Nghiên cứu khoa học Vai trò của hoạt động nhận thức trong tâm lý học và trong xét xử các vụ án Hình sự ThS Ths. Nguyễn Thị Minh Trong hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động xét xử nói riêng, nhận thức đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó là bộ phận, một mặt hoạt động rất cơ bản, cần thiết không thể thiếutrong hoạt động tư pháp. Nhận thức góp phần xây dựng, thúc đẩy nhanh việc hoàn thành mục đích, nhiệm vụ của giai đoạn xét xử trong hoạt động tư pháp. Tìm hiểu về hoạt động nhận thức trongtâm lý học giúp chúng ta hiểu được cấu trúc, đặc điểm, vai trò của hoạt động nhận thức trong các giai đoạn của hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng; từ đó giúp cho hoạt động xét xử đạt chất lượng, hiệu quả. 1. Các khái niệm a. Khái niệm hoạt động nhận thức Con người là thực thể sống tồn tại, hoạt động trong thế giới khách quan, con người phải nhận thức, tỏ thái độ và hành động với thế giới ấy. Nhận thức, tình cảm và hành động là ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người. Trong quá trình hoạt động, con người phải nhận thức, thông qua hoạt động nhận thức, hiện thực xung quanh và hiện thực của bản thân được phản ánh, trên cơ sở đó con người tỏ thái độ, tình cảm và hành động. “Hoạt động nhận thức là quá trình tâm lý phản ánh hiện thực khách quan và bản thân con người thông qua các cơ quan cảm giác và dựa trên những hiểu biết vốn liếng kinh nghiệm đã có của bản thân”. Việc nhận thức thế giới có thể đạt tới những mức độ khác nhau: từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao. Mức độ nhận thức cảm tính, mức độ cao hơn là nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính bao gồm cảm giác và tri giác, trong đó con người phản ánh những cái bên ngoài, những cái đang trực tiếp tác động đến giác quan con người. Cảm giác là một quá trình tâm lý phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ, bề ngoài của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan hoặc trạng thái bên trong của cơ thể khi chúng đang trực tiếp tác động vào cơ quan cảm giác tương ứng của con người. Cảm giác bên ngoài là những cảm giác do nguồn kích thích từ bên ngoài cơ thể gây ra. Để tiếp nhận nguồn kích thích này con người phải nhờ vào hoạt động của các cơ quan cảm giác. Cảm giác bên ngoài bao gồm: thị giác cho ta biết những thuộc tính về hình dạng màu sắc kích thươc, vị trí, độ sáng...của đối tượng; thính giác là loại cảm giác cho ta biết những thuộc tính về âm thanh, âm sắc của đối tượng; khứu giác cho ta biết những thuộc tính về mùi của đối tượng; vị giác cho ta biết những thuộc tính về vị của đối tượng, xúc giác là loại cảm giác cho ta biết những thuộc tính về nhiệt độ. Cảm giác bên trong là những cảm giác do nguồn kích thích từ bên trong cơ thể gây ra: cảm giác thăng bằng, cảm giác vận động. Cảm giác con người diễn ra theo những quy luật tự nhiên riêng. Hiểu và vận dụng được những quy luật này trong hoạt động thực tiễn của cuộc sống là điều cần thiết với mỗi chúng ta. Tri giác là một quá trình tâm nhận thức phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan khi chúng đang trực tiếp tác động vào các cơ quan cảm giác, người ta chia thành các loại tri giác: tri giác nhìn; tri giác nghe; tri giác ngửi... Tri giác bao gồm các quy luật cơ bản: quy luật về tính đối tượng của tri giác; quy luật về tính lựa chọn của tri giác, tổng giác, ảo ảnh tri giác, ... Trên đây là một số kiến thức tâm lý cơ bản liên quan tới nhận thức cảm tính. Để gắn kết với kiến thức chuyên ngành Luật, chúng ta cùng nhau xem xét hồ sơ một vụ án cướp tiệm vàng xảy ra tại Bắc Giang như sau: Vào rạng sáng ngày 24/8/2011, khi trời vẫn còn mờ tối, Lê Văn Luyện nấp cách tiệm vàng Ngọc Bích một quãng, mắt đảo nhìn quanh. Khi không thấy bóng người, Lê Văn Luyện nhanh chóng đột nhập lên tầng ba ngôi nhà. Công cụ của Luyện là một con dao nhọn và một con dao phớ. Sau khi dùng đèn pin soi tầng ba không tìm thấy gì, Luyện xuống tầng 2. Suy tính vàng và nữ trang giấu ở tầng 2 nên Luyện đi ngắt cầu dao và camera. Lúc 5 giờ rưỡi, thấy chủ nhân lên phơi quần áo tại tầng 3, Lê Văn Luyện vung dao đâm anh ta. Anh này tuy bị thương nhưng vẫn cố đoạt vũ khí và kêu cứu. Vợ của anh ta chạy lên liền hứng thêm nhiều nhát dao của kẻ thủ ác khi chủ nhà cướp được con dao nhọn, Luyện liền rút dao phớ chém tiếp. Chủ nhân lăn xuống tầng 2, Luyện tiếp tục chém nhiều nhát đến khi anh ta im hẳn. Con gái lớn của chủ nhà thấy tiếng kêu bật dậy, tìm điện thoại liên lạc với bên ngoài. Lê Văn Luyện sợ bị lộ nên vung dao chém đứt tay cô bé rồi đâm thêm nhiều nhát. Tưởng cô bé này đã chết nên Luyện bỏ đi. Cô con gái thứ khóc to quá nên Luyện dùng dao phớ cướp mạng sống của em luôn. Sát hại xong cả nhà người bị hại, Lê Văn Luyện đi lấy ba lô và cất hung khí rồi xuống tầng 1. Sau đó, Luyện phá tủ kính và lấy vàng rồi mở cửa bếp thoát ra ngoài. Lúc này, trời đã sáng, khu phố đã bắt đầu nhiều người qua lại. Sợ bị phát hiện, Luyện gọi điện cho người anh họ đến đón rồi bỏ trốn. Tại cấp sơ thẩm, Lê Văn Luyện phải chịu mức án 18 năm tù. Khi vụ án đưa ra xét xử phúc thẩm thì mức án vẫn giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Như vậy, dưới góc nhìn tâm lý về nhận thức cảm tính chúng ta thấy rằng, chỉ vì lỡ cầm chiếc xe máy đi mượn của người khác lấy tiền rồi tiêu xài, không có tiền chuộc trả lại cho chủ sở hữu, Luyện đã thực hiện hàng loạt tội ác man rợ, dã man….cướp đi tính mạng của 3 người (trong đó có cả trẻ không có khả năng kháng cự) và gây thương tích nặng cho một người khác. Nếu một người bình thường sau khi biết được vụ án này sẽ vội vàng đưa ra kết luận rằng phải xử lý nghiêm đối với Lê Văn Luyện, hình phạt phải là chung thân, tử hình mới đủ răn đe, làm bài học cho kẻ khác... Nhưng nếu là sinh viên chuyên ngành Luật, hay người có am hiểu pháp luật thì sẽ không vội vàng kết luận ngay, mà cần phải xem xét từng hành vi phạm tội của đối tượng này, các tình tiết vụ án, căn cứ pháp luật, nhân thân đối tượng cần phải nghiên cứu để xem xét tội danh, mức hình phạt tương xứng, tức là chúng ta đã tìm hiểu dưới góc độ nhận thức lý tính. Nhận thức lý tính là nhận thức ở mức độ cao, bao dồm tư duy và tưởng tượng, trong đó con người phản ánh những cái thuộc bản chất bên trong, những mối quan hệ có tính quy luật. Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung, chi phối lẫn nhau trong cùng một hoạt động nhận thức thống nhất của con người. Tư duy là một quá trình nhận thức mới về chất so với nhận thức cảm tính. Tư duy không phản ánh những cái bên ngoài mà phản ảnh những thuộc tính bên trong, thuộc tính bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan. Quá trình này mang tính gián tiếp và khái quát, nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực tiễn. Như vậy tư duy là quá trình tìm kiếm và phát hiện cái mới về chất, nhờ đó chúng ta mới có khả năng giải quyết những nhiệm vụ phức tạp hơn. Tư duy chỉ này sinh khi gặp những hoàn cảnh, những tình huống ma bằng vốn hiểu biết cũ, con người không đủ để giải quyết, để nhận thức, con người phải vượt ra khỏi những phạm vi hiểu biết cũ để đi tìm cái mới. Những tình huống như vậy được gọi là “tình huống có vấn đề”. Vấn đề có thể tồn tại dưới dạng các câu hỏi hay nhiệm vụ trong hoạt động. Trong hoạt động tư duy, con người cần phải thực hiện các thao tác đó là: phân tích và tổng hợp; so sánh; trừu tượng hóa; khái quát hóa, cụ thể hóa... Tưởng tượng là một quá trình nhận thức phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những biểu tượng mới trên cơ sở những hình ảnh, biểu tượng đã có. Như vậy, tưởng tượng phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân, tức là phản ánh những cái mới đối với cá nhân đó, bằng các biểu tượng. Biểu tượng vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát. Biểu tượng thường không rõ rệt như hình ảnh của tri giác mà nó thường xuất hiện những nét cơ bản, chủ yếu của đối tượng, còn những nét khác thì mờ nhạt. Tưởng tượng cũng phản ánh hiện thực khách quan vì để tạo ra những cái mới, con người phải dùng chất liệu là những hình ảnh cũ, biểu tượng cũ cá nhân có được trong hiện thực khách quan qua quá trình nhận thức cảm tính. Cũng như tư duy, tưởng tượng nảy sinh từ hoàn cảnh có vấn đề nhưng khác với hoàn cảnh làm nảy sinh qua trình tư duy. Khi những dữ kiện, điều kiện của hoàn cảnh có vấn đề đã được xác định cụ thể, không quá xa lạ với hiểu biết của con người tạo nên những nhiệm vụ rõ ràng, sáng tỏ và có cơ sở khoa học cụ thể để con người giải quyết vấn đề thì khi đó con người giải quyết vấn đề theo quy luật tư duy. Khi dữ kiện của hoàn cảnh có vấn đề mang tính không cụ thể, không rõ ràng thì việc giải quyết nhiệm vụ của vấn đề sẽ diễn ra theo cơ chế tưởng tượng. Trên đây là những kiến thức khái quát trong tâm lý học về nhận thức lý tính. Để liên kết đến kiến thức pháp luật chúng ta xem kết luận cuối cùng mà Hội đồng xét xử đã tuyên đối với bị cáo Lê Văn Luyện, tại bản án số 02/HSST ngày 11/01/2012 củaTAND tỉnh Bắc Giang, Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Luyện tổng cộng 18 năm tù về các tội danh mà bi cáo đã gây ra. Theo nhận định của TAND Bắc Giang, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa cho thấy không có cơ sở xác định Luyện có đồng phạm. Lời khai của Luyện về việc đột nhập tiệm vàng trùng với kết quả thực nghiệm hiện trường. Các vết chém trên người 4 nạn nhân khi khám nghiệm cũng khớp với lời khai hung thủ. Với những phân tích trên, HĐXX cho rằng cáo trạng truy tố Luyện về 3 tội danh là có cơ sở. Tuy nhiên, do chưa đến tuổi thành niên, Luyện bị phạt 18 năm tù về tội giết người, 18 năm tù cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật, bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt đối với bị cáo không quá 18 năm tù. Tại bản án số: 177 /HSPT ngày 30/3/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm thì vẫn giữ nguyên án sơ thẩm (18 năm tù tội giết người, 18 năm tù tội cướp tài sản, 9 tháng tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), tổng hợp hình phạt áp dụng đối với Lê Văn Luyện là 18 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án đưa ra phán quyết đối với Lê Văn Luyện với tổng mức hình phạt là 18 năm tù thì đã có không ít người hoài nghi, không hài lòng, thậm chí có phản ứng trái chiều về quyết định của Tòa án; nhưng đó chỉ là cảm nhận cảm tính. Tuy nhiên, xét nhiều tình tiết về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc biệt độ tuổi của Luyện khi phạm tội thì đánh giá về mặt pháp lýthì Tòa án đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng chính sách xử lý đối với người chưa thành niên của Việt Nam và thế giới…. b. Khái niệm hoạt động tư pháp Hoạt động tư pháp là việc của các cơ quan chuyên chính được Nhà nước sử dụng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện các hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, được pháp luật tố tụng quy định để đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự và bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân. Nói một cách khái quát thì “hoạt động tư pháp là hoạt động tố tụng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án do các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật tố tụng quy định nhằm bảo vệ các quyền lợi của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân”. c. Hoạt động xét xử “Hoạt động xét xử là hoạt động của các Tòa án được tổ chức và tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định và theo một trật tự do luật định nhằm xem xét và giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân, gia đình và những vụ việc khác do pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân” (Từ điển Bách khoa toàn thư) 2. Mục đích của hoạt động nhận thức trong hoạt động xét xử Hoạt động nhận thức là bộ phận, một mặt hoạt động rất cơ bản cần thiết, không thể thiếu được của hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng. Bất kỳ một chủ thể nào của hoạt động tư pháp (Điều tra viên, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân…) khi tiến hành nhiệm vụ của mình đều phải sử dụng hoạt động nhận thức. Trong hoạt động xét xử, hoạt động nhận thức nhằm thực hiện các mục đích sau: Phân tích, đánh giá các chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; tìm hiểu động cơ, mục đích của người tham gia tố tụng; nắm bắt được đặc điểm tâm lý của những người tham gia tố tụng; đưa ra cách thức, phương pháp tác động tâm lý đến những người tham gia tố tụng; 3. Đặc điểm của hoạt động nhận thức trong hoạt động xét xử Hoạt động nhận thức trong giai đoạn xét xử được tiến hành để nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập và kiểm tra tính khách quan, tính hợp pháp của các thông tin đó. Để nhận thức được toàn bộ các thông tin về vụ án, người cán bộ xét xử phải tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án, có thể điều tra bổ sung , xác minh thu thập chứng cứ theo luật định và thẩm vấn công khai các đương sự liên quan, thẩm tra các tại liệu tại phiên tòa; qua đó kiểm tra xem xét lại các các thông tin đã được thu thập một cách khách quan, toàn diện, công khai. Chủ thể tiến hành hoạt động nhận thức (các thành viên Hội đồng xét xử): Quá trình nhận thức trong hoạt động xét xử mang tính chủ động cao hơn so với một số giai đoạn tố tụng trước. Nếu như giai đoạn điều tra, điều tra viên thu thập chứng cứ về vụ án, thì mô hình vụ án chưa được xác định. Điều tra viên nhận thức các thông tin về vụ án chưa có định hướng rõ ràng. Song điều kiện nhận thức của người làm công tác xét xử hoàn toàn khác. Khi tiến hành nhận thức về vụ án người làm công tác xét xử đã có được mô hình chính xác về vụ án do bên cơ quan điều tra mô tả, viện kiểm sát truy tố. Do vậy, họ đã hình dung được diễn biến vụ án, các tình tiết cụ thể của vụ án. Điều này là căn cứ giúp người làm công tác xét xử có sự định hướng trong việc xử lý các thông tin. Khối lượng thông tin mà người làm công tác xét xử phải xử lý giảm đáng kể so với người làm công tác điều tra. Cán bộ xét xử chỉ xử lý thông tin có liên quan đến vụ án, còn những thông tin nằm ngoài vụ án đã được cán bộ điều tra sàng lọc và lược bỏ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng xét xử trong việc phân tích và đánh giá thông tin. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do sự chủ quan trong công tác đánh giá thông tin, chứng cứ của cơ quan điều tra, Viện kiếm sát mà một số thông tin quan trọng đã không được xem xét, loại bỏ. Hậu quả dẫn đến sự hạn chế thông tin đối với Hội đồng xét xử, làm giảm tính chính xác trong việc đánh giá vụ án. Để khắc phục hạn chế này, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải tạo điều kiện để các đương sự có liên quan cung cấp đầy đủ các thông tin về vụ án. Nhận thức trong giai đoạn xét xử mang tính gián tiếp cao. Nếu như ở giai đoạn điều tra vụ án, cán bộ điều tra được tiếp xúc trực tiếp với hiện trường, thấy hậu quả phạm tội, xem xét các dấu vết còn lại trên hiện trường thì người làm công tác xét xửnhận thức vụ án chỉ dựa vào hồ sơ của cơ quan điều tra và lời khai của đương sự. Như vậy, các thông tin được thu thập chủ yếu thông qua mô tả của chủ thể khác, thể hiện tính gián tiếp, cần có tư duy để xây dựng lên mô hình diễn biến toán bộ vụ án. Vì thế, kết quả nhận thức của Hội đồng xét xử phụ thuộc rất nhiều vào tính khoa học, chi tiết, chặt chẽ, logic của hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra lập ra. Từ quá trình nhận thức Hội đồng xét xử phải xác định được sự tương quan giữa các tình tiết vụ án và các điều luật cụ thể được áp dụng. Nhiệm vụ của người làm công tác xét xử là phải nhận thức chính xác tình tiết vụ án và định tội đối với bị cáo, từ đó xác định mức hình phạt cụ thể, phù hợp. Để đưa ra bản án chuẩn xác, thuyết phục, đòi hỏi người cán bộ xét xử phải xác định cụ thể, chi tiết sự tương quan giữa từng tình tiết, từng dấu hiệu của hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xác định khung hình phạt, yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm...Bên cạnh đó, người làm công tác xét xử phải xem xét việc áp dụng các điều luật mà Viện kiểm sát truy tố đã phù hợp hay chưa phù hợp để đưa ra quyết định chính xác. Nếu xác định không chính xác sự tương quan giữa hành vi phạm tội và quy định của pháp luật sẽ dẫn tới việc định tội và mức hình phạt không chính xác, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xét xử. Hoạt động nhận thức của Hội đồng xét xử bị hạn chế về thời gian. Theo quy định pháp luật, thời gian cho việc chuẩn bị xét xử đối với các vụ án ít nghiêm trọng là không quá 30 ngày, đối với vụ án nghiêm trọngkhông quá 45 ngày, đối với vụ án rất nghiêm trọng không quá 2 tháng, đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng không quá 3 tháng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án. 4. Vai trò của hoạt động nhận thức trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự Quá trình nhận thức là quá trình phát triển toàn diện tất cả các thành phần của hoạt động tư pháp. Trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp, thì hoạt động nhận thức đóng vai trò là một trong những dạng hoạt động cơ bản, đạt được các mục đích của hoạt động tư pháp là thông qua việc nhận thức một cách toàn diện, đúng đắn sự thật khách quan của vụ án cùng với các hoạt động thiết kế, giáo dục nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức xã hội và của công dân. Ngoài ra, hoạt động nhận thức còn đóng vai trò là một hoạt động trung tâm, là hoạt động cơ sở cho các hoạt động tâm lý khác trong cấu trúc của hoạt động tư pháp. Bởi hoạt động nhận thức là hoạt động đầu tiên, nó là tiền đề, căn cứ khởi đầu trong cấu trúc của hoạt động tư pháp. Nó là cơ sở để thực hiện các hoạt động khác trong hoạt động tư pháp, nếu không có hoạt động nhận thức thì các hoạt động còn lại trong cấu trúc của hoạt động tâm lý thì khó mà thực hiện được hoặc nếu nhận thức mà không đúng thì đương nhiên các hoạt động còn lại sẽ sai lầm. Tóm lại, hoạt động nhận thức là một bộ phận, một mặt hoạt động rất cơ bản, rất cần thiết không thể thiếu được của hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng. Bất kỳ một chủ thể nào của hoạt động xét xử khi thực hiện nhiệm vụ của mình đều phải sử dụng hoạt động nhận thức. Khi có một nhận thức đúng đắn về vụ án hình sự thì mới có thể tiến hành những hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, qua đó mới có thể ra các quyết định đúng đắn, những biện pháp giáo dục hợp lý. Xét xử vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự mà Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết vụ án và nhân danh Nhà nước mà ra bản án. Nhiệm vụ lớn nhất của giai đoạn xét xử là ra được bản án, quyết định bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hoạt động nhận thức là cơ sở để thực hiện các hoạt động tâm lý khác trong hoạt động xét xử. Mục đích cơ bản của hoạt động nhận thức trong xét xử là nghiên cứu, kiểm tra, xác minh lại những chứng cứ đã phản ánh trong tài liệu điều tra và đánh giá, để hiểu rõ bản chất khách quan của vụ án, đưa ra bản án, quyết định đúng đắn. Do vậy, hoạt động nhận thức trong giai đoạn xét xử của tòa án có nhiều điểm khác biệt hơn so với hoạt động nhận thức ở giai đoạn điều tra. Bản án quyết định của Tòa án đưa ra, phải đảm bảo tính nghiêm khắc nhưng cũng có tính giáo dục để mọi người ý thức tôn trọng pháp luật, tạo thói quen tuân thủ pháp luật, cần làm cho mọi người tin rằng bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng sẽ bị xã hội lên án, giáo dục mọi công dân có ý thức tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Khi một hành vi phạm tội xảy ra, trên cơ sở nhận thức được tính nguy hiểm của tội phạm gây ra, cần phải giáo dục cảm hóa người phạm tội, hình thành ở họ thái độ ăn năn, hối hận, thái độ tôn trọng pháp luật; giáo dục ý thức, chấp hành pháp luật cho các công dân; răn đe, ngăn ngừa tội phạm đối với những thành viên; giáo dục tinh thần trách nhiệm với lãnh đạo, tập thể có thiếu sót để tạo ra tình trạng tội phạm thì các thành viên Hội đồng xét xử có thể thực hiện các hoạt động giáo dục. Hoạt động nhận thức ở giai đoạn xét xử được thực hiện bởi các thành viên Hội đồng xét xử nhằm kiểm tra lại tính đúng đắn của các thông tin thu thập được trong giai đoạn điều tra thông qua hồ sơ và hoạt động thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Hoạt động nhận thức mang tính chủ động, ít căng thẳng hơn so với hoạt động nhận thức ở giai đoạn điều tra do chủ thể nhận thức đã được tiếp cận với lượng thông tin ít hơn, cô đọng hơn, đã được sàng lọc ở giai đoạn điều tra, truy tố. Kết luận Hoạt động nhận thức là một quá trình phát triển toàn diện của hoạt động xét xử. Hoạt động nhận thức trong giai đoạn tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng nhận được một khối lượng thông tin lớn từ nhiều nguồn khác nhau, nguồn thông tin này có thể bị thiếu hụt và khó xác định. Điều quan trọng là từ khối lượng lớn thông tin này, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành sàng lọc, chắp nối các thông tin lại cùng với việc phân tích, đánh giá để rồi rút ra mối quan hệ biện chứng giữa các nguồn thông tin. Như vậy, người tiến hành tố tụng phải có khả năng tư duy, lập luận pháp lý, kinh nghiệm làm việc, có những phẩm chất tâm lý vững vàng, ổn định. Ngoài ra, hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp không phải là một hoạt động nhận thức đơn thuần một sự việc khách quan nào đó, mà nó liên quan chặt chẽ với các thủ tục tố tụng, đảm bảo phải tuân theo những quy định của pháp luật một cách triệt để, xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự một cách nhanh chóng. Vì vậy, hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp đòi hỏi: Cán bộ tư pháp cần có chuyên môn cao, tư duy pháp lý, kinh nghiệm làm việc và những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần thiết khi tiến hành tố tụng nói chung và các hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp của mình nói riêng. Để đảm bảo xác định sự thật của vụ án hình sự một cách chính xác, khách quan, nhanh chóng. Tòa án có thể đưa ra những phán quyết khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không xét xử làm oan sai người vô tội thì Hội đồng xét xử nói chung cũng như Thẩm phán làm nhiệm vụ Chủ tọa phiên tòa cũng cần có những nhận thức đúng đắn về vụ án thông qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Như vậy, bản án, quyết định của Tòa án có “thấu tình, đạt lý” hay không, sẽ phụ thuộc rất cao vào quá trình nhận thức khách quan, toàn diện về vụ án của các cơ quan tư pháp. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa bằng cách tuân thủ triệt để những quy định của pháp luật tố tụng khi tiến hành các hoạt động tố tụng và nhận thức không nằm ngoài những quy định đó. Những người tiến hành tố tụng phải có một nhận thức đúng đắn, khách quan trên cơ sở những quy định của pháp luật, tránh những nhận thức chủ quan của mình dẫn tới việc giải quyết vụ án hình sự có nhiều sai sót, không đúng pháp luật. Tài liệu tham khảo DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình tâm lí học tư pháp, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006. 2. Bộ luật Tố Tụng Hình Sự của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2015. 3.http://www.tinmoi.vn/toan-canh-phien-toa-xet-xu-le-van-luyen-ngay-101-01715986.html 4. http://www.dhluathn.com/2014/11/phan-tich-vai-tro-cua-hoat-ong-nhan.html Bài viết này Gửi bài Các tin khác Một số vướng mắc, bất cập từ những quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và xóa án tích 07/01/2017 Một số vấn đề về thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự 27/07/2016 Thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 18/05/2016 Thủ tục rút gọn trong Luật tố tụng hành chính 2015 29/04/2016 Đưa công tác dân vận vào chương trình giảng dạy cho các chức danh Tư pháp trong hệ thống Tòa án 05/04/2016 Một số yếu tố tâm lý trong quá trình tố tụng đối với người dưới 18 tuổi 11/03/2016 Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý về tên thương mại, tên doanh nghiệp 02/02/2016 Về quan điểm, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và vấn đề đặt ra đối với Học viện Tòa án hiện nay 01/02/2016 Thừa phát lại – một nghề mới trong xã hội hiện nay 01/02/2016 |