Ươm Tạo Và Làm Chủ Công Nghệ Sản Xuất Dây Thừng Chỉ Xơ Dừa ...

Ươm tạo và làm chủ công nghệ sản xuất dây thừng chỉ xơ dừa không nối

Ngày đăng: 11-11-2018 | Chuyên mục: Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN | Tác giả: Huỳnh Cao Thọ - Sở Khoa học và Công nghệ

Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn và kinh tế biển, trong đó nổi tiếng nhất là cây dừa với diện tích trồng dừa lớn nhất nước. Tổng diện tích dừa năm 2016 đạt 69.330 ha, giai đoạn 2011 – 2016 diện tích tăng bình quân 4,8%/năm; sản lượng dừa đạt 587,9 triệu trái, giai đoạn 2011 – 2016 sản lượng tăng bình quân 6%/năm. Từ trái dừa làm ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao: cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, nước dừa đóng lon, nước cốt dừa đóng lon, nước dừa làm thạch dừa… ngoài việc thu cơm dừa, nước dừa thì vỏ dừa còn được tận thu sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm dừa chủ yếu như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa và than hoạt tính, kẹo dừa, thạch dừa, than thiêu kết… Đặc biệt, vỏ dừa đánh tơi thu về sản phẩm là chỉ và mụn dừa (chỉ thu được ở công đoạn này là chỉ rối), tuỳ theo nhu cầu khách hàng mà các đơn vị sản xuất làm ra các mặc hàng khác nhau, trong đó, các dòng sản phẩm được làm từ chỉ xơ dừa như: chỉ xơ dừa ép kiện, chỉ đánh thành sợi, lưới xơ dừa, thảm xơ dừa, dây thừng chỉ xơ dừa….. Tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng KH&CN chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức, phần lớn sản phẩm từ dừa, qua kết quả đánh giá trình độ công nghệ đều có hàm lượng công nghệ ở mức trung bình, làm giảm giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Đó là lý do mà Công ty TNHH MTV cơ khí Văn Liêm đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ: “Máy se dây thừng chỉ xơ dừa không nối” và được Hội đồng Giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VI năm 2016 – 2017 chấm đạt giải “Nhất”. Trên cơ sở đó, công ty tiến hành ươm tạo, làm chủ công nghệ và sản xuất trên dây chuyền thiết bị, công nghệ do chính công ty tự nghiên cứu, chế tạo. Sản phẩm dây thừng chỉ xơ dừa tạo ra có đường kính từ 14 – 50mm, chiều dài không nối đạt đến vô hạn, tùy theo yêu cầu khách hàng, chiều dài được khống chế theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, còn đạt các yêu cầu về độ xoắn, mức độ đồng đều và tiết kiệm được năng lượng, làm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Về sơ đồ nguyên lý cấu tạo máy

1. Thân máy 2. Nguyên liệu 3. Khung quay 4. Trục chính 5. Chỉ nguồn 6. Ống rút dây 7. Bộ se thừng 8. Dây thừng se hoàn thiện 9. Ống dây thừng 10. Trục truyền động 11. Động cơ giảm tốc. Sau khi vận hành thử nghiệm, công ty đã khắc phục những lỗi nhỏ về kỹ thuật và hoàn thiện máy. Hiện tại, công ty đã làm chủ công nghệ, tiến hành sản xuất và đưa ra thị trường dòng “máy se dây thừng chỉ xơ dừa không nối” đáp ứng yêu cầu của khách hàng với công suất mỗi máy se thừng từ 15.000 – 20.000 m trong thời gian 8 giờ gấp 7 – 8 lần so với se thừng bằng phương pháp thủ công. Khắc phục những tồn tại, hạn chế của phương pháp se dây thừng thủ công như chiều dài dây thừng hạn chế (13 – 20m), dây thừng không đồng nhất về kích thước, thường bị xoắn từng đoạn, không đều, không thích hợp khi đưa vào dệt thảm bằng máy.

Ông Lê Văn Liêm bên máy se dây thừng chỉ xơ dừa không nối.

Trước đó, vào năm 2012, ông Lê Văn Liêm, hiện nay là Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ khí Văn Liêm đã chủ trì thực hiện việc nghiên cứu chế tạo thiết bị “máy se sợi chỉ xơ dừa tám trục bố trí theo phương dọc”. Đây là ý tưởng sáng tạo độc đáo xuất phát từ yêu cầu thực tế, mong muốn của các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa trên địa bàn tỉnh. Thiết bị se chỉ xơ dừa tám trục được công ty tham gia và đạt giải “Nhất” Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ V năm 2014 – 2015. Công ty đã xác lập hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về giải pháp hữu ích và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN quyết định chấp nhận đơn hợp lệ (Quyết định số 38260/QĐ-SHTT ngày 29/6/2015). Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và giải thưởng sáng tạo kỹ thuật là cơ sở để công ty nghiên cứu hoàn thiện, thương mại hóa thiết bị se chỉ xơ dừa, góp phần cơ giới hóa thiết bị trong công nghiệp chế biến dừa của tỉnh nói chung và sản xuất chỉ xơ dừa nói riêng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, công suất 10kg sợi chỉ/giờ/máy, tăng thêm 60% công suất so với giải pháp cũ (6kg sợi chỉ/giờ/máy); giảm chi phí sản xuất như: Chi phí nhân công, chi phí diện tích mặt bằng đầu tư, thao tác vận hành có tính tự động hóa cao, đơn giản và an toàn…

Ông Lê Văn Liêm bên máy se chỉ xơ dừa tám trục theo phương dọc.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV cơ khí Văn Liêm đã hoàn thành việc ươm tạo, làm chủ công nghệ và lập dự án sản xuất kinh doanh đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Việc ứng dụng các giải pháp “sáng chế” của ông Lê Văn Liên đã góp phần đưa giải pháp tự động hóa trong quy trình sản xuất chỉ xơ dừa để tăng năng suất lao động, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa, tạo ra giá trị tăng thêm do sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, phù hợp nhu cầu thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, từ đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Từ khóa » Dây Bố Xơ Dừa