VĂN BẢN THỎA THUẬN TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG CÓ BẮT BUỘC ...

1. Nguyên tắc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân

Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Do đó, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có nhu cầu thì có quyền thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng như sau:

- Vợ, chồng tự thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung;

- Vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Hình thức của thỏa thuận tài sản của hai vợ chồng theo quy định pháp luật

Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:

Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.....”

Ngoài ra, về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo từng trường hợp như sau:

- Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi nhận trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản;

- Trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định;

- Trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực.

Như vậy, khi thỏa thuận với nhau về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì phải làm thủ tục ký kết văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng.

3. Các trường hợp thoả thuận chia tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

Theo quy định của pháp luật thì hai bên có quyền tự do thỏa thuận việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng không được thuộc các trường hợp dưới đây, nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì việc thỏa thuận giữa hai vợ chồng được xem là vô hiệu:

– Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

– Việc chia tài sản nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

+ Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

+ Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

+ Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

+ Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

Hình thức của thỏa thuận này là phải được lập thành văn bản, có công chứng theo quy định của pháp luật như đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu, bất động sản, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Còn đối với các loại tài sản khác thì không bắt buộc công chứng mà chỉ là do thỏa thuận giữa hai vợ chồng hoặc do yêu cầu của một bên muốn công chứng văn bản phân chia tài sản chung này.

Lưu ý: Trong trường hợp, hai vợ chồng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì hai bên có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung cuả hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Bước 1: Người yêu cầu công chứng chuẩn bị hồ sơ và nộp trực tiếp tại Văn phòng công chứng

Hồ sơ gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng (Văn phòng công chứng có sẵn mẫu);

- Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam/Hộ chiếu của các bên tham gia giao dịch;

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;

- Bản sao một số giấy tờ khác:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

+ Sổ hộ khẩu

- Dự thảo văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (đối với trường hợp văn bản được người yêu cầu công chứng soạn sẵn)

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

- Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng;

- Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ: Công chứng viên ghi phiếu hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;

- Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Soạn thảo và ký văn bản

- Văn bản đã được người yêu cầu công chứng soạn sẵn: Công chứng viên kiểm tra dự thảo văn bản, nếu dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội… Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa.

Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng;

- Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng:

+ Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo Văn bản hoặc Công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng.

Người yêu cầu công chứng có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung.

+ Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong dự thảo văn bản, Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của văn bản.

Bước 4: Ký chứng nhận

Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 5: Nộp phí công chứng và nhận kết quả

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ văn bản thoả thuận tài sản chung của vợ chồng có bắt buộc công chứng không”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, giải quyết ly hôn, chia tài sản chung, con chung khi ky hôn,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

Từ khóa » Giấy Thỏa Thuận Vợ Chồng