Uống Rễ Cây Chưa Chắc Bổ - Tuổi Trẻ Online

Rễ cây được gọi là sâm đỏ Lang Biang bày bán chung với những loại nông sản khác của Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH
Rễ cây được gọi là sâm đỏ Lang Biang bày bán chung với những loại nông sản khác của Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Rễ cây được uống có phải rễ thật không, uống nhiều có hiệu quả hay hậu quả thì chưa rõ.

Bước tới cổng nhiều điểm du lịch hay các quầy tạm bên ngoài chợ Đà Lạt, Lâm Đồng, du khách sẽ gặp các loại rễ cây rừng bày bán như rau, củ.

Nhiều nhất là các loại rễ cây được gọi tên sâm đỏ Lang Biang, đảng sâm Đà Lạt (một loài cây sống lâu năm có nguồn gốc ở khu vực đông bắc châu Á và bán đảo Triều Tiên, thường được tìm thấy mọc xung quanh bờ suối hay các cánh rừng thưa dưới bóng cây to - theo Wikipedia).

Các loại rễ cây bày bán có biển ghi rõ tên loại cây, tên gọi mỗi quầy mỗi khác, tùy vào người bán đặt tên.

Một nhóm du khách đến từ Vĩnh Long ghé quầy bán một loại rễ cây màu đỏ bầm có thân rễ to cỡ ngón tay út. Người bán hàng liên tục giới thiệu đây là sâm đỏ Lang Biang có tác dụng giải độc gan, bổ máu, tốt cho khí huyết người già, một mực còn khẳng định rễ cây do người dân tộc đào ở nơi cao nhất Lang Biang nên bổ không kém sâm Hàn Quốc.

Nhóm du khách hỏi cách dùng thì người bán hàng nói chung chung: “Thích thì ngâm rượu, không thì nấu nước. Nấu càng nhiều càng tốt. Uống thay nước mỗi ngày”.

Nghe quảng cáo đại bổ và giá của loại rễ cây được gọi là sâm đỏ chỉ 200.000 đồng/kg nên một du khách tên Lâm đã mua 4kg và người trong đoàn ai cũng mua mỗi người 1kg. Lâm bảo: “Mua về biếu người quen, không bổ đầu cũng bổ đuôi”.

Một vài địa phương khác như TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) cũng có nhiều người tìm mua rễ cây, các loại cây thuốc...

Tại TP Buôn Ma Thuột không chỉ mật nhân, nhiều loại cây thuốc khác như hà thủ ô, cây chữa bách bệnh, các loại rễ cây được quảng cáo có tác dụng như thuốc Ama Kông... được bày bán rất nhiều và khá công khai. Chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, khuyến cáo xem những loại cây, rễ được bày bán để làm thuốc này có đảm bảo an toàn hay không.

Trước tình trạng các loại rễ cây được tự đặt tên sâm Lang Biang và đảng sâm Đà Lạt đang bày bán không kiểm soát, bác sĩ Nguyễn Văn Trịnh, phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (Lâm Đồng), cho hay sâm đỏ Lang Biang là do người dân tự gọi tên theo màu sắc và hình dáng rễ cây.

Loại rễ cây này chưa hề được nghiên cứu khả năng chữa bệnh cũng như bồi bổ cơ thể, chưa được công nhận là vị thuốc có những tác dụng đáng nể như mát gan, lợi thận... Đối với đảng sâm Đà Lạt, bác sĩ Trịnh cho biết cũng chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tính dược liệu.

Tại Lâm Đồng, 10 năm trở lại đây đã ghi nhận hai ca tử vong sau khi uống rễ cây rừng ngâm rượu. Đa số rễ cây tìm thấy ở nhà nạn nhân đều không có nguồn gốc rõ ràng và uống chung với một số lá rừng.

“Việc sử dụng rễ cây rừng cần cẩn trọng. Phải có ý kiến của người có chuyên môn về cây thuốc”, bác sĩ Trịnh nói. Ông cho rằng không cần bàn đến các loại cây chưa được công nhận là cây dược liệu, ngay cả những loại cây dược liệu nếu thu hái và sử dụng không đúng cách cũng nguy hiểm.

Thứ nhất, trong cây dược liệu có nhiều hoạt chất khác nhau, có hoạt chất gây tác dụng phụ với những người có cơ địa không phù hợp từ đó gây ngộ độc, phải có chỉ dẫn phù hợp từ cách uống cho đến việc dùng hình thức nào để trích xuất hoạt chất (nấu nước hay ngâm rượu).

Thứ hai, rễ cây thuốc được thu hái bởi những người không có chuyên môn nên khó đảm bảo rằng không lẫn những loại rễ cây khác, trong đó có những loại rễ cây độc và cực độc.

Cũng cùng cảnh báo đó, thầy thuốc đông y Nguyễn Văn Tuy (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khuyến cáo: "Các loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường thật sự là họa nếu mua không đúng loại. Người dân khi bị bệnh, đau nên đến các cơ sở y tế, các tiệm thuốc để được thăm khám, chỉ định sử dụng thuốc".

Từ khóa » Các Loại Rễ Cây Làm Thuốc