Ủy Thác Là Gì? Phân Biệt điểm Khác Biệt Giữa ủy Thác Và ủy Quyền?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Ủy thác là gì?
  • 2 2. Ưu, nhược điểm của ủy thác mua bán hàng hóa:
  • 3 3. Ủy quyền là gì?
  • 4 4. Phân biệt giữa ủy thác và ủy quyền:

1. Ủy thác là gì?

Ủy thác theo quy định tại Luật thương mại 2005 như sau: “Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.” (Điều 155). Như vậy, có thể thấy ủy thác là việc một bên ủy thác, nhân danh người ủy thác để làm một việc nhất định mà người ủy thác không thể làm trực tiếp hoặc không muốn làm.

Trong đó, bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác. Còn bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác. (Điều 156, Điều 157 Luật Thương mại năm 2005)

Trong lịch sử phát triển có rất nhiều phương thức giao dịch khác nhau, trong đó phương thức giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phổ biến nhất đó là phương thức giao dịch trực tiếp. Khi giao dịch trực tiếp, tức là người bán và người mua trực tiếp bàn bạc và thỏa thuận với nhau về các nội dung giao dịch như thỏa thuận về đối tượng, giá cả, thanh toán,… Tuy nhiên trên thực thế phương thức này có nhiều nhược điểm, từ đó mà trung gian thương mại nói riêng và ủy thác mua bán bán hóa nói chung đã ra đời. Trong các dịch vụ trung gian thương mại liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, nhất là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thì ủy thác mua bán hàng hóa là phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

2. Ưu, nhược điểm của ủy thác mua bán hàng hóa:

Trên thực tế, hoạt động ủy thác thể hiện ở rất nhiều ưu điểm như:

Người nhận ủy thác thường hiểu rõ và nắm bắt đầy đủ thông tin thị trường, am hiểu pháp luật và tập quán địa phương, do đó có khả năng đẩy mạnh việc buôn bán, phòng tránh hoặc giảm thiểu rủi ro cho người khác. Điều này đặc biệt có lợi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động xuất nhập khẩu ở nước ta. Khi một doanh nghiệp muốn thâm nhập và thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường mới mà không am hiểu về pháp luật và tập quán thương mại ở nước đó, đồng thời cũng không có khả năng tự tìm hàng tiêu thụ sản phẩm thì việc sử dụng dịch vụ thương mại qua trung gian, đặc biệt là hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa sẽ có vai trò quan trọng, khắc phục được những hạn chế trên.

Bên cạnh đó, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa góp phần phát triển nền kinh tế đất nước, tăng thu ngân sách. Trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu là lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt. Hoạt động xuất nhập khẩu muốn được đẩy mạnh phải tìm được đầu mối xuất nhập khẩu, tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Dịch vụ ủy thác đã góp phần không nhỏ đối với những doanh nghiệp không đủ điều kiện trực tiếp xuất nhập khẩu, không tìm được đầu mối để xuất nhập khẩu.

Nhờ vào dịch vụ ủy thác trong việc lựa chọn, phân loại đóng gói, người ủy thác có thể giảm bớt chi phí vận tải. Người nhận ủy thác thường có sẵn cơ sở vật chất, khi sử dụng dịch vụ này, người ủy thác đỡ được khoản đầu tư đáng kể so với trường hợp nhà sản xuất, kinh doanh tự mình tổ chức phân phối hàng, tự tìm bạn hàng, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng.

Và các nhà kinh doanh có thể tổ chức một hệ thống rộng rãi các trung gian tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ do tiết kiệm được chi phí khi sử dụng dịch vụ ủy thác. Người ủy thác có thể mở rộng thêm thị trường, dần dần hình thành mạng lưới buôn bán để chiếm lĩnh thị trường.

Bên cạnh các ưu điểm, thì hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa cũng có những nhược điểm như:

Khi thực hiện hoạt động thương mại được thực hiện thông qua người trung gian, người sử dụng dịch vụ trung gian thương mại sẽ có nguy cơ bị mất mối liên hệ trực tiếp với thị trường và đối tác.

Thứ hai, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của người ủy thác bị chia sẻ do họ phải trả một khoản tiền thu lao khi sử dụng dịch vụ ủy thác của người nhận ủy thác.

Và người ủy thác luôn ở thế bị động trong việc tiếp cận thị trường và đối thác, họ phụ thuộc vào người nhận ủy thác. Nếu người nhận ủy thác làm việc kém hiệu quả, không thành công hay gian lận, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại, tổn thất, bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh… thì người ủy thác sẽ phải chịu trách nhiệm.

3. Ủy quyền là gì?

Tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Từ đó có thể thấy quan hệ đại diện phát sinh từ các căn cứ đó chính là:

– Đại diện theo pháp luật thì bao gồm đại diện theo quy định của pháp luật và theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Đại diện theo ủy quyền theo sự thỏa thuận của các bên.

Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự thỏa thuận của các bên. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự do xác lập, thực hiện, định đoạt các hành vi không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội để phục vụ cho nhu cầu, sở thích của mình, quyền và lợi ích của người khác. Khi bên ủy quyền và bên được ủy quyền xác lập một quan hệ ủy quyền, tức là đã xác lập sự thỏa thuận giữa các bên (có thể có thù lao hoặc không có thù lao). Theo đó bên được ủy quyền được thay mặt và nhân danh bên ủy quyền thực hiện một số hành vi nhất định trong phạm vi ủy quyền, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến quyền lợi của các bên ủy quyền hoặc của bên thứ ba liên quan. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Như vậy, có thể hiểu ủy quyền là việc một bên (được gọi là bên được ủy quyền) nhân danh một bên khác (được gọi là bên ủy quyền) để xác lập, thực hiện các giao dịch.

Ủy quyền làm phát sinh hai mối quan hệ cùng tồn tại, thứ nhất đó là quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền và thứ hai, đó là quan hệ giữa người ủy quyền người thứ ba.

Người được ủy quyền lập quan hệ với người thứ ba là nhân danh (đại diện) người ủy quyền chứ không phải nhân danh chính họ.

Mục đích người được ủy quyền xác lập quan hệ với người thứ ba là vì lợi ích của người ủy quyền, hiểu theo cách khác đó là quyền (lợi ích và nghĩa vụ trong quan hệ với người thứ ba là quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền.

Ủy quyền được xác lập trên cơ sở thỏa thuận. Khác với quan hệ đại diện theo pháp luật là loại đại diện bắt buộc và phải có người cho người được đại diện, thì ủy quyền là hình thức đại diện được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, có sự thống nhất ý chí giữa người ủy quyền và người được ủy quyền.

Quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền tùy thuộc vào nội dung ủy quyền (phạm vi ủy quyền). Người ủy quyền có thể ủy quyền cho người được ủy quyền có toàn quyền thực hiện công việc của mình hoặc chỉ được thực hiện một phần công việc. Người nhận ủy quyền cũng có toàn quyền thực hiện công việc hoặc chỉ là một phần quyền là do phạm vi ủy quyền thỏa thuận, cùng với nó sẽ xác định quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền.

4. Phân biệt giữa ủy thác và ủy quyền:

 Về khái niệm

Như trên đã viết, ủy thác là việc giao cho bên được ủy thác nhân danh bên ủy thác làm một việc nhất định mà người ủy thác không thể làm trực tiếp hoặc không muốn làm. Còn ủy quyền là việc giao cho một bên giao cho người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Như vậy, có thể thấy đối tượng được ủy thác, ủy quyền là khác nhau, một bên là một công việc nhất định (ủy thác) và quyền mà bên ủy quyền có (ủy quyền)

Lĩnh vực chủ yếu thực hiện:

– Ủy thác thông thường được thực hiện trong lĩnh vực thương mại (mua bán hàng hóa giữa cá nhân với pháp nhân hoặc giữa pháp nhân với pháp nhân), kinh doanh…

– Ủy quyền được thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả trong dân sự, tố tụng, và nhiều nhất là trong hoạt động đất đai, nhà cửa, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa cá nhân với nhau hoặc các yêu cầu giải quyết việc dân sự, tham gia quan hệ tố tụng khác.

Về chủ thể thực hiện:

Hoạt động ủy thác thông thường được thực hiện giữa pháp nhân với pháp nhân giặc giữa cá nhân với pháp nhân.

Còn hoạt động ủy quyền được thực hiện giữa cá nhân với cá nhân. Đối với trường hợp là pháp nhân thì người ủy quyền chính là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. 

Về hình thức thực hiện ủy thác, ủy quyền

Việc ủy thác của các bên thể hiện dưới dạng văn bản ủy thác, cụ thể là hợp đồng ủy thác. Như theo quy định tại “Điều 159. Hợp đồng ủy thác: Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”

Còn việc ủy quyền có thể được thực hiện dưới nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào từng trường hợp, có thể là Giấy ủy quyền; hợp đồng ủy quyền hoặc là quyết định ủy quyền.

Nội dung văn bản

Trong ủy thác hợp đồng ủy thác thể hiện rõ đầy đủ họ, tên, địa chỉ, trụ sở, tài khoản (nếu là pháp nhân), phạm vi, nội dung ủy thác, quyền, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên và do các người có đủ thẩm quyền ký kết vào hợp đồng.

Trong ủy quyền thì pháp luật không có yêu cầu cụ thể về nội dung văn bản, thông thường do 2 bên tự thỏa thuận.

Thù lao thực hiện

Trong ủy thác thì bắt buộc phải có thù lao. Thông thường là chi phí hoặc được trích trả một số tỷ lệ % tiền thu được để thực hiện công việc được ủy thác, do các bên thỏa thuận về mức thù lao. 

Trong ủy quyền, thì chỉ phải trả thù lao nếu 2 bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Giới hạn trách nhiệm của bên được giao thực hiện:

Ủy thác thì bên được ủy thác chỉ được làm và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi được ủy thác.

Ủy quyền thì về nguyên tắc là bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi được ủy quyền, tuy nhiên vẫn có trường hợp bên được ủy quyền được phép thực hiện các công việc ngoài phạm vi ủy quyền tuy nhiên phải được sự chấp thuận của bên ủy quyền.

Hậu quả pháp lý trong trường hợp thực hiện vượt quá giới hạn trách nhiệm:

Trong ủy thác thì bên được ủy thác phải tự chịu trách nhiệm về hành vi vượt giới hạn trách nhiệm ủy thác.

Trong ủy quyền thì hậu quả của hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền (nếu không có thỏa thuận hoặc sự chấp thuận của bên ủy quyền) thì bên được ủy quyền phải tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp ngoại lệ, thì bên ủy quyền biết về hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền nhưng không phản đối.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

Bộ luật dân sự năm 2015.

Luật thương mại năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Từ khóa » Các Loại ủy Thác