Vai Trò Và định Hướng Phát Triển Ngành Dầu Khí Quốc Gia

Thời gian khó của Người lao động Dầu khí rồi sẽ qua Dầu khí Việt Nam trước thách thức chưa từng có trong lịch sử Petrovietnam lại một thời gian khó!

GS, TS. VŨ VĂN HIỀN - PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG

Bên cạnh những giá trị về kinh tế, ngành dầu khí còn có vai trò quan trọng đối với chính trị toàn cầu. Không ít các cuộc chiến tranh, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị có nguyên nhân sâu xa từ các hoạt động cạnh tranh sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dầu mỏ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi những cuộc xung đột và chiến tranh ở Trung Đông luôn có nguyên nhân về dầu khí, tranh giành nguồn lợi dầu khí.

Hiện tại, dầu khí vẫn là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất, đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu. Trong thế kỷ XXI, vai trò của dầu khí đối với nền kinh tế thế giới vẫn hết sức quan trọng, vì trong cân bằng năng lượng toàn cầu, dầu khí vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn năng lượng khác vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Hàng năm, thế giới vẫn tiếp tục tìm kiếm được những nguồn dầu khí mới để phục vụ cho phát triển kinh tế.

Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiện nay, các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 35% nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ ở nước ta ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều.

Sự phát triển của ngành dầu khí ở Việt Nam giúp chúng ta chủ động đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, cung cấp nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác. Ngành dầu khí góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia, làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định đất nước

Nhằm phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam ra đời và thực hiện sứ mạng xây dựng ngành dầu khí thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như tinh thần Nghị quyết số 244/NQTW ngày 09/8/1975 của Bộ Chính trị.

Đến nay, qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành "đầu tàu kinh tế" quốc dân.

Ngành dầu khí đã phát hiện và đưa vào khai thác nhiều mỏ dầu khí, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước xuất khẩu dầu thô, góp phần rất quan trọng cho sự ổn định, phát triển nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành Dầu khí Việt Nam đã tích cực mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Từ năm 1987 đến nay có hơn 77 hợp đồng dầu khí đã được ký kết, trong đó 53 hợp đồng đang còn hiệu lực. Tính đến đầu năm 2010 đã khoan trên 600 giếng khoan tìm kiếm - thăm dò và khai thác dầu khí với khối lượng khoan gần 1,9 triệu m3. Ngành dầu khí đóng góp phần lớn ngoại tệ cho quốc gia với các sản phẩm phục vụ nền kinh tế là điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp và năng lượng sạch.

Trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đã cung cấp gần 35 tỷ m3 khí khô cho sản xuất, 40% sản lượng điện của toàn quốc, 35% - 40% nhu cầu u-rê và cung cấp 70% nhu cầu khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh.

Trong giai đoạn trước đây, xuất khẩu dầu thô có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu của cả nước (bình quân khoảng 15%). Hiện nay, tỷ trọng này đã giảm và chỉ còn chiếm khoảng 7,5%.

Trong bối cảnh hiện nay - khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nguồn năng lượng mới được phát triển thì ngành dầu khí thế giới nói chung và ở Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Ở Việt Nam, việc khai thác một số mỏ khí chậm tiến độ, nguyên nhân chính do thiếu vốn, quá trình khai thác dầu tại các mỏ ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả nên không hoàn thành kế hoạch.

Sản lượng điện của ngành Dầu khí Việt Nam năm 2016 tuy hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng đạt thấp hơn so với công suất khả dụng của các nhà máy điện và kỳ vọng.

Tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... có sự giảm sút. Các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng và giá dịch vụ giảm.

Ở một số doanh nghiệp dầu khí, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng ở một số dự án còn thấp, không phù hợp với thời điểm đưa vào vận hành. Cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào (công nghệ, nguyên liệu) dẫn tới không có hiệu quả...

Trước những thách thức, khó khăn như trên, đòi hỏi ngành Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng trên thế giới.

Thứ nhất: Thực hiện tốt những định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với ngành dầu khí. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, có khả năng cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Phát triển ngành dầu khí theo hướng bền vững đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Thứ hai: Coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, xây dựng năng lực khoa học - công nghệ và năng lực tổ chức điều hành của bộ máy quản lý của ngành. Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ khai thác, đảm bảo khai thác hiệu quả cao; tập trung đầu tư nghiên cứu để áp dụng các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi dầu.

Thứ ba: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện việc tái cơ cấu ở một số đơn vị; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hệ thống quản trị, kiểm soát của doanh nghiệp trong ngành; thực hành tiết kiệm, tối ưu hóa nguồn lực, cải tiến quản lý sản xuất.

Thứ tư: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả quản trị đầu tư; chủ động cân đối dòng tiền, kế hoạch huy động vốn để kịp ứng phó trước diễn biến giá dầu ở đang ở mức thấp; tiết kiệm tối đa phí đầu tư các dự án, công trình, rà soát lại các hoạt động đầu tư theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Thứ năm: Chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục thực hiện các hoạt động dầu khí gắn liền với bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Chủ động, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại những khu vực nước sâu, xa bờ trên biển nhằm tăng cường sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thực tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thứ sáu: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường liên doanh khai thác dầu khí ở vùng biển nước ta cũng như ở các quốc gia khác theo hướng thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho phát triển nền kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Từ khóa » Dầu Khí Là Nguồn Tài Nguyên Có Giá Trị Quyết định đối Với Sự Phát Triển Kinh Tế Của Vùng