Vài Nét Về Chế độ Toàn Quyền Của Thực Dân Pháp ở Đông Dương

Đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương là Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine). Đứng đầu Phủ Toàn quyền là viên Toàn quyền người Pháp.

Để hình thành nên chế độ Toàn quyền Đông Dương, không phải ngay từ khi đặt chân đến Đông Dương chúng đã đặt ra chế độ này mà phải trải qua một thời gian, ban đầu là “Đô đốc và Thống đốc” (Amiraux et Gouverneurs) tức là chế độ “Quân quản” do các Đô đốc Hải quân lãnh đạo, từ khoảng năm 1858.

Sự ra đời của chế độ “Toàn quyền Đông Dương” nhằm đáp ứng những mục đích mới của thực dân Pháp đối với Đông Dương với những tham vọng lớn lao, lâu dài của chúng về vùng đất giàu đẹp đầy hấp dẫn này.

I. Chế độ Toàn quyền Đông Dương và phạm vi trách nhiêm, quyền hạn của viên Toàn quyền Đông Dương

1. Chế độ Toàn quyền Đông Dương

Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương, chúng chia Đông Dương thành năm “xứ” (pays), gồm: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinhchine) , Lào (Laos) và Cao Miên (Cambodge). Trong năm “xứ” này chúng lại chia thành hai khối với hai chế độ chính trị khác nhau: khối thứ nhất chúng gọi là “Xứ bảo hộ” (Pays de protectorat), gồm có: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Cao Miên, đứng đầu mỗi “xứ” là một viên “Thống sứ” (Résident supérieur) người Pháp. Khối thứ hai chúng gọi là “Thuộc địa” (Colonie) chỉ có Nam Kỳ, đứng đầu là viên “Thống đốc” (Gouverneur) cũng là người Pháp.

Bằng Sắc lệnh ngày 17- 10 -1887 (1) Pháp thống nhất ba “xứ”: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên nhập với Nam Kỳ thành một khối gọi là “Liên hiệp Đông Dương” (Union indochinoise) và thuộc quyền Bộ Thuộc địa (Ministère des Colonies) còn Lào thì mãi đến ngày 03-10-1893 mới nhập vào “Khối Liên hiệp” này. Sắc lệnh này cũng đặt ra chức danh: “Toàn quyền Đông Dương” (Gouverneur général de l’Indohchine) là người Pháp, thay mặt cho Chính phủ Cộng hòa Pháp để cai trị toàn bộ “Khối Liên hiệp”.

Như vậy, Sắc lệnh ngày 17-10-1887 là sắc lệnh đầu tiên đặt ra “Chế độ Toàn quyền Đông Dương” và chức danh “Toàn quyền Đông Dương”.

Sắc lệnh này được thi hành một thời gian khá dài, cho đến ngày 20-10-1911 Tổng thống Pháp ban hành 4 sắc lệnh mới, thay thế sắc lệnh này, trong đó sắc lệnh thứ nhất quy định: “Toàn quyền Đông Dương là người được Chính phủ Cộng hòa Pháp uỷ cho mọi quyền hạn thay mặt cho Chính phủ Cộng hòa Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền lãnh đạo về mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, luật pháp được toàn quyền hành động”. Thời kỳ đầu, viên “Toàn quyền Đông Dương” được chọn trong số các nghị sỹ (Sénateur) Thượng Viện (Sénat) của Pháp với nhiệm kỳ 3 năm, sau này Pháp không cử nghị sỹ làm Toàn quyền nữa mà cử những tên thực dân cáo già ở các thuộc địa giữ chức vụ này.

Dinh Phủ Toàn quyền Đông Dương đầu thế kỷ XX ở Hà Nội (Nay là Phủ Chủ Tịch nước ta)

2. Phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của viên Toàn quyền Đông Dương (2)

a. Về mặt luật pháp (Attributions en matière de législation)

Toàn quyền chịu trách nhiệm ban hành các luật, sắc luật trong trường hợp các luật, sắc luật ấy có ghi rõ là áp dụng ở Đông Dương. Nếu những luật, sắc luật nào không ghi rõ áp dụng ở Đông Dương thì trước khi ban hành, Toàn quyền phải đề nghị về chính quốc (bên Pháp), khi được chính phủ Pháp đồng ý thì Toàn quyền mới được phép ban hành để thực hiện văn bản đó ở Đông Dương.

b. Về mặt hành chính (Attributions adminỉstratiives):

Toàn quyền là thủ lĩnh tối cao ở Đông Dương, điều hành tất cả các cơ quan hành chính dân sự, cụ thể là: ấn định về tổ chức của tất cả các cơ quan hành chính, duyệt cấp các đồn điền có diện tích từ 1.000 ha đến 4.000 ha, quyết định việc xây dựng các tuyến đường sắt, ra lệnh kiểm duyệt sách báo và xuất bản phẩm lưu hành ở Đông Dương, cấm lưu hành các sách, báo xuất bản ở Đông Dương không phải bằng tiếng Pháp (sắc lệnh ngày 30-10-1898 đối với Nam Kỳ và 04-10-1927 đối với các “Xứ thuộc địa”).

c. Về mặt tài chính (Attributions financières):

Toàn quyền là phó chủ tài khoản của ngân sách thuộc địa nhưng là chủ tài khoản của ngân sách Đông Dương.

d. Về thuế khoá (Attributions fiscales):

Chỉ riêng Toàn quyền có thẩm quyền quyết định và đặt ra các loại thuế ở Đông Dương, như: thuế trực thu (impôt direct) hoăc thuế gián thu và các loại thuế khác…

e. Về mặt tư pháp (Attributions judiçiaires):

Về phương diện tư pháp công quyền thì áp dụng như bên chính quốc (bên Pháp) theo Bộ Tư pháp của Pháp quy định, Toàn quyền có thể thay đổi tổ chức Tư pháp ở thuộc địa, chỉ thị cho Tổng Chưởng lý (Procureur général) điều hành xét xử của các phiên toà và bổ nhiệm các Chánh án Tòa án Thượng thẩm (Cour d’Appel) ở Hà Nội, Sài Gòn, Lào, Cao Miên.

f. Về ngoại giao (Attributions diplomatiques):

Toàn quyền là người duy nhất ở Đông Dương có thể quan hệ trực tiếp với tất cả các viên chức ngoại giao và các viên Lãnh sự ở các nước vùng Viễn Đông nhưng không được mở các cuộc đàm phán ngoại giao khi chưa được phép của Chính phủ bên chính quốc (bên Pháp). Đối với các nước “bảo hộ”, chỉ riêng Toàn quyền có thẩm quyền ký các nghị định phê chuẩn việc thực hiện các đạo dụ và định ước về chủ quyền lãnh thổ.

g.Về quân sự (Attributions militaires):

Toàn quyền chịu trách nhiệm về các lực lượng quân đội bảo vệ trong và ngoài lãnh thổ Đông Dương, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thuộc địa Pháp (Ministère des Colonies).

-Toàn quyền có quyền điều động các lực lượng Lục quân và Hải quân đóng trên lãnh thổ Đông Dương, mở cuộc hành quân và thay đổi các cuộc hành quân đều phải được sự đồng ý của Toàn quyền, trừ trường hợp khẩn cấp để đẩy lùi một cuộc xâm lăng;

-Toàn quyền quyết định việc thành lập, tổ chức và xóa bỏ các “Đạo quân binh” (Territoire militaire);

(Đây là những địa hạt quân sự do Pháp thành lập riêng ở Bắc Kỳ, tất cả có 04 “Đạo quân binh” ở các tỉnh là: Cao Bằng, Hà Giang, Hải Ninh và Lai Châu)

-Toàn quyền ban bố tình trạng thiết quân luật (l’état de siège) ở một bộ phận hoặc toàn bộ lãnh thổ Đông Dương.

II. Danh sách theo thời gian các viên Toàn quyền Đông Dương

(từ năm 1887 đến 1945)

1. Constant: Toàn quyền Đông Dương (TQĐD) tạm thời từ 16-11-1887 đến 21-4-1888.

2. Richaud: Tổng trú sứ Bắc Kỳ và Trung kỳ (Résident général de l’Annam et du Tonkin từ 22-4-1888, bổ nhiệm TQĐD chính thức theo SL ngày 08-9-1888.

3. Piquet: Bổ nhiệm TQĐD theo SL ngày 10-5-1889, nhậm chức ngày 31-5-1889.

4. Bideau: Quyền Toàn quyền Đông Dương (Quyền TQĐD) từ 13-4-1891 đến 25-6-1891.

5. De Lanessan: Bổ nhiệm TQĐD theo SL ngày 21-4-1891, nhậm chức ngày 26-6-1891.

6. Chavassieux: Thống sứ Bắc Kỳ, Quyền TQĐD từ 10-3 đến 26-10-1891.

7. Rodier: Thống sứ Bắc Kỳ, Quyền TQĐD từ 30-12-1894 đến 15-3-1895.

8. Rouseau Armand: bổ nhiệm TQĐD ngày 29-12-1894, nhậm chức ngày 15-3-1895.

9. Fourès: Thống sứ Bắc Kỳ, Quyền TQĐD từ 10-12-1896 đến 12-2-1897.

Chân dung Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (Tên ông ấy gắn với cây cầu Long Biên trên sông Hồng ở Hà Nội - cầu "Đu-me"). Ảnh: Tư liệu, sưu tầm

10. Josephe Athanase Paul Doumer:

TQĐD từ 13-02-1897 đến tháng 10-1902.

Fourès: Thống sừ Bắc Kỳ, Quyền TQĐD từ 29-9-1898 đến 24-01-1899.

11. Bronie: Giám đốc các công việc dân sự ở Đông Dương (Dỉecteur des Afairres civiles de l’Indochine), Q.TQĐD từ 16-02-1901 đến 20-8-1901.

Tiếp đó Bronie là Q.TQĐ D từ 14-3-1902 đến 14-10-1902.

12. Beau Paul: TQĐD từ 15-10-1902.

Bronie: Phó Toàn quyền từ 01-7-1905 đến 06-12-1905,

Quyền TQĐD từ 28-7-1906 đến 02-01-1907.

13. Bonhoure: Thống đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine), Quyền TQĐD từ 28-02 đến 23-9-1908.

14. A.Klobukowski: Bổ nhiệm TQĐD theo SL ngày 26-6-1908, nhậm chức ngày 24-9-1908.

15. Picquet Albert: Tổng Thanh tra Thuộc địa hạng nhất (Inspecteur des Colonies de 1ère classe), Cố vấn nhà nước, Đại lý Toàn quyền (Conseiller d’Etat, Délégué dans les fonctions de Gouvernneur général) từ 13-01 đến 11-6-1910.

16. Luce: Khâm sứ Cao Miên (Résident supérieur au Cambodge), Quyền TQĐD từ 17-02 đến 14-11-1911.

17. Sarraut Albert: Nghị sỹ (Sénateur), bổ nhiệm TQĐD theo SL ngày 01-6-1911.

18. Vanvollenhoven: Phó Toàn quyền (Secrétaire général du Gouvernement général) chịu trách nhiệm điều hành các công việc của Phủ Toàn quyền từ 04-01 đến 04-8-1914.

Đại lý Toàn quyền (Délégué du Gouverneur généal) theo sắc lệnh ngày 05-8-1914.

19. Roume: Bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 26-01-1915, nhậm chức ngày 05-3-1915.

20. Charles, Jeaneugène: Khâm sứ Trung Kỳ (Résident supérieure en Annam), Quyền TQĐD từ 23-5-1916 đến 21-01-1917.

Saurraut Albert: Nghị sỹ (Sénateur), bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 07-11-1916, nhậm chức ngày 22-01-1917.

21. Monguillot Maurice Antoine François: Phó Toàn quyền (Secrétaire général) của Phủ Toàn quyền, Quyền TQĐD từ 22-5-1919 đến 19-02-1920.

22. Long Maurice: Nghị sỹ, bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 10-12-1919, nhậm chức 20-02-1920, đi công cán về Pháp ngày 18-11-1920.

23. Le Galen Maurice: Thống đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine), Quyền TQĐD từ 18-11-1920 đến 31-3-1921.

Long Maurice: Nghị sỹ, TQĐD từ 01-4-1921, trở về Pháp công cán ngày 15-4-1921, bị chết ở Cô-Lôm-bô ngày 15-11-1923 trong chuyến quay trở lại Thuộc địa.

24. Beaudoin françois: Khâm sứ Cao Miên, Quyền TQĐD từ 15-4-1922 đến 09-8-1923.

25. Merlin Martial: Toàn quyền Tây Phi thuộc Pháp (Gouverneurr général de l’Afrique occidentale française), bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 20-02-1923, nhậm chức ngày 10-8-1923.

Monguillot Maurice Antoine François: Thống sứ Bắc Kỳ , Quyền TQĐD từ 23-4-1925 đến 17-11-1925.

26. Varene Alexandrre: Nghị sỹ, bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 28-7-1925, nhậm chức ngày 18-11-1925, đi công cán về Pháp ngày 04-10-1926.

27. Pasquier Pierre: Khâm sứ Trung Kỳ, Quyền TQĐD từ 04-10-1926 đến 16-5-1927.

Varene Alexandrre: Nghị sỹ, TQĐD từ 17-5-1927.

Monguillot Maurice Antoine François: Phó Toàn quyền, Quyền TQĐD từ ngày 01-11-1927.

28. Robain Rene: Thống sứ Bắc Kỳ, Quyền TQĐD từ 07-8-1928 đến 26-12-1928.

Pasquier Pièrre: Thống sứ Bắc Kỳ hạng nhất, bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 23-8-1928, nhậm chức ngày 26-12-1928, trở về Pháp công cán ngày 01-12-1930.

Robin René: Thống sứ Bắc Kỳ, Quyền TQĐD từ 01-12-1930 đến 30-8-1931.

Pasquier Pièrre: TQĐD từ 30-6-1931, trở về Pháp công cán ngày 04-01-1934, bị chết ngày 15-01-1934 trên máy bay “Emeraude” do bị cháy ở Corbiguy gần Nevers.

29. Graffeuil Maurice Fernand: Thống sứ Bắc Kỳ, Phó Toàn quyền, TQĐD từ 23 đến 29-8-1939, bổ nhiệm theo sắc lệnh ngày 02-3-1934.

Robin René: Bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 27-02-1934.

30. Sivestre Achille Louis Augutre: Khâm sứ Cao Miên, Quyền TQĐD theo sắc lệnh ngày 09-9-1936.

31. Brevié Jules: Bổ nhiệm TQĐD theo sắc lệnh ngày 08-8-1936, nhậm chức ngày 14-01-1937, làm TQĐD đến 19-5-1940.

32. Général Géorges Catroux (Tướng): TQĐD từ 20-8-1939 đến 19-7-1940.

33. Amiral Jean Decoux (Đô đốc): Toàn quyền Đông Dương từ 19-7-1940 đến 09-3-1945./.

----------------------

Ghi chú:

(1): Sắc lệnh ngày 17-10-1887 v/v lập khối “Liên hiệp Đông Dương” và đặt ra chức danh “Toàn quyền Đông Dương” ban hành ở Đông Dương bằng Nghị Định ngày 26-11-1887 đăng trong “Công báo Nam Kỳ” (Journal officiel de la Cochinchine) năm 1887;

(2): Theo sách “Les Administrations et les Services publiques indochinois” (Các Cơ quan, Công sở Công của Đông Dương) của J. De Galembert, “Administrateur de 1erè clase des Services civils de l’Indochine, Officier de l’Instruction publique” (Quan chức Hành chính hạng nhất của Các Cơ quan Dân sự Đông Dương, ngạch Giáo dục), trang 64, 67 đến tr.70, xuất bản năm 1924, nhà in “Viễn Đông” (IDEO).

Từ khóa » Bộ Máy Cai Trị Của Pháp ở Việt Nam