Vai Trò Của Cây Lạc Dại Trong Sản Xuất Cà Phê Hữu Cơ

Trong những năm gần đây, ngành cà phê Lâm Đồng đang tập trung chuyển hướng từ sản xuất cà phê truyền thống sang sản xuất cà phê bền vững, cà phê hữu cơ, tăng cường áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt là áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cây cà phê nhằm giảm chi phí giá thành, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu. Nhằm nâng cao giá trị vườn cà phê, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại, cỏ dại, giảm lượng phân bón hóa học, chống rửa trôi, xói mòn đất… Việc trồng cây lạc dại trong vườn cà phê là cần thiết và phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn hiện nay.

Cây cà phê vốn là loài cây mọc trong rừng mưa Nam Mỹ, nguyên tắc muốn cà phê sống tốt phải có cây che bóng phía trên và thảm thực vật xanh dưới gốc. Khi canh tác cà phê theo hướng công nghiệp, người dân đã khiến vườn cà phê không có cả cây che bóng lẫn thảm xanh phủ gốc khiến cây đòi hỏi nước tưới, phân bón nhiều cũng như bệnh hại gia tăng. Trồng lạc dại là biện pháp thảm xanh dưới gốc hiệu quả, vừa giữ ẩm, vừa có cây trồng đa dạng để các loài sâu bệnh hại có chỗ cư ngụ, tránh gây hại lên cà phê. Về nguyên tắc sâu bệnh hại luôn tồn tại, nếu vườn canh tác đa dạng cây trồng chúng sẽ không tập trung phá một loài cây duy nhất.

Lạc dại là một loài cây họ đậu lâu năm có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam từ năm 1999 thông qua một số dự án hệ thống canh tác trên nhiều chân đất, từ đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát. Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh tính khoa học về khả năng thích nghi sinh trưởng tốt, tính phổ rộng cao và trồng xen lạc dại sẽ chống xói mòn, bảo vệ, cải tạo độ phì của đất… Lạc dại có lá và hoa như lạc ăn, thân bò sát mặt đất, ra rễ ở các đốt thân trên, củ nhỏ, thường chỉ có một hạt to bằng đậu tương, rễ cọc có thể hình thành từ các đốt và ăn sâu vào lòng đất. Rễ có nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất cao.

Lạc dại dễ trồng, mỗi cây cà phê chỉ cần trồng 4 - 5 khóm xung quanh, sau thời gian trồng 1 - 2 tháng có thể cắt ra để nhân giống tiếp cho những cây khác giống như việc nhân giống khoai lang và rau muống. Khi cây phát triển được 4 - 5 tháng, sẽ tạo thành một thảm thực vật che phủ toàn bộ vườn cà phê. Đặc biệt trong mùa khô có thể cắt thân để ủ vào gốc cà phê, vừa chống bốc thoát hơi nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Lạc dại có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là nên trồng vào mùa mưa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Trong các phương pháp che phủ đất, việc trồng lạc dại dưới gốc cây được áp dụng nhiều bởi những ưu điểm nổi trội như sau:

Về chống xói mòn, vườn cây cà phê trồng thảm lạc dại đã làm giảm 72,4% lượng đất (đồi) bị xói mòn, độ ẩm của đất có thảm lạc dại luôn cao hơn so với vườn không trồng từ 10 đến 50% tùy thuộc vào độ dày của thảm che phủ và điều kiện đất đai, vì thế tiết kiệm nước tưới. Các loài vi sinh vật (VSV) có lợi tăng rất cao dưới thảm lạc dại. Cụ thể VSV cố định đạm tăng 200%, VSV phân giải lân tăng 611,1%, VSV phân giải cellulose tăng 138,1% so với vườn cây cùng loại không trồng lạc dại. Trồng lạc dại giúp hệ sinh thái côn trùng đất như giun, dế phát triển, ngày đêm “cày xới, chế biến lá mục” làm cho đất thêm tơi xốp. Theo tính toán của NOMAFSI, trồng lạc dại, lượng chất xanh có thể cung cấp 595kg N, 140kg P2O5, 200kg K2O/ha/năm và khẳng định chắc chắn điều này sẽ góp phần quan trọng trong cải tạo độ phì của đất.

Hoa màu vàng của lạc dại hấp dẫn được một số côn trùng có ích (thiên địch) để hạn chế sâu hại cây, làm tăng sự thụ phấn cho hoa, lạc dại che phủ nhanh chóng, khi đạt 90% diện tích vườn, cỏ dại hoàn toàn có thể được kiểm soát, lạc dại còn là ký sinh chủ của rệp sáp giúp chia sẻ áp lực sâu hại cho cây cà phê. Ngoài ra, thân cây lạc dại còn dùng làm cây phân xanh hay làm thức ăn cho gia súc…

Việc trồng lạc dại trong vườn cà phê mang lại hiệu quả cao, phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Trần Văn Tuận - TTKN Lâm Đồng

Từ khóa » Cây Lạc Dại Nông Nghiệp