Vai Trò Của Tổ Chức Công đoàn Trong Việc Bảo đảm Quyền Lợi Người ...
Có thể bạn quan tâm
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà cho người lao động.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong những năm qua đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình.
I. TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÁC CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VỀ BHXH, BHYT, BHTN
Để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BHTN cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN để cung cấp cho công đoàn cơ sở và người lao động. Đặc biệt, chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế.
Tổng Liên đoàn thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, quan tâm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, những năm gần đây khi các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN được ban hành khá chi tiết, kịp thời, đồng bộ… thì nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN cho đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói riêng càng được đẩy mạnh, quan tâm, đạt kết quả tốt.
Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các đơn vị truyền thông của tổ chức Công đoàn Việt Nam như: Báo Lao động, Báo Người lao động, Báo Lao động Thủ đô, Tạp chí Lao động và Công đoàn, các Trang tin điện tử... mở các chuyên trang, chuyên mục và đăng tải các tin, ảnh, bài viết, phóng sự tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN.
Trong 5 năm (2013-2018), các cấp công đoàn đã biên soạn, in ấn và phát hành hàng trăm nghìn tờ gấp, cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động; giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc tọa đàm, hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật với người lao động, các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động, tổ chức các trò chơi, tiểu phẩm cho công nhân khu nhà trọ... góp phần trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động… Đồng thời, nắm bắt các ý kiến phản hồi của đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn cơ sở để kiến nghị, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn cơ sở đã tổ chức được trên 20.000 cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, cuộc đối thoại chính sách nói chung và chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng; đăng tải các tin, bài, phóng sự về công tác BHXH, BHYT, BHTN trên Bản tin nội bộ, các Trang tin điện tử của tổ chức công đoàn... góp phần thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN...
II. KIẾN NGHỊ, THAM GIA XÂY DỰNG, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BHXH, BHYT, BHTN
Với chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, Công đoàn đã chủ động nghiên cứu và tổ chức nhiều hội nghị để tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Nhiệm kỳ 2013-2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã tham gia với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng hàng trăm đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Các ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Công đoàn đã cơ bản thể hiện được trí tuệ tập thể, ý chí của tổ chức công đoàn và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Chất lượng ý kiến tham gia góp ý, xây dựng pháp luật từng bước được nâng cao, hầu hết các ý kiến đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; thể hiện ngày càng rõ nét chức năng tham gia quản lý, chức năng đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn.
Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh chính sách, đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động; đơn cử như:
- Đề nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập trong cách tính lương hưu của người lao động, đặc biệt là lao động nữ về hưu từ ngày 01/01/2018; xem xét, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH. Trên cơ sở đề xuất của các cấp công đoàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 “quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng”.
- Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật chuyên ngành có liên quan như Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có quy định về chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Luật Việc làm để có cơ sở đề xuất sửa đổi các quy định về BHTN cho phù hợp; các quy định về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi của người lao động; hướng dẫn việc thực hiện quy định về lao động người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc... để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương theo đúng quy định tại Luật BHXH 2014.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, phối hợp cùng các cơ quan chức năng đề nghị cơ quan có thẩm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện về BHXH của các cấp công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động…
III. THAM GIA THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BHXH, BHYT, BHTN
Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN luôn được quan tâm, triển khai thực hiện thống nhất từ Tổng Liên đoàn đến công đoàn cơ sở.
Trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng Liên đoàn đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 doanh nghiệp thuộc 4 – 6 tỉnh, thành phố.
Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, đánh giá rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp; phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong thực hiện chính sách.
Tình trạng các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến; trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỷ đồng. Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1 – 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỷ đồng. Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.
Bên cạnh đó, hàng năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều tham gia với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra việc tuân thủ pháp luật về lao động tại các địa phương, trong đó có các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Ở địa phương, hoạt động phối hợp giữa Công đoàn với các cơ quan hữu quan trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng được đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những hoạt động được duy trì đều đặn. Hàng năm, các LĐLĐ tỉnh, thành phố đều xây dựng kế hoạch phối hợp liên tịch với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp. Chú trọng công tác thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động và việc chi trả các chế độ bảo hiểm cho người lao động.
IV. CÔNG TÁC TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG VỀ BHXH, BHYT, BHTN
Tính đến tháng 12/2018, hệ thống Công đoàn đã thành lập 81 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật, trong đó có 16 trung tâm (chiếm 20,25%), 45 văn phòng (chiếm 56,96%) và 18 tổ (chiếm 22,78%). Đã có 60/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố (chiếm 95,23%),17/20 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (chiếm 85%) thành lập trung tâm, văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật.
Tư vấn pháp luật là một trong những nội dung quan trọng của công tác pháp luật công đoàn. Hoạt động tư vấn pháp luật được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên, trực tiếp tới người lao động, dưới nhiều hình thức như tư vấn bằng văn bản, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, qua hòm thư điện tử, tư vấn trực tuyến... Nội dung chủ yếu tập trung vào các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tập thể người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động... Riêng giai đoạn 2015 – 2018, hệ thống các trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật của hệ thống Công đoàn đã thực hiện 139.196 vụ tư vấn pháp luật cho 503.522 lượt người, trong đó: tư vấn trong lĩnh vực lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN là 134.811 vụ (chiếm 96,99%) cho 488.378 lượt người (chiếm 96,99%). Tư vấn trực tiếp cho 131.364 lượt người (chiếm 26,09%), tư vấn gián tiếp cho 204.404 lượt người (chiếm 40,59%), tư vấn lưu động cho 164.754 lượt người (chiếm 33,32%).
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ người lao động tại 694 vụ án, giúp 3.177 người lao động được quay trở lại làm việc (với số tiền bồi thường hơn 65 tỷ đồng), truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 67.692 người lao động, chi trả trợ cấp thôi việc cho 3.514 người lao động. Tổ chức 14.558 cuộc tuyên truyền cho 926.112 lượt người; tổ chức, phối hợp tổ chức 96 lớp cho 6.590 lượt cán bộ công đoàn, người lao động.
Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đoàn viên công đoàn và người lao động trong hệ thống công đoàn đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, trong đó có quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN. Thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, Công đoàn đã thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN góp phần làm hạn chế nhiều vụ tranh chấp lao động và đình công.
V. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VỀ BHXH, BHYT, BHTN TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của tổ chức công đoàn trong việc nghiên cứu, tập hợp ý kiến của các cán bộ công đoàn và người lao động, phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHTN đến các cơ quan quản lý nhà nước để cùng phối hợp giải đáp, tháo gỡ và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc xem xét, bổ sung hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát huy vai trò tích cực của hoạt động tư vấn pháp luật và các cộng tác viên, giúp hệ thống Công đoàn làm tốt các nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội về BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về BHXH, BHYT, BHTN với các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU), Viện Friedrich Ebert (FES)… và Công đoàn các quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực của Công đoàn trong việc tham gia với Nhà nước xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH, BHYT đến các cấp công đoàn và đông đảo người lao động. Tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp và góp phần làm cho chính sách BHXH, BHYT, BHTN thực sự là những trụ cột lớn trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đối tác liên quan để tăng cường kinh phí và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền cổ động trực quan như xây dựng các cụm pano, áp phích. Biên soạn, phát hành các loại tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp về chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến tay người lao động.
3. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp trong việc giải quyết các vướng mắc khi thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tham gia là thành viên tích cực Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội trong việc quản lý Quỹ BHXH, BHYT, bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng Quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật. Hàng năm, kiểm điểm việc thực hiện quy chế phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN để rút kinh nghiệm và đề ra chương trình phối hợp cho năm sau.
4. Tăng cường năng lực của các cấp công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường năng lực và vai trò của công đoàn cơ sở trong việc đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng, ký kết thoả ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động đảm bảo đúng pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, đảm bảo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động. Nâng cao trình độ và năng lực tư vấn pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ công đoàn. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy tư vấn pháp luật của các cấp Công đoàn; Qua đó, tăng cường tổ chức kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động, đặc biệt chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Chủ động, tích cực kiến nghị việc thực hiện các quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của người lao động đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
VI. ĐỀ XUẤT BÁO CHÍ THAM GIA TUYÊN TRUYỀN CHO TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VỀ VẤN ĐỀ BHXH
1. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt BHXH của người lao động; ảnh hưởng của tình trạng này đến một bộ phận người lao động và sự bền vững của Quỹ BHXH.
2. Sự bất cập của hệ thống pháp luật liên quan đến quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức công đoàn.
3. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng chậm thụ lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt BHXH.
4. Một số điển hình tổ chức công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động về BHXH.
5. Một số vụ việc cụ thể công đoàn khởi kiện, bảo vệ thành công quyền lợi của người lao động về BHXH.
Từ khóa » Tìm Hiểu Bhxh
-
Bảo Hiểm Xã Hội Là Gì Và Các Chế độ BHXH Tại Việt Nam Năm 2022
-
Bảo Hiểm Xã Hội Là Gì? Cần Biết Gì Khi Tham Gia? - LuatVietnam
-
Bảo Hiểm Xã Hội: Toàn Bộ Quy định Cần Biết Năm 2021
-
Những điều Cần Biết - Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam
-
Quyền Lợi Và Nghĩa Vụ Khi Thực Hiện Chính Sách BHXH, BHYT
-
BHXH Tự Nguyện - Bảo Hiểm Xã Hội
-
Tìm Hiểu Về Dịch Vụ Kê Khai Bảo Hiểm Xã Hội Cho Doanh Nghiệp
-
Chức Năng, Nhiệm Vụ Của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam
-
Bảo Hiểm Xã Hội Là Gì? Các Loại Bảo Hiểm Xã Hội Mà Bạn Cần Biết
-
TẤT TẦN TẬT VỀ LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 2020
-
Bảo Hiểm Xã Hội Là Gì ? Khái Niệm Và Các Quy định Pháp Luật
-
BHXH Tự Nguyện: "Của để Dành" Cho Người Lao động Tự Do - VNPost
-
Bảo Hiểm Xã Hội Là Gì? Tổng Quan Về BHXH Việt Nam 2022
-
Quy Trình Thực Hiện Các Chế độ Bảo Hiểm Xã Hội - Tuyển Dụng