Văn Bản Trái Luật, 'trên Trời': Ý Kiến 'người Gác Cửa' Cho Chính Phủ

• Bài 1: Nâng cao chất lượng văn bản - yêu cầu của cuộc sống • Bài 2: Còn nhiều quy định tương tự ‘mất bằng lái phải thi lại’ • Bài 3: “Quấy rối tình dục phạt 200.000 đồng, đổi 1 USD phạt 90 triệu’

Vậy trước tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được ban hành gây nhiều tranh cãi, phản ứng, thậm chí được xác định là trái luật, quan điểm của cơ quan “gác cửa” này như thế nào?

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. - Ảnh: Bộ Tư pháp

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp cho biết: Để hậu kiểm văn bản QPPL do các cơ quan nhà nước từ cấp bộ đến cấp xã (hơn 20.000 cơ quan) trên cả nước ban hành, Chính phủ đã quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện (khoảng 800 cơ quan) có thẩm quyền kiểm tra văn bản QPPL; đồng thời, bản thân các cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm tự kiểm tra văn bản do mình ban hành. Bộ Tư pháp được Chính phủ giao thực hiện kiểm tra văn bản của các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản QPPL trong cả nước.

Thời gian qua, công tác kiểm tra văn bản trong cả nước tiếp tục được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, từ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất; việc kiểm tra văn bản được thực hiện ngày càng kịp thời sau khi văn bản được ban hành; chú trọng việc kiểm tra, xử lý các quy định chưa phù hợp, người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Riêng tại Bộ Tư pháp, trong năm 2018 và đến thời điểm này (25/3) năm 2019, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kết luận và kiến nghị xử lý đối với 157 văn bản có nội dung trái pháp luật (32 văn bản cấp bộ, 125 văn bản cấp tỉnh), trong đó có 24 văn bản được ban hành năm 2018 và 01 văn bản được ban hành năm 2019 (trên tổng số văn bản được kiểm tra khoảng 700 văn bản cấp bộ và 5300 văn bản cấp tỉnh).

Tại sao đã có việc kiểm tra văn bản như trên, đồng thời Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn quy định nhiều khâu giám sát mà vẫn tồn tại nhiều văn bản có những quy định không hợp lý, thậm chí trái pháp luật như vậy thưa ông?

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nổi lên là: về chủ quan, nhận thức về công tác xây dựng, ban hành văn bản của cán bộ, công chức một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; quy trình ban hành văn bản, nhất là đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp còn được thực hiện chưa thực chất; năng lực của một bộ phận công chức làm công tác xây dựng văn bản chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân khách quan xuất phát từ tính chất khó khăn, phức tạp của công tác xây dựng thể chế; những vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh có chiều hướng gia tăng, trong khi các điều kiện bảo đảm cả về con người và cơ sở vật chất cho công tác xây dựng pháp luật ở nhiều cơ quan còn chưa tương xứng.

Ông có thể cho biết, các văn bản trái pháp luật đã gây ra những hậu quả gì? Đến nay đã có thống kê về những hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra chưa?

Về tổng thể, ở các mức độ khác nhau, các văn bản trái pháp luật đều tác động xấu đến xã hội, ít nhất là tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho việc sửa đổi, bãi bỏ quy định sai phạm, mặt khác ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sự yên tâm của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Theo quy định của Chính phủ, cơ quan đã ban hành văn bản có trách nhiệm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lượng hóa và khắc phục hậu quả của văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn và nhìn chung các cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật chưa thực hiện được.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL chưa có đủ thông tin, số liệu để thống kê đầy đủ về hậu quả do văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, chính quyền địa phương gây ra. Hiện nay, Cục đang được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp đánh giá hậu quả đối với một số văn bản trái pháp luật thời gian qua theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong số các văn bản có nội dung trái luật do Bộ Tư pháp phát hiện, có văn bản nào có dấu hiệu “cài cắm” lợi ích nhóm như dư luận lâu nay lo ngại hay không, thưa ông?

Với số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện, xử lý trong cả nước thời gian qua, việc dư luận lo ngại như vậy là có thể hiểu được và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cần hết sức lưu tâm vấn đề này.

Kết quả kiểm tra văn bản thời gian qua cho thấy, trong các quy định trái pháp luật được Cục phát hiện cũng có những quy định theo hướng dành thuận lợi cho quản lý nhà nước (thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện đầu tư kinh doanh thu hẹp quyền của người dân, doanh nghiệp so với quy định của văn bản cấp trên…).

Tuy nhiên, việc xác định tính chất, mức độ sai phạm, từ đó cá biệt hóa trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị trong việc ban hành văn bản trái pháp luật phải được tiến hành theo quy định của pháp luật có liên quan (xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; truy cứu trách nhiệm hình sự…). Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp không được giao thẩm quyền thực hiện công việc này.

Việc chế tài, xử lý cơ quan, công chức tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật được thực hiện thế nào? Ông có đề xuất gì về vấn đề này, nhất là trong việc sửa đổi Luật ban hành văn bản QPPL?

Một văn bản QPPL có thể do nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức liên quan thực hiện với nhiều khâu, đoạn (soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thông qua, ký ban hành…); việc xác định, cá biệt hóa trách nhiệm phải căn cứ vào tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản.

Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 (khoản 7, khoản 8 Điều 7) có quy định về trách nhiệm đối với việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (điểm b khoản 2 Điều 134) cũng đã quy định: cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Từ thực tiễn thời gian qua, tôi cho rằng, các quy định này cần được cụ thể hóa hơn nữa để có thể áp dụng hiệu quả. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, tham mưu hoàn thiện quy định về đánh giá cán bộ, công chức, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, công chức tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật (Công văn số 248/VPCP-PL ngày 25/01/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ).

Theo ông, cần có những giải pháp gì để tăng cường chất lượng công tác kiểm tra văn bản trong thời gian tới, đặc biệt là công tác xử lý văn bản trái pháp luật?

Thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật. Thời gian tới, theo tôi, các cơ quan kiểm tra văn bản cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chính sau đây:

Thứ nhất, sử dụng hợp lý các nguồn lực được giao để thực hiện kiểm tra kịp thời các văn bản QPPL gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương; chú trọng các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật, chú trọng việc xử lý những văn bản sai phạm gây tác động xã hội tiêu cực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra văn bản.

Thứ hai, tiếp tục tập trung xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, nhất là những trường hợp văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Đối với Cục kiểm tra văn bản QPPL, cần tiếp tục tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp đôn đốc quyết liệt, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những trường hợp chậm xử lý văn bản trái pháp luật.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Qua công tác thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho thấy, trong thời gian qua, chất lượng văn bản ban hành nhìn chung đã được nâng cao, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến. Mặc dù vậy vẫn còn tình trạng một số văn bản quy phạm chưa nhất quán, phù hợp với thực tiễn.

Về vấn đề này, với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trên, trong đó tập trung ưu tiên một số giải pháp lớn sau đây:

- Thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015, nhất là các quy định về lập đề nghị xây dựng văn bản, thẩm định, kiểm tra văn bản…

- Đầu tư nguồn lực thỏa đáng, đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản.

- Củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành. Ưu tiên bố trí biên chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản, trong đó chú trọng năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định cho những người làm công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban pháp chế các bộ, ngành để thảo luận, trao đổi chuyên sâu về công tác xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hoá bằng pháp luật và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình hoặc gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định; tham gia tích cực và chủ động hơn với các bộ, ngành trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị Chương trình, soạn thảo đến thẩm định văn bản.

- Tiếp tục huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội; tạo cơ chế truyền thông chính sách, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định. Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động nghiên cứu trước và sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng, sau hơn 20 năm thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, khâu yếu mà nhiều người nhận thấy là việc tuân thủ các quy định về quy trình, cơ chế soạn thảo, ban hành văn bản không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trong một số trường hợp.

Về vấn đề này, ông Sơn đề nghị cần phải siết mạnh hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, xử lý các cơ quan, cá nhân ban hành văn bản sai, từ lỗi do trình độ yếu kém cho tới thực thi công vụ thiếu thận trọng, trường hợp cố ý làm sai, trục lợi, “tham nhũng thể chế”, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng càng phải bị xử lý nghiêm.

Ông Sơn cũng chỉ ra một số không ít “cán bộ, công chức” đang tồn tại ở các bộ, ngành, địa phương với căn bệnh ngại đụng chạm, “mũ ni che tai”, “dĩ hoà vi quý”, “nước chảy bèo trôi”, làm việc cứ bình bình, hiệu quả không cao nhưng lại rất dễ lọt qua các “khe cửa” khi bình bầu, lấy “phiếu tín nhiệm” để bổ nhiệm, đề bạt. Những người này tuy không đụng chạm ai, nhưng lại gây hậu quả cho xã hội rất lớn bởi những tham mưu, quyết định kém hiệu quả, có khi sai trái, đặc biệt là “cài cắm” lợi ích cục bộ trong các văn bản đó.

Ông Sơn cũng kiến nghị, cần duy trì một cơ chế cẩn trọng với một số công đoạn cần thiết để xây dựng, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. “Bởi văn bản QPPL có hiệu lực lâu dài, tác động đến nhiều người. Nếu có sai sót thì gây hậu quả nghiêm trọng với xã hội trong một thời gian dài, thậm chí mất niềm tin của người dân”, ông Sơn phân tích.

(còn tiếp)

Nhóm phóng viên

Từ khóa » Ví Dụ Về Văn Bản Trái Hiến Pháp