Văn 11 - Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Xuân Diệu [2] - Wattpad

A. PHẦN MỞ ĐẦU:

Xuân Diệu - một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Đó là bước chuyển tất yếu của một trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ. Thơ văn Xuân Diệu có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam, cuộc đời và thơ của ông gắn với quê hương đất nước. Ông có khát vọng hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình cho dân tộc, ông không ngại khó khăn, gian khổ, hăng hái, nhiệt tình, đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc để phục vụ nhân dân. Chính vì lẽ đó, Xuân Diệu được tất cả độc giả trong nước yêu mến và ngưỡng mộ không chỉ ở thơ, mà còn ở tấm lòng say sưa và chân thành với cuộc đời của ông.

B. NỘI DUNG:

I. Cuộc đời:

Xuân Diệu (1916 - 1985) còn có bút danh là Trảo Nha, tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Ông thân sinh Xuân Diệu là một nhà nho, quê ở làng Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; mẹ thi sĩ quê ở Gò bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Ông là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới".

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc, Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996)

II. Sự nghiệp:

Xuân Diệu là người để lại nhiều công trình nghiên cứu và phê bình văn học có giá trị. Ông viết về hầu hết các nhà thơ cổ điển Việt Nam với những tiểu luận văn học đặc sắc. Ông viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Tản Đà, Trần Tuấn Khải... Viết về ai ông cũng có cái nhìn mới, khám phá ra nhiều cái hay mà người trước chưa đề cập đến. Ông cũng viết nhiều về công việc làm thơ, về thơ của các nhà thơ trẻ, về những hiểu biết của ông về ca dao, dân ca.

Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Xuân Diệu là cuộc đời và sự nghiệp của một tâm hồn khao khát sống, khao khát giao cảm với con người và cuộc đời. Hay như chính ông viết: "Thơ tôi đó, gió lùa đem tỏa khắp - Và lòng tôi mời mọc bạn chia nhau''. Khát khao sống, khát khao giao cảm, thơ văn ông trở thành "sự sống chẳng bao giờ chán nản". Ông mất rồi mà "đời" văn ông vẫn sống, vẫn dài thêm năm tháng những gì ông viết, những gì ông để lại vẫn tiếp tục "chuyền lửa" giữa cuộc đời.

Từ khóa » Sự Nghiệp Sáng Tác Của Xuân Diệu