệnh kéo dài sự sống sau 5 năm là có thể làm được.

Tuy nhiên khi bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì kết quả điều trị kết quả sống thêm 5 năm là dưới 40%.

Tiên lượng khả năng sống còn qua từng giai đoạn của bệnh ung thư vòm họng

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả Cuối cùng (SEER), do Viện Ung thư Quốc gia (NCI) duy trì để cung cấp số liệu thống kê về tỷ lệ sống còn cho các loại ung thư khác nhau. (1)

Cơ sở dữ liệu SEER theo dõi tỷ lệ sống còn tương đối trong 5 năm đối với ung thư vòm họng ở Hoa Kỳ, dựa trên mức độ di căn của ung thư.

  • Ung thư tại chỗ: Không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra bên ngoài vòm họng.
  • Ung thư di căn tại vùng: Ung thư đã lan ra ngoài vòm họng đến các cấu trúc lân cận hoặc các hạch bạch huyết.
  • Ung thư di căn xa: Ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc gan.

Tỷ lệ sống còn tương đối trong 5 năm:

  • Ung thư tại chỗ: Tỷ lệ sống thêm là 81%
  • Ung thư di căn tại vùng: Tỷ lệ sống thêm là 73%
  • Ung thư di căn xa: Tỷ lệ sống thêm là 48%
  • Tất cả các giai đoạn kết hợp: Tỷ lệ sống thêm là 62%

5 cách điều trị ung thư vòm họng phổ biến

Phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng chủ yếu là xạ trị, có thể kết hợp với hóa trị được gọi là phương pháp hóa xạ trị đồng thời. Phẫu thuật cũng là một phương pháp điều trị nhưng ít phổ biến hơn. Phẫu thuật chủ yếu để loại bỏ các hạch bạch huyết sau khi hóa trị liệu hoặc để điều trị ung thư vòm họng tái phát. (2)

khám ung thư miễn phí

Mặc dù chữa khỏi ung thư là mục tiêu chính của việc điều trị, nhưng việc bảo tồn chức năng của các cơ quan và mô lân cận cũng rất quan trọng. Khi lập kế hoạch điều trị, các bác sĩ sẽ cân nhắc xem phương pháp đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, bao gồm cả cảm giác, ngoại hình, cách nói chuyện, ăn uống và hơi thở.

Các lựa chọn và khuyến nghị điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại và giai đoạn ung thư, các tác dụng phụ có thể xảy ra, sở thích và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân,… Nhưng thông thường, cách chữa ung thư vòm họng sẽ dựa vào các phác đồ sau.

ung thư vòm họng có chữa được không
TS.BS Vũ Hữu Khiêm thăm bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Phác đồ điều trị ung thư vòm họng

Xạ trị

Xạ trị là việc sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt năng lượng khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Một phác đồ hoặc lịch trình xạ trị thường bao gồm một số phương pháp điều trị cụ thể được đưa ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Có nhiều hình thức xạ trị khác nhau, bao gồm: (3)

Xạ trị chiếu ngoài

Đây là phương pháp xạ trị phổ biến nhất trong điều trị ung thư vòm họng, được gọi là xạ trị 3D hoặc xạ trị điều biến liều (IMRT). Phương pháp xạ trị IMRT sử dụng tia xạ từ bên ngoài cơ thể vào khối u, cho phép phân phối liều xạ trị hiệu quả hơn, đồng thời giảm tổn thương cho các tế bào khỏe mạnh và ít gây ra tác dụng phụ hơn.

Xạ trị bên ngoài được khuyến nghị cho các bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn II – IVA.

Xạ trị proton

Là phương pháp sử dụng hạt proton năng lượng cao để chiếu xạ từ bên ngoài nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp proton có thể được sử dụng như một phần của việc điều trị một số khối u ở nền sọ để giảm liều bức xạ tới các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như các dây thần kinh thị giác trong mắt và thân não.

Phương pháp này thường được khuyến nghị cho các bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn muộn, khi các khối di căn nằm gần các bộ phận của hệ thần kinh trung ương như não và tủy sống.

Xạ phẫu lập thể

Phương pháp xạ phẫu lập thể cung cấp xạ trị chính xác đến khối u. Phương pháp này có thể được sử dụng để điều trị khối u xâm lấn vào nền sọ hoặc khối u tái phát ở nền sọ hoặc trong não.

Xạ trị áp sát (Brachytherapy)

Khi xạ trị được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị cấy ghép, được gọi là xạ trị trong hoặc xạ trị áp sát.

Để điều trị bệnh ung thư vòm họng bằng phương pháp xạ trị trong, bác sĩ sẽ phẫu thuật cấy ghép các hạt hoặc que nhỏ có chứa chất phóng xạ vào trong hoặc gần vị trí ung thư. Bộ phận cấy ghép được giữ nguyên trong vài ngày trong khi bệnh nhân ở lại bệnh viện. Phương pháp này có thể dùng để điều trị khối u di căn lần 1 hoặc điều trị ngay từ ban đầu.

Hóa trị

Hoá trị là một trong các liệu pháp toàn thân được sử dụng phổ biến để chữa ung thư vòm họng. Hóa trị có thể ức chế sự tăng sinh, phát triển và phân chia của tế bào ung thư.

Đường dùng hóa trị bao gồm:

  • Truyền tĩnh mạch: Đặt đường truyền tĩnh mạch bằng kim tiêm truyền.
  • Đường uống: Viên nén hoặc viên nang dạng uống.
  • Tiêm trực tiếp vào khối u: Tiêm trực tiếp vào bắp, dưới da hoặc trực tiếp vào khối ung thư.

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) khuyến nghị, hóa trị trong các tình huống sau đây cho những bệnh nhân ung thư vòm họng từ giai đoạn II – IVA.

Ung thư giai đoạn II di căn đến các hạch bạch huyết

Hóa trị có thể được khuyến nghị cùng với xạ trị để thực hiện trong cùng một khoảng thời gian.

Ung thư giai đoạn II chưa di căn đến các hạch bạch huyết

Hóa trị vẫn có thể được chỉ định nếu có dấu hiệu cho thấy ung thư có khả năng di căn.

Ung thư giai đoạn III – IVA

Sử dụng hóa trị bổ trợ trước hoặc kết hợp với hóa trị bổ trợ.

Phác đồ điều trị ung thư vòm họng bằng hóa trị bổ trợ trước bao gồm:

  • Kết hợp gemcitabine (Gemzar) và cisplatin (Platinol).
  • Kết hợp docetaxel (Taxotere) với cisplatin và 5-fluorouracil (5-FU).
  • Kết hợp cisplatin và 5-fluorouracil.
  • Kết hợp cisplatin và capecitabine (Xeloda).
  • Kết hợp docetaxel và cisplatin.

Đối với các khối u lớn ở giai đoạn III không liên quan đến các hạch bạch huyết

Hóa trị bổ trợ trước hoặc hóa trị bổ trợ được khuyến khích.

Các phác đồ điều trị hóa chất bổ trợ bao gồm:

  • Cisplatin.
  • 5-fluorouracil và/hoặc carboplatin.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là việc loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh nhưng đây không phải là một lựa chọn điều trị phổ biến. Bởi vì khu vực này khó tiếp cận và nằm gần các dây thần kinh sọ não và mạch máu. (4)

Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, phẫu thuật cắt bỏ các hạch bạch huyết ở cổ có thể được khuyến nghị. Phẫu thuật này cũng có thể chỉ định đối với ung thư biểu mô không biệt hóa của vòm họng.

Liệu pháp thuốc nhắm trúng đích

Khác với các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn, các loại thuốc nhắm trúng đích hay còn gọi là thuốc nhắm mục tiêu có thể hoạt động trong một số trường hợp khi thuốc hóa trị không hoạt động hoặc dùng để giúp thuốc hóa trị hoạt động tốt hơn. Chúng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau nhưng nhẹ hơn so với thuốc hóa trị.

Thuốc nhắm trúng đích thường được dùng nhiều nhất cho bệnh nhân ung thư vòm họng là Cetuximab (Erbitux). Đây là một kháng thể đơn dòng nhắm vào thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR). EGFR là một loại protein được tìm thấy trên bề mặt tế bào, có khả năng nhận ra các tín hiệu thông báo cho các tế bào phát triển và phân chia. Tế bào ung thư vòm họng có lượng EGFR nhiều hơn bình thường nên có thể phát triển nhanh hơn. Thuốc Cetuximab có nhiệm vụ ngăn chặn EGFR để làm chậm hoặc ngăn sự phát triển của các tế bào ác tính.

Vai trò chính xác của Cetuximab trong điều trị ung thư vòm họng vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, thuốc này thường được sử dụng nhiều nhất cùng với hóa trị và/hoặc xạ trị trong trường hợp ung thư đã lan rộng, tái phát hoặc tiếp tục phát triển sau hóa trị ban đầu. Cetuximab được truyền qua đường tĩnh mạch, mỗi tuần một lần hoặc cách tuần.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là việc sử dụng các loại thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này có thể được chỉ định cho một số trường hợp mắc ung thư vòm họng bằng cách sử dụng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.

Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch giúp tiêu diệt tế bào ung thư nhưng không tấn công các tế bào bình thường trong cơ thể. Cơ chế hoạt động là sử dụng “các điểm kiểm tra”, bằng cách “bật” hoặc “tắt” các protein trên các tế bào miễn dịch để bắt đầu phản ứng miễn dịch.

Pembrolizumab (Keytruda) và Nivolumab (Opdivo) là những loại thuốc nhắm vào PD-1, đó là một loại protein trên các tế bào của hệ thống miễn dịch và chúng được gọi là tế bào T. Các thuốc này sẽ ngăn chặn PD-1 và giữ cho các tế bào T không tấn công các tế bào khác trong cơ thể. Điều này sẽ giúp tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư hoặc thu nhỏ một số khối u và làm chậm sự phát triển của chúng.

Các loại thuốc miễn dịch có thể được chỉ định cho các trường hợp ung thư vòm họng tái phát sau hóa trị hoặc ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Riêng thuốc Pembrolizumab cũng có thể lựa chọn điều trị bước một trong một số trường hợp.

Những loại thuốc này được dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch, với liệu trình 2, 3 hoặc 4 tuần một lần.

cách chữa ung thư vòm họng
Mô hình phân tử của Pembrolizumab, một kháng thể nhân bản được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch ung thư, nhắm mục tiêu vào thụ thể PD-1 của tế bào lympho. Hình minh họa 3D.

Liệu pháp điều trị giảm nhẹ

Phương pháp điều trị ung thư gây ra các triệu chứng và tác dụng phụ về thể chất, cũng như ảnh hưởng đến tình cảm, xã hội và tài chính. Quản lý tất cả những tác động này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Đó là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm cả các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ ung thư.

Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện cảm giác của người bệnh trong quá trình điều trị. Điều này bao gồm việc quản lý các triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân cùng gia đình của họ với các nhu cầu khác, không liên quan đến y tế.

Theo bác sĩ Khiêm, bất kỳ người bệnh là ai, ở tuổi nào, bị mắc ung thư vòm họng giai đoạn nào đều có thể nhận được hình thức chăm sóc này. Chăm sóc giảm nhẹ thường có vai trò tốt nhất khi được bắt đầu ngay sau khi người bệnh được chẩn đoán ung thư nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp giảm nhẹ ung thư vòm họng rất đa dạng bao gồm thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ tinh thần, cảm xúc và các liệu pháp khác. Người bệnh cũng có thể nhận được các phương pháp điều trị giảm nhẹ tương tự như những phương pháp giúp loại bỏ ung thư, chẳng hạn như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị.

Các thử nghiệm lâm sàng

Nếu điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc cho bệnh nhân tham gia các thử nghiệm lâm sàng.

Các thử nghiệm lâm sàng là các phương pháp chưa được quy chuẩn, nhưng có thể giúp ích cho việc điều trị ung thư nếu cơ thể người bệnh đáp ứng được với việc điều trị.

Phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng theo từng giai đoạn

Các bác sĩ có thể đề xuất các lựa chọn điều trị tùy thuộc vào giai đoạn – mức độ lan rộng của ung thư vòm họng và mức độ di căn của ung thư. Ung thư vòm họng ở trẻ em được điều trị phần lớn giống như ở người lớn.

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 0 – I

Xạ trị nhắm vào khối u hoặc các hạch bạch huyết gần khối u là phương pháp điều trị thông thường cho ung thư vòm họng giai đoạn 0-I. Phương pháp này còn gọi xạ trị dự phòng với mục đích phòng ngừa tế bào ung thư có thể đã lan vào các hạch bạch huyết nhưng chưa được phát hiện.

Mặc dù có quá ít tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết để làm tăng kích thước, nhưng những tế bào này có thể tiếp tục phát triển và lây lan nếu không sử dụng xạ trị để tiêu diệt.

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn II

Các giai đoạn II, III, IVA và IVB, ung thư đã lan ra bên ngoài vòm họng và có khả năng đã lan tới các hạch bạch huyết ở cổ hoặc vùng thượng đòn.

Hóa trị kết hợp với xạ trị vào các hạch bạch huyết ở vòm họng và cổ là phương pháp phổ biến để chữa ung thư vòm họng cho giai đoạn này. Thuốc hóa trị thường được sử dụng là Cisplatin, có thể kết hợp với một loại thuốc khác như 5-FU.

Hầu hết các nghiên cứu đều phát hiện ra rằng, hóa trị giúp bệnh nhân sống lâu hơn so với chỉ xạ trị đơn thuần. Nhưng thêm hóa trị sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ hơn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các lựa chọn điều trị khác trong các giai đoạn này bao gồm hóa trị bổ trợ trước sau đó hóa trị hoặc chỉ hóa trị đơn thuần. Hoặc có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch (đơn thuần hoặc kết hợp với hóa trị).

Nếu tổn thương ung thư vẫn còn tại các hạch bạch huyết sau khi hóa trị, xạ trị thì phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ các hạch bạch huyết.

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn III

Phương pháp điều trị ung thư vòm họng giai đoạn III giống như điều trị giai đoạn II.

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn IV

Giai đoạn IVC, các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, tiên lượng kém vì khó điều trị.

Phương pháp điều trị ung thư vòm họng thông thường cho giai đoạn này là hóa trị bằng thuốc Cisplatin và một loại thuốc khác.

Nếu không có dấu hiệu của ung thư sau khi hóa trị, xạ trị vòm họng và các hạch bạch huyết ở cổ hoặc hóa trị sẽ được thực hiện để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị cũng có thể được chỉ định điều trị bước đầu.

Liệu pháp miễn dịch là một lựa chọn mới hơn để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn này. Có thể được thực hiện đơn thuần hoặc kết hợp cùng với hóa trị.

Nếu vẫn có dấu hiệu ung thư sau lần hóa trị bước đầu, có thể lựa chọn phác đồ khác với việc sử dụng các loại thuốc khác nhau. Hóa trị kết hợp với thuốc nhắm trúng đích Cetuximab (Erbitux) hoặc liệu pháp miễn dịch có thể là những lựa chọn.

Điều trị ung thư vòm họng tái phát

Ung thư được gọi là tái phát khi quay trở lại sau điều trị. Tái phát có thể cục bộ (tại chỗ hoặc gần vị trí ban đầu) hoặc xa (lan đến các cơ quan như phổi hoặc xương).

Nếu ung thư vòm họng giai đoạn IVC tái phát sau khi điều trị, việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của bệnh; phương pháp điều trị nào được sử dụng bước đầu và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Một số khối u tái phát trong vòm họng có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Phẫu thuật được thực hiện qua mũi và được gọi là phẫu thuật nội soi nền sọ. Bác sĩ Khiêm cho biết, đây là một cuộc phẫu thuật chuyên sâu và chỉ nên thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật có nhiều kinh nghiệm, vì vậy không phải bệnh viện nào cũng có thể thực hiện được.

Ung thư vòm họng giai đoạn IVC tái phát trong các hạch bạch huyết vùng cổ có thể được điều trị bằng xạ trị. Nhưng nếu xạ trị sẽ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc nếu lần bước đầu ung thư không đáp ứng với xạ trị, phẫu thuật có thể được sử dụng để thay thế.

Nếu ung thư tái phát ở các vị trí xa, các lựa chọn có thể bao gồm hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc cả hai. Nếu người bệnh đã được hóa trị, có thể thử các loại thuốc hóa trị khác nhau. Thuốc nhắm mục tiêu Cetuximab có thể được dùng cùng với hóa trị.

Ở giai đoạn này, các phương pháp điều trị tiếp theo có thể được chỉ định nhằm làm chậm sự phát triển của khối u hoặc làm giảm các triệu chứng do ung thư gây ra. Ví dụ, nếu ung thư đã di căn đến cột sống, xạ trị có thể được chỉ định để giảm đau và giảm nguy cơ mắc các vấn đề khác.

Tác dụng phụ của việc điều trị bệnh ung thư vòm họng

Theo bác sĩ Khiêm, các phương pháp điều trị ung thư vòm họng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau cho người bệnh.

Các tác dụng phụ theo từng loại điều trị bao gồm:

Xạ trị

Các tác dụng phụ của xạ trị đối với đầu và cổ có thể bao gồm mẩn đỏ hoặc kích ứng da ở vùng được điều trị, khô miệng hoặc nước bọt đặc do tổn thương tuyến nước bọt, đau xương, buồn nôn, mệt mỏi, lở miệng, đau họng, đau hoặc khó nuốt, sưng phù bạch huyết, chán ăn do thay đổi vị giác ở một người, giảm thính lực do tụ dịch trong tai giữa và dịch tích tụ trong tai khô đi do tác động của xạ trị lên ống tai.

Tuyến giáp nằm ở cổ nên xạ trị cũng có thể gây ra tình trạng suy giáp, làm tuyến giáp hoạt động kém. Suy giáp sẽ dẫn đến mệt mỏi, uể oải và tăng cân.

Hóa trị

Mỗi loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ cụ thể. Các tác dụng phụ của hóa trị có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rụng tóc, khô miệng, tiêu chảy, táo bón và chán ăn thường do sự thay đổi vị giác.

Ngoài ra, hóa trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây ra vết loét hở trong miệng, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, hóa trị kết hợp với xạ trị càng làm tăng các tác dụng phụ này.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cổ có thể gây tê tai, yếu khi nâng cánh tay lên trên đầu và yếu môi dưới. Những tác dụng phụ này là do tổn thương các dây thần kinh trong khu vực. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật cổ, tình trạng yếu của môi dưới và cánh tay có thể biến mất sau vài tháng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tồn tại vĩnh viễn nếu một dây thần kinh bị cắt bỏ hoặc bị tổn thương như một phần của quá trình phẫu thuật. Tình trạng phù bạch huyết cũng có thể xảy ra gây biến dạng khuôn mặt.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Điều trị bằng thuốc Cetuximab có thể gây ra các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Phát ban ngứa, giống như mụn trứng cá trên mặt và ngực, có thể dẫn đến nhiễm trùng da;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi và yếu đuối;
  • Sốt;
  • Bệnh tiêu chảy;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Giảm cân;
  • Phản ứng dị ứng thường hiếm gặp và thường xảy ra trong lần truyền thuốc đầu tiên. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và huyết áp thấp.
phương pháp điều trị ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả thanh thiếu niên

Liệu pháp nhắm trúng đích

Tác dụng phụ của các loại thuốc nhắm trúng đích có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm: Mệt mỏi, suy nhược, sốt, ho, buồn nôn, ngứa, phát ban da, ăn mất ngon, đau cơ hoặc khớp, táo bón hoặc tiêu chảy.

Các tác dụng phụ ít gặp nhưng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:

  • Phản ứng truyền dịch: Phản ứng truyền dịch giống như một phản ứng dị ứng. Biểu hiện bao gồm sốt, ớn lạnh, phát ban, ngứa da, đỏ bừng mặt, chóng mặt, thở khò khè, khó thở.
  • Phản ứng tự miễn dịch: Hệ thống miễn dịch bắt đầu tấn công các bộ phận khác của cơ thể, được gọi là hội chứng cơn bão cocktail. Bão cocktail có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở phổi, gan, ruột, các tuyến sản xuất hormone, thận, da hoặc các cơ quan khác. Đôi khi tình trạng này còn đe dọa tính mạng người bệnh.

Để đặt lịch khám với các chuyên gia Ung bướu, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Ung thư vòm họng có tiên lượng tốt khi điều trị ngay từ giai đoạn đầu. Khi các tế bào ác tính đã di căn, các giai đoạn sau sẽ khó điều trị hơn và tỷ lệ sống thêm sau 5 năm cũng hạn chế. Theo bác sĩ Khiêm, việc phát hiện và lựa chọn cách điều trị ung thư vòm họng phù hợp với từng giai đoạn bệnh là chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tăng tỷ lệ sống sau 5 năm cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Từ khóa » Vòm Tiên