Vai Trò Lãnh đạo Của Đảng Trong Công Tác Phòng, Chống Dịch Covid-19

Triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, tại Hội thảo khoa học 16/6/2021 ở Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo nêu cao trách nhiệm chủ động, tự giác và phải tự xây dựng được các chương trình hành động rất cụ thể…. Theo đó, việc ngăn chặn sự lây lan, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh đang là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Những thành công bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19

Năm 2020, dư luận quốc tế đã đánh giá rất cao công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, ngay cả những ngày đầu năm 2021, mặc dù tại một số địa phương lại xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 mới, nhưng các chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế vẫn bày tỏ tin tưởng về vai trò lãnh đạo Đảng và tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua được đại dịch, gặt hái thành công trong trạng thái “bình thường mới”.

Ba làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đã được Đảng và Nhà nước, Chính phủ cùng các cấp các ngành, các địa phương hành động kịp thời và kiểm soát tình hình các vùng dịch tốt nhằm giảm thiểu tối đa sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới đang đe dọa đến tính mạng cộng đồng. Sự thành công trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19 là nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam “chống dịch như chống giặc”, nhờ sự điều hành kịp thời của Chính phủ theo Chỉ thị số 15 và 16 về giãn cách, cách ly xã hội cũng như kết hợp với sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, các bộ, ban, ngành từ Trung ương và địa phương, đó là sức mạnh to lớn của thể chế chính trị ở nước ta.

Trang tin Times of India của Ấn Độ nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh”. Điều đó đã khơi dậy được ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam, thúc đẩy hành động tập thể và có trách nhiệm để cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng chống đại dịch.

Trả lời phỏng vấn với VOV vào đầu năm 2021, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Ngài Pranay Verma đánh giá cao sự thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam trong lịch sử và giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh một năm đầy thách thức với nhiều hoạt động bị gián đoạn trên toàn cầu do Covid-19, Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch phức tạp, đưa kinh tế ổn định và tăng trưởng tích cực. Về tương lai, Đại hội đã xác định những cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt và đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong 5-10 năm tới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong khi khẳng định sức mạnh và khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS.TS. Artyom Lutkin, Phó giám đốc Viện Phương Đông thuộc trường Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là Đảng của nhân dân, vì nhân dân, luôn lắng nghe tiếng nói và tâm trạng của nhân dân; “Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời đổi mới. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là minh chứng nổi bật về sự ổn định của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều hành của Chính phủ Việt Nam”;...

Đó là vài dẫn chứng cho thấy rõ sự đúng đắn, vào cuộc kịp thời của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đoàn kết, tương trợ giữa ngành y tế với các bộ, ban, ngành khác và giữa các địa phương trong cả nước; đó là mô hình thể chế chính trị tập trung, thống nhất, được coi là một lợi thế đặc trưng giúp chúng ta phản ứng nhanh chóng với các tình huống và diễn biến của dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng. Ngay trong thời điểm hiện nay, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến chống Covid-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, tính mạng con người, bởi các biến chủng mới đang có tốc độ lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát.

Quyết tâm mạnh mẽ vượt qua đại dịch Covid-19

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư này đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến tình hình các nước, trong đó có Việt Nam, với mức độ lây lan mạnh do chủng biến thể mới Delta gây ra. Tính đến sáng 20/7, thêm 2.155 ca mắc Covid-19, riêng TP.HCM có 1.519 ca với mức độ tử vong gia tăng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt "chống dịch như chống giặc", kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đã huy động được sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngay đầu tháng 6/2021, Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 đã chính thức ra mắt với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tính đến ngày 20/7/2021, tổng cộng số tiền đã chuyển vào Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19: 8.185.000.000.000đ (đã bao gồm quy đổi từ ngoại tệ về VNĐ).

Kết luận tại cuộc làm việc sáng 19/7 với thành phố Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 nhiệm vụ lớn, trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, phòng chống dịch bệnh là ưu tiên số 1, phải đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; chúng ta quyết tâm bảo vệ Hà Nội – trái tim của cả nước.Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc nổi lên với Hà Nội, nhất là  trong quá trình thực hiện triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giúp Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Với thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cho biết: Tối 20/7 ghi nhận thêm 1.803 ca. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có những ý kiến chỉ đạo sâu sát, sẵn sàng cho kịch bản “xấu”, chia “2 mũi giáp công” linh hoạt trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó sẽ hình thành “hậu phương chống dịch” ngay trong lòng Tp. Hồ Chí Minh và đặc biệt là quan tâm đến người dân xóm nghèo trong tiêm vacxin và những hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày khác.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” và hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống nhân dân, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thoả mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Thứ hai, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất. Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh. Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường. Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát triển "Quỹ vắc-xin" phòng, chống Covid-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc-xin cho trẻ em; sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vắc-xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc-xin.

Từ thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã khẳng định sức mạnh và vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống đang là mục tiêu cấp thiết cần sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Hơn bao giờ hết là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh to lớn giúp vượt qua đại dịch, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Thu Trang

 

Từ khóa » Nói Chống Dịch Như Chống Giặc Là Của Ai