Vẫn Chưa Thể “rửa Tay Gác Kiếm”
Có thể bạn quan tâm
Đó là những vấn đề đã được đặt ra trong Tọa đàm về Đề tài và nhân vật điện ảnh hôm nay bên lề giải Cánh diều Vàng 2007 vừa qua.
Những nhân vật lịch sử và khán giả
Xung quanh vấn đề xây dựng các bộ phim lịch sử, một số ý kiến của các nhà báo và nhà quản lý của TP Hồ Chí Minh cho rằng các nhà điện ảnh không nên làm phim để tái hiện lịch sử như nó đã xảy ra, vì những nhân vật lịch sử nguyên trạng, nhất là những anh hùng thời chiến không hấp dẫn khán giả trẻ hôm nay.
Có ý kiến cho rằng những nhân vật anh hùng kiểu anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, bây giờ không cần nữa vì loại nhân vật này thực ra đã xa lạ với khán giả bây giờ.
Có ý kiến lại cho rằng các nhân vật này thực ra vẫn rất cần và vẫn có khả năng thu hút khán giả, nhưng phải võ thuật hóa, cách điệu hóa để thoát khỏi nguyên mẫu thật. Nghĩa là các anh hùng giờ đây muốn bước lên màn ảnh nhất thiết phải thắt đai đen hay đai đỏ, như các nhân vật trong "Dòng máu anh hùng" vẫn hấp dẫn lớp trẻ vì những pha võ thuật. Đằng sau những màn võ thuật là lòng yêu nước của những người anh hùng ấy.
Với một phim lịch sử, chỉ cần đưa đến cho khán giả những thông điệp của lòng yêu nước là đã đủ. Không nhất thiết phải thần thánh hóa các nhân vật, hay tái hiện nhân vật như trong lịch sử mà điện ảnh Việt Nam vẫn xây dựng xưa nay.
Những người đưa ra những nhận định và "định hướng" kiểu này đã chỉ căn cứ (mà chưa hẳn đã chính xác) vào thực tế khán giả trẻ trong các thành phố lớn, không nhìn rộng ra khán giả trong cả nước, nhất là 80% khán giả nông dân.
Theo số liệu của Cục Điện ảnh, những bộ phim lịch sử về chiến tranh cách mạng hay về những anh hùng thời chiến vẫn có sức hấp dẫn lớn với hàng triệu nông dân, bộ đội. Những buổi chiếu các phim về các nhân vật thời thượng của thời nay như người mẫu, trai bầu, gái nhảy thu hút được rất ít khán giả nông thôn, nhất là khu vực miền núi và hải đảo.
Gạt đa số khán giả nông dân ra khỏi mối quan tâm của điện ảnh, những quan điểm coi điện ảnh chỉ là điện ảnh giải trí của tuổi trẻ trong các thành phố lớn đã tỏ ra phiến diện, thể hiện một quan điểm thị trường tuyệt đối và một thái độ văn hóa cực đoan.
Chiến tranh và những anh hùng lịch sử tự nó không phải là những đề tài và nhân vật đã bị cả nhân loại coi là lỗi mốt.
Thế giới vẫn làm ra hàng trăm bộ phim nổi tiếng về lịch sử cộng đồng của họ, như "Cuốn theo chiều gió" làm về lịch sử nội chiến của Hoa Kỳ, "Troy" làm về lịch sử chiến tranh Hy Lạp, "Ba chàng ngự lâm pháo thủ" tái hiện lịch sử Pháp, "Robin Hoot" dựng lại người anh hùng trong lịch sử nước Anh.
"Spartacus" làm về những anh hùng của thời La Mã, "Hoàng đế cuối cùng", "Tam quốc diễn nghĩa", "Thích khách" làm về những nhân vật anh hùng và những cuộc chiến tranh trong lịch sử Trung Hoa... Những bộ phim này đã hấp dẫn khán giả cả thế giới, trong đó có khán giả trẻ Việt Nam.
Vậy thì tại sao chúng ta không thể phấn đấu để làm ra những bộ phim lịch sử hay về những anh hùng dân tộc của mình như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung? Hay chỉ các cường quốc mới có quyền làm phim ngợi ca những anh hùng của họ, những chiến công của họ?
Đề tài và nhân vật tự nó không có tội. Nếu một bộ phim về lịch sử dân tộc, về những anh hùng thời chiến của chúng ta còn chưa hấp dẫn khán giả hôm nay thì đó là do tài năng của nghệ sĩ chưa đủ, đẳng cấp của nền điện ảnh chưa cao. Chưa có tài, chưa đủ điều kiện để có phim lịch sử hay - điều đó hoàn toàn khác với việc tước đi của điện ảnh dân tộc quyền tái hiện số phận tổ tiên và những anh hùng thời chiến.
Nhân vật người lính và chủ nghĩa nhân văn
Một số ý kiến tọa đàm không nhân danh thị hiếu khán giả để đòi đuổi các nhân vật lịch sử, các anh hùng thời chiến ra khỏi màn ảnh thời hội nhập, mà nhân danh chủ nghĩa nhân văn để loại trừ những nhân vật của chiến tranh.
Họ cho rằng, việc xây dựng các nhân vật thời chiến sẽ làm nhân vật phim bị đóng khung trong một vài phẩm chất nào đó. Vì trong đời sống chiến tranh bất thường, con người không thể bộc lộ hết những phẩm chất tiềm tàng trong nhân cách cá nhân và văn hóa cộng đồng.
Làm phim về thời bình, nghệ sĩ có cơ hội khai thác con người trong mê cung của đời thường, nhân vật sẽ có cơ hội bộc lộ những phẩm chất và những bản lĩnh phù hợp với mối quan tâm của các dân tộc khác.
Nhân vật thời bình sẽ phải giải quyết những bài toán văn hóa nan giải hơn, phức tạp hơn, như làm thế nào để có thể chia sẻ văn hóa mà không đánh mất mình.
Đây là một cuộc đấu tranh rất lớn trong mỗi con người và trong cả cộng đồng. Nhân vật sẽ được người xem hiện nay chia sẻ, có sức thuyết phục và gây xúc động cho người xem.
Thực tế là trong lịch sử điện ảnh thế giới nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng đã xuất hiện nhiều hình ảnh những người lính mang bản chất nhân văn, thậm chí là hiện thân của lý tưởng nhân văn.
Những người lính trong "Giải cứu binh nhì Ryan" khi thực hiện nhiệm vụ đưa một đồng đội về cho người mẹ anh ta ở quê hương đã xả súng từ đầu đến cuối phim, nhưng họ không hiện ra như những robot chiến tranh mà như những sứ giả của một tinh thần nhân văn kiểu Mỹ.
Ai bảo người lính ở chiến trường không có những day dứt nhân văn, những cuộc chiến âm thầm để vừa không đánh mất mình, vừa chia sẻ về văn hóa? Nhân vật Bạo trong "Ký ức Điện Biên" chẳng từng mang tâm trạng bối rối trước sự tử tế của ngoại nhân ngay trong cuộc chiến đó ư?
Nếu nguời lính Pháp Becna không đầu hàng Việt Minh để trở thành một người bạn, thì Bạo chỉ việc xả súng vào anh ta một cách quyết liệt trong chiến đấu. Nhưng anh ta đã trở thành bè bạn hấp dẫn cô y tá Mây, người mà Bạo thầm yêu, thì Bạo không thể nào xả súng vào anh ta để giữ người như đã từng xả súng để giữ đất.
Bạo phải âm thầm chịu đựng những nỗi đau và sự mất mát, vừa phải chống lại những ý nghĩ xấu về Becna để giữ cho mình không vi phạm chính sách với hàng binh, không có những ứng xử thấp hơn những tình cảm nhân văn truyền thống của cộng đồng. "Người lính" trong Bạo bị "người bạn" trong anh kìm nén lại.
Cho đến khi thấy Becna trốn đi, người lính trong Bạo tìm thấy cơ hội để vùng lên. Bạo xách súng đi tìm Becna trong đêm mưa. Mây thảng thốt ngăn Bạo lại mà không ngăn được. Nhưng đến khi Bạo thấy Becna đang ngồi khóc bên đống xác bạn trên đồi A1, anh mới hiểu con người Becna, xúc động trước tình cảm của người lính Pháp.
Đến giây phút ấy, những tình cảm nhân văn trong Bạo mới thực sự hòa chung vào tình cảm của Becna. Như vậy, Bạo là một nhân vật của thời chiến, nhưng vẫn có thể mang những day dứt văn hóa của thời hội nhập. Anh vừa muốn chia sẻ về văn hóa, vừa hoang mang sợ đánh mất mình.
Không nhất thiết phải xây dựng những nhân vật của thời bình mới có thể khai thác sâu con người theo hướng nhân văn. Nhiều khi những nhân vật thời bình vẫn hằn rõ những phẩm chất của con người một thời chiến trận.
Nhà văn Đỗ Chu đã có một truyện ngắn về một anh lính tâm thần, khi đã trở lại quê hương sống trong hòa bình mà vẫn luôn mang tác phong của người lính trong chiến đấu, luôn giơ tay chào và chân bước đều bước trên khắp ngõ quê.
Như vậy là, những người tự ti ngây thơ, những người mặc cảm hay những người muốn làm sạch ký ức về lịch sử sẽ chẳng thể nào nhân danh chủ nghĩa nhân văn để tẩy chay nhân vật người lính ra khỏi màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ.
Người lính trong chiến trận vẫn sẽ mãi đồng hành với tư duy sáng tạo ngày càng mới mẻ của các nghệ sĩ điện ảnh, bình đẳng với những ông Tiên, nhưng mụ phù thủy trong các phim cổ tích và chẳng hề lép vế so với các siêu nhân, các võ sĩ, các người mẫu chân dài trong các phim giải trí hôm nay.
Theo Văn Nghệ Công An
Từ khóa » Những Hình ảnh Rửa Tay Gác Kiếm
-
Hình Ảnh Rửa Tay Gác Kiếm - BeeCost
-
100+ Hình ảnh Giang Hồ Gác Kiếm
-
Top 14 Hình Rửa Tay Gác Kiếm 2022
-
Top 14 Hình ảnh Rửa Tay Gác Kiếm 2022
-
Hành Trình Rửa Tay Gác Kiếm Của Một Yakuza - Thế Giới - Zing
-
Rửa Tay Gác Kiếm - Facebook
-
Ảnh Chế Cực độc:Bà Tưng "rửa Tay Gác Kiếm" - Nóng Nhất Trong Ngày
-
Đòi 'rửa Tay Gác Kiếm', Chị đại Bị đàn Em Dàn Cảnh Chụp ảnh Nóng ...
-
Giang Hồ Cộm Cán 'rửa Tay Gác Kiếm' Nấu Cháo Từ Thiện - VTC News
-
Đạo Làm Chồng đảm: Gangster “rửa Tay Gác Kiếm” Lui Về Nội Trợ Khiến ...
-
Ông Trùm Của Thể Loại Phim "gangster"... "rửa Tay Gác Kiếm" Trong ...
-
"Đại Ca" Giữa đường đứt Gánh Hoàn Lương - Báo Công Lý
-
Những ông Vua Võ Thuật Thất Hứa Chuyện 'rửa Tay Gác Kiếm'