Vài Nét Sơ Lược Về Thành Phố Bạc Liêu Thuộc Tỉnh Bạc Liêu - Tpbl

Thành phố Bạc Liêu với vị trí là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật, dịch vụ, an ninh – quốc phòng của tỉnh Bạc Liêu, là đầu mối giao thương với các tỉnh.

Thành phố Bạc Liêu nằm ở vị trí địa lý từ 9016’5’’ vĩ độ Bắc 105045’6’’ kinh độ Đông. Địa giới hành chính của thành phố Bạc Liêu: phía Đông giáp huyện Vĩnh Châu – tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp huyện Hòa Bình, phía Nam giáp Biển Đông, phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Vĩnh Lợi, có diện tích tự nhiên là 17.538,19 ha. Cách thành phố Hồ Chí Minh 280 km Cách thành phố; cách thành phố Cà Mau 67 km về phía Tây Bắc; cách thành phố Cần Thơ 110km về phía Nam (theo Quốc lộ 1A). Dân số của thành phố là 155.519 người (có 03 dân tộc chính: Kinh, Hoa, Khmer); với 10 đơn vị hành chính cấp xã (07 phường, 03 xã) được chia thành 67 khóm, ấp. Với vị trí là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật, dịch vụ, an ninh quốc phòng của tỉnh, là đầu mối giao thương với các tỉnh. Thành phố Bạc Liêu có đầy đủ những ưu thế để phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Nét đặc trưng và cũng là niềm tự hào của nhân dân thành phố Bạc Liêu là nơi sinh ra bài “Dạ cổ Hoài lang”, với các giai thoại về Công tử Bạc Liêu; về gốc xoài có niên đại 300 năm tuổi đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản, đồng hồ Thái Dương (hay còn gọi là đồng hồ đá), khu du lịch sinh thái sân chim, vườn nhãn, công trình nhà máy điện gió, khu du lịch tâm linh Quán âm phật đài...

Trong thời gian qua, cùng với sự nổ lực quyết tâm của các cấp, các ngành từ đó tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Bạc Liêu luôn được duy trì và phát triển ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành đạt được nhiều kết quả nổi bật: Kinh tế thành phố hàng năm luôn ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; lạm phát từng bước được kiểm soát; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế kịp thời; sản suất công nghiệp tiếp tục được giữ vững; hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch phát triển mạnh. Đặc biệt, vào ngày 16 tháng 4 năm 2014, thành phố Bạc Liêu vinh dự được chính phủ ra Quyết định số 537/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về việc công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu và được tổ chức Lễ công bố quyết định một cách trọng thể vào dịp Festival Đờn ca tài tử Quốc gia Bạc Liêu năm 2014. Để đạt được thành tụ trên Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên tạo ra những bước đột phá về phát triển đô thị, công trình hạ tầng cơ sở đã được cải thiện đáng kể, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố.

Mạng lưới chiếu sáng đô thị của thành phố được mở rộng và phủ kín địa bàn. Hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện có 02 nhà máy nước với công suất khai bình quân 138 lít/người/ngày. Vào Ngày 17 tháng 01 năm 2016 nhà máy điện gió Bạc Liêu chính thức được khánh thành, đưa vào hoạt động 62 turbine gió có tổng công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu KWh/năm. Tính từ trụ turbine gió đầu tiên được hòa vào lưới điện quốc gia từ tháng 5-2013 đến thời điểm khánh thành dự án tổng sản lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia là 130 triệu KWh, doanh thu từ bán điện 150 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 15 tỷ đồng.

Sau khi được công nhận là đô thị loại II, Thương mại - du lịch có bước phát triển mạnh mẽ tổng mức bán lẻ thương mại - dịch vụ ước cả năm 7.486 tỷ 819 triệu đồng, tăng 17% so với năm 2014 thành phố hiện có 4600 cở sở kinh doanh thương mại, dịch vụ với 15.802.100 đồng, bước đầu đáp ứng được sự phát triển của ngành kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ của thành phố. Nhiều khu di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh được đầu tư, tôn tạo và nâng cấp, như: Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu, khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch sinh thái sân chim Bạc Liêu, khu du lịch vườn nhãn, khu du lịch nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Quán Âm Phật Đài, Nhà máy Điện gió, chùa Xiêm Cán, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, các nhà hàng, khách sạn, khu ẩm thực… Mạng lưới chợ trung tâm, chợ phường được nâng cấp cải tạo, các khu phố chợ, chợ khu vực cũng được chỉnh trang đầu tư nâng cấp. Hiện thành phố có 05 trung tâm thương mại: Chợ Bạc Liêu , siêu thị Vinmart, siêu thị Co.opmart, siêu thị điện máy xanh, siêu thị điện máy Chợ lớn.

Những thay đổi về hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố đã từng bước cải thiện diện mạo đô thị, tạo ra nền tảng để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào thành phố, nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của thành phố về phát triển kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ. Hiện trên địa bàn thành phố đã và đang được các nhà đầu tư vào khai thác như: Nhà máy Bia Sài Gòn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương mại, du lịch Công Lý, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát, Công ty Địa ốc, Công ty cổ phần Minh Thắng và nhiều nhà đầu tư khác…

Nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khá ổn định. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 19,38%; trong đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 18,56%, xây dựng tăng bình quân 21,03%. Hiện nay thành phố đã được đầu tư phát triển khu phức hợp sản xuất nuôi tôm chất lượng cao, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của tập đoàn Việt Úc tại xã Hiệp Thành với tổng diện tích 315 ha. Riêng về đánh bắt thủy sản, có 305 phương tiện đang hoạt động với 2.306 lao động. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản đạt 38.545 tấn trong đó sản lượng NTTS là 19.895 tấn, sản lượng đánh bắt hải sản là 18.650 tấn.

Về nông ngiệp: Tổng đàn gai súc, gia cầm trên địa bàn thành phố phát triển tương đối ổn định: Ước tính, tổng đàn gia súc 16.626 con, gia cầm 26.672 con. Ngoài ra thành phố còn có một số mô hình nuôi động vật hoang dã (cá sấu, nhiếm, heo rừng, đà điểu.....) đang phát triển với số lượng 36.179 con.

Về kinh tế hợp tác Hợp tác xã, thành phố hiện có 10 hợp tác xã, 113 tổ hợp tác, 68 trang trại. Nhìn chung tình hình kinh tế của thành phố phát triển ổn định tốc độ tăng trưởng GRDP ước năm 2015 đạt 16,63%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 55,10 triệu đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 chỉ còn 0,9% hộ; hơn 94% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 67 khóm, ấp đều đạt chuẩn văn hóa, 1 xã đạt chuẩn xã Văn hóa Nông thôn mới, 3 phường đạt chuẩn Phường Văn minh đô thị. Chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng được nâng cao, nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bạc Liêu; thành phố đã được công nhận hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình và trẻ em cũng được thực hiện khá tốt, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ổn định ở mức 0,9 %/năm.

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân luôn được củng cố, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Từ khóa » Tp Bac Lieu Thuoc Tinh Nao