Vai Trò Của PH đất Và Cây Trồng

pH đất đối với cây trồng cũng có thể ví một cách đơn giản và hình tượng như là huyết áp đối với sức khỏe con người vậy. Tùy theo từng lọai cây trồng mà nó có khả năng chịu đựng và phát triển trong một phạm vi pH nhất định. Vượt ra khỏi phạm vi đó cây trồng sẽ phát triển còi cọc, cho năng suất thấp và rất dễ bị bệnh, kể cả bệnh do vi sinh vật gây ra và bệnh sinh lý do rối loạn dinh dưỡng gây ra. Bên cạnh đó, pH còn có ảnh hưởng gián tiếp tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. pH đất vừa là chỉ thị vừa là tác nhân quyết định tới tình trạng dinh dưỡng của cây trồng. Nhìn chung, các lọai vi lượng như sắt (Fe), đồng (Cu), kẽm (Zn) và mangan (Mn) có nhiều trong đất chua hơn là đất kiềm. Trong môi trường đất chua khả năng hấp thụ lân sẽ giảm. Còn ở môi trường kiềm khả năng hấp thụ kali sẽ giảm. Đối với vi sinh vật đất, pH có vai trò rất quan trọng tới sự phát triển của vi sinh vật đất. Vì mỗi lọai vi sinh vật đất chỉ tồn tại và phát triển ở một pham vi pH nhất định. Trong đất, lượng phân đạm được cố định bởi vi sinh vật là rất lớn, gấp 4 lần lượng phân đạm mà chúng ta bón cho cây. Và phần lớn các vi sinh vật cố định đạm này họat động tốt nhất ở phạm vi pH từ trung tính tới kiềm nhẹ (7.0-8.0).

pH đất là gì?

pH đất là một chỉ số cho biết mức độ chua (axit) hay kiềm (baza) của đất. Thông thường pH nằm trong phạm vi từ 0 đến 14. Nếu pH nhỏ hơn 7 người ta gọi là đất bị chua, còn nếu pH đất lớn hơn 7 người ta gọi là đất bị kiềm.

pH đất có vai trò gì?

  • Đối với dinh dưỡng đất: pH quyết định sự thiếu hay thừa dinh dưỡng ở dạng dễ tiêu
  • Đối với cây trồng: pH quyết định phạm vi sinh trưởng tối ưu
  • Đối với vi sinh vật đất: pH có tác động trực tiếp tới môi trường sống của các VSV trong đất. Đặc biệt là các VSV phân giải chất hữu cơ trong đất và cả vi sinh vật gây hại tồn tại và phát triển.

Mối tương quan giữa pH đất và các chất dinh dưỡng trong đất

Đất chua (pH thấp hơn 7) thường thiếu đạm, lân, kali, canxi, mangie và molybden nhưng lại dư thừa sắt, nhôm, và mangan. Ngược lại, nếu đất bị kiềm (pH cao hơn 7) thường nghèo đạm, lân, kali, sắt, nhôm, mangan, kẽm, đồng và Bo.

Mối tương quan giữa pH đất và tình trạng dinh dưỡng

Phạm vi pH thích hợp với một số loại cây trồng

Cũng giống như chỉ số huyết áp của con người - pH là một chỉ số quan trọng của đất. Cao quá hay thấp quá đều liên quan tới tình trạng dinh dưỡng trong đất và ảnh hưởng sức khỏe cây trồng. Sau đây là những thông tin chi tiết về các lọai cây trồng và phạm vi pH thích hợp của chúng:

Cây cà phê: Mặc dù cà phê đặc biệt là cà phê Robusta được xem là dễ tính vì nó có thể thích nghi ở nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả các giống cà phê chỉ có thể sinh trưởng, phát triển và cho năng suất tốt ở một phạm vi pH nhất định. Đó chính là pH gần trung tính (6.0-6.5). So với các lọai cây trồng khác cà phê thường được trồng trên sườn dốc tại các tỉnh tây nguyên nên một số chất dinh dưỡng thường bị nước mưa rửa trôi đáng kể. Hơn thế nữa, vì là cây trồng lâu năm và thường chỉ được bón bằng phân hóa học nên đất trồng cà phê thường bị thiếu chất, đặc biệt là các nguyên tố trung và vi lượng, trong khi đó một số chất mà cây cà phê không cần lại tích tụ lại dẫn đến dư thừa và gây ngộ độc cho cây. Do đó, việc kiểm tra pH thường xuyên để đưa ra biện pháp cải tạo pH đất là rất cần thiết.

Cây cao su: Nhìn chung, cây cao su có khả năng chịu đựng được phạm vi pH khá rộng từ 3.8-8.0. Cây con dễ bị ảnh hưởng bởi pH hơn là cây đang khai thác mủ. Khi pH vượt quá 8.0, cây sẽ ngừng sinh trưởng. Phạm vi pH thích hợp nhất cho cây cao su là từ 5.0 đến 6.8

Cây chuối: Mặc dù cây chuối có thể sinh trưởng phát triển trong một phạm vi pH khá rộng 4.5-7.5. Tuy nhiên, nấm gây bệnh héo rụi (Panama) trên cây chuối thì lại phát triển mạnh ở pH thấp. Do vậy, ngoài việc kiểm soát pH đất cho phù hợp vơi cây trồng phát triển thì việc nâng pH để tạo điều kiện giúp cây chuối kháng lại bệnh chết rụi là rất có ý nghĩa.

Cây tiêu: Tiêu là cây trồng bị ảnh hưởng rất rõ bởi pH đất. Nhìn chung, cây ưa đất có pH trung tính hoặc gần trung tính (5.5-7.0). Nếu độ pH đất nhỏ hơn 5.5 thì cần phải bón vôi để cải tạo và bổ sung Canxi. Hơn thế nữa, trong điều kiện đất chua (pH thấp) cây rất dễ bị bệnh làm giảm năng suất và phẩm chất tiêu. Chúng ta có thể dung phân lân nung chảy (supper lân) để bón, vừa cung cấp lân và bổ sung Canxi cho cây.

Xử lý đất khi bị chua hay kiềm

Do đất chua hay đất kiềm làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất khiến cây không phát triển tốt được, gây nên hiện tượng rối loạn dinh dưỡng hay bệnh sinh lý và khiến cây chậm phát triển hoặc cho ảnh hưởng tới năng suất.

Ngoài sự tác động trực tiếp tới sự khả năng cung cấp dinh dưỡng trong đất và tác động tới sinh trưởng cây trồng thì pH còn là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đất. pH quá thấp hoặc quá cao thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật gây hại cho cây trồng phát triển và ức chế các loại vi sinh vật hữu ích. Chẳng hạn, nấm gây bệnh sưng rễ cải bắp và rau họ thập tự (Plasmodiophora brassicae) thường phát triển mạnh trong điều kiện đất chua (pH<7). Ơ đất trung tính và kiềm (pH>=7) bào tử nấm nảy mầm kém hoặc không nảy mầm đồng thời hạn chế sự truyền nhiễm. Tương tự, qua phân tích pH của các mẫu đất có chứa vi khuẩn cố định đạm tự do (Azotobacter sp.) cho thấy các mẫu đẫt này có độ pH trong khoảng 5,15 - 7,75. Một số mẫu đất khác có độ pH thấp hơn không phát hiện thấy sự hiện diện của vi sinh vật hữu ích này.

Khi đất bị chua (hay có pH thấp) thì chúng ta phải tiến hành cải tạo đất. Tùy theo nguyên nhân gây chua, tùy thuộc vào từng lọai đất và loại cây trồng mà có những biện pháp cải tạo khác nhau. Đối với đất chua do tầng sinh phèn gây nên điển hình là các vùng đồng bằng ven biến và Đồng bằng sông Cửu Long thì phải kết hợp giữa biện pháp thau chua rửa phèn kết hợp bón vôi để cải tạo đất. Còn đối với đất chua ro bị rửa trôi các kim lọai kiềm như canxi, magie đặc trưng bởi các vùng miền núi và trung du và cao nguyên thì việc bón vôi kết hợp bổ sung các nguyên tố trung vi lượng là rất cần thiết.

Th.S Nguyễn Văn Quyền

Từ khóa » Ph ảnh Hưởng đến Cây Trồng Như Thế Nào