07:51:19 Ngày 17/12/2024 GMT+7 | Vài suy nghĩ về giáo dục và đào tạo phục vụ cho phát triển | | Con người được vũ trang bằng những tri thức hiện đại sẽ là động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy giáo dục, đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với mỗi quốc gia, phát triển giáo dục phải đi trước phát triển kinh tế. Cần giải quyết tốt vấn đề giáo viên, tăng cường đầu tư cho giáo dục, cải tiến cách dạy và học. Quan tâm đặc biệt đến việc phát triển giáo dục vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Quyết tâm xây dựng một nền giáo dục đậm đà sắc thái Việt Nam. | | >>> Bản tin số 250 – 251 (pdf) >>> Vài suy nghĩ về giáo dục và đào tạo phục vụ cho phát triển (pdf) Ngày nay loài người tiến bộ đang khao khát hướng tới một mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đáng kể chất lượng sống cho con người trong sự kết hợp hài hoà giữa điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần, giữa mức sống cao và nếp sống đẹp, vừa an toàn, vừa bền vững cho tất cả mọi người, cho thế hệ ngày nay và muôn đời con cháu mai sau. Nói theo cách của Việt Nam: Thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để đạt được mục tiêu tốt đẹp trên đây, cần phải tìm cho được động lực cơ bản của sự phát triển. Vào thời kỳ của những thế kỉ trước, khi lao động thủ công đóng vai trò chủ yếu, thì các yếu tố lao động và đất đai đóng vai trò động lực. Nếu biết kết hợp đúng đắn lao động và đất đai thì của cải sẽ sinh sôi, nảy nở. Chính vì vậy mà nhà kinh tế học Adam Smit đã nhận định: “Đất là mẹ, lao động là cha”. Đến thời kỳ cách mạng công nghiệp, lao động, vốn, kĩ thuật và phương pháp quản lí được xem là những yếu tố chủ chốt của tăng trưởng kinh tế. Trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với sự tiến đến nền văn minh trí tuệ, đến các “xã hội thông tin”, trong đó “thông tin” trở thành nguồn tài nguyên quan trọng của mọi quốc gia, việc “tin học hoá” tạo nên những chuyển biến nhanh chóng về lượng cũng như về chất của nền kinh tế thế giới, thì con người được vũ trang bằng những tri thức hiện đại sẽ là động lực cơ bản của sự phát triển. Ngày nay, khi mà trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Các nước chậm tiến muốn phát triển nhanh phải hết sức quan tâm đến giáo dục và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển. Chỉ có một chiến lược phát triển con người đúng đắn mới giúp các nước thuộc thế giới thứ ba thoát khỏi sự nô lệ mới về kinh tế và công nghệ. Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đã nói nhân dịp khai giảng năm học 1995 - 1996: “Con người là nguồn lực quý báu nhất, đồng thời là mục tiêu cao cả nhất. Tất cả do con người và vì hạnh phúc của con người, trong đó trí tuệ là nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia. Vì vậy, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài là vấn đề có tầm chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước”. Do vậy, giáo dục, đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với mỗi quốc gia. >> Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm quan khuôn viên ĐHQGHN (Ảnh: Bùi Tuấn) Trong giáo dục, vấn đề nổi lên hàng đầu là giáo viên. Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Ở đây vấn đề giáo viên được đặt ra dưới góc độ năng lực, phẩm chất, điều kiện sống, điều kiện làm việc, quan niệm của xã hội đối với nghề dạy học và thái độ đối với giáo viên. Người Việt Nam có truyền thống tôn sư, trọng đạo: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Nhất tự vi sự, bán tự vi sư”... Vai trò quan trọng của người thầy cũng được đại thi hào Ta-go diễn tả trong câu nói nổi tiếng của mình: “Giáo dục một người đàn ông được một con người. Giáo dục một người đàn bà được một gia đình. Giáo dục một người thầy được cả một thế hệ”. Người thầy cần được đảm bảo có cuộc sống tốt cho bản thân và gia đình để yên tâm làm nhiệm vụ. Khác với các ngành nghề khác trong xã hội, trong nghề dạy học, người thầy với tư cách mô phạm không thể tùy tiện làm thêm bất cứ việc gì để kiếm sống. Tốt nhất, có hiệu quả nhất là tạo điều kiện để người thầy đủ sống với nghề dạy học và các công việc xoay quanh việc đào tạo. Việc để cho người thầy sống thiếu thốn sẽ càng gia cố thêm những quan niệm sai lệch của xã hội, đặc biệt là của thế hệ trẻ về nghề dạy học và ngành sư phạm, sẽ càng làm cho nguy cơ tụt hậu của ngành giáo dục lớn lên mãi. Ngày nay, yêu cầu về chất lượng đối với người thầy cũng rất cao. Đồng thời với dạy chữ, người thầy còn phải dạy người. Dạy chữ không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn là phải tạo cho người học khả năng sáng tạo, khả năng tự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Muốn vậy người học phải nắm được những điều bản chất nhất, những cái cơ bản nhất. Người thầy còn phải là một điển hình tốt về tinh thần tự học, tự vươn lên, một tấm gương sáng ngời về đạo đức, về nhân cách đối với học sinh. Như vậy, chất lượng đòi hỏi ở người thầy là rất cao, rất toàn diện. Sau đây sẽ đi sâu phân tích thêm về tình hình đội ngũ giảng viên đại học của Việt Nam. Trong mấy chục năm qua các trường đại học của ta đã có những bước tiến vượt bậc. Giáo dục đại học đã có những đóng góp đáng kể trong công tác đào tạo cán bộ cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ giảng viên đại học đã trưởng thành nhanh chóng, trong đó có một số cán bộ xuất sắc, đạt trình độ quốc tế. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới và trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đội ngũ giảng viên của ta còn có nhiều nhược điểm cả về số lượng và chất lượng. Cả nước ta có khoảng 22000 giảng viên đại học và cao đẳng, trong đó chỉ có khoảng 3000 (chiếm 13,6%) có trình độ trên đại học. Số người có học vị tiến sĩ chỉ vào khoảng trên 200 (chiếm gần 1%). Các tỷ lệ trên đây rất thấp so các nước. Và như vậy là, sắp sang đến thế kỉ XXI rồi mà tình trạng người chỉ có trình độ đại học dạy đại học đang còn phổ biến trong các trường đại học của ta. Ở các nước tiên tiến trên thế giới và ở nhiều đại học trong khu vực, phần lớn giảng viên đại học có trình độ trên đại học. Đội ngũ giảng viên đại học của họ không những hơn ta về chất lượng mà còn nhiều gấp đôi, gấp ba ta về số lượng, trên cùng số đầu sinh viên. Ở ta còn một tình hình đã ở trên mức báo động là tuổi của giáo viên quá cao. Hầu hết các giáo sư đã sắp đến tuổi nghỉ hưu. Số giảng viên đại học ở tuổi dưới 35 chỉ chiếm vài phần trăm. Với tình hình này chỉ trong vòng mười năm nữa, các trường đại học của ta sẽ thực sự bị khủng hoảng về đội ngũ giảng dạy. Do vậy, vấn đề rất cấp bách đối với nước ta là phải nhanh chóng nâng cao trình độ giảng viên, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ có trình độ trên đại học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ và giỏi, có những chính sách đặc biệt để khuyến khích nghề dạy học, ngành sư phạm, tạo những điều kiện thuận lợi cho việc du học và giao lưu quốc tế. >> Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ hai từ trái sang) và các Nguyên Phó Thủ tướng (thứ tự từ trái sang): Phan Văn Khải, Nguyễn Khánh , Trần Đức Lương trao đổi về quy hoạch ĐHQGHN tại Hòa Lạc (Ảnh: Bùi Tuấn) Vấn đề thứ hai là đầu tư cho giáo dục. Nhiều nước, trong đó có cả những nước đang phát triển, đã quan tâm đặc biệt đến đầu tư cho giáo dục. Trong nhiều thập kỉ liền, họ đã đầu tư khoảng trên dưới 20% ngân sách hàng năm cho phát triển giáo dục. Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã chú trọng tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, tỷ lệ đó vẫn ở mức dưới 10% ngân sách hàng năm, là còn thấp và chưa đủ đảm bảo cho nền giáo dục cất cánh. Ngân sách nhà nước thì có hạn, mà những vấn đề bức xúc giải quyết ngay thì lại nhiều, cho nên dù muốn hay không, nhà nước cũng không thể dồn nhiều kinh phí ngay cho giáo dục. Vì vậy một mặt cần thiết phải huy động sự đóng góp của người học của toàn xã hội để phát triển giáo dục. Lao động sản xuất, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, xúc tiến các dịch vụ cũng là một khả năng to lớn của nhà trường để tăng thêm nguồn thu. Mặt khác, chúng ta cũng cần biết quản lí và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn vốn để phát triển giáo dục. Vấn đề thứ ba là giáo dục phải thực hiện thật tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Việc giáo dục không chỉ dừng lại ở xoá nạn mù chữ trong toàn dân mà còn phải đưa lại cho mọi người, đặc biệt là nhân dân sống ở nông thôn, vùng cao, miền núi, hải đảo, khả năng tiếp thu nền giáo dục mới, những tri thức về đời sống, văn hoá, về xã hội và thiên nhiên, về khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật và về thế giới mà chúng ta đang sống. Từng bước cần tiến hành phổ cập giáo dục, trước hết đối với cấp tiểu học, rồi tiến tới phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nền giáo dục của ta phải đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lí, công nhân kĩ thuật và nhân viên đủ về số lượng và có những kĩ năng nghiệp vụ cần thiết, lành nghề, những người lao động có tri thức cao, có phẩm chất tốt theo những giá trị đạo đức truyền thống, tiên tiến của các dân tộc mình, những người có hoài bão lớn, có lí tưởng sống cao cả vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Ngày nay kiến thức của loài người đang tăng lên nhanh chóng và khoa học đang phát triển rất nhanh, công nghệ luôn luôn thay đổi. Do vậy, giáo dục thường xuyên, học và tự học suốt đời sẽ là một yêu cầu bắt buộc của cuộc sống. Tình hình này đòi hỏi việc giáo dục ở nhà trường những đổi mới cơ bản. Giáo dục phải võ trang cho người học tinh thần học tập, phương pháp tư duy khoa học, những kiến thức cơ bản và ngoại ngữ để sau đó họ có thể tự học, tự phát triển suốt cuộc đời. Một hệ thống tài liệu, giáo trình, sách báo tham khảo chất lượng cao, hấp dẫn cần được đảm bảo cho mọi tầng lớp nhân dân, từ trẻ em vỡ lòng đến người lớn tuổi. Vấn đề giáo dục đạo đức, lí tưởng sống cho thanh niên phải được đặt lên hàng đầu. Trước đây nhờ thanh niên và nhân dân ta thấm nhuần tư tưởng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chúng ta đã giành lại được độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngày nay cần làm cho mọi người hiểu nỗi nhục của một nước nghèo và lạc hậu, có ý chí quyết tâm không chịu để rơi vào cảnh phụ thuộc, làm nô lệ mới về kinh tế cho các nước giàu. Lại nói về tình hình đại học. Số lượng sinh viên của ta trên 100 ngàn dân còn ở mức thấp so với nhiều nước, chỉ vào khoảng một phần mười so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường của ta rất yếu kém, lạc hậu. Trình độ giảng viên còn bị hạn chế. Do vậy chất lượng đào tạo của ta thấp so với nhiều nước. Gần đây ta có chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Song đây mới chỉ là những điều mong ước, chưa có những điều kiện vật chất đảm bảo. Bên cạnh đó việc tăng nhanh số lượng sinh viên, mở rộng thêm các loại hình đào tạo dễ dẫn đến tình trạng lạm phát đại học, chất lượng đào tạo tiếp tục giảm, sinh viên tốt nghiệp tiếp tục không kiếm được công ăn, việc làm và giáo dục lại càng trở nên gánh nặng cho xã hội. Chất lượng đào tạo đang phải là vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục nước ta. Ở bất cứ thời đại nào, vai trò của người tài đối với sự phát triển xã hội cũng là đặc biệt quan trọng. Dân ta có câu “Một người lo bằng một kho người làm”. Một trong những tấm bia ở Văn Miếu cách đây hơn năm trăm năm, dưới thời Lê Thánh Tông, có ghi: “... Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chỉnh thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước tăng tiến mạnh mẽ và phồn vinh. Khi yếu tố này kém thì quyền lực đất nước bị suy giảm. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”. Do vậy, trên nền giáo dục quảng đại cho đông đảo thanh niên, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo người tài. Cần phải thực hiện một chính sách đặc biệt đối với họ; tạo cho họ những điều kiện tốt nhất để học tập, rèn luyện, cung cấp những giáo viên giỏi, chương trình học tập đặc biệt, điều kiện sinh hoạt, vật chất đầy đủ và khi ra trường được bố trí vào làm việc ở những nơi có điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng. >> GS.VS Nguyễn Văn Đạo đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Bùi Tuấn) Vấn đề thứ tư là phát triển giáo dục ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Ở nước ta nông dân chiếm trên 70% số dân và là thành phần dân cư có mức sống thấp. Xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Nhà nước ta. Trong khó khăn chung của nền giáo dục nước ta, thì vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất: thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu tài liệu, phương tiện học tập. Việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực trong vùng lãnh thổ này sẽ không thể cải thiện được nếu không có sự nỗ lực của toàn dân và nếu thiếu những chính sách đặc biệt của Nhà nước. Ở đây chúng ta cần vận dụng những kinh nghiệm tốt cho việc phát triển giáo dục trong thời kỳ kháng chiến lần thứ nhất, mà nhiều trường đã và đang kỉ niệm 40, 50 năm thành lập. Thời đó tình hình còn khó khăn thiếu thốn hơn hiện nay rất nhiều, song chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo tốt. Thế hệ học sinh từ các trường ở thời kỳ này đã có những cống hiến xuất sắc cho đất nước. Cần huy động sự đóng góp của toàn dân để phát triển giáo dục vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Đồng thời Nhà nước có những chính sách đặc biệt để đầu tư cơ sở vật chất và thu hút giáo viên đến công tác tại vùng này, như một nghĩa vụ kèm theo những quyền lợi. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho con em các vùng nói trên theo học đại học để trở về công tác tại địa phương mình. Điều nghịch lí là ở đó đang thiếu cả trăm ngàn giáo viên, cán bộ các loại, trong khi cũng khoảng ngần đó sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đang không tìm được việc làm và đang nằm chờ thời cơ ở các thành phố lớn! Vấn đề thứ năm là phấn đấu xây dựng một nền giáo dục đậm đà sắc thái Việt Nam. Đó là nền giáo dục phát huy được những truyền thống và văn hoá tốt đẹp của Việt Nam, một nền giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, theo kịp trình độ phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Học tập những kinh nghiệm hay của nước ngoài, đặc biệt của các nước phát triển, là cần thiết. Song cần áp dụng sáng tạo chung cho điều kiện và truyền thống Việt Nam từ chương trình, giáo trình, tổ chức học tập, thi cử đến xây dựng đội ngũ... Với tất cả niềm lạc quan, tin tưởng chúng ta có thể hi vọng đến một thời gian không lâu nữa, giáo dục ở nước ta sẽ trở thành một ngành cách mạng chất xám đồ sộ, hiện đại với đội ngũ giáo viên hùng hậu - những người có trí tuệ cao, có đời sống vật chất dồi dào, được tôn vinh trong xã hội. Sư phạm sẽ trở thành ngành học hấp dẫn đối với thế hệ trẻ. Giáo dục sẽ thực sự trở thành một động lực phát triển đất nước. Các vùng lãnh thổ của nước ta, kể cả nông thôn, miền núi, hải đảo sẽ phát triển đồng đều trên cơ sở một nền học vấn được nâng cao đáng kể của toàn dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. | GS.VS Nguyễn Văn Đạo - Bản tin số 250 - Tháng 01/2012 | In bài viết Gửi cho bạn bè | Từ khóa : | Các bài mới hơn - Không có bài nào mới hơn !
| Các bài cũ hơn - Không có bài nào cũ hơn !
| Xem tin bài theo thời gian : | Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF | | Tìm số báo Bản tin ĐHQGHN (số 393) Bản tin ĐHQGHN số 392 Bản tin ĐHQGHN số 390 Bản tin ĐHQGHN số 389 Bản tin ĐHQGHN số 388 Bản tin ĐHQGHN số 387 Bản tin số 386 (02/2024) Bản tin số 385 (Số đặc biệt Tết Giáp Thìn) Bản tin số 384 (tháng 12/2023) Bản tin số 383 (tháng 11/2023) Bản tin số 382 (tháng 10/2023) Bản tin số 381 (tháng 09/2023) Bản tin số 380 (tháng 08/2023) Bản tin số 379 (07/2023) Bản tin số 378 (06/2023) Bản tin số 377 (05/2023) Bản tin số 376 (04/2023) Bản tin số 375 (03/2023) Bản tin số 374 (02/2023) Bản tin số 372 (12/2022) Bản tin số 371 (11/2022) Bản tin số 373 (01/2023) Bản tin số 370 (10/2022) Bản tin số 368 (08/2022) Bản tin số 369 (09/2022) Bản tin số 367 (07/2022) Bản tin số 366 (06/2022) Bản tin số 365 (05/2022) Bản tin số 364 (04/2022) Bản tin số 363 (03/2022) Bản tin số 362 (02/2022) Bản tin số 361 (Số Tết 2022) Bản tin số 360 (2021) Bản tin số 359 (2021) Bản tin số 358 (2021) Bản tin số 339 (2019) Bản tin số 345-346 (2019) Bản tin số 342 (2019) Bản tin số 338 (2019) Bản tin số 337 (2019) Bản tin số 335-336 (2019) Bản tin số 334 (2018) Bản tin số 331 (2018) Bản tin số 327 (2018) Bản tin số 326 (2018) Bản tin số 324 (2018) Bản tin số 321 (2017) Bản tin số 320 (2017) Bản tin số 319 (2017) Bản tin số 316 (2017) Bản tin số 301 (2016) Bản tin số 300 (2016) Bản tin số 292+293 (2015) Ban tin số 300 (2016) Bản tin số 298+299(2016) Bản tin số 291 (2015) Bản tin 290 (2015) Bản tin số 266 (4/2013) Bản tin số 265 (3/2013) Bản tin số 264 (2/2013) Bản tin ĐHQGHN số 262 + 263 (2013) Số đặc biệt Xuân Quý Tỵ Bản tin số 261 (11/2012) Bản tin số 260 (10/2012) Bản tin số 259 (09/2012) Bản tin số 258 (08/2012) Bản tin số 257 (07/2012) Bản tin số 256 (06/2012) Bản tin số 255 (05/2012) Bản tin số 254 (04/2012) Bản tin số 253 (03/2012) Bản tin số 252 (02/2012) Bản tin số 250 (12/2011) và 251 (1/2012) Bản tin số 249 (11/2011) Bản tin số 248 (10/2011) Bản tin số 247 (9/2011) Bản tin số 246 (8/2011) Bản tin số 245 (7/2011) Bản tin số 244 (6/2011) Bản tin số 243 (5/2011) Bản tin số 242 (4/2011) Bản tin số 241 (3/2011) Bản tin số 240 (2/2011) Bản tin số 239 (1/2011) Bản tin số 238 (12/2010) Bản tin số 237 (11/2010) Bản tin số 236 (10/2010) Bản tin số 235 (9/2010) Bản tin số 234 (8/2010) Bản tin số 233 (7/2010) Bản tin số 232 (6/2010) Bản tin số 231 (5/2010) Bản tin số 230 (4/2010) Bản tin số 229 (3/2010) Bản tin số 228 (2/2010) Bản tin số 227 (1/2010) Bản tin số 226 (12/2009) Bản tin số 225 (11/2009) Bản tin số 224 (10/2009) Bản tin số 223 (9/2009) Bản tin số 222 (8/2009) Bản tin số 221 (7/2009) Bản tin số 220 (6/2009) Bản tin số 219 Bản tin số 218 Bản tin số 217 Bản tin số 216 Bản tin số 215 Bản tin số 214 Bản tin số 213 Bản tin số 212 Bản tin số 211 Bản tin số 210 Bản tin số 209 Bản tin số 208 Bản tin số 207 Bản tin số 206 Bản tin số 205 Bản tin Số 204 Bản tin số 203 - Tết Mậu Tý 2008 Bản tin ĐHQGHN số 202 Bản tin ĐHQGHN - Số 201 Bản tin số 200 Bản tin số 199 Bản tin số 295 (2015) | TIN BÀI XEM NHIỀU NHẤT - Vài suy nghĩ về giáo dục và đào tạo phục vụ cho phát triển
- 10 sự kiện nổi bật của ĐHQGHN năm 2011
- 10 thành tựu nổi bật của ĐHQGHN năm 2011
- Nguồn gốc ý nghĩa từ Cát-xê
- Tự chủ đại học: Xu thế của phát triển
- Học vị tiến sĩ cũng lắm gian nan
- Học sinh ngày càng chán học môn lịch sử
- 9 nguyên tắc “vàng” trong giảng dạy đại học
- Có chí thì nên
- Cần đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục
TRÊN WEBSITE KHÁC | |