Vắc Xin Sởi - Quai Bị - Rubella Tiêm Mấy Mũi Là đủ? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về sởi, quai bị, rubella và vắc-xin phòng bệnh
  • Vắc-xin sởi – quai bị – rubella
  • Vắc-xin sởi – quai bị – rubella tiêm mấy mũi?
  • Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin sởi – quai bị – rubella
  • Giá tiêm vắc-xin sởi – quai bị – rubella
  • Một số lưu ý khi tiêm vắc-xin sởi – quai bị – rubella

Sởi, quai bị, rubella là những bệnh lý truyền nhiễm có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc tiêm ngừa phòng bệnh là cần thiết. Vậy, vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella tiêm mấy mũi là đủ? Cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Tổng quan về sởi, quai bị, rubella và vắc-xin phòng bệnh

1. Sởi1

Sởi là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, rất dễ lây lan. Nó được đặc trưng bởi triệu chứng:

  • Sốt, có thể sốt cao đến hơn 40°C.
  • Khó chịu.
  • Ho.
  • Sổ mũi.
  • Viêm kết mạc.
  • Ban đỏ.
  • Ban dát sẩn.

Sởi có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm thanh khí phế quản và tiêu chảy. Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, như: viêm não cấp tính, tổn thương não vĩnh viễn và thậm chí tử vong.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tình đường hô hấp
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tình đường hô hấp

2. Quai bị2

Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ paramyxoviruses gây ra. Bệnh lây lan qua đường giọt bắn và được biểu hiện qua các triệu chứng:

  • Sưng tuyến mang tai, có thể sưng cả 2 tuyến hoặc chỉ sưng 1 tuyến. Người bệnh sẽ cảm thấy đau, khó chịu, khó nuốt.
  • Đau đầu.
  • Đau khớp.
  • Khô miệng.
  • Đau bụng nhẹ.
  • Ăn không ngon.
  • Sốt.

Quai bị có thể dẫn đến viêm màng não nếu virus xâm nhập đến lớp ngoài của não. Những người bệnh đã qua tuổi dậy thì có thể gặp các biến chứng khác, như: sưng tinh hoàn (nam giới), sưng buồng trứng (nữ giới).

Sưng tuyến mang tai là dấu hiệu đặc trưng của quai bị
Sưng tuyến mang tai là dấu hiệu đặc trưng của quai bị

3. Rubella3

Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức, tuy nhiên, virus gây ra rubella khác với bệnh sởi.

Người bệnh rubella có các triệu chứng: phát ban đỏ, sốt nhẹ, đau đầu, mắt đỏ nhẹ, khó chịu, sưng hạch bạch huyết, ho, sổ mũi,…

Bệnh có thể lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Rubella cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như:

  • Sảy thai.
  • Thai chết lưu.
  • Dị tật bẩm sinh ở thai nhi: mất thính giác, thị giác, thiểu năng trí tuệ, tổn thương gan và lách, mắc các vấn đề về tim mạch,…

Một số biến chứng khác có thể kể đến của rubella là:

  • Viêm khớp (thường xảy ra ở nữ giới).
  • Nhiễm trùng não.
  • Xuất huyết.
Mẹ mắc rubella có thể truyền cho thai nhi và dẫn đến nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh ở trẻ
Mẹ mắc rubella có thể truyền cho thai nhi và dẫn đến nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh ở trẻ

Có thể thấy, cả 3 bệnh lý trên đều có thể lây lan và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc tiêm vắc-xin phòng ngừa sởi – quai bị – rubella là điều cần thiết.

Vắc-xin sởi – quai bị – rubella

Trước khi tìm hiểu tiêm phòng sởi, quai bị, rubella bao nhiêu mũi, mời bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về vắc-xin phòng ngừa 3 bệnh lý này.

Hiện nay, chúng ta có thể phòng ngừa cả 3 bệnh sởi, quai bị, rubella chỉ bằng một loại vắc-xin có tên là MMR. MMR là được giới thiệu lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, năm 1971. Vắc-xin này có thể tạo miễn dịch phòng 3 bệnh sởi – quai bị – rubella cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.4

Để hiểu rõ hơn về vắc-xin này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Vắc-xin Sởi, Quai bị, Rubella MMR: Những thông tin cần biết.

Vắc-xin sởi – quai bị – rubella tiêm mấy mũi?

Sởi – quai bị – rubella tiêm mấy mũi luôn là thắc mắc của nhiều người. Việc nắm rõ lịch tiêm, số mũi tiêm sẽ giúp quá trình tiêm chủng diễn ra suôn sẻ, đầy đủ, nâng cao hiệu lực của vắc-xin.

Mỗi người đều cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin MRR.

Đối với trẻ em từ 12 tháng đến 7 tuổi (chưa tiêm vắc-xin sởi hay MMR trước đó):5

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 3 tháng.

Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn:5

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 1 tháng.

Với nữ giới, nên hoàn thành liều tiêm MMR trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.5

Sởi – quai bị -rubella tiêm mấy mũi là thắc mắc của nhiều người
Sởi – quai bị -rubella tiêm mấy mũi là thắc mắc của nhiều người

Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin sởi – quai bị – rubella

Theo CDC, một mũi vắc-xin MMR có thể phòng ngừa 93% bệnh sởi, 78% bệnh quai bị và 97% bệnh rubella. Mũi thứ hai có thể ngừa sởi 97% và ngừa quai bị 88%.6

Một số trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc-xin MMR vẫn có thể mắc sởi, quai bị, rubella nếu tiếp xúc với virus gây ra bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh sẽ nhẹ hơn nếu bạn đã tiêm phòng đủ vắc-xin.6

Giá tiêm vắc-xin sởi – quai bị – rubella

Hiện tại, bạn đọc và gia đình có thể thực hiện tiêm vắc-xin MMR tại các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Bảng dưới đây sẽ thống kê một số trung tâm tiêm ngừa MMR, kèm theo bảng giá. Bạn đọc có thể xem và nắm thêm thông tin nhé!

Tên đơn vị tiêm chủng Giá vắc-xin tham khảo
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc MMR II (Mỹ): 305.000 VNĐ.

MMR (Ấn Độ): 205.000 VNĐ.

Viện Pasteur TP.HCM 265.000 VNĐ
Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh MMR (Ấn Độ) 187.000 VNĐ – 214.000 VNĐ.

MMR II (Mỹ) 216.000 VNĐ – 243.000 VNĐ.

Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt 280.000 VNĐ.

Bạn đọc lưu ý, bảng thống kê trên chỉ mang tính tham khảo. Vẫn còn các trung tâm tiêm ngừa khác trên toàn quốc. Giá vắc-xin cũng có thể thay đổi tùy theo thời điểm tiêm chủng.

Một số lưu ý khi tiêm vắc-xin sởi – quai bị – rubella

Đường tiêm5

Vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella được tiêm dưới da, không tiêm vào tĩnh mạch.

Phản ứng phụ7

Vắc-xin sởi, quai bị, rubella có thể gây ra các phản ứng phụ như:

  • Phản ứng tại vị trí tiêm: đau, sưng tại vị trí tiêm.
  • Phản ứng toàn thân: sốt, phát ban nhẹ, sưng má hoặc cổ, đau hoặc cứng khớp tạm thời. Có thể bị sốt co giật nhưng phản ứng này hiếm khi xảy ra.
Có thể bị sốt, nổi ban nhẹ,… sau khi tiêm phòng sởi – quai bị - rubella
Có thể bị sốt, nổi ban nhẹ,… sau khi tiêm phòng sởi – quai bị – rubella

Đối tượng chống chỉ định6

Một số đối tượng không nên tiêm vắc-xin MMR hoặc nên trì hoãn tiêm. Có thể kể đến như:

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai.
  • Người bị suy giảm miễn dịch do bệnh tật (ung thư, HIV/AIDS,…) hoặc do các điều trị y tế (xạ trị, hóa trị liệu, steroid,…). Có người thân trong gia đình gặp vấn đề về hệ thống miễn dịch.
  • Có tiền sử bệnh lý khiến cơ thể dễ bị bầm tím, chảy máu.
  • Đã truyền máu hoặc được truyền máu thời gian gần đây. Trường hợp này có thể hoãn tiêm.
  • Bệnh nhân lao phổi.
  • Đã tiêm một loại vắc-xin khác trong vòng 4 tuần vừa qua.
  • Người mắc một số bệnh lý từ vừa đến nghiêm trọng. Nên thông báo rõ ràng với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi tiến hành tiêm.

Hy vọng bài viết đã giải đáp cho độc giả câu hỏi “vắc-xin sởi – quai bị – rubella tiêm mấy mũi?”. Việc tiêm vắc-xin phòng 3 bệnh lý trên rất quan trọng. Do đó, bạn đọc và gia đình nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng với lịch tiêm nhé!

Từ khóa » Tiêm Vacxin Sởi Mấy Mũi Là đủ