Vai Trò Của Chữ Hán Trong Việc Thúc đẩy Sự Hình Thành Và Phát Triển ...

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2006 >> Số 6
Hoàng Thị Ngọ
Vai trò của chữ Hán trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển của chữ Nôm Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm; Số 6(7(; Tr.21-25)

Cập nhật lúc 22h16, ngày 17/02/2008

VAI TRÒ CỦA CHỮ HÁN TRONG VIỆC THÚC ĐẨY SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHỮ NÔM VIỆT NAM

PGS.TS. HOÀNG THỊ NGỌ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Ở Việt Nam, chữ Nôm là loại hình văn tự của người Việt được sử dụng trước khi có chữ quốc ngữ. Chữ Nôm đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển đến hoàn thiện trong hàng chục thế kỷ và còn truyền lại đến ngày nay. Trong quá trình đó, chữ Hán có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự hình thành, phát triển của chữ Nôm Việt Nam.

Chữ Hán có mặt trên đất Việt Nam khoảng gần 2000 năm liên tục từ thời Bắc thuộc cho mãi đến đầu thế kỷ XX, được sử dụng trong mọi lĩnh vực đời sống văn hóa, chính trị của xã hội Việt Nam. Từ đầu Công nguyên đến thế kỷ X (năm 938), người Việt trực tiếp tiếp xúc với tiếng Hán. Nhà Hán đã mở trường dạy chữ Hán ngày càng nhiều ở Giao Châu, điều đó khiến cho tiếng Hán và chữ Hán ngày càng ảnh hưởng tới cư dân người Việt.

Trước thế kỷ X, người Việt Nam dùng chữ Hán đọc như người Hán, học chữ Hán thực chất là học một sinh ngữ. Đến đầu thế kỷ X, Việt Nam bước vào thời kỳ tự chủ thì tiếng Hán không còn tư cách là một sinh ngữ nữa mà người Việt vẫn dùng chữ Hán như cũ nhưng lại đọc theo cách riêng của mình là đọc theo cách đọc Hán Việt. Cách đọc này đã ảnh hưởng vào tiếng Việt làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú hơn. Chữ Hán dù sao cũng vẫn là một văn tự ngoại lai vốn chỉ được tầng lớp trên như quan lại, trí thức quen dùng đã đến lúc không đáp ứng được nhu cầu ghi chép của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Bị tách khỏi môi trường sinh ngữ, chữ Hán càng không đáp ứng được nhu cầu diễn tả mọi mặt của cuộc sống, những diễn biến tình cảm rất uyển chuyển, tinh tế của người Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, cần phải có một nền văn tự riêng của người Việt là nhu cầu rất tự nhiên. Chữ Nôm ra đời đã đáp ứng nhu cầu đó của lịch sử.

Nền văn tự Nôm đã hình thành như thế nào ? Để hình thành một nền văn tự chỉ có hai con đường. Đó là con đường tự nó và con đường vay mượn. Hình thành bằng con đường tự nó nghĩa là tự sáng chế cho mình một lối viết độc lập, không liên quan gì đến các truyền thống văn tự khác. Rất ít nền văn tự trên thế giới hình thành theo con đường này. Theo Nguyễn Tài Cẩn thì trên thế giới chỉ có ba trường hợp là chắc chắn được hình thành theo con đường tự là: văn tự Ai Cập ở lưu vực sông Nin, văn tự Mai A ở Trung Mỹ, và văn tự Hán ở lưu vực sông Hoàng Hà, phía bắc Trung Quốc. Hình thành bằng con đường vay mượn từ một nền văn tự khác là con đường phổ biến của đại đa số các văn tự hiện có trên thế giới. Trong bối cảnh lịch sử nước Việt diễn ra như trình bày ở trên thì chữ Nôm Việt Nam sẽ nảy sinh theo con đường thứ hai là con đường vay mượn, vay mượn từ nền văn tự Hán.

Ở khu vực Đông và Đông Nam Á chữ Hán là loại chữ ra đời sớm nhất. Lúc đầu chữ Hán chỉ được dùng trong phạm vi các bộ tộc người Hán ở giữa lưu vực sông Hoàng Hà và sông Vị Hà, về sau dần dần nó lan rộng ra toàn vùng, tạo ra một vùng văn hóa đồng văn. Chữ Hán đã tác động đến sự ra đời của chữ Triều Tiên và chữ Nhật Bản, mặc dù hai ngôn ngữ này khác xa với tiếng Hán. Chữ Hán cũng tác động đến lối viết của người Nữ Chân, người Tây Hạ. Xuống dần phía nam, nó đã thúc đẩy sự xuất hiện của chữ Choang, chữ Nôm Việt, chữ Nôm Tày. Chữ Nôm Việt Nam đã ra đời trên cơ sở vay mượn từ các chất liệu chữ Hán và về cơ bản kết cấu cũng theo phương thức Hán.

Chữ Hán đã thúc đẩy sự hình thành của chữ Nôm Việt Nam như thế nào ?

Trong lịch sử, có rất nhiều đợt người Trung Quốc đã sang sinh sống ở Việt Nam với những lý do khác nhau như: sang làm quan cai trị, sang buôn bán, lánh nạn và kể cả đi đầy. Chính những người này đã góp phần đắc lực vào việc truyền bá chữ Hán vào Việt Nam. Bởi vậy, ngay từ đầu công nguyên các yếu tố Hán đã du nhập vào Việt Nam. Qua nhiều đợt tiếp xúc, tiếng Hán đã để lại những ảnh hưởng đáng kể đến sự ra đời và phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt. Một trong những ảnh hưởng đáng kể nhất là tiếng Hán đã góp phần, thúc đẩy quá trình thanh điệu hóa trong tiếng Việt. Theo H. Haudricourt và một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì vào khoảng đầu Công nguyên tiếng Việt chưa có thanh điệu, trong kho từ vựng còn có phụ tố và các phụ âm đầu, có các âm cuối họng, hầu và xát. Quá trình khép kín và giản hóa âm tiết đã được khơi mào từ trước, đến đầu công nguyên, những âm cuối hầu, họng và xát cản trở cho việc khép kín âm tiết như - h, -s, - ? dần dần bị rụng đi và để bù đắp lại tiếng Việt đã nảy sinh 3 tuyến điệu, để mở đầu cho quá trình thanh điệu hóa:

- Các âm tiết mở không có âm cuối sẽ mang tuyến điệu 1 (gồm thanh nganghuyền còn nhập làm một).

- Sự rụng âm cuối tắc họng - ? cho tuyến điệu 2 (gồm thanh sắc nặng còn nhập làm một).

- Sự rụng âm cuối hầu - h cho tuyến điệu 3 (gồm thanh hỏingã còn nhập làm một).

Quá trình này kéo dài từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VI. Sau đó, hàng loạt từ Hán được du nhập vào tiếng Việt. Vì tiếng Việt lúc này chưa có âm đầu hữu thanh nên các âm đầu hữu thanh Hán khi nhập vào tiếng Việt đều phải vô thanh hóa và để đảm bảo sự khu biệt, trong quá trình chuyển biến này sẽ có sự bù đắp bằng thanh điệu:

Âm đầu vô thanh Hán chuyển sang âm đầu vô thanh Việt sẽ mang các thanh điệu bổng ngang, sắc, hỏi.

Âm đầu hữu thanh Hán chuyển sang âm đầu vô thanh Việt sẽ mang các thanh điệu trầm huyền, nặng, ngã.

Do sự chuyển biến đó mà từ đây 3 tuyến điệu sẵn có sẽ tách đôi thành 6 thanh điệu: nganghuyền, sắcnặng, hỏingã. Như vậy, ở giai đoạn sau của quá trình thanh điệu hóa, tiếng Hán đã có vai trò quan trọng trong việc hình thành 6 thanh điệu trong tiếng Việt. Quá trình này kéo dài từ thế kỷ VI đến thế kỷ XII. Điều đó góp phần làm cho tiếng Việt có đặc điểm giống như tiếng Hán là cùng loại hình đơn lập, âm tiết tính và có thanh điệu. Chính điều đó đã gợi cho người Việt ý đồ sử dụng chữ Hán để tạo nên một loại chữ riêng để ghi tiếng nói dân tộc mình. Đây là điều mà các ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ chắp dính không thể nào làm được.

Mặt khác, còn một yếu tố quan trọng làm tiền đề cho sự hình thành chữ Nôm là chữ Hán ở Việt Nam đã được đọc theo âm Hán Việt. Cách đọc này theo như các nhà ngôn ngữ là xuất phát từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán giai đoạn cuối của tiếng Hán Trung cổ, vào thế kỷ VIII, IX. Đồng thời cách đọc này tuân theo các quy luật ngữ âm lịch sử tiếng Việt và bộ máy cấu âm của người Việt, chỉ người Việt mới hiểu. Điều này rất thuận lợi cho việc mượn chữ Hán đọc theo âm Hán Việt để ghi tiếng Việt. Ngoài những chữ Hán đọc theo âm Hán Việt còn có những chữ Hán đọc theo âm Tiền Hán Việt và âm Hán Việt Việt hóa nhưng để tạo chữ Nôm phải dựa chủ yếu vào số lượng lớn chữ Hán có cách đọc Hán Việt. Những chữ Hán được dùng để tạo chữ Nôm thường là những chữ thông dụng, có tần số hoạt động cao. Theo thống kê của Nguyễn Tá Nhí thì có khoảng trung bình 1200 chữ Hán thông dụng được sử dụng làm thành tố ghi âm trong chữ Nôm.

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình phát triển, nền văn hóa Việt Nam đã có mối quan hệ mật thiết với nền văn ngôn và với chữ Hán của Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Hán. Cho đến thời điểm xuất hiện chữ Nôm thì chữ Hán đã có lịch sử hàng ngàn năm rất quen thuộc với người Việt Nam. Đó cũng là một thuận lợi đối với việc vay mượn chữ Hán để tạo chữ Nôm. Chữ Nôm được tạo ra trên cơ sở các chữ vuông Hán, bởi vậy nếu không có trình độ chữ Hán ở một mức độ nhất định thì người Việt cũng không thể viết và đọc được chữ Nôm. Khi Việt Nam có nhu cầu phải có một nền văn tự riêng thì trên đất Việt đã có một đội ngũ hùng hậu những người Việt Nam có trình độ hiểu biết sâu về chữ Hán và nền văn hóa Hán. Họ chính là những người đầu tiên tham gia vào việc sáng tạo chữ Nôm và sau này những người kế tiếp họ sẽ có vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện chữ Nôm.

Lúc đầu chữ Nôm chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ trong các văn bản chữ Hán để ghi những từ thuần Việt không có trong hệ thống từ vựng Hán. Chữ Hán được dùng thường là những chữ có âm đọc Hán Việt trùng khít hoặc gần với âm Việt. Theo tình hình cứ liệu còn lại cho thấy chữ Nôm chỉ có thể được manh nha vào khoảng thế kỷ VIII - IX. Những chữ được tạo theo phép hình thanh của chữ Hán ở giai đoạn đầu đã có lác đác nhưng mới chỉ ở mức sử dụng các bộ thủ Hán để chỉ ý nghĩa của từ Việt trong chữ Nôm. Chữ Nôm chỉ thực sự trở thành một nền văn tự khi những chữ lẻ tẻ xuất hiện ngày một nhiều và thành một hệ thống, cách ghi đã tuân theo những quy tắc nhất định. Đa số các nhà nghiên cứu chữ Nôm đã dựa vào các cứ liệu còn lại đều cho rằng: vào khoảng thời Lý (1010-1225), chữ Nôm mới được dùng thịnh hành và trở thành một nền văn tự thực thụ. Chữ Nôm xuất hiện là do nhu cầu ghi âm tiếng Việt, bởi vậy chữ Nôm lúc đầu thiên về hướng ghi âm thuần tuý. Tùy theo sự phát triển tồn tại của tiếng Việt ở từng giai đoạn mà chữ Hán được khai thác sử dụng các chất liệu để ghi tiếng Việt ở những mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung thì khi sáng tạo chữ Nôm người Việt thường mượn chữ Hán theo một trong các kiểu sau:

- Mượn chữ Hán ở cả 3 mặt : hình, âm, nghĩa. Ví dụ dùng (thần) ghi thần, dùng (thánh) ghi thánh (trong thần thánh).

- Chỉ mượn Hán ở 2 mặt: hình, âm. Ví dụ dùng (một) ghi một (trong số 1), dùng ghi đồng (trong cánh đồng)dùng (công) ghi trong, dùng (ba + lăng) ghi trông, dùng (bà và luân ) ghi trời.

- Chỉ mượn Hán ở hai mặt: hình, nghĩa. Ví dụ: dùng (trì) ghi ao; dùng (cổ) ghi trống, dùng 𡗶(thiên + thượng) ghi trời.

Ở giai đoạn đầu của quá trình đơn tiết hóa, khi trong tiếng Việt còn bảo lưu các tổ hợp phụ âm đầu và yếu tố tiền âm tiết thì xuất hiện phổ biến một loại chữ Nôm ghi một từ Việt bằng 2 mã chữ tách rời. Chữ Hán ngoài việc cung cấp ký tự ghi âm tiết chính còn cung cấp ký tự để ghi yếu tố tiền âm tiết và tổ hợp phụ âm đầu. Đến khi các yếu tố tiền âm tiết và tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt không còn nữa thì các ký tự Hán vẫn được dùng để ghi chúng cũng bị loại bỏ chỉ còn lại ký tự ghi âm tiết chính của tiếng Việt.

Để ghi tiếng Việt ngày càng chính xác hơn, người Việt đã tạo ra ngày càng nhiều loại chữ Nôm theo phương thức của chữ hài thanh trong chữ Hán. Ở loại chữ Nôm này, bên cạnh ký tự Hán ghi âm tiết chính, người Việt đã thêm vào bộ phận chỉ nghĩa. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các bộ thủ chỉ nghĩa thường được sử dụng để sáng tạo loại chữ Nôm ghép 2 thành tố biểu âm và biểu ý. Càng về sau loại chữ Nôm hài thanh xuất hiện ngày càng nhiều. Số lượng chữ Nôm dùng một chữ Hán để biểu âm và kết hợp với một chữ Hán để biểu nghĩa cũng ngày một nhiều hơn. Chữ Nôm vì thế mà có khả năng ghi được toàn bộ số từ vựng có trong tiếng Việt một cách chính xác hơn và chữ cũng trở nên dễ đọc hơn. Để chữ Nôm ghi được tiếng Việt ngày càng chính xác và hoàn thiện thì chữ Hán được vay mượn cũng được lựa chọn theo những tiêu chí chặt chẽ hơn, ngày càng nhiều hơn. Chữ Nôm chính là sản phẩm của sự kết hợp giữa các yếu tố vay mượn từ chữ Hán. Không có chữ Hán thì cũng không có chữ Nôm.

Trong tiếng Việt hiện đại có khoảng hơn 60% số từ có nguồn gốc từ tiếng Hán. Như vậy có thể thấy rằng trong tiếng Việt lịch sử, số từ có nguồn gốc từ tiếng Hán chắc chắn phải hơn thế nhiều. Qua đó có thể thấy vai trò của chữ Hán trong việc cung cấp chất liệu để tạo chữ Nôm ghi tiếng Việt quan trọng như thế nào. Người Việt luôn có ý thức Việt hóa các từ Hán, tuy vậy có những từ đã được Việt hóa nhưng đời sau không chấp nhận lại phải dùng trở lại như cũ. Ví dụ (tư văn) chỉ đạo Nho, từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã Việt hóa thành văn này trong tác phẩm thơ Nôm Quốc âm thi tập:

"Văn này ngâm thể mỗ thon von

Thương hải hay khao thiết thạch mòn"

(Câu 1 bài 49)

Cho tới nay, nhìn lại vốn di sản Hán Nôm còn lại có thể thấy rằng: do nhiều nguyên nhân, các loại văn bản có chữ Nôm đã bị mất mát khá nhiều, đặc biệt là các bản Nôm xuất hiện trước thế kỷ XVI. Nhưng với gần 2000 cuốn sách Nôm còn lại trong các thư viện trong và ngoài nước, trong các đình, chùa, nhà thờ, các dòng họ... với đủ các thể tài, thể loại có nội dung phong phú cũng đủ chứng tỏ chữ Nôm đã không ngừng phát triển và đã trở thành một nền văn tự thực thụ, hoàn toàn đáp ứng được việc ghi chép về mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Để có một di sản văn hóa chữ Nôm đồ sộ, phong phú như vậy thì một trong những yếu tố không thể phủ nhận được là vai trò và sự tác động của chữ Hán đối với sự hình thành và phát triển của chữ Nôm.

Tài liệu tham khảo chính

1. Đào Duy Anh: Chữ Nôm - nguồn gốc cấu tạo - diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

2. A.G.Haudricout - De l'origine des tons en Vietnamien - Journal Asiatique,1954, tập 242, số I (Bản dịch Trần Tất Thắng, 1975, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu Dt.77).

3. Bửu Cầm: Nguồn gốc chữ Nôm, Văn hóa nguyệt san 50, 1960.

4. Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb. KHXH.

5. Nguyễn Ngọc San: Vấn đề cấu trúc chữ Nôm, tóm tắt luận án PTS. năm 1982.

6. Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb. Giáo dục, 1993.

7. Nguyễn Tá Nhí: Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt, Nxb. KHXH, H. 1997.

8. Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb. KHXH. H. 1999./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.21-25

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Sự Ra đời Của Chữ Nôm Có ý Nghĩa Gì