Uống Thuốc Hạ Sốt đúng Cách Sẽ Không Gây Hại Cho Bé

Ảnh minh họa

Khi trẻ bị sốt cao và liên tục, mẹ phải cân nhắc dùng các loại thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại lo lắng cho bé khi dùng thuốc nhiều lần. Vậy mẹ nên chọn loại thuốc hạ sốt nào và cách dùng ra sao để hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn?

Các loại thuốc hạ sốt cho trẻ

Ngay cả khi dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em thì cũng nên có chỉ định của bác sĩ mới thật sự an toàn. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể cân nhắc cho bé dùng thuốc hạ sốt trong trường hợp không quá nghiêm trọng hoặc chưa kịp đưa bé đi bệnh viện.

Các loại thuốc hạ sốt phổ biến cho trẻ em mà mẹ có thể tìm mua tại các hiệu thuốc là paracetamol và ibuprofen.

Paracetamol: Đây là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả được hầu hết các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng nên mẹ có thể mua dự trữ sẵn trong nhà. Thuốc có thể dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

Ibuprofen: Tác dụng của ibuprofen mạnh hơn paracetamol, nhưng mẹ chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ vì thuốc hạ sốt này có nhiều tác dụng phụ. Thuốc có thể được chỉ định cho trẻ 3 – 6 tháng tuổi và có cân nặng trên 5kg.

Mẹ tuyệt đối không nên dùng ibuprofen để hạ sốt trong các trường hợp sau để tránh gây nguy hiểm cho bé:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi

- Trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết

- Trẻ bị dị ứng với ibuprofen, aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác

- Trẻ bị hen/suyễn hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận

Để giúp mẹ cho bé dùng thuốc dễ dàng hơn, các nhãn dược phẩm đã bào chế thuốc hạ sốt ở các dạng sau đây:

- Gói bột: Thuốc thường có vị ngọt và mùi hương thơm của các loại trái cây như: cam, chanh, dâu … Mẹ chỉ cần pha với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống ngay.

Nước sirô: Thuốc dễ sử dụng cho trẻ vì có nhiều mùi vị khác nhau, hiệu quả hạ sốt cũng tương tự dạng bột.

- Thuốc viên đạn: Đây là dạng tọa dược qua đường hậu môn thường có tác dụng hạ sốt chậm hơn dạng uống (gói bột hoặc siro).

Mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên đạn nhét hậu môn khi trẻ bị sốt li bì, nôn ói hoặc ngủ say để tránh làm bé thức giấc. Nếu trẻ có thể uống được thì mẹ nên cho bé dùng thuốc hạ sốt dạng gói bột hoặc nước siro để hấp thu nhanh chóng, hiệu quả và an toàn hơn.

Mẹ nên mua thuốc hạ sốt có nguồn gốc rõ ràng kèm theo hướng dẫn sử dụng cách dùng theo độ tuổi, cân nặng và bệnh lý.

Tại sao uống thuốc hạ sốt mà không giảm?

Mặc dù mẹ có thể dễ dàng tìm mua các loại thuốc hạ sốt cho trẻ em nhưng không phải lúc nào dùng cũng mang lại hiệu quả. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến tại sao uống thuốc hạ sốt mà không giảm.

Dùng không đúng liều lượng theo số kg của bé

Đây là nguyên nhân phổ biến đối với các mẹ chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt với liều lượng thấp so với cân nặng của trẻ thì thuốc sẽ khó phát huy tác dụng tối đa.

Liều dùng đúng là 10 - 15mg paracetamol/kg cân nặng, cách 4-6g/lần uống.

Ví dụ: Bé nặng 10kg thì nên dùng liều paracetamol 150mg. Nếu mẹ dùng liều paracetamol 80mg thì thuốc có thể chưa phát huy hết tác dụng hạ sốt cho trẻ.

Thuốc đã bị giảm tác dụng hoặc hết hạn sử dụng

Mặc dù các loại thuốc hạ sốt thường có hạn sử dụng 24 – 36 tháng nhưng đôi lúc mẹ có thể cho bé uống thuốc quá hạn sử dụng mà không biết.

Khi mẹ đã xé bỏ bao thuốc (dạng bột) hoặc cắt bỏ bao thiếc (dạng viên nang) mà không sử dụng hết thì cũng sẽ giảm tác dụng. Mẹ tận dụng phần thuốc còn dư này thì có thể sẽ không còn hiệu quả tối đa nữa.

Không kết hợp với cách hạ sốt cơ học bên ngoài

Thuốc hạ sốt được xem là một cách hạ sốt nhanh chóng và hiệu quả từ bên trong. Tuy nhiên, trẻ cũng cần được hạ sốt cơ học từ bên ngoài như mặc quần áo thoáng mát, chườm nước ấm …

Nếu mẹ chủ quan chỉ dùng thuốc hạ sốt thôi thì vẫn chưa đủ nên trẻ khó giảm thân nhiệt. Thuốc hạ sốt chỉ là một trong những cách giúp bé giảm thân nhiệt chứ không phải dùng một phát là hết sốt ngay.

Mặc quần áo quá dày hoặc đắp chăn

Nhiều trẻ bị sốt cao lại có dấu hiệu rét run khiến mẹ tưởng trẻ lạnh nên mặc quần áo dày, quần áo dài hoặc thậm chí đắp chăn. Đây cũng là một nguyên nhân tại sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không giảm.

Thậm chí, mẹ ủ ấm quá mức khi trẻ đang bị sốt còn có thể khiến thân nhiệt bé tăng cao lên hơn nữa đấy.

Bé bị sốt quá cao do bệnh chuyển biến nặng

Mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt do các vấn đề thông thường như mọc răng, tiêm ngừa … Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt do mắc bệnh thì có thể khó hạ sốt vì bệnh đã chuyển biến nặng hơn.

Bé có thể bị sốt vì các bệnh phổ biến như cảm cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi, tiêu chảy … Đối với các trường hợp này, mẹ chỉ dùng thuốc hạ sốt thôi vẫn chưa đủ mà cần có chỉ định điều trị bệnh của bác sĩ.

Hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng cách

Khi mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt mà không giảm thì sẽ rất nguy hiểm vì bé có thể bị sốt cao hơn dẫn đến co giật. Vậy mẹ nên dùng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào mới đúng cách?

Sau đây là những lưu ý quan trọng mà mẹ nên nhớ khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ:

Thời điểm: Mẹ chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt cao từ 38,5°C trở lên. Nếu trẻ sốt nhẹ dưới 38,5°C, chỉ cần hạ sốt cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo thoáng mát kết hợp lau mát cho trẻ bằng nước ấm.

Loại thuốc: Nếu không có chỉ định của bác sĩ, mẹ đừng tự ý mua thuốc hạ sốt ibuprofen. Thuốc hạ sốt paracetamol tuy có tác dụng nhẹ hơn nhưng sẽ an toàn hơn cho trẻ em.

Liều lượng: Dựa theo cân nặng của trẻ, mẹ sẽ tính được liều lượng phù hợp. Nếu dùng paracetamol cho trẻ, liều lượng an toàn là 10-15mg/kg. Theo đó, 80mg dành cho trẻ 5-8kg, 150mg dành cho trẻ 9-15kg, 250mg dành cho trẻ 16-25 kg.

Khoảng cách: Khoảng cách 2 lần dùng paracetamol là 4 – 6 tiếng. Mẹ không nên cho con uống quá 5 liều giảm sốt liên tục trong vòng 24 giờ đồng hồ nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Dù mang lại hiệu quả hạ sốt nhanh nhưng cách dùng thuốc hạ sốt quá liều, quá nhiều lần có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, thậm chí là tử vong. Vì thế, mẹ hãy cho bé uống thuốc hạ sốt đúng cách để không gây hại cho bé nhé!

Đọc kỹ hướng dẫn sử dung trước khi dùng

Từ khóa » Thuốc Hạ Sốt Pha Với Sữa được Không