Văn Bản Văn Học

1.1. Nội dung bài học

a. Tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học

  • Văn bản văn học là những văn bản đi sâu phản  ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm, tư tưởng, thoả mãn nhu cầu của thẩm mỹ con người. Những chủ đề như tình yêu, hạnh phúc, băn khoăn đau khổ, khát vọng vươn tới Chân- Thiện- Mỹ,... thường trở đi trở lại với chiều sâu và sắc thái thẩm mỹ khác nhau.
    • Ví dụ 
      • Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ".
        • Hiện thực: Người chinh phụ sống lẻ loi đợi chồng đi chinh chiến trở về.
        • Tâm trạng của người chinh phụ: Cô đơn, buồn tủi, xót xa khi phải lẻ loi đợi chồng đi chinh chiến trở về.
  • Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có tính hình tượng, tính thẩm mỹ cao và có nội dung nhất định.
    • Ví dụ

​"Bây giờ Mận mới hỏi Đào,

Vườn Hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì Đào xin thưa

Vườn Hồng có lối nhưng chưa ai vào."

Ngôn từ: Đời thường nhưng có tính nghệ thuật (tính nghệ thuật).

Ý nghĩa: Không có ý nghĩa thực dụng mà gợi về tình yên nam nữ (nhờ hình tượng mận, đào)

→ Mang tính thẩm mỹ.

  • Văn bản văn học được xây dựng theo một phương thức riêng, nghĩa là mỗi tác phẩm đều phải thuộc về một thể loại nhất định và chịu sự chi phối của thể loại đó.
    • Ví dụ
      • ​Thơ thì có vần điệu, tiết tấu, niêm luật, khổ thơ, câu thơ...
      • Truyện thì có cốt truyện, nhân vật, kết cấu.

⇒ Tuy nhiên, văn bản văn học không chỉ là những biện pháp, kỉ xảo ngôn từ mà còn là một sáng tạo tinh thần của nhà văn.

b. Cấu trúc của văn bản văn học

Tầng ngôn từ (Từ ngữ âm đến ngữ nghĩa)

Ngữ âm: Nhịp điệu, âm thanh được gợi bởi ngôn từ nghệ thuật.

                   Ví dụ:  (1)   Tài cao phận thấp chí khí uất,

                                      Giang hồ mê chơi quên quê hương. (Tản Đà)

                             (2)     Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan,

                                      Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.

                                      Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy,

                                      Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan,… (Tố Hữu)

                             (3)     Giật mình mình lại thương mình xót xa. (Nguyễn Du)

Ngữ nghĩa: Từ nghĩa tường minh đến nghĩa hàm ẩn, nghĩa đen đến nghĩa bóng.

                   Ví dụ 1: Con chó sói: Loài thú ăn thịt, hung dữ, độc ác → Lòng lang dạ sói – để chỉ loại người bản chất nham hiểm, độc ác cần phải đề phòng.

                   Ví dụ 2: Từ ngôi sao nghĩa là “tỏa sáng”, chúng ta có ngôi sao điện ảnh, ngôi sao ca nhạc…với hàm nghĩa khen ngợi, ngưỡng mộ.

                   Ví dụ 3: Mùa xuân: Cây cối đâm chồi nảy lộc, tiết trời ấm áp ôn hòa, là mùa đẹp nhất trong năm → Tuổi xuân: là tuổi đẹp nhất của con người, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết,…

                   Ví dụ 4: Con đỉa, dai như đỉa; mặt trời, mặt trời đi qua trên lăng,…

  • Trong tầng ngôn từ, cần chú ý:
    • Ngữ nghĩa của các từ ngữ trong văn bản là gì (nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn, nghĩa đen, nghĩa bóng).
    • Ngữ âm của các từ có gì đặc biệt, trầm - bổng, êm dịu - trúc trắc, nó gợi lên âm thanh gì (tính nhạc)
  • Tầng ngôn từ là bước đầu tiên cần vượt qua để khám phá chiều sâu của văn bản.

Tầng hình tượng

  • Hình tượng văn học là mọi hình ảnh đời sống được nhà văn đưa vào tác phẩm bằng ngôn từ nghệ thuật – mang thông điệp.
  • Hình tượng văn học có thể là hình ảnh thiên nhiên, tự nhiên, sự vật, con người: hoa sen, cây tùng, những chiếc ô tô (Bài thơ về tiểu đội xe…); anh thanh niên (lặng lẽ Sa Pa).
  • Hình tượng văn học do tác giả sáng tạo ra, không hoàn toàn giống như sự thật của cuộc đời, nhằm gửi gắm ý tình sâu kín của mình với người đọc, với cuộc đời.
  • Từ tầng hình tượng có thể suy ra tầng hàm nghĩa.

Ví dụ 1: Hình tượng hoa sen trong bài ca dao trong mục 2.

→ Hoa sen thơm ngát, tươi đẹp giữa chốn bùn lầy trở thành hình tượng ngợi ca phẩm chất cao quý của con người.

Ví dụ 2:

"Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non".

→ Con cò trở thành một hình tượng nghệ thuật để chỉ sự tần tảo, vất vả, hi sinh, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.             

Tầng hàm nghĩa

  • Tầng hàm nghĩa là phần nghĩa bên trong, ẩn kín trong văn bản mà người ta phải đọc kỹ, phải suy nghĩ mới hiểu được điều nhà văn muốn nói.
  • Tầng hàm nghĩa có thể là những tâm sự, những thể nghiệm cuộc sống, quan niệm đạo đức xã hội, những ước mơ hoài bão,...
  • Để tìm hiểu tầng hàm nghĩa cần tìm hiểu các lớp đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo,...

c. Từ văn bản đến tác phẩm văn học

  • Nhà văn sáng tác ra tác phẩm văn học, nếu chưa được độc giả tìm hiểu thì chưa thể có tác động đến xã hội. Phải thông qua việc đọc tác phẩm thì những sự việc, những hình ảnh, chi tiết, tư tưởng, khát vọng,... mới tác động đến độc giả, đến xã hội.
  • Người đọc càng trải nghiệm sâu sắc cuộc sống càng hiểu thấu đáo quy luật nghệ thuật, nội dung tác phẩm càng hiện lên đầy đủ, sâu sắc, phong phú trong tâm trí và như vậy tác phẩm lại càng có tác động đối với con người, với cuộc đời.

Từ khóa » định Nghĩa Văn Bản Văn Học Là Gì