Uống Cà Phê Vợt đêm Mưa Nghe Sài Gòn Kể Chuyện - PLO

Hiện nay cách thức pha cà phê bằng vợt đã dần trôi vào dĩ vãng. Ở Sài Gòn hiện chỉ còn tồn tại vài quán giữ lại được cái hồn và hương vị của loại thức uống được pha chế đặc biệt này.

Tôi dừng lại ở hẻm 330 đường Phan Đình Phùng - nơi có quán cà phê vợt cô Ba hơn 60 năm tuổi, quán không chỉ là nơi lưu giữ hương thơm hoài niệm của một thời xa vắng, mà còn là điểm dừng chân ngơi nghỉ của những "thân cò" lặn lội mưu sinh. Mệnh danh là quán cà phê ba không: “Không ngủ, không bảng hiệu, không nhạc” nhưng vẫn đông đã truyền đến 3 đời và trở thành điểm hẹn thân thiết của nhiều thế hệ khác nhau sống ở Sài Gòn.

Uống cà phê vợt đêm mưa nghe Sài Gòn kể chuyện ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung làm nghề ve chai trò chuyện với người bạn mới quen vài tháng - anh Đặng Hoàng Chung tại quán cà phê vợt này. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ mặt đường nhìn vào trong con hẻm 330 như thể bước thế giới hoàn toàn khác. Không có tiếng còi xe ầm ĩ mà ở đó chỉ có tiếng của những tâm tư được trao gửi, giãi bày cùng nhau. Cả không gian, thời gian như ngưng đọng bên những giọt cà phê.

Dọc con hẻm chưa đến 50m đã có hơn 10 vị khách quen đang ngồi tán dóc bên ly cafe đêm mưa.

Đó là bác xe ôm đã có thâm niên. Tôi vẫn chưa kịp hỏi bác tên là gì, chỉ biết bác vẫn ở đây uống cà phê mỗi đêm. Uống vì cơn ghiền và uống cho tỉnh ngủ để tiếp tục hành trình mưu sinh vất vả.

Đó là câu chuyện tình vợ chồng già trong con hẻm nhỏ. Tôi chỉ gặp họ 2 lần, cũng vào một ngày mưa. Hai cụ tóc đã hoa râm, dáng đi lọm khọm, cụ bà đi trước, cụ ông líu ríu theo sau. Hỏi ra mới biết mỗi lần giận nhau ông bà lại dắt nhau ra quán cà phê này. “Đến quán cãi nhau, rời quán làm hoà”. Dường như những giọt cà phê hoài niệm cùng với không gian đặc biệt nơi đây đã trở thành liều thuốc thần xoa dịu bao muộn phiền bực bội.

Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Dung làm nghề ve chai có thói quen hút thuốc và ghiền cà phê đến... sợ. Năm nay chị cũng ngót nghét gần 50 tuổi, chị ăn nói bỗ bã và chẳng kiêng nể gì. Chị bảo mấy năm trước thi thoảng có tạt qua con hẻm nhỏ này làm cốc cà phê giải khát nhưng rồi riết thành quen, ghiền lúc nào không biết. Còn thuốc thì chị hút từ năm 19, hồi chị bị pháo nổ hỏng mất một bên ngón tay trái và để lại vết sẹo dài trên mặt, chị buồn lắm nên hút thử thành quen.

Thú thực tôi không có cảm tình với những người đàn bà hút thuốc dù bất cứ lý do gì. Nhưng khi nghe anh Đặng Hoàng Chung, nhân viên phục vụ ở đây kể về chị, tôi mới biết thương và khâm phục chị. "Nhìn thế thôi chứ cô ấy hiền lắm. Mỗi lần được nhận cơm từ thiện, cô ấy thường mang về cho tôi và mấy người có hoàn cảnh khó khăn".

Hỏi ra mới biết anh Chung nhà nghèo rớt mồng tơi. Anh làm phục vụ cho quán cà phê vợt gần 5 tháng nay. Dù mới vào làm nhưng anh được nhiều khách hàng quý vì tính tình cẩn thận chu đáo. Nhà anh ở Gò vấp nhưng để kịp đến đây lúc 23 giờ, anh phải đi trước đó 2 tiếng đồng hồ vì anh... đi bộ đến chỗ làm. "Ngày xưa, có cô lao công xin giúp tôi 500 ngàn để mua xe đạp nhưng lần đó mẹ tôi bệnh nặng phải vào viện điều trị. Tiền mua xe đạp chẳng mấy mà hết. Thôi thì đi bộ cho thẳng chân", anh cười thủ thỉ.

Những hạt mưa vẫn tí tách rơi. Khói thuốc trên môi người nhặt ve chai từng sợi mỏng nhòa cùng gió lạnh. Tôi chợt nhớ tới vị khách đặc biệt mà lần đầu tiên tới đây tôi đã gặp. Cô ấy xinh đẹp, trạc chừng chưa đến 30 tuổi và trên tay lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc. Cô ấy thường đến đây vào những ngày mưa, gọi 2 ly đen đá và ngồi một mình. Không hiểu sao ngắm cô ấy tôi có cảm giác không phải cô ấy đang uống cà phê mà cô ấy đang uống trọn cả nỗi buồn trong lòng.

Đó là những khách độ ngoài 30 tuổi, họ tâm sự với nhau mấy chuyện vui buồn của một tuần lao động. Họ nâng ly cà phê, chuyện trò rôm rả đến nổi cơn mưa đã tạnh từ lúc nào không hay biết.

Và đó là cô cậu sinh viên hẹn hò nhau ở một không gian cà phê mới. Họ hẹn nhau đến đây vì cái tình gắn với cà phê vợt và cũng vì chút “lãng nhách” muốn xem Sài Gòn về đêm như thế nào...

Và còn nhiều, nhiều câu chuyện được kể nhau nghe trong đêm dài...

3 giờ sáng, tôi rời quán cà phê, nhiều khách trong quán cũng vội vã rời thay chỗ cho người mới đến. Chị Dung, anh Chung tiếp tục công việc mưu sinh của mình. Tôi chợt nghĩ, giữa cuộc sống bộn bề hối hả, họ dừng lại cùng nhau nhâm nhi ly cà phê, lai rai vài câu chuyện.

Sài Gòn rất cần những khoảng lặng bình yên!

HOÀNG GIANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Cafe Vợt Gò Vấp