Vai Trò Của Cảm Giác Và Tri Giác Trong đối Sống
Có thể bạn quan tâm
1. Cảm giác
1.1. Khái niệm chung về cảm giác
1.1.1. Định nghĩa cảm giác
Mỗi sự vật, hiện tượng xung quanh ta đều được bộc lộ bởi hàng loạt những thuộc tính bề ngoài như màu sắc (xanh, đỏ…), kích thước (cao, thấp,. vuông, tròn…), trọng lượng (nặng, nhẹ…), khối lượng (to, nhỏ, nhiều, ít…), tính chất (nóng, lạnh, cay, đắng). Những thuộc tính đó được liên hệ với bộ não con người là nhờ cảm giác.
Thí dụ, ta đặt vào lòng bàn tay xòe ra của người bạn một vật bất kì với yêu cầu trước đó người bạn phải nhắm mắt, bàn tay không được nắm lại hay sờ bóp thì chắc chắn người bạn sẽ không biết đích xác đó là vật gì, mà chỉ có thể biết được vật đó nặng hay nhẹ, nóng hay lạnh… nghĩa là người bạn mới chỉ phản ánh được từng thuộc tính bề ngoài đang trực tiếp tác động vào lòng bàn tay. Nói cách khác, bộ não của người bạn đó chỉ mới phản ánh được từng thuộc tính bề ngoài của sự vật đó nhờ cảm giác.
Từ thí dụ trên cho thấy cảm giác là hình thức đầu tiên mà qua đó một liên hệ tâm lí của cơ thể với môi trường được thiết lập. Nói cách khác, cảm giác là một mức độ phản ánh tâm lí đầu tiên, thấp nhất của con người nói chung và của hoạt động nhận thức nói riêng. Những nghiên cứu về sự phát triển của hoạt động nhận thức xét về mặt tiến hóa sinh vật (phát sinh chủng loại) cũng như về mặt hình thành cá thể (phát sinh cá thể) đã chỉ rõ cảm giác là hình thức định hướng đầu tiên của cơ thể trong thế giới xung quanh. Thí dụ, những con vật cấp thấp, sơ đẳng chỉ phản ánh được những thuộc tính riêng lẻ, có ý nghĩa sinh học trực tiếp của các sự vật, hiện tượng. Đứa trẻ trong những tuần lễ đầu tiên của cuộc đời cũng như vậy. Nói cách khác, chúng mới chỉ liên hệ được với môi trường nhờ cảm giác, chúng mới chỉ có cảm giác.
Vậy cảm giác là gì? Cảm giác là một quá trình tâm lí phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật và hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta.
1.1.2. Đặc điểm của cảm giác
Cảm giác có những đặc điểm cơ bản dưới đây.
– Cảm giác là một quá trình tâm lí, nghĩa là nó có nảy sinh diễn biến và kết thúc. Kích thích gây ra cảm giác là chính các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan và chính các trạng thái tâm lí của bản thân ta. Ở đây cần thấy sự khác biệt với khái niệm “cảm giác” như là sản phẩm của quá trình nhận thức.
– Cảm giác chỉ phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng chứ không phản ánh được trọn vẹn các thuộc tính của sự vật hiện tượng.
– Cảm giác phản ánh hiện thực khách quan một cách trực tiếp, tức là sự vật hiện tượng phải trực tiếp tác động vào giác quan của ta thì mới tạo ra được cảm giác.
Các đặc điểm trên của cảm giác chứng tỏ mức độ phản ánh tâm lí thấp và tính chất hạn chế của cảm giác. Trong thực tế, để tồn tại và phát triển, con người còn phải nhận thức cả những sự vật hiện tượng không trực tiếp tác động vào các giác quan của mình.
1.1.3. Bản chất của cảm giác
Cảm giác tuy là một hiện tượng tâm lí sơ đẳng có chung ở cả con vật và ở con người, nhưng ở con người, nó cũng như các hiện tượng tâm lí khác đều mang tính chất xã hội khác xa về chất so với cảm giác của con vật. Bản chất (tính chất) xã hội của cảm giác ở con người được thể hiện ở những điểm sau:
– Đối tượng phản ánh của cảm giác ở người ngoài sự vật và thần tượng vốn có trong tự nhiên còn có cả những sự vật, hiện tượng do lao động của loài người tạo ra, tức là có bản chất xã hội.
– Cơ chế sinh lí của cảm giác ở người không chỉ giới hạn ở hệ thống tín hiệu thứ nhất mà còn bao gồm các cơ chế thuộc hệ thống tín hiệu thứ hai, tức là cũng có bản chất xã hội.
– Cảm giác ở người tuy là mức độ định hướng đầu tiên, sơ đẳng nhất, nhưng nó không phải là mức độ duy nhất và cao nhất như ở một số loài động vật, tức là cảm giác của người còn chịu ảnh hưởng của nhiều hiện tượng tâm lí cao cấp khác của con người.
– Cảm giác của người được phát triển mạnh mẽ và phong phú dưới ảnh hưởng của hoạt động và giáo dục, tức cảm giác của người được tạo rạ theo phương thức đặc thù của xã hội, do đó mang đậm tính xã hội (thí dụ: do hoạt động nghề nghiệp mà có những người thợ dệt phân biệt được tới 60 màu đen khác nhau, có những người đầu bếp “nếm” được bằng mũi hoặc có những người “đọc” được bằng tay).
1.2. Các loại cảm giác
Căn cứ vào vị trí của nguồn kích thích gây ra cảm giác nằm ở ngoài hay trong cơ thể, cảm giác được chia thành hai loại: cảm giác bên ngoài (do kích thích nằm ngoài cơ thể gây ra) và cảm giác bên trong (do kích thích nằm trong cơ thể gây nên).
1.2.1. Những cảm giác bên ngoài
a. Cảm giác nhìn (thị giác)
Cảm giác nhìn nảy sinh do tác động của các sóng ánh sáng (sóng điện từ) phát ra từ các sự vật. Cơ sở giải phẫu – sinh lí của nó là cơ quan phân tích thị giác.
Cảm giác nhìn cho biết hình thù, khối lượng, độ sáng, độ xa, màu sắc của sự vật. Nó giữ vai trò cơ bản trong sự nhận thức thế giới bên ngoài của con người (90% lượng thông tin từ bên ngoài đi vào não là qua mắt). Cảm giác này có đặc điểm không mất ngay sau khi một kích thích mạnh ngừng tác động (được gọi là hậu ảnh hay lưu ảnh, kéo dài chừng 1/5 giây). Có hai loại hậu ảnh: dương tính và âm tính (điện ảnh đã dựa vào đặc điểm này để chiếu phim với tốc độ 24 ảnh trong một giây làm cho người xem cảm nhận như thật).
b. Cảm giác nghe (thính giác)
Cảm giác nghe do những sóng âm, tức là những dao động của không khí gây nên. Cơ sở giải phẫu – sinh lí của nó là một bộ máy phân tích thính giác.
Cảm giác nghe phản ánh những thuộc tính của âm thanh, tiếng nói: cao độ (tần số dao động), cường độ (biên độ dao động) và âm sắc (hình thức dao động). Các nghiên cứu trong lĩnh vực này cho thấy tai người có thể phản ánh được các âm có cao độ từ 16 đến 20.000 héc (tần số dao động) và tốt nhất ở cao độ 1.000 héc. Cảm giác nghe có ý nghĩa rất lớn trong đời sống con người, đặc biệt trong giao lưu ngôn ngữ và cảm nhận một số loại hình nghệ thuật (âm nhạc, thơ ca…).
c. Cảm giác ngửi (khứu giác)
Cảm giác ngửi do các phân tử của các chất bay hơi tác động lên màng ngoài của khoang mũi cùng không khí gây nên. Cơ sở giải phẫu – sinh lí của cảm giác ngửi là bộ máy phế tích khứu giác.
Cảm giác ngửi cho biết tính chất của mùi. Ở người hiện đại: cảm giác ngửi ít quan trọng hơn. Nhưng khi các cảm giác nhìn và nghe bị khuyết tật thì nó và các cảm giác khác còn lại giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.
d. Cảm giác nếm (vị giác)
Cảm giác nếm được tạo nên do tác động của các thuộc tính hóa học của các chất hòa tan trong nước lên các cơ quan thụ cảm vị giác ở lưới họng và vòm khẩu. Cơ sở giải phẫu – sinh lí của các cảm giác nếm là bộ máy phân tích vị giác.
Cảm giác nếm có 4 loại: cảm giác ngọt, cảm giác chua, cảm giác mặn và cảm giác đắng. Sự đa dạng của các cảm giác này phụ thuộc vào sự đa dạng của thức ăn, đồ uống và cảm giác ngửi.
e. Cảm giác da (mạc giác)
Cảm giác da do những kích thích cơ học và nhiệt độ tác động lên da tạo nên. Cơ sở giải phẫu – sinh lí của cảm giác da là các bộ máy phân tích mạc giác.
Cảm giác da gồm 5 loại: cảm giác đụng chạm, cảm giác nén, cảm giác nóng, cảm giác lạnh và cảm giác đau. Độ nhạy cảm của các phần khác nhau của da đối với mỗi loại cảm giác này là khác nhau.
1.2.2. Những cảm giác bên trong
a. Cảm giác vận động và cảm giác sờ mó
Cảm giác vận động là cảm giác phản ánh những biến đổi xảy ra trong các cơ quan vận động, báo hiệu về mức độ co của cơ và vị trí của các phần của cơ thể.
Sự kết hợp giữa cảm giác vận động và cảm giác đụng chạm tạo thành cảm giác sờ mó. Bàn tay là một cơ quan sờ mó: ở người, nó được phát triển rất mạnh và trở thành công cụ lao động và nhận thức rất quan trọng.
Những cảm giác sờ mó là vật điều chỉnh rất tốt đối với các động tác lao động, nhất là những động tác đòi hỏi sự chính xác cao.
b. Cảm giác thăng bằng
Cảm giác thăng bằng phản ánh vị trí và những chuyển động của đầu. Cơ quan của cảm giác thăng bằng (loa ống bán khuyên) nằm ở tai trong. Khi cơ quan này bị kích thích quá mức thì gây ra chóng mặt và nôn mửa. Cảm giác này rất quan trọng đối với hoạt động của con người.
c. Cảm giác rung
Cảm giác rung do các dao động của không khí tác động lên bề mặt thân thể tạo nên. Nó phản ánh sự rung động của các sự vật cảm giác này đặc biệt phát triển ở những người điếc, nhất là đối với những người vừa điếc, vừa câm.
d. Cảm giác cơ thể
Cảm giác cơ thể phản ánh tình trạng hoạt động cơ các cơ quan nội tạng, bao gồm cả cảm giác đói, no, buồn nôn, đau ở các cơ quan bên trong con người.
Những điều trên đây về phân loại cảm giác cho thấy quan niệm cũ cho rằng con người chỉ có 5 giác quan (ngũ quan) là không đẩy đủ.
1.3. Vai trò của cảm giác
Trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động nhận thức nói riêng của con người, cảm giác giữ những vai trò quan trọng như sau:
– Cảm giác là hình thức định hướng đầu tiên của con người (và con vật) trong thực hiện khách quan. Trong mỗi giây đồng hồ, các cơ quan cảm giác đã nhận, chọn lọc và gửi về não hàng ngàn thông tin của môi trường xung quanh và của chính cơ thể mình, nhờ đó con người (và con vật) định hướng được trong không gian và thời gian. Tất nhiên đây là hình thức định hướng đơn giản nhất.
– Cảm giác là nguồn cung cấp những nguyên vật liệu cho chính các hình thức nhận thức cao hơn. V.I. Lênin đã nói: “Ngoài thông qua cảm giác, chúng ta không thể nào nhận thức được bất cứ một hình thức nào của vật chất, cũng như bất cứ hình thức nào của vận động “và” tiền đề đầu tiên của lí luận về nhận thức chắc chắn nói rằng cảm giác là nguồn gốc duy nhất của hiểu biết”.
– Cảm giác là điều kiện quan trọng để đảm bảo trạng thái hoạt động (trạng thái hoạt hóa) của vỏ não, nhờ đó đảm bảo hoạt động tinh thần của con người được bình thường. Các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này cho thấy, trong trạng thái “đói cảm giác” các chức năng tâm lí và sinh lí của con người sẽ bị rối loạn.
– Cảm giác là con đường nhận thức hiện thực khách quan đặc biệt quan trọng đối với những người bị khuyết tật. Những người câm, mù, điếc đã nhận ra những người thân và hàng loạt đồ vật nhờ cảm giác, đặc biệt nhờ xúc giác.
1.4. Các quy luật cơ bản của cảm giác
Cảm giác ở người diễn ra theo những quy luật nhất định. Những quy luật này rất quan trọng đối với đời sống và công tác, kể cả công tác giáo dục và dạy học.
1.4.1. Quy luật ngưỡng cảm giác
Muốn có cảm giác thì phải có sự kích thích vào các giác quan và kích thích đó phải đạt tới một giới hạn nhất định. Giới hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là ngưỡng cảm giác.
Cảm giác có hai ngưỡng: ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng cảm giác phía trên.
Ngưỡng cảm giác phía dưới là cường độ kích thích tôi thiểu để gây được cảm giác. Ngưỡng cảm giác phía dưới còn gọi là ngưỡng tuyệt đối.
Ngưỡng cảm giác phía trên là cường độ kích thích tối đa vẫn còn gây được cảm giác.
Phạm vi giữa hai ngưỡng cảm giác nêu trên là vùng cảm giác được, trong đó có một vùng phản ánh tốt nhất.
Mỗi giác quan thích ứng với một loại kích thích nhất định và có những ngưỡng xác định. Thí dụ, ngưỡng phía dưới của cảm giác nhìn ở ngoài là những sóng ánh sáng có bước sóng 360 âm, ngưỡng phía trên là 780 âm; vùng phản ánh tốt nhất của ánh sáng là những sóng ánh sáng có bước sóng 565mm.
Cảm giác còn phản ánh sự khác nhau giữa các kích thích. Nhưng kích thích phải có một tỷ lệ chênh lệch tối thiểu về cường độ hay về tính chất thì ta mới cảm thấy có sự khác nhau giữa hai kích thích. Mức độ chênh lệch tối thiểu về cường độ hoặc tính chất của hai kích thích đủ để phân biệt sự khác nhau giữa chúng gọi là ngưỡng sai biệt. Ngưỡng sai biệt của mỗi cảm giác là một hằng số. Thí dụ, đối với cảm giác thị giác là 1/100, thính giác là 1/10…
Ngưỡng cảm giác phía dưới (ngưỡng tuyệt đối) và ngưỡng sai biệt tỉ lệ nghịch với độ nhạy cảm của cảm giác và với độ nhạy của sai biệt: ngưỡng tuyệt đối của cảm giác càng nhỏ thì độ nhạy của cảm giác càng cao và ngưỡng sai biệt càng nhỏ thì độ nhạy cảm sai biệt càng cao. Những ngưỡng này khác nhau ở mỗi loại cảm giác và ở mỗi người khác nhau.
1.4.2. Quy luật thích ứng cảm giác
Để phản ánh được tốt nhất và bảo vệ hệ thẩn kinh, cảm giác của con người có khả năng thích ứng với kích thích. Thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp với sự thay đổi của cường độ kích thích. khi cường độ kích thích tăng thì giảm độ nhạy cảm; ngược lại, khi cường độ kích thích giảm thì tăng độ nhạy cảm.
Ví dụ, khi đang ở chỗ sáng (cường độ kích thích của ánh sáng mạnh) vào chỗ tối (cường độ kích thích yếu) thì lúc đầu ta không nhìn thấy gì, sau dần dần mới thấy rõ (thích ứng). Trường hợp này đã xảy ra hiện tượng tăng độ nhạy cảm của cảm giác nhìn.
Quy luật thích ứng có ở tất cả các loại cảm giác, nhưng mức độ thích ứng khác nhau. Cảm giác thị giác có khả năng thích ứng cao (trong bóng tối tuyệt đối, độ nhạy cảm với ánh sáng tăng gần 200.000 lần sau 40 phút), cảm giác đau hầu như không thích ứng. Khả năng thích ứng của cảm giác có thể phát triển do hoạt động và rèn luyện (công nhân luyện kim có thể chịu đựng được nhiệt độ cao tới 50°C – 60°C trong hàng giờ đồng hồ…).
1.4.3. Quy luật tác động lẫn nhau của các cảm giác
Các cảm giác không tồn tại độc lập mà luôn tác động qua lại lẫn nhau. Trong sự tác động này, các cảm giác làm thay đổi tính nhạy cảm của nhau và diễn ra theo quy luật như sau: sự kích thích yếu lên một cơ quan phân tích này sẽ làm tăng lên độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích kia, sự kích thích mạnh lên một cơ quan phân tích này sẽ làm giảm độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích kia.
Sự tác động lẫn nhau của các cảm giác có thể diễn ra đồng thời hay nối tiếp trên những cảm giác cùng loại hay khác loại. Có hai loại tương phản: tương phản nối tiếp và tương phản đồng thời. Ví dụ, thấy tờ giấy trắng trên nền đen trắng hơn khi thấy nó trên nền xám. Đó là tương phản đồng thời. Sau một kích thích lạnh thì một kích thích ấm sẽ có vẻ nóng hơn. Đó là tương phản nối tiếp.
Cơ sở sinh lí của quy luật này là các môi liên hệ trên vỏ não của các cơ quan phân tích và quy luật cảm ứng qua lại giữa hưng phấn và ức chế trên vỏ não.
2. Tri giác
2.1. Khái niệm chung về tri giác
2.1.1. Định nghĩa tri giác
Khác với cảm giác, tri giác là một mức độ mới của nhận thức cảm tính, nó không phải là tổng thể các thuộc tính riêng lẻ, mà là một sự phản ánh sự vật, hiện tượng nói chung trong tổng hòa các thuộc tính của nó. Chẳng hạn, cũng trong ví dụ đã nêu, ở mục định nghĩa cảm giác, nếu cho phép người bạn nắm bàn tay lại và sờ bóp sự vật thì người bạn có thể nói được sự vật ấy là cái gì, tức đã phản ánh sự vật đang tác động một cách trọn vẹn.
Vậy tri giác là một quá trình tâm lí phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta.
2.1.2. Đặc điểm của tri giác
Tri giác có những đặc điểm giống với cảm giác như:
– Cũng là một quá trình tâm lí, tức là có nảy sinh, diễn biến và kết thúc;
– Cũng chỉ phản ánh thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng;
– Cũng phản ánh hiện thực khách quan một cách trực tiếp (đang tác động).
Tuy vậy tri giác có những đặc điểm nổi bật sau:
– Tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trọn vẹn. Tính trọn vẹn của tri giác là do tính trọn vẹn khách quan của bản thân, sự vật hiện tượng quy định. Kinh nghiệm có ý nghĩa rất lớn đối với tính trọn vẹn này, cho nên chỉ cần tri giác một số thành phần riêng lẻ của sự vật, hiện tượng ta cũng có thể tổng hợp được các thành phần đó và tạo nên hình ảnh trọn vẹn của sự vật, hiện tượng. Sự tổng hợp này được thực hiện trên cơ sở hoạt động phối hợp của nhiều cơ quan phân tích.
– Tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng theo những cấu trúc nhất định. Cấu trúc này không phải tổng số các cảm giác mà là sự khái quát đã được trừu xuất từ các cảm giác đó trong một liên hệ qua lại giữa các thành phần của cấu trúc ấy ở một khoảng thời gian nào đó (thí dụ như nghe ngôn ngữ mà hiểu được). Sự phản ánh này không phải đã có từ trước mà nó diễn ra trong quá trình tri giác. Đó là tính kết cấu của tri giác.
– Tri giác là quá trình tích cực, gắn liền với hoạt động của con người. Tri giác mang tính tự giác, giải quyết một nhiệm vụ nhận thức cụ thể nào đó, là một hành động tích cực trong đó có sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố của cảm giác và vận động.
Những đặc điểm nói trên của tri giác cho thấy, tuy tri giác là mức phản ánh cao hơn cảm giác nhưng vẫn thuộc giai đoạn nhận thức cảm tính, chỉ phản ánh được các thuộc tính bên ngoài, cá lẻ của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào ta. Để hiểu biết thật sâu sắc về tự nhiên, xã hội và bản thân, con người còn phải thực hiện giai đoạn nhận thức lí tính.
2.2. Các loại tri giác
Có hai cách phân loại tri giác: theo cơ quan phân tích giữ vai trò chính trong quá trình tri giác và theo đối tượng được phản ánh trong tri giác. Theo cách thứ nhất có các loại: tri giác nhìn, tri giác nghe, tri giác sờ mó… Theo cách thứ hai có tri giác không gian, tri giác thời gian, tự giác vận động và tri giác con người.
2.2.1. Tri giác không gian
Tri giác không gian là sự phản ánh khoảng không gian tồn tại khách quan (hình dáng, độ lớn, vị trí của các vật với nhau…).
Tri giác này giữ vai trò quan trọng trọng sự tác động qua lại của con người với môi trường, là điều kiện cần thiết để con người định hướng trong môi trường.
Tri giác không gian bao gồm sự tri giác hình dáng của sự vật (dấu hiệu quan trọng nhất là phản ánh được đường biên của sự vật) sự tri giác độ lớn của sự vật, sự tri giác chiều sâu, độ xa của sự vật và sự tri giác phương hướng. Trong tri giác không gian, cơ quan phân tích thị giác giữ vai trò đặc biệt quan trọng, sau đó là các cảm giác vận động, va chạm, cảm giác ngửi và nghe. Thí dụ, căn cứ vào mùi có thể xác định được vị trí của cửa hàng ăn, nghe tiếng bước chân có thể biết người đang đi về phía nào.
2.2.2. Tri giác thời gian
Tri giác thời gian là sự phản ánh độ dài lâu, tốc độ và tính kế tục khách quan của các hiện tượng trong hiện thực. Nhờ tri giác này, con người phản ánh được các biến đổi trong thế giới khách quan.
Những khoãng cách thời gian được xác định bởi các quá trình diễn ra trong cơ thể theo những nhịp điệu nhất định (nhịp tim, nhịp thở, nhịp luân chuyển thức, ngủ…). Những cảm giác nghe và vận động hỗ trợ đắc lực cho sự đánh giá các khoảng thời gian chính xác nhất. Hoạt động, trạng thái tâm lí và lứa tuổi có ảnh hưởng lớn đến việc tri giác độ dài thời gian (khi chờ đợi những sự kiện tốt đẹp thì thời gian dài, khi hứng thú với công việc thì thời gian trôi nhanh, trẻ em thường thấy thời gian trôi quá chậm…)
2.2.3. Tri giác vận động
Tri giác vận động là sự phản ánh những biến đổi về vị trí của các sự vật trong không gian. Ở đây các cảm giác nhìn và vận động giữ vai trò rất cơ bản. Thông tin về sự thay đổi của vật trong không gian thu được bằng cách tri giác trực tiếp khi tốc độ của vật chuyển động lớn và bằng cách suy luận khi tốc độ vận động quá chậm (như đối với chuyển động của kim giờ đồng hồ). Cơ quan phân tích thính giác cũng góp phần vào việc tri giác vận động.
2.2.4. Tri giác con người
Tri giác con người là một quá trình nhận thức (phản ánh) lẫn nhau của con người trong những điều kiện giao lưu trực tiếp. Đây là loại tri giác đặc biệt vì đối tượng của tri giác cũng là con người.
Quá trình tri giác con người bao gồm tất cả các mức độ của sự phản ánh tâm lí, từ cảm giác cho đến tư duy. Sự tri giác con người có ý nghĩa thực tiễn to lớn vì nó thể hiện chức năng điều chỉnh của hình ảnh tâm lí trong quá trình lao động và giao lưu, đặc biệt trong giảng dạy và giáo dục.
2.3. Quan sát và năng lực quan sát
– Quan sát là một hình thức tri giác cao nhất, mang tính tích cực chủ động và có mục đích rõ rệt, làm cho con người khác xa với con vật. Quá trình quan sát trong hoạt động, đặc biệt là trong rèn luyện đã hình thành nên năng lực quan sát.
– Năng lực quan sát là khả năng tri giác nhạnh chóng và chính xác những điểm quan trọng, chủ yếu và đặc sắc của sự vật, hiện tượng cho dù những điểm đó khó nhận thấy hoặc có vẻ là thứ yếu. Năng lực quan sát ở mọi người khác nhau và phụ thuộc vào những đặc điểm nhân cách, biểu hiện ở kiểu tri giác hiện thực khách quan như kiểu tổng hợp (thiên về tri giác những mối quan hệ, chú trọng đến chức năng, ý nghĩa, coi nhẹ các chi tiết), kiểu phân tích (chủ yếu tri giác những thuộc tính, bộ phận), kiểu phân tích – tổng hợp (giữ được sự cân đối giữa 2 kiểu trên) và kiểu cảm xúc (chủ yếu phản ánh cảm xúc, tâm trạng do đối tượng gây ra). Những kiểu tri giác này cũng như tri giác không phải là cố định mà được thay đổi do mục đích và nội dung của hoạt động. Nhà trường cần hình thành cho học sinh các kĩ năng phản ánh hiện thực một cách khách quan nhất.
2.4. Vai trò của tri giác
Tri giác là thành phần của nhận thức cảm tính nhất là ở người trưởng thành. Nó là một điều kiện quan trọng trong sự định hướng hành vi và hoạt động của con người trong môi trường xung quanh. Hình ảnh của tri giác (hình tượng) thực hiện chức năng là vật điều chỉnh các hành động. Đặc biệt. hình thức tự giác cao nhất – quan sát - do những điều kiện xã hội, chủ yếu là lao động, đã trở thành một mặt tương hỗ độc lập của hoạt động và đã trở thành một phương pháp nghiến cứu quan trọng của khoa học cũng như của nhận thức thực tiễn.
2.5. Các quy luật cơ bản của tri giác
2.5.1. Quy luật về tính đối tượng của tri giác
Hình ảnh trực quan mà tự giác đem lại bao giờ cũng thuộc về một sự vật, hiện tượng nhất định của thế giới bên ngoài. Tính đối tượng của tri giác nói lên sự phản ánh hiện thực khách quan chân thực của tri giác và nó được hình thành do sự tác động của sự vật. hiện tượng xung quanh vào giác quan con người trong hoạt động vì những nhiệm vụ của thực tiễn. Tính đối tượng của tri giác có vai trò quan trọng: nó là cơ sở của chức năng định hướng cho hành vi và hoạt động của con người.
2.5.2. Quy luật về tính lựa chọn của tri giác
Tri giác của người ta không thể đồng thời phản ánh tất cả các sự vật hiện tượng đa dạng đang tác động, thà chỉ tách đối tượng ra khỏi bối cảnh (tách vật nào đó ra khỏi các vật xung quanh). Điều này nói lên tính tích cực của tri giác.
Sự lựa chọn tri giác không có tính chất cố định, vai trò của đối tượng và bối cảnh có thể thay đổi cho nhau, tùy thuộc vào mục đích cá nhân và điều kiện xung quanh khi tri giác. Sự tri giác nhũng bức tranh hai nghĩa đã nói lên điều đó.
Quy luật này có nhiều ứng dụng trong thực tế như kiến trúc, trang trí, ngụy trang và trong dạy học như: trình bày chữ viết lên bảng, thay đổi mẫu mực hoặc gạch dưới những chữ có ý quan trọng…
2.5.3. Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác
Tri giác ở người gắn chặt với tư duy, với bản chất của sự vật, hiện tượng; nó diễn ra có ý thức, tức là gọi được tên của sự Vật, hiện tượng đang tri giác ở trong óc, xếp được chúng vào một nhóm, một lớp sự vật, hiện tượng nhất định, khái quát vào những từ xác định. Trong tri giác, việc tách đối tượng ra khỏi bối cảnh gắn liền với việc hiểu ý nghĩa và tên gọi của nó.
Từ quy luật này có thể thấy rõ vì sao phải bảo đảm việc tri giác những tài liệu cảm tính và dùng ngôn ngữ truyền đạt đầy đủ, chính xác trong dạy học.
2.5.4. Quy luật về tính ổn định của tri giác
Sự vật, hiện tượng được tri giác ở những vị trí và điều kiện khác nhau nên bộ mặt của chúng luôn thay đổi. Trong tình hình có các quá trình tri giác cũng được thay đổi một cách tương ứng, nhưng do khả năng bù trừ của hệ thống tri giác (các cơ quan phân tích tham gia) nên ta vẫn tri các sự vật, hiện tượng ổn định về hình dáng kích thước, màu sắc… Nói cách khác, tri giác có tính ổn định.
Tính ổn định của tri giác là khả năng phản ánh sự vật, hiện tượng không thay đổi khi điều kiện tự giác thay đổi. Ví dụ: trước mặt ta là em bé, xa hơn, sau nó là ông già. Trên võng mạc ta có hình ảnh đứa bé lớn hơn hình ảnh ông già, nhưng vẫn tri giác ông già lớn hơn đứa bé: Đối với hình dáng, màu sắc sự vật cũng như thế.
Tính ổn định của tri giác được hình thành trong hoạt động và đối tượng là một điều kiện cần thiết để định hướng trong đời sống và trong hoạt động của con người giữa thế giới đa dạng và biến đổi vô tận này.
2.5.5. Quy luật tổng giác
Ngoài vật kích thích bên ngoài, tri giác còn bị quy định bởi một loạt nhân tố nằm trong bản thân chủ thể tri giác như: thái độ, nhu cầu, hứng thú, sở thích, tình cảm, mục đích, động cơ… (“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” – Nguyễn Du).
Sự phụ thuộc của tri giác vào nội dung đời sống tâm lí con người, vào đặc điểm nhân cách của họ được gọi là hiện tượng tổng giác. Điều này chứng tỏ ta có thể được khiển được tri giác.
Trong dạy học và giáo dục cẩn phải tính đến kinh nghiệm và hiểu biết của học sinh, xu hướng, hứng thú và tâm thế của họ…, đồng thời việc cung cấp tri thức, kinh nghiệm, giáo dục niềm tin, nhu cầu… cho học sinh sẽ làm cho sự tri giác hiện thực của học sinh tinh tế, súc tích hơn.
2.5.6. Ảo giác
Trong một số trường hợp với những điều kiện thực tế xác định, tri giác có thể không cho ta hình ảnh đúng về sự vật. Hiện tượng này gọi là ảo ảnh thị giác, gọi tắt là ảo giác.
Ảo ảnh là tri giác không đúng, bị sai lệch. Những hiện tượng tri giác này tuy không nhiều, nhưng có tính chất quy luật.
Thí dụ các vòng tròn như nhau nhưng nếu ở giữa các vòng tròn to hơn thì tri giác dường như bé hơn, các trường hợp khác cũng có kết quả tương tự.
Tính sai lầm của ảo giác cũng như tính chân thực của tri giác được kiểm tra bằng thực tế. Ta có thể dùng cách đo đạc để xác định lại tính đúng đắn của những trường hợp ảo ảnh nêu trên.
Người ta đã lợi dụng ảo giác vào trong kiến trúc, hội họa, trang trí, trang phục… để phục vụ cho cuộc sống con người.
Từ khóa » Ví Dụ Về Tri Giác Trong Cuộc Sống
-
Ví Dụ Về Tri Giác - Luật Hoàng Phi
-
Quy Luật Của Tri Giác. Giải Thích Và Cho Ví Dụ. - Why You Think So
-
Vai Trò Và ứng Dụng Của Các Quy Luật Của Cảm Giác Và Tri Giác Trong ...
-
Ví Dụ Về Tri Giác
-
Ứng Dụng Các Quy Luật Cơ Bản Của Tri Giác Trong Cuộc ... - StuDocu
-
Quy Luật Cơ Bản Của Tri Giác - Dinhpsy's World
-
Tri Giác, đặc điểm Và Vai Trò Của Tri Giác - Dinhpsy's World
-
Các Quy Luật Của Tri Giác đầy đủ Nhất - TopLoigiai
-
Ví Dụ Về Tri Giác
-
VÍ DỤ VỀ CÁC QUY LUẬT CỦA TRI GIÁC - Maymoccongnghiep
-
CÁC QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC - Health Việt Nam
-
Tri Giác « Quá Trình Nhận Thức - Nhập Môn Tâm Lý Học
-
C13ATM12 - Câu 4 Tâm Lý Học đại Cương! Mong Mọi Người Góp ý ! Ad ...