Vắc Xin Sởi - Quai Bị - Rubella Tiêm Mấy Mũi?

1. Những điều cần biết về Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella

Vắc xin 3 trong 1 Sởi - Quai bị - Rubella MMR II là loại phổ biến nhất, đã được áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia mà bộ Y tế tổ chức. Đây là loại vắc xin sống, giảm độc lực, giúp cơ thể phòng ngừa đồng thời 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm: Sởi, quai bị và Rubella.

Những bệnh lý này đều có khả năng truyền nhiễm lây lan nhanh, có nguy cơ dẫn tới biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Bệnh sởi

Bệnh sởi thường gây phát ban toàn thân, sốt, ho khan, chảy nước mũi, sưng mí mắt,… Nếu không can thiệp y tế sớm, bệnh có thể gây viêm phổi, động kinh, tổn thương não, nhiễm trùng tai và tử vong. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai mắc sởi trong thai kì có nguy cơ thai nhi bị dị dạng thai, sảy thai, sinh non, thai chết lưu.

Bệnh quai bị

Quai bị gây triệu chứng điển hình là tình trạng sưng đau vùng mang tai, đau cơ, sốt, khó nhai, đau đầu,… Quai bị diễn tiến có thể gây điếc, viêm màng não, viêm buồng trứng, sưng đau tinh hoàn và dẫn tới vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc quai bị trong thai kỳ có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh, sinh non, thai chết lưu.

Rubella rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Rubella rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Bệnh Rubella

Rubella gây bệnh điển hình với triệu chứng phát ban toàn cơ thể, sốt nhẹ và viêm khớp. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Nếu phụ nữ mang thai mắc Rubella trong 3 tháng đầu, bác sỹ sẽ cân nhắc việc dừng thai kì vì nguy cơ trẻ dị dạng và chết lưu cao.

Cả 3 căn bệnh truyền nhiễm này đều lây lan nhanh qua đường hô hấp, tạo thành dịch nguy hiểm, nhất là với người chưa từng có miễn dịch trước đó. Do đó, tiêm phòng vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella được khuyến cáo nên thực hiện với người dân nhằm phòng bệnh chủ động và hiệu quả.

2. Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella tiêm mấy mũi?

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella có thể áp dụng cho cả trẻ em và người lớn (trẻ em trên 1 tuổi) chưa được tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm cơ bản hoặc chưa từng tiêm phòng. Với người lớn đã từng mắc cả 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella thì sẽ kiểm tra miễn dịch để có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không.

Tiêm phòng vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella gồm 2 mũi tiêm cơ bản

Với trẻ em

Tiêm tại các thời điểm sau:

  • Mũi tiêm 1: Khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi.

  • Mũi tiêm 2: Khi trẻ được 4 - 6 tuổi (có thể tiêm sớm hơn tùy vào tình trạng của trẻ, nhưng cần đảm bảo cách mũi tiêm thứ nhất ít nhất 28 ngày).

Trẻ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin cơ bản

Trẻ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin cơ bản

Trong những trường hợp đặc biệt, trẻ có thể tiêm phòng vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella kết hợp từ khi 9 - 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, chỉ tiêm cho trẻ độ tuổi này khi trẻ đang sống trong vùng có dịch mà chưa có miễn dịch kháng bệnh, khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Lúc này, mũi tiêm sớm nhất tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 vào lúc trẻ 15 - 18 tháng tuổi và mũi tiêm thứ 3 cách mũi tiêm trước từ 3 - 5 năm.

Người lớn

Trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn cũng thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella cơ bản. Mũi thứ nhất tiêm vào thời điểm chỉ định, mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. Riêng với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần hoàn tất mũi tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella cuối cùng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

3. Một số rủi ro có thể gặp khi tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella

Cũng như bất cứ loại vắc xin, dược phẩm nào thì vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella có thể gây ra một số rủi ro sau tiêm, như phản ứng phản vệ hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Khả năng dẫn tới bệnh chứng nguy hiểm hoặc tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella rất hiếm.

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella an toàn với trẻ nhỏ

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella an toàn với trẻ nhỏ

Tuy nhiên, vắc xin đã được kiểm tra độ an toàn qua nhiều nghiên cứu và lưu hành trên thế giới nhiều năm, do đó bạn cũng có thể yên tâm. So với việc mắc những bệnh lý này thì việc tiêm phòng vắc xin an toàn, chủ động hơn nhiều cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Sau tiêm, thường trẻ có phản ứng sốt nhẹ, có thể có phát ban, chán ăn, bỏ bú,… Những tác dụng phụ này sẽ hết sau khoảng 1 - 2 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, các trường hợp đang sốt, nhiễm trùng cấp tính tiến triển thì không nên tiêm mà cần lùi lịch tiêm tới khi sức khỏe đảm bảo.

Để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa nguy hiểm do phản ứng phản vệ, dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin, trẻ em và người lớn cần ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút. Mọi phản ứng bất thường của cơ thể sẽ được xử lý kịp thời ngay tại Trung tâm tiêm chủng. Sau đó, bạn tiếp tục theo dõi trong 24 giờ và kịp thời báo với bác sỹ, nhân viên y tế nếu có bất cứ bất thường nào.

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella hiện đã được áp dụng trong Chương trình tiêm chủng hàng năm cho trẻ em. Phụ huynh có thể đưa trẻ tới các trung tâm tiêm chủng để tham gia.

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella trong tiêm chủng mở rộng

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella trong tiêm chủng mở rộng

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella tiêm mấy mũi và những vấn đề liên quan. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy liên hệ với MEDLATEC để được giải đáp từ các bác sỹ hàng đầu trong ngành.

Từ khóa » Tiêm Vắc Xin Sởi Mấy Mũi Là đủ