Uống Nước Bao Nhiêu Là đủ? Sự Thật Về Lời Khuyên Uống 2 Lít Nước ...
Có thể bạn quan tâm
Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi hay da dẻ “xuống cấp”, chúng ta thường được khuyên uống nước nhiều vào. Nhưng câu “thần chú” này bắt nguồn từ đâu? Và liệu chúng ta đã hiểu đúng về nó? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Nội dung chính- 1. Những lời khuyên về việc uống nhiều nước
- 2. Nguồn gốc của lời khuyên “hai lít nước một ngày”
- 3. Hãy uống đủ lượng nước cơ thể cần
- 4. Thay vì uống nước, bạn có thể ăn
- 5. Uống quá nhiều nước liệu có gây hại?
- Tổng kết
1. Những lời khuyên về việc uống nhiều nước
Hồi đầu thế kỷ 19, người dân rất “kiêng” uống nước. Theo Vincent Priessnitz (1799 – 1851) – người sáng lập phương pháp thủy trị liệu hiện đại (chữa bệnh bằng nước) – thì thời đó chỉ những ai nghèo đói cùng cực mới chịu uống nước lọc (nước thường) để thỏa mãn cơn khát.
Thời gian đã thay đổi tất cả. Ngày nay doanh số nước đóng chai ở Mỹ đã vượt qua nước ngọt, thậm chí tỷ phú giàu nhất châu Á cũng là chủ tịch công ty nước đóng chai nổi tiếng của Trung Quốc. Và chúng ta hay được khuyên rằng uống vài lít nước mỗi ngày là bí quyết để luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, da sáng dáng xinh hay thậm chí là giảm cân và ngừa được ung thư nữa.
Ngay trong đời sống thường ngày, các bậc cha mẹ thường đóng sẵn bình nước nhỏ cho con mang tới lớp, người lớn đi làm cũng đem nước đi theo, và các cuộc hội họp luôn gắn liền với hình ảnh chai nước đặt ngay ngắn trước mặt những người tham dự.
Lời khuyên uống nhiều nước còn được làm rõ hơn bởi “quy luật 8×8”, nói rằng chúng ta nên uống 8 ly nước thể tích 8 ounce (khoảng 240ml), tổng cộng là gần hai lít nước mỗi ngày, không tính những loại thức uống khác nếu có.
Không những thế, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, mọi người còn được khuyên nên nhấp một ngụm nước ấm mỗi 15 phút để tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh.
Song sự thật là những “quy luật” không chính thống đó lại chẳng có chút cơ sở khoa học nào. Hướng dẫn chính thức của Liên minh Châu Âu không hề nói rằng chúng ta nên uống nhiều nước đến thế.
Vậy tại sao những thông tin không chính xác vẫn xuất hiện khắp nơi, trên mọi phương tiện truyền thông và được nhiều người tin tưởng không chút nghi ngờ? Thực ra nguồn gốc của mọi chuyện đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, với hai bản hướng dẫn bị mọi người hiểu lầm.
2. Nguồn gốc của lời khuyên “hai lít nước một ngày”
Năm 1945, Ban Dinh dưỡng và Thực phẩm thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã đưa ra lời khuyến cáo: người trưởng thành nên uống 1ml nước cho mỗi 1 calo năng lượng mà mình ăn vào.
Như vậy nữ giới cần uống 2 lít nước với chế độ ăn 2000 calo, còn nam giới uống 2 lít rưỡi với chế độ ăn 2500 calo.
Nhưng điều quan trọng là khuyến cáo có ghi rõ: “phần lớn lượng nước này đã có sẵn trong thực phẩm”. Không ai bắt bạn phải uống đúng 2 lít nước lọc cả.
Hướng dẫn thứ hai là cuốn sách Dinh dưỡng cho sức khỏe tốt được xuất bản năm 1974. Tác giả của nó – hai nhà dinh dưỡng học Margaret McWilliams và Frederick Stare – khuyên rằng mỗi người trưởng thành cần uống từ 6 đến 8 ly nước một ngày.
Và cũng như bản hướng dẫn thứ nhất, cuốn sách viết rằng lượng nước này có thể đến từ rau quả, trái cây, nước ngọt, thậm chí cả bia nữa.
3. Hãy uống đủ lượng nước cơ thể cần
Điều không thể phủ nhận là nước rất quan trọng với con người. Chiếm khoảng 70% cân nặng, nước giúp vận chuyển dưỡng chất và chất thải trong cơ thể, điều hòa thân nhiệt, bôi trơn và giảm sốc cho các khớp, đồng thời tham gia vào hầu hết các phản ứng hóa học của cơ thể.
Chúng ta liên tục bị mất nước thông qua mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Do đó đảm bảo cho cơ thể luôn đủ nước là yếu tố sống còn đối với sức khỏe.
Các triệu chứng của mất nước sẽ thể hiện rõ khi cơ thể mất khoảng 1 – 2% nước, và các hoạt động chức năng sẽ bắt đầu rối loạn. Nếu không bù nước kịp thời, mất nước quá nặng có thể dẫn tới tử vong.
Nhiều người tin rằng khi cảm giác khát xuất hiện tức là cơ thể đã mất nước khá nặng rồi. Nhưng hầu hết các chuyên gia hiện nay đều nhất trí rằng bạn chỉ cần uống đủ lượng nước mà cơ thể cần, và khi nào cần thì nó sẽ báo hiệu cho ta biết.
Theo lời Irwin Rosenburg, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Tufts ở Massachusetts thì kiểm soát sự mất nước là một trong những cơ chế tinh vi nhất mà chúng ta đã phát triển trong quá trình tiến hóa. “Chúng ta có vô số kỹ thuật tinh vi để duy trì đủ nước cho cơ thể.”
Khi bị thiếu nước, não sẽ phát tín hiệu tạo cảm giác khát để thúc giục chúng ta uống nước. Đồng thời một hormone cũng được tiết ra để kích thích thận giữ nước lại, làm cô đặc nước tiểu.
“Nếu bạn lắng nghe cơ thể mình, nó sẽ nói cho bạn biết khi nó thấy khát,” theo lời Courtney Kipps, chuyên gia cố vấn thể thao tại Đại học College London.
Ông nói thêm: quan niệm cho rằng “khi thấy khát tức là đã quá trễ” được dựa trên giả định rằng cảm giác khát là dấu hiệu báo động kém chính xác. “Nhưng tại sao mọi thứ khác trong cơ thể đều hoàn hảo, còn cơn khát lại không? Nó đã hoạt động tốt qua hàng ngàn năm tiến hóa cơ mà.”
4. Thay vì uống nước, bạn có thể ăn
Như vậy sự thật đã rõ: chúng ta không cần uống đúng 2 lít nước mỗi ngày, mà quan trọng là đảm bảo cơ thể luôn có đủ nước, bất kể từ nguồn nào.
Khoa học đã chỉ ra lợi ích tuyệt vời của việc hấp thu đủ nước. Chẳng hạn như nghiên cứu cho thấy tránh mất nước giúp bộ não hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề cũng như xử lý các công việc đơn giản. Một vài nghiên cứu còn chứng minh rằng uống nước giúp kiểm soát cân nặng.
Vậy nếu thay uống nước bằng việc ăn nhiều món nước thì sao? Theo Barbara Rolls, giáo sư y khoa tại Đại học College London, cách này thậm chí còn có tác dụng hiệu quả hơn.
Bởi nước đơn thuần sẽ bị dạ dày co bóp đẩy xuống ruột rất nhanh, nhưng nước trong thức ăn sẽ gắn kết với các phân tử thức ăn và ở lại dạ dày lâu hơn, tức là bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn.
Nghiên cứu trên cũng yêu cầu hai nhóm đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Kết quả cho thấy nhóm uống nước tuân thủ tốt hơn. Có thể giải thích là do tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến tâm trạng và thể lực, khiến cơ thể không còn sung sức để vận động tích cực.
Một lợi ích khác khi uống đủ nước là làm sáng và giữ ẩm cho da. Mặc dù cơ chế cụ thể cho hiện tượng này chưa được làm rõ, nhưng ai cũng công nhận những người thiếu nước sẽ bị nhăn da và trông xấu xí hơn đúng không nào!
Vậy nếu bạn muốn “đổi món” bằng những thức uống khác thì sao? Mặc dù nước lọc là lựa chọn tốt nhất cho con người vì không chứa calo dư thừa, nhưng các loại đồ uống khác cũng giúp bổ sung nước cho cơ thể.
Chất caffeine trong trà và cà phê tuy gây lợi tiểu nhẹ, nhưng một nghiên cứu đã chứng minh rằng hai thức uống này – cũng như một vài loại đồ uống có cồn – vẫn có tác dụng bù nước hiệu quả.
5. Uống quá nhiều nước liệu có gây hại?
Giờ thì bạn đã biết mình không cần uống thật nhiều nước mỗi ngày rồi chứ! Điều đó thực sự không có cơ sở khoa học, mà thậm chí uống “quá liều” nước còn có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng nữa.
Tình trạng dư nước quá mức sẽ làm loãng nồng độ natri trong các dịch cơ thể. Trong khoảng 10 năm gần đây, Courtney Kipps đã thống kê được ít nhất 15 trường hợp vận động viên tử vong do uống quá nhiều nước khi đang thi đấu thể thao.
Ông cho rằng những người này đã uống lượng nước nhiều hơn mức mà cơ thể cần. Nói cách khác, họ không tin vào cảm giác khát của chính mình.
Một trường hợp điển hình là Johanna Pakenham. Cô tham gia cuộc thi chạy marathon London năm 2018 với thời tiết nóng kỷ lục, nhưng lại không nhớ gì mấy về nó bởi cô đã uống nhiều nước đến mức hạ natri máu và được đưa ngay đến bệnh viện.
Pakenham kể lại rằng đã được bạn bè đưa cho một ly nước to, và khi uống xong cô cảm thấy tim mình ngừng đập. “Tôi được máy bay đưa đến bệnh viện và bất tỉnh từ tối chủ nhật đến thứ ba tuần sau,” cô cho biết.
Sau tai nạn đó, Pakenham vẫn tiếp tục tập luyện marathon, nhưng đã bổ sung cho mình vài viên thuốc chứa các chất điện giải để tăng lượng natri trong máu.
Theo cô, các tấm poster về marathon lúc nào cũng kêu gọi mọi người uống thật nhiều nước, nhưng “một việc đơn giản như vậy lại có thể nguy hiểm chết người.”
Tổng kết
Quan niệm rằng phải uống nhiều nước khiến nhiều người đi đâu cũng mang nước theo bên mình, và uống nhiều hơn mức cơ thể cần.
Theo Hugh Montgomery, nhà nghiên cứu tại Viện Thể dục Thể thao và Sức khỏe London thì lượng nước tối đa mà một người có thể bị mất trong điều kiện khắc nghiệt nhất là 2 lít mỗi giờ, nhưng “điều đó thật sự khó xảy ra.”
Như vậy bạn không cần phải uống hết chai nước 500ml trong chuyến xe buýt 20 phút để đi học hay đi làm mỗi ngày. Cơ thể bạn đâu có mất nước nhanh và nhiều đến vậy.
Còn với những ai thích sự chính xác thì hãy tham khảo hướng dẫn của Hệ thống Y tế Quốc gia Anh: nên uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày, bao gồm cả sữa ít béo và các đồ uống không đường như trà, cà phê.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng cơ chế gây khát của con người có thể kém nhạy khi qua tuổi 60. Khi đó chúng ta dễ bị mất nước hơn lúc còn trẻ. Do đó người cao tuổi nên chú ý đến lượng nước tiêu thụ hằng ngày để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
Lý do cuối cùng để xem xét lại khẩu hiệu uống 2 lít nước mỗi ngày là nhu cầu nước của cơ thể mỗi người sẽ khác nhau tùy theo tuổi tác, chiều cao, cân nặng, giới tính, môi trường và mức độ hoạt động thể chất.
“Quy luật 2 lít” đã bỏ qua những yếu tố này, quên mất sự phức tạp của cơ thể con người cũng như các phản ứng tinh vi của cơ thể để đáp ứng với cơ địa và điều kiện sống không ai giống ai.
Vậy lời kết cho vấn đề này là gì? Các chuyên gia đều nhất trí rằng chúng ta không nên quá lo lắng về một con số chính xác nào đó. Hãy lắng nghe cơ thể mình. Cơ thể sẽ báo hiệu cho bạn biết khi nào cần uống nước, cũng giống như cảm giác đói bụng hay mệt mỏi vậy.
Nói vui thì lợi ích duy nhất khi uống nhiều nước hơn cần thiết là: bạn sẽ đốt thêm ít mỡ thừa khi phải chạy đi vệ sinh thường xuyên hơn! Xin kết lại bài viết bằng video dưới đây:
Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị của BlogAnChoi về chủ đề sức khỏe:
Uống nước đúng cách mang lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
6 nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy khát nước
Nhớ theo dõi BlogAnChoi để không bỏ lỡ những thông tin bổ ích trong cuộc sống bạn nhé!
Xem thêmThực hư chuyện uống rượu ba kích có giúp “tăng bản lĩnh” đàn ông?
Vừa qua, một bệnh nhân 40 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng cương dương kéo dài sau khi sử dụng rượu ba kích để tăng “bản lĩnh” đàn ông. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu thực hư tác dụng của loại rượu này nhé!Từ khóa » Một Ngày Uống Bao Nhiêu Lít Nước Là đủ
-
Lượng Nước Cần Cho Cơ Thể Trong 1 Ngày | Vinmec
-
Bạn Nên Uống Bao Nhiêu Nước Mỗi Ngày? | Vinmec
-
Uống Bao Nhiêu Nước Là đủ? 2l, 3l Hay 5l? | Mitsubishi Cleansui
-
Mỗi Ngày Nên Uống Bao Nhiêu Nước? 10 Lợi ích Bất Ngờ Khi Uống đủ ...
-
Uống Bao Nhiêu Nước Trong Ngày Là đủ? - VnExpress Sức Khỏe
-
Uống Bao Nhiêu Nước Mỗi Ngày Là đủ? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Uống Bao Nhiêu Nước Mỗi Ngày Là đủ? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Bạn Nên Uống Bao Nhiêu Nước Là đủ Cho Một Ngày? - Báo Lao động
-
Mỗi Ngày Nên Uống Bao Nhiêu Nước? - BBC News Tiếng Việt
-
Uống Bao Nhiêu Lít Nước 1 Ngày Là đủ Cho Cơ Thể?
-
Cách Tính Lượng Nước Cần Uống Mỗi Ngày Phù Hợp Với Cân Nặng ...
-
Cách Tính Chính Xác Lượng Nước Cần Uống Mỗi Ngày Của Cơ Thể
-
Cách Tính Lượng Nước Uống Mỗi Ngày Theo Cân Nặng
-
Uống Bao Nhiêu Lít Nước Một Ngày Là đủ? - VTC News