Vai Trò Các Cộng đồng Dân Tộc Thiểu Số Trong Công Cuộc đấu Tranh ...

    * Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:

    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, đông đảo thanh niên, sư sãi dân tộc người Khmer tham gia kháng chiến, lập được nhiều thành tích xuất sắc. Tiêu biểu người thanh niên Sơn Ton ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nhận nhiệm vụ giao liên, rồi đến năm 1949 mới 16 tuổi vào bộ đội tham gia đánh địch ngay trên quê hương. Ông tham gia công tác canh gác, phá đường cản quân địch kéo đến phum sóc bắn phá, đốt nhà cửa. Nhiều cơ sở cách mạng và tổ đội du kích được ông xây dựng phát triển thành phong trào chiến tranh du kích trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Sơn Ton được bà con ở Cù Lao Dung mệnh danh là “vua lựu đạn” bởi tài gài bẫy lựu đạn. Từ trái dừa tươi, cây mía, con gà… dưới bàn tay của ông đã trở thành cái bẫy giết giặc Tây xâm lược. Những chiến công dồn dập, vang dội của đơn vị du kích của ông đã đi vào bài hát “Du kích Long Phú”.

Đồng bào Khmer Tam Sóc (Mỹ Tú) chào mừng chiến thắng dồn dập của quân ta. Ảnh tư liệu

 

    Mô Ha Sơn Thông người Khmer ở Trà Vinh, sau 10 năm theo học chữ Pali và kinh sách Phật, tốt nghiệp và được phông học vị MA-HA, ông luôn nặng tình, nặng nghĩa với quê hương, đất nước, không bao giờ hợp tác với thực dân Pháp. Năm 1945, ông tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong xã Tập Ngãi, tuyên truyền vận động đồng bào sư sãi Khmer không mắc mưu chia rẽ, mị dân của giặc Pháp giết hại người Việt, vừa vận động đồng bào sư sãi Khmer đoàn kết tăng gia sản xuất, luyện tập quân sự để cùng cả nước đứng lên giành chính quyền. Năm 1946, ông tham gia phong trào Thanh niên Tỉnh hội tuyên truyền Trà Vinh. Nhờ uy tín của ông đối với giới thanh niên, nhiều sư sãi qua sự vận động của ông đã đi theo cách mạng. Mô Ha Sơn Thông cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, luôn thể hiện truyền thống gắn bó máu thịt của đồng bào và sư sãi Khmer trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đi theo con đường cách mạng và lý tưởng của Đảng, Bác Hồ, cùng sống chết với đồng bào, đồng chí, sống thanh liêm, trung thực, giản dị. Mô Ha Sơn Thông nói rất giỏi tiếng Thái Lan, thông hiểu chữ Pali, giáo lý Phật, đã sử dụng kiến thức và những hiểu biết ấy đúng nơi, đúng chỗ, khiêm tốn, nên càng được giới sư sãi, trí thức và đồng bào Khmer cảm mến, tin cậy.

    Đồng bào Hoa trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn được sự vận động của Mặt trận Việt Minh - Liên Việt đã hết lòng ủng hộ tiền bạc, thuốc men, vải vóc. Dưới sự lãnh đạo của Ban Hoa vận Sài Gòn - Chợ Lớn, học sinh, sinh viên thành phố biểu tình chống lệnh giải tán, không được tụ tập biểu tình của Pháp. Trong phong trào đấu tranh sôi nổi đó, nữ sinh người Hoa là Trần Bội Cơ người đứng đầu đoàn biểu tình đã bị giặc bắt tra tấn dã man và chị hy sinh ngày 12/5/1950, khi tròn 18 tuổi. Cái chết của Trần Bội Cơ làm chấn động dư luận cả nước, thôi thúc các thế hệ thanh niên tiếp tục dấn thân vào con đường đấu tranh giành tự do, độc lập.

    Ngoài ra còn nhiều thanh niên Khmer, Hoa và các dân tộc khác tham gia cách mạng. Họ đi vào các làng mạc, phum sóc tuyên truyền chính sách của Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được. Tại chùa Xẻo Me (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) người thanh niên Lục On đại diện cho Mặt trận Việt Minh, trong trang phục áo sơ mi đen dõng dạc nói bằng hai thứ tiếng Việt và Khmer trước hàng ngàn người, kêu gọi đồng bào đoàn kết theo Mặt trận Việt Minh đánh Pháp giành độc lập, tự do.

Bia tưởng niệm Liệt sĩ - nhà sư yêu nước Achar Sơn Thal. Ảnh Tư liệu

 

    Những điển hình trên đây là minh chứng cho phong trào yêu nước và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó cộng đồng các dân tộc ở Nam bộ đã đoàn kết một lòng vì nghĩa lớn, chống giặc bảo vệ xóm làng, theo Đảng làm cách mạng giành lại tự do độc lập, tích cực ủng hộ kháng chiến và sẵn sàng hy sinh vì đất nước.

    * Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cướp nước:

    Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp chiếm lấy miền Nam Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Tổ quốc Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Mỹ và chính quyền tay sai thực hiện nhiều vụ khủng bố, ném bom, bắn phá, rải chất độc hóa học trên tất cả các vùng, trong đó có nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời thi hành chính sách chia để trị, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng tôn giáo, mị dân, mua chuộc bằng vật chất, lôi kéo, kích động người nhẹ dạ cả tin trong các tộc người Khmer, Hoa, S’tiêng…

    Tuy nhiên, đồng bào Kinh - Khmer - Hoa - Chăm - S’tiêng, M’Nông… luôn hướng về cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin yêu Bác Hồ, đoàn kết vì nghĩa lớn, đấu tranh bằng nhiều hình thức để giữ thành quả cách mạng và góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng toàn miền Nam.

    Ở các tỉnh Tây Nam bộ, đồng bào, sư sãi Khmer vận động độc lập nên những tổ chức xã hội từ thiện nhằm khắc phục thiên tai, chống nạn cướp bóc, giữ gìn an ninh trật tự trong phum sóc, giữ vững Phật giáo Nam tông Khmer, bảo vệ đạo Pháp, đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định hòa bình. Tại Trà Vinh, hơn 4.000 người đấu tranh giữa mùa mưa năm 1957 tại chùa Som Rông EK thuộc xã Nguyệt Hóa, thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh). Các vị sư đại diện các chùa trong tỉnh lên diễn đàn đưa kiến nghị đến tỉnh trưởng Trà Vinh tố cáo chính sách đồng hóa dân tộc, phản đối việc cấm chùa không được dạy chữ Khmer, đòi dân sinh dân chủ, đòi chính quyền Diệm phải hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà…. Trong khi đó ở miền Đông Nam bộ, đồng bào S’tiêng, M’Nông đóng góp trong việc mở đường Trường Sơn đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ.

    Thời kỳ Đồng Khởi, đồng bào Kinh - Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) cùng nổi lên vây đồn diệt bót giặc, giải phóng một vùng rộng lớn từ Cô Tô đến Ba Chúc và một số xã của huyện Tịnh Biên. Tại Sóc Trăng, ngày 15/4/1960, đồng bào Kinh - Khmer - Hoa tại Khánh Hòa, Lai Hòa, Lạc Hòa, Vĩnh Phước của huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu) đã đồng loạt nổi dậy tiêu diệt đồn bốt địch. Tại Trà Vinh, ngày 14/9/1960, hơn 6 vạn người có cả sư sãi và đồng bào Khmer, Hoa ở khắp các huyện kéo về thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh), giương cao khẩu hiệu đòi bãi bỏ luật 10/59; không được bắt bớ khủng bố người yêu nước, đòi thả Acha Luisarat, đòi dân sinh, dân chủ.

    Từ khi cách mạng chuyển sang thế chiến lược tiến công (sau 1960), nhiều ngôi chùa Việt - Khmer - Hoa và nhiều xóm, ấp, phum, sóc của đồng bào Kinh - Khmer - Hoa ở Tây Ninh, Tịnh Biên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Trà Cú, Trà Vinh, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau,… trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, hoặc là cơ sở cách mạng. Nhiều chùa được gọi là “chùa mặt trận” vì đã có nhiều thành tích trong kháng chiến, như: Các chùa Costhum, Dìa Cuối, Tân Lộc, Tam Hiệp (Cà Mau); chùa Tháp (Trà Cú, Trà Vinh)… Đồng bào sư sãi, phật tử Khmer Nam bộ không quản khó khăn nguy hiểm đã đào hầm trong nhà, trong chùa nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mặc dù địch luôn càn quét khủng bố, nhưng đồng bào phật tử Khmer vẫn kiên quyết bám đất, bám làng chiến đấu không lùi bước. Nhiều đồng bào phật tử đã băng mình dưới làn bom đạn quân thù vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược tiếp tế cho bộ đội chiến đấu, không sợ hy sinh, một lòng thủy chung tận tụy với cách mạng.

Trường Trung học cơ sở Phường 1 (trước đây là Trường Dục Anh) nơi đào tạo nhiều cán bộ đảng viên người Hoa trong thời kỳ khánh chiến chống Pháp và Mỹ. Ảnh Tư liệu

 

    Tại Rạch Giá (Kiên Giang) ngày 10/6/1964, khoảng 200 sư sãi Khmer xuống đường đấu tranh. Địch thẳng tay đàn áp, bắn vào đoàn biểu tình làm chết 4 vị đại đức: Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Hom, Danh Tắp và làm bị thương 16 người. Địch thay áo cà sa bằng đồ bộ đội giải phóng quân hòng chạy tội, lập tức hàng ngàn đồng bào Khmer biểu tình đòi xác và bắt tên tỉnh trưởng phải nhận tội. Năm 1966, tại Trà Vinh hơn 20 ngàn người Kinh - Khmer - Hoa xuống đường biểu tình chống bắt sư sãi đi lính, chống luật tổng động viên, chống việc dùng vũ lực bắt 75 sư sãi lột áo cà sa mặc áo lính. Từ trong phong trào đấu tranh chính trị, nhiều đội du kích đã ra đời, trong đó có nữ du kích Khmer ở Lương Hòa, Châu Thành. Nhiều sư sãi ở Sóc Xoài, Bầu Môn, Kà Hom, Giồng Lớn, Bà Giàm, Bãi Xào Giữa, Bãi Xào Chót, Soc Trô, Xà Mút… đã cởi áo cà sa ra đi bộ đội giải phóng quân để được trực tiếp chiến đấu chống giặc. Ở Kiên Giang các chùa Sóc Can, Sóc Điện, Kinh Hai đều xây hầm chứa vũ khí, lưu giữ tài liệu bí mật của cách mạng, bảo vệ hàng trăm thanh niên Kinh - Khmer - Hoa trốn lính quân dịch. Các chùa còn thường xuyên liên hệ để đưa sư sãi vào chiến khu học tập và tham gia kháng chiến.

    Trong hai cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc. Ở An Giang, nữ liệt sĩ Néang Nghés người Khmer dũng cảm, gan dạ, kiên cường, bất khuất hy sinh tại vùng Bảy Núi năm 1962, đi vào huyền thoại với hình ảnh nàng Sa-Rết trong ca khúc cùng tên. Ở Rạch Giá 4 nhà sư liệt sĩ người Khmer: Danh Hùng, Danh Hom, Danh Tấp, Danh Hoi đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình, chống Mỹ năm 1974. Ở Trà Vinh người phụ nữ Khmer huyện Châu Thành nổi tiếng tay không lấy đồn địch năm 1968. Và ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có 235 liệt sĩ người Hoa… Tất cả những anh hùng liệt sĩ và sự đấu tranh gian khổ, không sợ hy sinh là để bảo sự trường tồn của quê hương, đất nước, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc như Bác Hồ đã tuyên bố “Nam bộ là đất Việt Nam. Nó là thịt của chúng tôi, là máu của chúng tôi…” và trong thư gửi đồng bào Nam bộ năm 1946 Bác Hồ khẳng định “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Lê Trúc Vinh

Từ khóa » Những Anh Hùng Dân Tộc Thiểu Số