Vai Trò Và ứng Dụng Của Laser Trong Y Học (phần 2)

Nội dung bài viết / Table of Contents

Toggle
  • Ứng dụng của laser trong y học cổ truyền
  • Laser trong phẫu thuật
  • Ứng dụng của Laser trong nhãn khoa
  • Ứng dụng của tia Laser trong thẩm mỹ
  • Ứng dụng của Laser trong y học để điều trị bệnh ung thư
  • Ứng dụng của Laser trong vật lý trị liệu, phục hồi chức năng (VLTL – PHCN)
  • Laser nội tĩnh mạch
  • Ứng dụng của Laser trong y học tại các chuyên khoa sâu

This post is also available in: English

ứng dụng của laser trong y học

Tác giả:

  1. TS. BS. Lê Văn Nhân, Giám đốc Dịch vụ Y khoa Công ty Pacific Cross Việt Nam, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
  2. ThS. BS. Trần Vĩnh Tài, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Tia laser có tác dụng gì là thắc mắc của rất nhiều người. Tuy nhiên, tia laser được ứng dụng khá nhiều trong đời sống hằng ngày và đặc biệt là trong y học. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về ứng dụng của tia laser trong các ngành y.

Nếu bạn chưa đọc về phần 1 thì có thể tham khảo thông qua bài dưới đây :

  • Vai trò và ứng dụng của laser trong y học (phần 1)

Ứng dụng của laser trong y học cổ truyền

Liệu pháp châm cứu Laser bán dẫn công suất thấp (quang châm) một trong những ứng dụng quan trọng Laser y học cổ truyền, chuyên đặc trị số bệnh phổ biến như: đau vùng thắt lưng thoái hóa gai đốt sống, đau lưng nặng, đau thần kinh tọa… Phương pháp này được phát minh dựa vào nguyên tắc phát tia laser, giúp đâm xuyên vào tế bào.

Các tia Laser được chiếu đi sâu vào trong các huyệt đạo, sự tương tác của các phôtôn trong chùm tia với các mô ở huyệt đạo, gây ra sự kích thích, có tác dụng giống sự kích thích cơ.

Ưu điểm của việc dùng tia Laser châm cứu là có thể tiến hành mà không phải dùng kim, tính chính xác đến các huyệt đạo. Nguồn Laser dùng cho châm cứu thường có công suất thấp và ít bị nước hấp thu và không gây nhiễm trùng.

ứng dụng của laser trong y học

Laser trong phẫu thuật

Ứng dụng của laser trong y học được sử dụng rất nhiều trong phẫu thuật như một loại dao mổ do bức xạ nhiệt của chùm tia Laser, làm cho các tổ chức bị bốc hơi tạo thành những vết cắt; những vết cắt này rất nhỏ, ít chảy máu và ít tổn thương các tổ chức lành xung quanh.

Có thể nói Laser là một loại dao mổ tinh tế nhất, an toàn và vô trùng nhất (với nhiệt độ từ 1.200 – 1.700OC thì không một loại vi khuẩn nào tồn tại được), đa năng nhất vì có thể can thiệp vào mọi phẫu thuật phức tạp khó khăn (các hốc sâu, nhỏ, các bộ phận ưa chảy máu, các tổ chức quan trọng như não, tủy sống…) mà lưỡi dao mổ thông thường không thể can thiệp được.

Dao mổ Laser làm giảm hay không cần thuốc tê, mê; không có sự tiếp xúc giữa dụng cụ và đường rạch (vô trùng tuyệt đối); cầm máu tốt với các vi huyết quản (mạch máu lớn thì phải cầm máu bằng chỉ buộc); giảm phù nề, xung huyết và tiết dịch; đường rạch ít bị chấn thương.

Khi dùng dao mổ Laser, dưới bức xạ nhiệt, các tổ chức bị đông vón lại nên có tác dụng cầm máu, hàn bong võng mạc và đặc biệt trong thủ thuật nội soi, người ta dùng nó để vừa chẩn đoán vừa điều trị.

Với tác động của Laser chiếu vào tổ chức sinh học, các bức xạ của Laser được hấp thụ bởi các phân tử hữu cơ, các mạch sẽ đứt gãy tạo ra các “vi nổ”, từ đó nước bị đẩy ra khỏi tổ chức, cuối cùng các tổ chức sinh học như bị bóc từng lớp. Dao cắt Laser excimer được ứng dụng trong y học với tên gọi là “dao cắt lạnh” (phi nhiệt).

Ứng dụng của Laser trong nhãn khoa

Một trong những ứng dụng của laser trong y học phổ biến là trong nhãn khoa. Đèn tia laser được sử dụng để phẫu thuật giác mạc khúc xạ.

Với các mắt cận thị, viễn thị hay loạn thị, do sự mất cân đối giữa các tiêu điểm của các tổ chức quang học (giác mạc, thuỷ tinh thể) và chiều dài của nhãn cầu.

Điều này thường được sửa tật bằng cách đeo một thấu kính hội tụ hay phân kỳ dưới dạng kính cận, kính viễn hoặc kính áp tròng. Một cách sửa tật khác là có thể thay đổi bán kính cong của bề mặt giác mạc bằng Laser excimer.

ứng dụng của laser trong y học

Ứng dụng của tia Laser trong thẩm mỹ

Trong ngoại khoa thẩm mỹ, với từng loại tổn thương và loại hình phẫu thuật mà người ta chọn loại đèn tia Laser khác nhau, nhằm đáp ứng mục đích phá hủy mô một cách chọn lọc (tùy theo khả năng hấp thụ chọn lọc của mô bệnh lý với từng bước sóng).

Trong thẩm mỹ sử dụng Laser theo 2 hướng: giải phẫu thẩm mỹ và săn sóc thẩm mỹ (Nội khoa thẩm mỹ); được sử dụng phổ biến và hiệu quả cao như Laser CO2, ND-YAG, Erbium, Q-Nd, Fraxel, Vbeam, Ruby, Laser kết hợp CO2–erbium/YAG…

Ứng dụng của laser trong y học là phát huy tối đa tác dụng trên các tổn thương sắc tố bẩm sinh hoặc mắc phải như bớt xanh đen, tàn nhang, ban vàng, các tổn thương mạch máu ở da bẩm sinh như u mạch máu, bớt đỏ và các tổn thương khác…

Trong giải phẫu thẩm mỹ, các nhà chuyên môn thường sử dụng Laser nhiệt như một con dao mổ, phổ biến nhất là Laser CO2, Laser Argon và Laser YAG để điều trị: sẹo mụn trứng cá, các u máu, các u sắc tố, sẹo lồi, sẹo phì đại, các vết tăng sắc tố sau phẫu thuật, đốt, tẩy các nốt ruồi xấu, đốt mụn thịt, tẩy tàn nhang, tẩy vết nám, bớt bẩm sinh, lột da mặt ở các mức độ khác nhau, tẩy lông.

Ngược lại, Laser sử dụng trong săn sóc thẩm mỹ chủ yếu là Laser lạnh, công suất thấp để săn sóc da thuần túy với các kỹ thuật: tẩy tế bào chết trên da, chiếu để kích thích các tế bào da phát triển và thay mới, kích thích tăng cường tuần hoàn dưới da để tăng nuôi dưỡng da và làm hồng hào da, kích thích tăng sinh, tái tạo collagen và mô đệm để da căng đầy và mềm mại, làm tăng độ đàn hồi của da để xóa các vết nhăn, chống lão hóa da, giữ gìn sắc diện tươi trẻ cho da, làm tan mỡ ở những vùng ứ đọng mỡ không mong muốn, làm săn chắc những bộ phận bị nhão, xệ, hồi phục và duy trì vóc dáng trẻ trung của cơ thể.

ứng dụng của laser trong y học

Ứng dụng của Laser trong y học để điều trị bệnh ung thư

Laser còn được ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư vì nhiều ưu điểm: khá chọn lọc và chuyên biệt cho các loại ung thư; có hiệu quả đối với tất cả cho các loại khối u; tỉ lệ thành công đến 90% cho ung thư giai đoạn đầu (ung thư thực quản và ung thư phổi, đối với ung thư đã phát triển thì tỉ lệ thành công trên 70%); không độc hại, không ức chế miễn dịch và ức chế tủy xương; không ảnh hưởng đến các liệu pháp khác (hóa trị / xạ trị) và có tác dụng bổ sung; thời gian điều trị ngắn, hiệu quả và có tác dụng trong vòng 48-72 giờ.

Ứng dụng của Laser trong y học để điều trị bệnh ung thư có 3 hướng ứng dụng chính: phẫu thuật ung thư, liệu pháp nhiệt điều trị ung thư và phương pháp quang động học (PDT, tiếng Anh đầy đủ là photodynamic therapy).

Trong những năm gần đây, người ta đã và đang nghiên cứu phương pháp sử dụng Laser để tăng cường chức năng hệ miễn dịch.

Các loại Laser sử dụng trong điều trị ung thư: Laser CO2 – có thể loại bỏ một lớp mỏng của mô từ bề mặt da đến lớp sâu hơn, dùng điều trị ung thư da và tế bào tiền ung thư; Laser Nd:YAG (Neodymium:Yttrium-Aluminum-Garnet) – có thể đâm xuyên sâu vào trong mô và có thể gây đông máu nhanh (hàn vết thương), có thể dùng sợi quang để dẫn truyền chùm tia Laser điều trị những vùng bên trong cơ thể khó có thể tới được (điều trị ung thư cổ họng)

Laser Argon – chỉ truyền qua những tầng nông của mô như là da, điều trị bằng phương pháp quang động học (PDT) dùng Laser Argon chiếu vào để hoạt hoá chất nhạy quang trong tế bào ung thư. Các kỹ thuật thường hay áp dụng: cắt ung thư thanh quản, hạ họng bằng Laser, cắt u họng – thanh quản bằng Laser, cắt u nhú thanh quản bằng Laser, cắt khối u vùng họng miệng bằng Laser…

Ứng dụng của Laser trong vật lý trị liệu, phục hồi chức năng (VLTL – PHCN)

Nhiều công trình nghiên cứu cũng như thực tế ứng dụng lâm sàng cho thấy hiệu ứng kích thích sinh học khi chiếu Laser có rất nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả cao trong công việc phòng bệnh và chữa bệnh, duy trì sức khỏe con người, cụ thể như: chiếu điều trị vết thương (sát trùng vết thương, tiêu hủy các tế bào mô chết, tăng cường chống viêm, giảm đau, tăng sinh các mô lành, kích thích tổ chức hạt ở vết thương phát triển nhanh, thúc đẩy nhanh quá trình lành sẹo và hồi phục chức năng)

Chiếu kích thích tổ chức lành để hồi phục và tăng cường sức khỏe, để duy trì và tăng cường hoạt động sinh lý bình thường của các cơ quan trong cơ thể, điều chỉnh các rối loạn và tăng cường hoạt động của hệ tim mạch, duy trì chức năng bình thường của các hoạt động tâm thần kinh, tăng lưu lượng máu đến những vùng được chiếu.

Các kỹ thuật thường hay áp dụng trong VLTL – PHCN như: điều trị bằng Laser công suất thấp, bằng Laser He-Ne, bằng Laser YAC…

Laser nội tĩnh mạch

Laser nội tĩnh mạch là đưa đầu phát Laser vào lòng tĩnh mạch, dùng nguồn phát Laser công suất thấp để điều trị hoặc dùng nguồn phát Laser công suất cao để gây đông tắc tĩnh mạch.

Ứng dụng của Laser trong y học tại các chuyên khoa sâu

Trong Hồi sức cấp cứu và chống độc: điều trị đốt điện các khối u nội khí phế quản với tia Laser.

Trong Nội khoa: Nội soi phế quản – điều trị u, sẹo hẹp khí phế quản với Laser; điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng kỹ thuật Laser phóng bên; nội soi can thiệp – cầm máu ống tiêu hóa bằng Laser Argon…

Trong Răng hàm mặt: điều trị tủy răng có sử dụng Laser và hàn kín hệ thống ống tủy bằng Gutta percha nóng chảy; điều trị sâu ngà răng phục hồi bằng GlassIonomer Cement (GIC) có sử dụng Laser; điều trị u lợi bằng Laser…

Trong Da liễu: Trẻ hoá da bằng các kỹ thuật Laser Fractional; điều trị loét lỗ đáo cho người bệnh phong bằng chiếu Laser Hé-Né; điều trị nám má bằng Laser Fractional; điều trị bớt sắc tố, chứng tăng sắc tố, sùi mào gà, chứng dày sừng, u mềm lây, sẩn cục… bằng Laser.

Trong Gây mê hồi sức: Gây mê/hồi sức/gây tê nội soi niệu quản ngược dòng bằng ống soi mềm tán sỏi thận bằng Laser; gây mê/hồi sức/gây tê phẫu thuật điều trị bằng Laser hồng ngoại; gây mê/hồi sức/gây tê phẫu thuật điều trị một số bệnh võng mạc bằng Laser (bệnh võng mạc tiểu đường, cao huyết áp, trẻ đẻ non…)…

Trong Ngoại khoa: Tán sỏi thận qua da có C. Arm + siêu âm/ Laser.

Trong lĩnh vực Bỏng: Chẩn đoán độ sâu bỏng bằng thiết bị Laser Doppler, điều trị vết thương chậm liền bằng Laser Hé-Né.

Trong Sản phụ khoa: Điều trị tổn thương cổ tử cung bằng đốt Laser.

Trong Sơ sinh: Laser điều trị bệnh lý võng mạc sơ sinh.

Trong Tai mũi họng: Phẫu thuật cắt polyp mũi bằng Laser, phẫu thuật Laser điều trị Amidan hốc mủ…

Trong Vi phẫu: Phẫu thuật vi phẫu sử dụng Laser cắt dây thanh và sụn phễu một bên.

Laser có nhiều ứng dụng hiệu quả trong y học nhưng việc sử dụng Laser trong thực tế đòi hỏi sự hiểu biết đầy đủ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chế độ an toàn cho cả bác sĩ và bệnh nhân.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Pacific Cross Việt Nam chuyên cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch. Dịch vụ của chúng tôi có nhiều sự lựa chọn, phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng.

Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân, gia đình hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi sẽ luôn hỗ trợ, tư vấn tận tâm để đảm bảo rằng bạn tìm được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thông tư 50/2014/TT-BYT quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật do Bộ Y tế ban hành ngày 26/12/2014.
  2. Giáo trình Vật lý y sinh học – Bộ môn Vật lý y sinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  3. Bài giảng “Laser và ứng dụng trong y học” – Bộ môn Lý sinh y học, Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên.
  4. Bài viết “Ứng dụng Laser trong vật lý trị liệu” của BS. Huỳnh Văn Lộc, Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
  5. Bài viết “Laser trị liệu” của PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, Bệnh viện 103.
  6. https://www.researchgate.net/publication/231009441_Lasers_in_medicine.

Từ khóa » Tia Laser được Dùng để Làm Gì