VĂN BẢN. MÙA XUÂN NHO NHỎ - Củng Cố Kiến Thức

1. Đọc nhiều lần bài thơ và tìm hiểu mạch cảm xúc trong bài (gợi ý: từ cảm xúc về thiên nhiên, đất nước dẫn đến suy nghĩ, ước nguyện của tác giả). Từ việc nhận ra mạch cảm xúc, hãy nêu bố cục của bài thơ.

- Bài thơ được triển khai theo mạch cảm xúc và suy nghĩ như sau:

+ Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, mạch cảm xúc và tư tưởng của tác giả dẫn đến mùa xuân của đất nước, của cách mạng và mùa xuân nho nhỏ của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước.

+ Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước trong lao động và chiến đấu, nghĩ về đất nước vất vả gian lao nhưng vẫn đi lên phía trước, nhà thơ nêu lên ước nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước.

- Bài thơ được chia làm hai phần:

+ Ba khổ thơ đầu: Cảm nhận về mùa xuân thiên nhiên, đất nước với màu sắc của hoa và âm thanh tiếng chim hót (khổ một); mùa xuân của cuộc sống chiến đấu và sản xuất (khổ hai); thế đi lên không gì ngăn cản nổi của Đảng trong quá khứ và hiện tại (khổ ba).

+ Ba khổ còn lại: Mỗi cá nhân phải đóng góp phần mình vào mùa xuân chung ấy, nhà thơ tự nguyện đóng góp một nốt trầm vào bản nhạc mùa xuân chung của đất nước.

2. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu?

- Khổ thơ đầu với sáu dòng thơ đã mở ra khung cảnh mùa xuân. Với nhịp điệu ngắn gọn, lời thơ hàm súc, chấm phá được cảnh sắc thiên nhiên:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi! con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời!

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng...".

Tại sao tác giả lại gọi là “dòng sông xanh”? Phải chăng màu xanh của dòng sông và sắc tím của bông hoa hòa hợp làm tạo ra một nét đặc biệt rất Huế. Chỉ với đôi nét điển hình đặc sắc đó đã đủ tạo ra một không gian mùa xuân phóng khoáng, bay bổng, đằm thắm dịu dàng, tươi mát và đầy chất thơ.

Tiếng hót vang trời của con chim chiền chiện (loài chim xuất hiện vào mùa xuân) càng làm cho không gian ấy thêm náo nức.

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng...”.

Âm thanh vốn chỉ được cảm thụ bằng thính giác nhưng nhà thơ lại cảm nhận được, nhìn thấy được “long lanh rơi” và tiếp xúc được “Tôi đưa tay tôi hứng”. “Hứng” là động tác trân trọng, nâng niu của nhà thơ đối với từng giọt mùa xuân, từng giọt hạnh phúc lắng đọng kết tinh của trời và sông, của chim và hoa.

Qua đoạn thơ mở đầu này trong khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên, người đọc có thể hình dung được tâm trạng say mê, hào hứng của nhà thơ khi mùa xuân tới.

3. Phân tích đoạn thơ "Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc" (chú ý những hình ảnh biểu tượng, từ ngữ và cách diễn đạt rất gợi cảm thể hiện một ước nguyện chân thành của tác giả). Đoạn thơ ấy gợi cho em những cảm nghĩ gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người.

- Từ cảm xúc dạt dào trên, nhà thơ đã tâm niệm:

“Ta Làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến".

- Nhà thơ nguyện làm một tiếng chim hòa trong giọng hát của muôn loài chim, một cành hoa lẫn trong hương sắc của muôn hoa, một nốt trầm trong bản nhạc hòa ca xao xuyến lòng người. Bốn câu thơ bày tỏ khát vọng muốn sống hữu ích cho đời.

- Nốt trầm xao xuyến ấy cũng là lí tưởng cao cả của một người muốn cống hiến sức mình cho nhân dân đất nước.

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc...”.

- Nhà thơ muốn mình là một “mùa xuân nho nhỏ” hòa vào mùa xuân bao la vô hạn của cuộc đời, dù tuổi đang xuân hay khi đầu đã chớm bạc. Điệp từ “dù là” như lời khẳng định, dù trong bât cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào cũng phải nghĩ về cuộc đời, làm việc có ích cho xã hội.

4. Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Những yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, điệp ngữ... đã được sử dụng như thế nào để tạo được nhạc điệu ấy?

- Những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ là tác giả đã sử dụng và sáng tạo những phương tiện và thủ pháp nghệ thuật phù hợp.

- Trước tiên là thể thơ ngũ ngôn, thể thơ gần gũi với các làn điệu dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, vốn có âm hưởng dìu dặt, nhẹ nhàng, tha thiết, tác giả dùng lối gieo vần liền giữa các khổ thơ đã tạo thành sự liền mạch cảm xúc cho cả bài thơ.

- Nhà thơ cũng dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, những hình ảnh tự nhiên và giản dị giàu ý nghĩa tượng trưng khái quát để nói lên ước nguyện của mình “Ta làm con chim hót/Ta làm một cành hoa”. Ở đầu bài thơ, tác giả đã phác họa hình ảnh mùa xuân cũng bằng các chi tiết bông hoa và tiếng chim hót. Sự lặp lại có nâng cao đổi mới của hệ thống hình ảnh cũng là nét đặc sắc của bài thơ.

- Mùa xuân nho nhỏ được cấu tứ chặt chẽ với giọng điệu thể hiện đáng trân trọng, cảm xúc chân thành tha thiết của tác giả. Theo sát nội dung của từng đoạn, giọng điệu bài thơ có sự biến hóa phù hợp, đoạn đầu vui tươi say mê, trầm lắng, nghiêm trang ở đoạn giữa và sôi nổi thiết tha ở đoạn khép lại.

5. Hãy nêu chủ đề của bài thơ.

- Nhà thơ muốn mình là một mùa xuân nho nhỏ hòa vào mùa xuân bao la của cuộc đời cho dù tuổi đang xuân hay khi đầu chớm bạc.

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời.

Dù là tuổi đôi mươi

Dù là khi tóc bạc...”.

- Điệp từ “dù là” như một lời khẳng định sự kiên định, dù phải đối mặt với bất cứ biến cố nào cũng vẫn làm việc hữu ích cho xã hội.

Đó cũng chính là chủ đề và ý nghĩa của bài thơ.

Từ khóa » Bố Cục Mạch Cảm Xúc Bài Mùa Xuân Nho Nhỏ